Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc la cuối cùng

"Chiếc lá cuối cùng" (tiếng Anh: The Last Leaf) là một truyện ngắn của nhà văn người Mỹ O. Henry được xuất bản lần đầu vào năm 1907 trong tập truyện The Trimmed Lamp and Other Stories. Truyện ngắn đã được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước để giới thiệu văn học nước ngoài , trong đó có sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 1

Chiếc lá cuối cùng thuộc thể loại gì

Chiếc lá cuối cùng viết theo thể loại truyện ngắn. Phương thức biểu đạt là tự sự, miêu tả, biểu cảm. Phương thức biểu đạt chính là tự sự.

Chiếc lá cuối cùng tóm tắt

Tại một ngôi nhà ba tầng tồi tàn với những căn phòng cho thuê giá rẻ trong một khu phố nhỏ ở phía tây công viên Oa- sinh- tơn, vào khoảng tháng 11, khi gió lạnh mùa Đông tràn về, Xiu và Giôn-xi đến thuê chung một căn phòng trên tầng thượng ngôi nhà. Cụ Bơ-men cũng là một hoạ sĩ nghèo sống ở tầng dưới cùng…

Giôn –xi bị bệnh sưng phổi nặng, mặc cho Xiu chăm sóc, động viên, Giôn -xi cứ nằm quay ra cửa sổ nhìn những chiếc lá thường xuân trên dây leo bám vào tường gạch phía cửa sổ trước mặt rụng dần từng chiếc. Mỗi lần có một chiếc lá rơi, cô lại đếm ngược số lá còn lại và chờ chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô cũng buông xuôi lìa đời.

Cụ Bơ- men nghe Xiu kể, rất bực mình vì ý nghĩ ngớ ngẩn của Giôn-xi. Cụ lên gác, gặp Xiu, hai người sợ sệt nhìn cây thường xuân. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, Xiu chán nản kéo tấm mành che cửa lên theo lệnh của Giôn-xi thì ngạc nhiên, thấy chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn còn bám trên cây.

Một đêm mưa gió nữa lại qua, chiếc lá thường xuân vẫn dai dẳng bám trên cây. Giôn-xi nhìn ngắm chiếc lá, rồi cô thấy rằng “muốn chết là một tội”. Cô ngồi dậy ăn cháo, uống thuốc, và cùng với sự chăm sóc của Xiu, Giôn-xi đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng cũng thời điểm đó thì cụ Bơ-men đã qua đời vì cụ đã mắc phải bệnh viêm phổi sau cái đêm thức vẽ chiếc lá cuối cùng trong mưa gió.

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc la cuối cùng

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống

Nghệ thuật đảo ngược là yếu tố giúp tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn và gây hứng thú, tạo yếu tố bất ngờ cho độc giả.

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc lá cuối cùng

Lần đảo ngược tình huống thứ nhất diễn ra với Giôn – xi. Nghèo túng lại ốm nặng, cô luôn luôn khẳng định mình sẽ chết khi cây thường xuân rụng hết lá. Thấy thân cây chỉ còn vài ba lá mong manh, Giôn-xi và Xiu đều nghĩ sang mai sẽ chẳng còn chiếc lá nào bám trên cành. Vì vậy, Xiu đã kéo mành với tâm trạng chán nản. Cô hoàn toàn bất lực trước thái độ quả quyết của Giôn-xi. Bạn đọc đều nghĩ cứ cố chấp như vậy Giôn-xi sẽ chết. Nhưng hai lần vào đúng cái lúc ai cũng tin lá thường xuân rụng hết thì một hình ảnh bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán, Lần thứ nhất, Ơ hen-ri viết: “ Nhưng ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và bao cơn gió phũ phàng… “Vẫn còn một chiếc là thường xuân bám trên bức tường gạch”. Có lẽ người vui mừng nhất lúc này là Xiu. Giôn-xi nhận ra: “Đó là chiếc lá cuối cùng”, và khẳng định: “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”. Sự cố chấp ấy quả thật đáng chê trách. Lại một ngày, một đêm mưa gió phũ phàng nữa trôi qua. Sáng hôm sau, Giôn-xi lại ra lệnh kéo mành lên. Lần thứ hai, cả người trong truyện và ngoài truyên đều sửng sốt, thở phào nhẹ nhõm “chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Chiếc lá đã chiến thắng được thời tiết, tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức của Giôn-xi. Cuối cùng, cô gái ấy đã nhận ra sự ích kỷ tồi tệ của bản thân mình. Chiếc lá cuối cùng đã cứu một sinh linh, thức tỉnh khát vọng sống, khát vọng nghệ thuật của Giôn-xi. Cô nhận ra: “có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Ngày sau khi hồi sinh, Giôn-xi bắt đầu mơ ước về tương lai: “một ngày nào đó em hi vọng sẽ vẽ được vịnh Na- plơ". Vậy là Giôn-xi đã từ cõi chết trở về sự sống.

Sự đảo ngược tình huống còn diễn ra đối với cụ Bơ-men. Khác Giôn-xi, lâu nay, cụ vẫn khỏe mạnh. Thế mà, thật bất ngờ, hai ngày sau khi Giôn-xi hồi sinh, cụ lại ra đi cũng bởi căn bệnh viêm phổi. Giống như lão Hạc, sau khi cụ Bơ-men chết, người ta mới hiểu hết tấm lòng cao thượng của người nghệ sĩ đã từng thất bại trong đường đời. Thì ra ngay trong khi làm mẫu cho Xiu, cụ Bơ-men đã có một quyết định táo bạo. Khi bắt tay vào công việc, người nghệ sĩ chân chính ấy đã âm thầm hành động với ước nguyện thật cao cả: trả lại niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi. Để thực hiện giải pháp tình thế ấy, cụ Bơ men đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Có lẽ cụ cũng không ngờ đó là bức vẽ cuối cùng của đời mình. Vẽ chiếc lá, cụ không nhằm lưu danh nghệ sĩ. Điều đáng quan tâm lúc đó là làm thế nào để Giôn-xi thôi không bị ám ảnh bởi quy luật của tạo hoá, giúp cô tiếp tục vươn lên giữa cuộc đời. Giôn-xi đã hồi sinh nhờ nhận ra sức sống mãnh liệt của chiếc lá cuối cùng – tác phẩm của cụ Bơ-men. Người hoạ sĩ già là hiện thân của sự cao thượng, lòng vị tha và đức hy sinh. Truyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng chỉ là môt bức vẽ nhưng nó đem lại niềm tin vào sự sống cho một con người. Tác phẩm cuối cùng của người họa sĩ già nằm ngoài dự đoán của công chúng. Nhưng hiệu quả mà nó thì vô cùng lớn lao. Chính vì thế nó thành kiệt tác.

Dàn ý Chứng minh Chiếc lá cuối cùng kết thúc bởi sự kiện đối lập, bất ngờ

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc la cuối cùng

1. Mở bài

- O Hen-ri (1862-1910), ông là một nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết những câu chuyện ngắn với cốt truyện nhẹ nhàng, ít kịch tính nhưng lại mang những giá trị nhân văn nhân đạo sâu sắc, lòng yêu thương con người tha thiết, cảm động.

- Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng là tiêu biểu cho những phẩm của ông xoay quanh ba nhân vật chính là hai nữ họa sĩ Giôn-xi, Xiu và họa sĩ già Bơ-men, với kết thúc truyện đầy đối lập và bất ngờ.

2. Thân bài

- Tóm tắt đoạn kết

- Sự kiện đảo ngược thứ nhất:

+ Giôn-xi khỏi bệnh, vui vẻ đan khăn và nhìn Xiu, bạn mình nấu nướng, thậm chí cô còn nói đến ước mơ được vẽ vịnh Na- plơ.

+ Xuất phát từ việc cô nhận thức được rằng đến chiếc lá thường xuân còn cố bám trụ trên cành sau mưa bão => Bản thân cũng phải nỗ lực vượt qua bệnh tật.

=> Sự kiện đem đến niềm vui cho độc giả, vì một cái kết có hậu cho hai cô gái.

- Sự kiện đảo ngược thứ hai:

+ Cái chết của cụ Bơ-men một con người vốn dĩ đang khỏe mạnh, nhưng lại gặp phải cơn bạo bệnh phù phổi giống Giôn-xi rồi nhanh chóng từ giã cõi đời trong vòng hai ngày => Đem đến cho người đọc một cú sốc.

+ Cụ chết vì vẽ chiếc lá thường xuân để khôi phục ý chí muốn sống của Giôn-xi ngay trong đêm mưa bão, khiến cụ phát bệnh nặng.

=> Sự nhân ái, hi sinh thầm lặng, lòng thương yêu con người sâu sắc của của Bơ-men.

- Sự đối lập giữa hai tình huống đảo lộn ấy được liên kết với nhau bằng bức tranh chiếc lá thường xuân, là nút thắt cho toàn bộ câu chuyện:

+ Để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, tăng tính hấp dẫn.

+ Khiến câu chuyện trở nên nhân văn và ý nghĩa với sự hi sinh, thầm lặng và cao cả của một người họa sĩ già.

3. Kết bài

- Chiếc lá cuối cùng là một loạt những sự kiện cảm động về tình cảm của con người trong xã hội, đặc biệt là giữa những con người đồng cảnh ngộ nghèo khổ với nhau. Ở đó ta thấy được tình bạn cao cả của Xiu dành cho Giôn-xi, thấy được tình cảm nhân hậu, yêu thương của người họa sĩ già dành cho cô gái trẻ bệnh tật, họ luôn sống vì nhau, sẵn sàng đánh đổi hi sinh cho nhau.

Chứng minh Chiếc lá cuối cùng kết thúc bởi sự kiện đối lập, bất ngờ - Bài mẫu 1

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc la cuối cùng

O Hen-ri (1862-1910), ông là một nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết những câu chuyện ngắn, với đề tài xung quanh những con người nghèo khổ, sự nỗ lực vượt lên trên khó khăn, bệnh tật. Cốt truyện của ông thường nhẹ nhàng, ít kịch tính nhưng lại mang những giá trị nhân văn nhân đạo sâu sắc, lòng yêu thương con người tha thiết, cảm động. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng là tiêu biểu cho những phẩm của ông quanh quanh ba nhân vật chính là hai nữ họa sĩ Giôn-xi, Xiu và họa sĩ già Bơ-men, với kết thúc truyện đầy đối lập và bất ngờ.

Đoạn cuối của câu chuyện đó là hình ảnh Giôn-xi nằm liệt giường bởi căn bệnh phù phổi, với tâm trạng bi quan chờ đợi cái chết, và lấy chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ làm dấu mốc chấm hết cuộc đời. Bạn của cô là Xiu vô cùng lo sợ, và đau khổ với ý tưởng chán nản của Giôn -xi cô đã tâm sự chuyện này với người họa sĩ già Bơ-men. Cụ Bơ-men đã vẽ một chiếc lá y hệt chiếc lá thường xuân đã rụng trước cửa để thay thế, nhằm kéo lại hy vọng sống cho cô gái trẻ, và đó chính là kiệt tác duy nhất trong đời của cụ, cũng đã lấy đi mạng sống của người họa sĩ già nhân ái.

Như vậy qua tóm tắt đoạn kết của câu chuyện ta có thể thấy rằng câu chuyện có kết cấu đảo ngược, đối lập bất ngờ rất hay đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Trước là sự kiện Giôn - xi khỏi bệnh, vui vẻ đan khăn và nhìn Xiu, bạn mình nấu nướng, thậm chí cô còn nói đến ước mơ được vẽ vịnh Na- plơ của mình. Tất cả những khởi sắc tốt đẹp của một cô gái chán chường, luôn nghĩ về cái ngày kết thúc cuộc đời ấy lại xuất phát từ việc cô nhận thức được rằng đến chiếc lá thường xuân còn cố bám trụ trên cành sau bao nhiêu ngày mưa bão, thì cớ chi bản thân lại luôn bi quan với bệnh tật. Nhận thức được điều ấy đã khiến tinh thần cô tốt lên, dường như sự tồn tại của chiếc lá (vốn là chiếc lá được vẽ lên) chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu, là loại giả dược tuyệt vời đã cứu cô ra khỏi bàn tay tử thần và hồi phục một cách diệu kỳ. Đây là sự kiện đảo ngược tình thế đem đến cho người đọc niềm vui, sự xúc động về tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật của cô họa sĩ trẻ, cùng với sự nỗ lực chăm sóc bạn của Xiu trong những ngày tháng khó khăn, tưởng chừng như thất bại, thì cuối cùng Xiu đã chiến thắng tử thần giành Giôn-xi về bên mình.

Sự kiện đảo ngược thứ hai đó chính là cái chết của cụ Bơ-men một con người vốn dĩ đang khỏe mạnh, nhưng lại gặp phải cơn bạo bệnh phù phổi giống Giôn-xi rồi nhanh chóng từ giã cõi đời trong vòng hai ngày. Điều này đã đem đến cho người đọc một cú sốc, bởi trước đó Giôn-xi vừa mới chiến thắng bệnh tật với tình trạng vô cùng xấu trước đó, thì cụ Bơ-men lại ra đi một cách quá nhanh chóng, đột ngột. Sau đó độc giả và hai cô gái mới vỡ lẽ ra rằng, cụ Bơ-men đã mất vì lòng thương vô hạn với Giôn-xi, đó là sự đồng cảm giữa những người cùng cảnh ngộ, điều ấy đã thôi thúc cụ làm điều gì đó để cứu cô gái khỏi lưỡi hái tử thần. Một ý tưởng đã hình thành trong đầu cụ, và buộc cụ phải hành động ngay trước khi quá muộn, cụ biết rằng chiếc lá ấy sẽ chẳng thể bám trụ được sau đêm mưa bão, cụ phải vẽ một chiếc lá thay thế vào đó trước khi Giôn-xi nhìn thấy và chán nản lìa đời. Như vậy, chúng ta có thể hình dung ra một ông cụ giữ trời mưa bão, lạnh giá, cố gắng trèo lên chiếc thang đơn, dùng toàn bộ trái tim ấm nóng, nhân hậu của mình, để vẽ lên chiếc lá sinh động nhất, đẹp đẽ nhất. Đó là một kiệt tác nghệ thuật, đúng vậy, dẫu rằng nó có thể không có những nét vẽ tuyệt vời nhất, cách phối màu phù hợp nhất nhưng chính bức tranh ấy đã cứu sống một mạng người, một cô gái đang đứng ở ranh giới sinh tử.

Như vậy hai sự kiện đối lập nhau đã xảy ra ở đoạn kết của câu chuyện, Giôn-xi từ ốm nặng bỗng vực dậy tinh thần và hồi phục nhanh chóng, còn cụ Bơ-men thì từ một người khỏe mạnh lại ốm rồi mất một cách đột ngột. Sự đối lập giữa hai tình huống đảo lộn ấy được liên kết với nhau bằng bức tranh chiếc lá thường xuân, là nút thắt cho toàn bộ câu chuyện, tình huống đặc biệt ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Đồng thời khiến câu chuyện trở nên nhân văn và ý nghĩa với sự hi sinh, thầm lặng và cao cả của một người họa sĩ già, người đã tạo nên kiệt tác để cứu sống một sinh mạng bằng lòng nhân hậu, trái tim yêu thương ấm áp giữa mùa đông khắc nghiệt.

Toàn bộ câu chuyện Chiếc lá cuối cùng là một loạt những sự kiện cảm động về tình cảm của con người trong xã hội, đặc biệt là giữa những con người đồng cảnh ngộ nghèo khổ với nhau. Ở đó ta thấy được tình bạn cao cả của Xiu dành cho Giôn-xi, thấy được tình cảm nhân hậu, yêu thương của người họa sĩ già dành cho cô gái trẻ bệnh tật, họ luôn sống vì nhau, sẵn sàng đánh đổi hi sinh cho nhau. Đặc biệt là bức tranh chiếc lá, kiệt tác của cụ Bơ-men đã cứu sống Giôn-xi nhưng cũng cướp đi mạng sống của cụ, đó là sự hy sinh cao đẹp mà không phải ai cũng có thể làm được trong cuộc đời, khiến độc giả xúc động vô cùng.

Chứng minh Chiếc lá cuối cùng kết thúc bởi sự kiện đối lập, bất ngờ - Bài mẫu 2

Câu chuyện Chiếc lá cuối cùng được xoay quanh 3 nhân vật Xiu và Giôn-xi hai nữ họa sĩ nghèo và cụ Bơ-men. Giôn-xi bị bệnh nặng và thời gian không còn dài, cô đếm chiếc lá cuối cùng rơi.

Câu chuyện có sự bất ngờ:

- Câu chuyện xảy ra tháng mười một mùa đông thời điểm rất lạnh của mùa đông khắc nghiệt.

- Hai nữ họa sĩ trẻ và nghèo Xiu và Giôn-xi thuê chung một căn phòng trên tầng thượng. Giôn-xi bị bệnh sưng phổi khá nặng. Cô không muốn sống nữa vì bệnh nặng, vì nghèo không có tiền thuốc thang. Cô đếm chiếc lá cuối cùng rơi là mình sẽ qua đời.

- Cụ Bơ-men cũng là họa sĩ nghèo sống ở căn phòng thuê dưới cùng.

- Xiu kể cho cụ Bơ-men nghe bệnh tình của Giôn-xi và ý định của bạn.

- Cụ Bơ-men đã vẽ lên tường chiếc lá khi chiếc lá thật trên tường đã rụng.

- Cụ Bơ-men vẽ chiếc lá trong đêm mưa gió dữ dội, cụ bị sưng phổi, qua đời.

Đảo ngược lần thứ nhất bạn có thể thấy đó là từ một con người ốm đau, bệnh tật Giôn-xi bỗng trở nên khỏe mạnh và yêu đời. Giôn-xi ngồi đan, xin chị Xiu cho ăn, Giôn-xi còn nói về ước mơ của mình.

Đảo ngược lần thứ hai đó là cụ Bơ-men đang khỏe mạnh chẳng ai ngờ đến cái chết của cụ được thông báo cũng vào lúc truyện gần kết thúc: “Cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi hôm nay ở bệnh viện rồi.” Lần đảo ngược tình huống thứ hai khiến nhân vật trong truyện bất ngờ mà độc giả cũng lấy làm bất ngờ về kết thúc của câu chuyện trên.

Như vậy qua 2 lần đảo ngược tình huống trái (Giôn-xi bệnh -> sống lại, cụ Bơ-men từ khỏe mạnh -> chết). Sự đảo ngược này làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Kết thúc câu chuyện cụ Bơ-men nhân vật chiếm nhiều cảm tình của người đọc vì sự hi sinh thầm lặng, cao cả. Chiếc lá cuối cùng trở thành một trong những hình ảnh trung tâm của câu chuyện này.

Chứng minh Chiếc lá cuối cùng kết thúc bởi sự kiện đối lập, bất ngờ - Bài mẫu 3

Phân tích nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần trong Chiếc la cuối cùng

Truyện kể về cuộc sống của những người họa sĩ nghèo nhưng lại rất giàu về lòng yêu thương, nhân từ và độ lượng.

Đọc “Chiếc lá cuối cùng” chúng ta không chỉ bị cuốn hút bởi những tình cảm cao thượng của chính những con người nghèo khó như Xiu, Bơ- men và kiệt tác của bác Bơ- men mà còn bị cuốn hút bởi nghệ thuật xây dựng truyện hết sức độc đáo của tác giả: Nghệ thuật đảo ngược tình huống của truyện.

Trong truyện, tác giả đã hai lần đảo ngược tình huống. Đọc từ đầu cho đến gần hết truyện, người đọc chứng kiến được nỗi tuyệt vọng, chán đời của Giôn-xi ngày càng tăng. Cơn bệnh sưng phổi cùng với cuộc sống nghèo khổ là nguyên nhân của nỗi tuyệt vọng ấy. Giôn –xi nằm đếm những chiếc lá thường xuân đang rụng dần ngoài kia qua khung cửa sổ và thầm nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân trên bức tường kia rụng hết cũng là lúc cô từ giã cuộc đời này.

Người đọc lo âu, thương cảm cho nỗi tuyệt vọng ấy. thế nhưng đến cuối truyện, nỗi tuyệt vọng của Giôn-xi đã được thay bằng niềm yêu đời, yêu cuộc sống và bệnh tật cũng dần qua cơn nguy hiểm. Bạn đọc như thở phào nhẹ nhõm, sự lo âu giờ không còn nữa. Đó là lần đảo ngược tình huống thứ nhất. Vậy lần đảo ngược tình huống thứ hai là gì? Trong câu chuyện, cụ Bơ- men mặc dù đã lớn tuổi nhưng so với Giôn-xi sức khỏe của cụ hơn hẳn. Trong cuộc đời họa sĩ của được. Trong đêm mưa gió, bão bùng, tuyết rơi dày đặc khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống, cụ đã bất chấp thời tiết vẽ nên kiệt tác “chiếc lá cuối cùng”. Bức tranh chính là khát vọng, là ao ước chân chính của người học sĩ. Điều quan trọng hơn là bức tranh ấy đã chứa đựng không biết bao nhiêu tình cảm nồng ấm, sự hy sinh thầm lặng. Nó không chỉ vẽ bằng đường nét, màu sắc mà còn được vẽ bằng cả tấm lòng nhân hậu. Bức tranh ấy đã đem lại sự sống cho Giôn- xi nhưng cũng chính vì nó, vì lòng thương người mà cụ Bơ-men phải từ giã cuộc đời. Cái chết của cụ làm cho mọi người phải sửng sốt, ngậm ngùi, xót xa.

Đó là hai lần đảo ngược tình thế. Nhờ nghệ thuật này tạo nên sự bất ngờ, hứng thú cho người
đọc. Cái thú vị, độc đáo của tác phẩm chính là ở đó. “Chiếc lá cuối cùng” là tác phẩm thành công cả nội dung lẫn nghệ thuật. Phải chăng tác phẩm là tiếng lòng của chính nhà văn. Tình yêu thương, sự hy sinh của cụ Bơ-men cũng chính là tình cảm của tác giả dành cho những người nghèo khổ trong xã hội. Qua tác phầm cho ta hiểu và thấm thía rằng cuộc sống không có gì quí bằng tình yêu thương, tình yêu thương sẽ trường tồn bất diệt trong thời gian.