Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về quan điểm trồng người

Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng dân tộc, lãnh tụ thiên tài vô cùng kính yêu của Đảng ta, nhân dân và của cả dân tộc ta, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhiều chính khách, nhiều nhà nghiên cứu về tư tưởng, về triết học, về lịch sử… ở nước ngoài đã sớm nhìn nhận và khẳng định, Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một nhà lý luận cách mạng độc đáo, đặc sắc. Chiến lược “trồng người” là một trong những di sản có giá trị to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta. Tư tưởng, quan điểm “trồng người” xuyên suốt, nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, mang đậm nét nhân văn và có giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp "trồng người". Bác là một tấm gương tự học và là nhà giáo dục lớn trong lịch sử Việt Nam. Người đã có công đào tạo nên nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng nhân văn của Người luôn hướng về cộng đồng, con người Việt Nam: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”. Từ quan điểm vì con người đến quan điểm về chiến lược "trồng người" là một bước phát triển hợp logic của tư tưởng triết học Hồ Chí Minh. Để thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội thì chiến lược con người phải đi trước một bước. Từ rất sớm, Người đã nêu ra một luận điểm nổi tiếng: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Do đó, "vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Quan điểm "trồng người" của Hồ Chí Minh rất toàn diện và phong phú, ở mỗi thời kỳ cách mạng, Người nêu ra những yêu cầu khác nhau. Ngay sau khi giành được chính quyền, trước yêu cầu phải kiến thiết nước nhà, trong điều kiện đất nước hơn 90% dân Việt Nam mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: "Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí". Bởi "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Bước vào thời kỳ xây dựng, kiến tạo đất nước, Người chỉ rõ: "Bây giờ xây dựng kinh tế không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu". Có thể khái quát tư tưởng "trồng người" của Hồ Chí Minh thành những vấn đề cơ bản là:

- Sự nghiệp trồng người phải tập trung đào tạo những con người có đạo đức cách mạng, đó là người trung thành, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có lòng yêu thương con người, “Mình vì mọi người” đồng thời phải kiên quyết đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra.

- Sự nghiệp trồng người phải tạo ra những con người có ý chí, cầu tiến bộ, không ngừng vươn lên làm chủ những kiến thức khoa học, những hiểu biết về thời đại.

- Sự nghiệp trồng người phải tạo nên những con người có tinh thần tìm tòi sáng tạo, phải có quyết tâm, nhạy bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời đó là những con người có chí khí, ham học hỏi, ham làm việc chứ không phải ham địa vị, tiền tài. Đối với người học, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự dân tộc, phụng sự giai cấp và nhân dân...”.

- Trong sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đề cao vai trò của giáo dục - đào tạo, coi đó là một chiến lược lâu dài và Người khẳng định: Tiền đồ của dân tộc ta sẽ ra sao một phần quan trọng là do sự nghiệp giáo dục trực tiếp quyết định. Trong thư gửi ngành giáo dục đào tạo ngày 15-10-1968, Người nhấn mạnh "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới".

Vận dụng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người giảng viên lý luận chính trị chúng ta cần phải góp phần làm tốt hơn nữa công việc “trồng người”, công tác đào tạo bồi dưỡng phải đạt cho được mục tiêu giáo dục toàn diện để người học sau khi đào tạo đủ sức phục vụ nhân dân. Xây dựng được những con người và thế hệ có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CNH, HĐH đất nước, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ - là những người kế thừa xây dựng CNXH vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác.

Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng con người mới toàn diện có đủ “đức” đủ “tài” đòi hỏi mỗi giảng viên lý luận chính trị cần phải có tấm lòng yêu nghề, yêu người một cách thực sự, cùng với lương tâm nghề nghiệp để đầu tư trí tuệ, công sức lên mỗi trang giáo án, bài giảng. Cần phải củng cố niềm tin của người học vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và hiện thực ngày càng tốt đẹp của công cuộc đổi mới đất nước. Khi họ đã có niềm tin vững chắc thì sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích, hiệu quả hoạt động của mình và sẽ hoạt động hăng say, tích cực trong học tập, công tác, đóng góp thiết thực cho đất nước, xã hội. Bên cạnh đó, phải tăng cường giáo dục cho họ tình cảm yêu nước nồng nàn. Yêu nước, tức là yêu độc lập của đất nước; yêu chủ nghĩa xã hội; là phải làm giàu cho gia đình và đất nước; phải trung với Đảng, với nước, hiếu với nhân dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế hiện nay thì "trung" và "hiếu" phải được coi là giá trị nổi bật để học viên không dễ sa vào cạm bẫy của kẻ thù, luyện rèn ý chí tự lực tự cường, say mê trong học tập và công tác.

Để góp phần hình thành và củng cố lý tưởng sống đúng đắn cho người học, yêu cầu cấp thiết đối với việc giảng dạy lý luận chính trị hiện nay là phải kết hợp giữa giáo dục đạo đức, lý tưởng với giáo dục lý luận. Kết hợp giữa giáo dục những phẩm chất truyền thống như yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, trung hiếu, cần, kiệm,... với các giá trị đạo đức mới như chủ động, sáng tạo, tự lập, tự chủ, vượt khó,... Quan tâm giáo dục ý thức cộng đồng, để mỗi cá nhân hăng say phấn đấu trong lao động, học tập và khẳng định mình, gắn mình với cộng đồng, với xã hội, nhằm giúp họ khẳng định bản thân và hòa nhập vào xã hội hiện đại. Muốn vậy, mỗi một giảng viên cần phải tự vượt lên trên chính bản thân mình. Phải nỗ lực không ngừng, thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tri thức và công nghệ mới vào công việc nghiên cứu giảng dạy. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên còn phải là tấm gương sáng, tâm huyết với nghề với sự nghiệp đào tạo của mình. Đó là những công việc thiết thực để làm theo tư tưởng nhân văn và chiến lược xây dựng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, quan điểm về “trồng người” trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Những lời dạy của Người vẫn nguyên giá trị cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.  Việc học tập, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã triển khai từ lâu bằng nhiều hình thức phong phú trong toàn Đảng, toàn dân ta như một nhu cầu tất yếu khách quan của cuộc sống. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt lời dạy của Người "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

* Ghi chú: Bài viết có tham khảo, trích dẫn thông tin, nội dung trong một số bài viết tại trang http://bqllang.gov.vn/

Hoàng Thị Hiền

Phó Trưởng phòng KH-TT-TL

Là một con người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền con người, đó là “Quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Tư tưởng nhân văn của Người luôn hướng về cộng đồng, con người Việt Nam: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”. Chính vì vậy mà Người đã đề ra yêu cầu xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn – Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng đã chỉ ra muốn có Chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người XHCN, Hồ Chí Minh cho rằng “Vô luận việc gì cũng đều do con người làm ra”… và theo Người, con người XHCN phải hội đủ 2 yếu tố “vừa hồng, vừa chuyên”. Thực ra là đức và tài, trong đó đức là gốc, là nền tảng và yếu tố cốt lõi của con người mới, muốn có những con người đủ đức, đủ tài thì phải tiến hành “Trồng người”.
Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
Đó là kế sách lớn cho hướng phát triển. Trong Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn công việc đầu tiên mà Đảng phải làm sau khi đã “Chỉnh đốn” lại, đó là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp trồng người, chúng ta thấy rất toàn diện và sâu sắc, đặc biệt tùy theo từng thời kỳ và nhiệm vụ cách mạng khác nhau mà đặt ra những yêu cầu khác nhau nhưng có thể khái quát một số vấn đề cơ bản sau:

Một là: Sự nghiệp trồng người phải tập trung đào tạo những con người có đạo đức cách mạng, đó là người trung thành, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có lòng yêu thương con người, “Mình vì mọi người” đồng thời phải đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân, lòng tham sinh ra như tham ô, lãng phí, quan liêu… mà theo Người đó là một thứ giặc nguy hiểm, giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, nó phá hoại sự nghiệp cách mạng từ bên trong, “nó là kẻ địch nguy hiểm của CNXH”. Vì vậy phải rất kiên quyết tẩy trừ, quét sạch nó đi.


Hai là: Sự nghiệp trồng người phải tạo ra những con người có ý chí, cầu tiến bộ, không ngừng vươn lên làm chủ những kiến thức khoa học, những hiểu biết về thời đại. Ngay từ năm đầu tiên giành được độc lập, trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ cho các thế hệ trẻ: “Phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta” đó là trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Đồng thời Người còn yêu cầu Đảng, Nhà nước phải hết sức quan tâm và có kế hoạch phát triển cụ thể vì đó là tiền đề, là tương lai của dân tộc.
Ba là: Sự nghiệp trồng người phải tạo nên những con người có tinh thần tìm tòi sáng tạo, phải có quyết tâm, nhạy bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời đó là những con người có chí khí, ham học hỏi, ham làm việc chứ không phải ham địa vị, tiền tài. Người còn cho rằng “Thanh niên phải chống tâm lý tự tư, tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng, chống tâm lý ham sung sướng, tránh việc khó”, thói xấu khinh lao động, nhất là lao động chân tay, chống lười biếng, xa xỉ, chống kiêu ngạo giả dối, khoe khoang. Có làm được như thế mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Bốn là: Trong sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đề cao vai trò của giáo dục – đào tạo, coi đó là một chiến lược lâu dài và Người khẳng định: Tiền đồ của dân tộc ta sẽ ra sao một phần quan trọng là do sự nghiệp giáo dục trực tiếp quyết định, “Có gì vẻ vang hơn là nghề giáo dục – đào tạo”. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là người vẻ vang nhất. Đối với người học, người được giáo dục, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự dân tộc, phụng sự giai cấp và nhân dân...”.
Tư tưởng trồng người của Hồ Chí Minh rất cụ thể, rõ ràng, đặc biệt Hồ Chí Minh luôn có một lòng yêu thương, tin tưởng mãnh liệt ở thế hệ trẻ. “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”.
Năm là: Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp trồng người là một hệ thống quan điểm chặt chẽ, lô gích vừa thể hiện tính khoa học, tính cách mạng và là một nội dung quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù 45 năm Người đã đi xa nhưng tư tưởng, quan điểm, trí tuệ, tấm gương của Người luôn là ánh hào quang, ngọn đuốc dẫn đường soi rọi để chúng ta đi. Đọc lại Di chúc, tài sản vô giá Người để lại cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta, hễ là người Việt Nam không ai có thể không bồi hồi, xúc động và tự hào đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh của dân tộc ta đã đi qua chặng đường gần 30 năm, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; hơn 90 triệu người Việt Nam cả trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng chung sức xây dựng đất nước. Đó là những giá trị vật chất và tinh thần để chúng ta dâng lên Người, đồng thời là minh chứng thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta thực hiện Di chúc ý nguyện của Bác. Tuy nhiên tiềm lực của chúng ta còn rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta phải tiếp tục có chiến lược đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài ngang tầm với yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang.

Đối với mỗi người chúng ta, hễ là con dân Đất Việt, dù ở đâu, làm công việc gì, không phân biệt trẻ già, trai gái, dân tộc, tôn giáo, địa vị… đều thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó “chiến lược trồng người” là một nội dung cốt lõi để chúng ta học tập và vận dụng vào thực tiễn nhằm không ngừng hoàn thiện mình cả về nhân cách, trí tuệ, đạo đức và lối sống để phấn đấu trở thành con người “vừa hồng vừa chuyên”. Bằng tất cả tấm lòng của mình, chúng con xin kính dâng lên Người sự thành kính và biết ơn – nhân kỷ niệm 45 năm toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta thực hiện Di chúc của Bác.


 

Đại tá TRẦN THANH TÂM (Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân)