Tại sao giới trẻ lại thần tượng giang hồ mạng

Thần tượng giang hồ trên MXH: Giới trẻ lệch chuẩn hay thiếu hình tượng, sân chơi “sạch”?

Trung Tuyến - Chu Đức- Trần Giang- Tuấn Linh

Thị hiếu của giới trẻ đang lệch chuẩn, hay nội dung “sạch”, lành mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam đang quá yếu thế trước sự lấn lướt của các nội dung độc hại, tục tĩu, bạo lực?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dù có nhiều nội dung thiếu giáo dục nhưng kênh YouTube, Facebook của Khá Bảnh đều có rất nhiều người theo dõi.

Chỉ cần click chuột và gõ chữ “khá bảnh” trên google hoặc youtube sẽ cho ra hàng trăm kết quả và clip về một chàng trai với những lời nói hành động có thể được coi là thiếu văn hóa. Thế nhưng, những video này lại có đến hàng nghìn lượt người xem, bình luận và chia sẻ.

Là một thanh niên giang hồ, kênh youtube cũng như facebook của “khá bảnh” có đến hàng nghìn lượt người theo dõi, vượt xa hơn cả các ngôi sao, nghệ sỹ mới nổi. Và không chỉ vậy, những cái tên tương tự, như “Huấn hoa hồng”, “thánh chửi Dương Minh Tuyền”…cũng có đến hàng nghìn fan “hâm mộ”. Vì đâu mà những video mang nội dung xấu, nhảm nhí, thậm chí là vi phạm đạo đức xã hội lại dễ dàng được nhiều người chấp nhận đến vậy?

PV: Chào bạn, bạn có thường xuyên xem những video như thế này không?

NV: Em cũng thỉnh thoảng, clip nào mà có nhiều like, share thì em xem thôi.

PV: Khi xem những video này thì bạn thấy nội dung cũng như hình thức thể hiện như thế nào?

NV: Nói chung là nó cũng lạ, các thanh niên khoe của, chửi bới hay dạy đời, tò mò thì xem thôi. Những clip này thì được quay đơn giản, chắc chỉ bằng điện thoại bình thường rồi cắt gọt đi.

PV: Còn bạn, bạn có thích xem những video như thế này không và vì sao?

NV: Rảnh rỗi thì em cũng xem, xem để biết chứ cũng không hẳn là để bắt chước hay làm gì.

PV: Bạn nghĩ sao về việc ngay bây giờ cũng có hàng nghìn người xem giống như hai bạn và khiến cho những video này trở nên nổi tiếng, và có khi họ lại kiếm được tiền từ những video như thế này?

NV: Mình nghĩ là những video như thế này mà cũng kiếm được tiền thì chứng tỏ rất dễ dàng, những video có nội dung rất phù phiếm và cũng không có ý nghĩa gì cả

-Thực sự nó không có nội dung gì và vô bổ, nhưng đôi khi vì tò mò mình ấn vào xem thành ra mình lại giúp người đó kiếm được tiền.

PV: Xin cảm ơn hai bạn!

Qua đoạn băng vừa nghe, có thể thấy những hiện tượng mạng là dân giang hồ, xã hội đen đang ngày một nhiều trên internet. Cá biệt, có những Facebooker, Youtuber dù là dân anh chị đích thực, vốn làm những nghề nhạy cảm như đòi nợ, tín dụng đen, lại được một bộ phận người dùng mạng xã hội tung hô, ngợi ca như những thần tượng đương thời.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Cường – Chuyên gia truyền thông và mạng xã hội nêu quan điểm: Hiện nay, trên facebook, youtube có hàng nghìn kênh giải trí, du lịch, trải nghiệm khám phá để người dùng có thể tiếp cận. Những sản phẩm càng mới, càng độc lạ sẽ càng gây tò mò và hấp dẫn công chúng. Vì vậy, việc giới trẻ hứng thú với những video, hình ảnh phản ánh đời sống của dân anh chị, hay còn gọi là “dân xã hội” mà vốn từ trước đến nay chỉ có trong phim ảnh, là một hiện tượng tâm lý bình thường.

Ông Nguyễn Cường nhấn mạnh, trước khi phán xét về thị hiếu công chúng, cần phân tích thấu đáo từng sản phẩm truyền thông. Mặc dù vậy, đối với những kênh, fanpage mang nội dung tục tĩu, cần sự suy ngẫm sâu hơn ngoài những con số hàng nghìn, hàng triệu lượt theo dõi.

“Đối với những kênh mà mang nội dung tục tĩu mà vẫn thu hút được người ta thì chỉ có thể lý giải được là một, nó đánh đúng vào sự tò mò của công chúng. Thứ hai là nhóm công chúng như thế thì họ mới thích dạng sản phẩm như vậy.Cũng có thể là thông qua những luông thông tin như vậy thì người ta mới biết được để người ta tránh”

Trong khi đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội [Viện Xã hội học] cho rằng, đây là vấn đề luôn luôn xảy ra trong xã hội hiện đại, khi giới trẻ luôn có xu hướng tìm tòi những điều độc đáo, dị thường, khác đời, đôi khi là lệch chuẩn.

“Ở đây chúng ta nói đến câu chuyện thị hiếu, thị hiếu nghệ thuật, thị hiếu văn hóa, năng lực cảm thụ các hình tượng văn hóa của giới trẻ chúng ta hiện nay có những sự méo mó, biến tướng nhất định. Sớm hay muộn, những hành vi, hình ảnh quái dị rồi cũng sẽ không có đất sống. Nhưng có điều là, nếu nói rằng chúng ta cứ kệ để nó chết yểu thì không hoàn toàn như thế. Khi mà có đến hàng chục vạn nút like của cư dân mạng tung hô vào những hình ảnh, hiện tượng nêu trên thì đấy là điều chúng ta phải suy nghĩ. Rõ ràng rằng nó chỉ ra một vấn đề là giới trẻ chúng ta đang quá thiếu sân chơi, quá thiếu những hình ảnh tốt đẹp”.

Khá Bảnh đập, đốt xe gắn máy vì cho rằng xe tốn xăng

Dù nhận định, bất cứ hiện tượng, thần tượng mạng xã hội nào rồi cũng sẽ lắng xuống khi cộng đồng mạng tìm được mục tiêu mới hơn, lạ hơn để theo dõi, đơn cử như trường hợp giọng ca Lệ Rơi trước đây, nhưng PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng lưu ý: Các mạng xã hội chủ yếu hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng. Có nghĩa, cái nào xấu, có hại sẽ bị người dùng tố cáo, dựa vào đó, nhà quản lý mạng xã hội sẽ loại bỏ các nội dung này.

Đáng tiếc, ở Việt Nam, nút “report” vẫn chưa được sử dụng hiệu quả. Trước các video tục tĩu, ảnh hưởng xấu đến người xem, phần lớn người dùng mạng xã hội lại bình luận, chia sẻ, càng tạo thêm hiệu ứng sâu rộng của nội dung.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định, ngoài sự quan tâm, theo dõi sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung trên internet, mỗi người dùng cần đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi lên mạng xã hội, cân nhắc có chọn lọc xem: nên xem gì, học tập gì từ những thần tượng ảo.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ:

“Những thông tin, những video clip của dòng chính thống là phải lớn mạnh hơn, phải tạo nên áp lực số đông, phải tràn ngập đời sống không gian mạng, thì mới hi vọng có thể lấy lại được mối quan tâm của cư dân mạng nói chung”.

Thần tượng đi đâu vắng [Bình luận củanhà báo Phạm Trung Tuyến]

Thị hiếu của giới trẻ đang lệch chuẩn, hay nội dung “sạch”, lành mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam đang quá yếu thế trước sự lấn lướt của các nội dung độc hại, tục tĩu, bạo lực?

Tuyên bố giúp đỡ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, một "đại ca" được người dân yêu mến, tiếp đón nồng nhiệt

Kẻ một thanh niên nhăng nhố như nhân vật Khá Bảnh trở thành niềm cảm hứng cho nhiều đứa trẻ để chúng theo dõi, học theo mọi hành vi, trở thành nhân vật truyền thông nổi tiếng, và được ghi nhớ mà không cần biết những hành vi đó là đúng hay sai thì các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục phải lo ngại cho con em mình trước những tác động lệch lạc của đời sống. Nhưng lỗi tại ai?

Truyền thông mạng dễ dàng biến những tên tội phạm, những nhân vật scandal thành người nổi tiếng, thành nhân vật của công chúng, chỉ để có nhiều người xem hơn. Đó là sự thật! Song, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thông, bởi suy cho cùng, truyền thông chỉ là một tấm kính phản chiếu gương mặt của đời sống mà chúng ta đang tồn tại. Một đời sống với hệ thống giá trị nhợt nhạt, trong khi những hành động nổi bật lại thường đồng hành với những bộ óc điên loạn.

Những nhân vật truyền thông nổi bật nhiều năm qua luôn là những kẻ ác có ngoại hình bắt mắt. Cô sinh viên trẻ đẹp cắt cổ người tình, gã trai đầy nam tính chặt đầu người yêu, và Luyện, sát thủ mang gương mặt sáng sủa ngây thơ. Đôi khi, những kẻ sát nhân man rợ cũng gặp phải sự cạnh tranh yếu ớt của một vài ngôi sao giải trí khi những ngôi sao đó vụt sáng bởi một vài động tác bất thường.

Như cô diễn viên đóng vai chính trong một bộ phim định hướng nhân cách cho giới trẻ với đoạn phim quay cảnh phòng the, như chàng cầu thủ nổi tiếng chất phát đổi nghĩa lấy tiền. Dẫu vị trí xã hội khác nhau, nhưng những ngôi sao giải trí và những kẻ sát nhân đều trở thành nhân vật truyền thông nổi bật theo một cách giống nhau, họ đều là cái cớ để dư luận bàn tán.

Nhân vật truyền thông dĩ nhiên không thể là những người bình dị mà chúng ta có thể gặp gỡ ở bất cứ nơi đâu. Họ phải là tác giả của những hành động, phát ngôn phi thường, hoặc bất bình thường. Đó là tiêu chí bất biến của truyền thông. Do đó, họ phải là anh hùng, hoặc tội đồ của xã hội, hoặc như một cách nói dễ hiểu hơn, là nhân vật điển hình của báo chí và văn nghệ.

Là tấm kính phản chiếu đời sống, truyền thông chẳng có lỗi gì khi mà các anh hùng đi vắng, trong khi kẻ ác lại ở nhà.

Công bằng mà nhìn nhận, không phải giới truyền thông chỉ tập trung khai thác thông tin về những nhân vật phản diện trong đời sống. Đài truyền hình quốc gia từng có hẳn một chương trình Người đương thời để ngợi ca những nhân vật chính diện trong cuộc sống hiện nay.

Song, một thực tế dễ thấy là những nhân vật trên chương trình Người đương thời không đủ sức hấp dẫn với công chúng. Quá nhiều nhân vật nhợt nhạt, xuất hiện trên truyền hình và nhanh chóng trở lại với sự quên lãng. Thậm chí, nhiều nhân vật chỉ được nhớ đến khi họ vướng phải những vụ tai tiếng, bị rơi vào vòng lao lý với những hành vi phản anh hùng. Và rồi chương trình đó cũng phải dừng lại.

Truyền thông không có lỗi khi không có những nhân vật anh hùng, bởi giới truyền thông không thể cứ mãi bịa ra một cô Lượm như trong chương trình Người xây tổ ấm, hay Tỷ phú Bìm trên báo Tuổi Trẻ hồi thập niên 90. Vậy lỗi tại ai?

Công chúng cũng không có lỗi khi hướng sự chú ý vào Lê Văn Luyện hay Khá Bảnh. Họ cần những câu chuyện khác thường để vượt qua sự tẻ nhạt của đời sống tinh thần. Nhu cầu ấy từng khiến cho giáo sư Ngô Bảo Châu trở thành một vĩ nhân trong mắt thanh niên Việt, cho dù quá nửa dân số không hề biết khái niệm bổ đề cơ bản thực chất là cái gì.

Nhu cầu ấy cũng khiến mấy anh thanh niên tham gia tuần tra bắt cướp rồi thỉnh thoảng lại phải nằm viện vì mấy tên trộm vặt cũng được gọi là hiệp sĩ. Nhu cầu ấy cũng khiến cho một ông Bộ trưởng chỉ cần một lời tuyên bố “trảm nhà thầu chậm tiến độ” đã lập tức trở thành cứu tinh của lẽ phải một thời gian dài trước khi đi tù vì tham nhũng.

Nỗi khát khao người hùng của dân chúng là điều có thật. Và những anh hùng đi vắng khiến nỗi khao khát ấy trở nên đáng thương.

Vì vậy, thay vì trách giới truyền thông thiếu trách nhiệm, thay vì trách thị hiếu thấp của người đọc, người xem, các nhà đạo đức, các nhà giáo dục nên tìm câu trả lời rằng vì sao mà anh hùng đi vắng?

Từ khóa : mạng xã hội giang hồ anh hùng

  • Nguy cơ lợi ích nhóm khi sửa Luật GTĐB và NĐ 86 về quản lý vận tải bằng ô tô?
  • Truyền thông y tế và cảm xúc của công chúng
  • Tin đồn giả, tác hại thật: Phải xử lý thật nghiêm
  • Tranh cãi quanh giải quyết "hậu gian lận thi cử"
  • Sân khấu hóa trong giảng dạy: Ranh giới nào giữa sáng tạo và lệch chuẩn

Video liên quan

Chủ Đề