Tại sao quân mông cổ thua việt nam

Tại sao quân mông cổ thua việt nam

Hưng Đạo Vương giết giặc trên sông Bạch Đằng, năm 1288 – Tranh: Vietlist.us

Trích từ sách Đại Việt thắng Nguyên Mông

Tác giả Hiệp Võ

PHẦN I: LÍ DO ĐẠI VIỆT THẮNG NGUYÊN MÔNG

Ta xem xét tại sao Đại Việt lại có thể chặn bước tiến của Nguyên Mông, trong khi ấy các nước khác lại thua. Một điểm đáng chú ý là quân Nguyên Mông sang xâm lăng nước ta và bị bại không chỉ là vài vạn người như họ đã thua Qutuz của Manluk-Ai Cập ở Ain Jalut hay thua Jijaya ở Java, mà con số lên đến vài chục vạn (phần con số tham chiến chúng tôi sẽ phân tích ở phần kế tiếp). Ta thắng được Nguyên Mông không phải là vì dân ta khỏe mạnh tài ba hơn họ, mà là do rất nhiều yếu tố kết hợp lại.

Chúng tôi sẽ dùng cách cho điểm từng phần để xem yếu tố chiến thắng trong cuộc chiến rồi cuối cùng xem bên nào được nhiều điểm.

I- Các lý do:

A-  Chính nghĩa

Như đã nói trước, tất cả các quốc gia bảo vệ nền độc lập của họ đề giữ chính nghĩa, nên Đại Việt thắng phần này. Tuy vậy ta không cho điểm vì yếu tố này chỉ làm tăng sức mạnh tinh thần.

B- Công Tâm

Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý năm 1226 đã làm cho dân Đại Việt oán than. Rất may, khi mới cướp ngôi, quân Mông Cổ còn đang bận chinh phục các nước Tây Hạ, Kim, cách xa nước ta ngàn trùng. Lúc ấy lòng dân ly tán nước ta đang ở lúc thất bại trong mặt công tâm.  Tuy nhiên, nhà Trần đưa ra nhiều cải cách, thay đổi đời sống nhân dân. Bây giờ ta hãy xét xem nhà Trần đã làm gì để công tâm:

Người dân luôn luôn nhìn những quan lại địa phương xem đó có phải là người của triều đình không. Nhà Trần đã xóa hình ảnh lớp người cai trị là dòng họ Trần chỉ định bằng cách tuyển quan, tướng qua các kỳ thi. Người dân thấy ngay những quan lại đó là từ những người trong làng, trong châu của họ mà ra.

Hai năm sau khi đoạt ngôi, năm 1228 đã có kỳ thi. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư[1], trang 4, viết: “Tháng 9, thi lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh viện.” Tiếp theo đó quyển sử đã ghi vào năm 1239 lại cho thi thái học sinh; quyển sách viết tiếp: “Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc.” Đặc biệt năm Đinh Mùi [1247] Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên; Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Lê Văn Hưu là người Việt đầu tiên soạn ra bộ sử. Vài tháng sau lại có khóa thi khác. Còn rất nhiều, chúng tôi chỉ đưa ra một số dẫn chứng mà thôi và các người được chấm đậu xuất thân từ nhiều từng lớp xã hội khác nhau.

Đương nhiên trên mặt binh bị cũng vậy, quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 10, lại viết về việc này như sau: “Tân Sửu,[Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10 [1241], (Tống Thuần Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.”

  • Đấu tranh chinh phục nhân tâm.

Thời xưa, các bô lão là giới được người làng kính trọng nhất. Nêú gia đình có cha, mẹ già được nhà vua ban cho ân huệ gì thì cả dòng họ sẽ nhớ ơn vua. Nhà Trần ngay từ khi mới dựng nghiệp đã ban cho các bô lão các ân huệ, như vậy nhà Trần biết lấy lòng dân. Năm 1231, nhà vua đã ban thưởng cho bô lão: “Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau.”[2] Rồi tiếp theo: “Nhâm Tuất, [ Thiệu Long] năm thứ 5 [1262] , (Tống Cảnh Định năm thứ 3, Nguyên Trung Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa.” Việc ban ân ở Tức Mạc, quê họ Trần, nhưng tiếng hay đồn xa, tiếng dở đồn xa, dân chúng nơi khác cũng nghe và có cảm tình nhiều hơn.

Cũng trong phần tranh thủ nhân tâm, nhà Trần không những tìm sự ủng hộ của dân chúng mà muốn các quan trong triều cũng vậy. Cũng theo thời xa xưa, dân chúng khắp nơi còn rất tin vào lời thề. Trong Tam Quốc Chí cái thề nổi tiếng nhất là việc thề ở Đào Viên kết nghĩa giữa Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi. Nhà Trần hàng năm cũng tổ chức các buổi lễ ăn thề. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 4, viết: “Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng:

“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.

Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.”

Tiếp theo những lễ nghi trang trọng, nhà vua đối với các quan trong triều rất bình dân. Theo một số sử gia có quan niệm cổ thì cho là làm mất đi tôn ti trật tự. Nhưng theo quan niệm mới đó chính là sự thu phục nhân tâm làm cho quan tướng, đồng lòng giúp vua. Đó chính là một loại chiến tranh “công tâm” rất hữu hiệu. Nếu mình làm lãnh đạo mà tỏ ra hống hách, xa cách thì ngay cấp trực thuộc cũng đã ghét mình rồi, huống hồ các từng lớp dưới cùng của xã hội? Nếu vua quan lúc ấy ăn tiêu phung phí, đàn áp nhân dân thì chưa chắc đã có những huy hoàng của dân tộc ta đâu. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 15, viết: “Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ Cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói: “Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng”.” Quyển sách được viết tiếp: “Ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên ở điện Bát Giác.” Cũng trong quyển này viết lại cách cư sử giữa vua tôi như sau: “Mậu Thìn,[Thiệu Long] năm thứ 11 [1269], (Tống Hàm Thuần năm thứ 4, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 5). Mùa Xuân, tháng giêng, vua từng nói với tôn thất rằng: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc’.

Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.”

Một điểm may mắn cho Đại Việt, Trần Thủ Độ là kẻ chủ mưu trong việc cướp ngôi, làm dân chúng ghét, nhưng ông lại có nhiều điểm làm giảm bớt điều ấy. Một trong các việc ấy là sự ngay thẳng, công bằng Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 23, viết:

“Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.

Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng :

“Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao”?.

Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói “.

Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.  

Linh từ quốc mẫu có làn ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ:

” Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế “.

Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói:” Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa “. Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

….

 Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn:

“Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”.

Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.”

Những cuộc hội nghị Bình Than, Diên Hồng lại một lần nữa chứng tỏ rằng nhà Trần rất có tinh thần dân chủ. Rồi từ đấy, toàn dân đều nhận thấy việc giữ vững non sông không phải chỉ là nhiệm vụ của triều đình, mà là nhiệm vụ của toàn dân

[1] Do nhà xuất bản văn hóa Hà Nội, dịch và phát hành. Q V, trang 4.

[2] Trích từ “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”, trang 6 V.

Một cái chinh phục nhân tâm thực tiễn nhất là làm cho đời sống người dân no ấm.

Phần dưới đây là phân tích quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm. Trong hai trang 23-24, quyển sách có ghi về cuối đời Lý như sau: “Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Người chết đói nhiều, người sống phải phá sản, lưu vong. Bọn phong kiến cát cứ lại bắt nhân dân làm phu dịch, đào hào, đắp lũy và xua họ vào cuộc nội chiến đẫm máu. Thời kỳ đen tối đó dài dằng dặc trong mấy mươi năm trời…

Hòa bình đã trở lại trên đất nước, nhân dân được yên yổn làm ăn. Họ Trần đã khôi phục được chính quyền, thống nhất, chấm dứt cuộc nội chiến phong kiến, về khách quan đã đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân. Nền kinh tế đời Trần lại bắt đầu phát triển.”

Ông Phạm Văn Sơn viết ở trang 236 trong Việt Sử Toàn Thư: “Từ Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông suốt 70 năm mọi việc mở mang đều nhắm vào nông nghiệp và ngư nghiệp và dân không bị đói khổ…” Quyển sách này dịch từ Annam Chí Lược: “Nông thương bất trưng lương thuế.” (Nông nghiệp và thương nghiệp không phải nộp thuế) để nhân dân bớt đói khổ. Theo chúng tôi nghĩ đây là lúc bị thiên tai, dân đói to, nên nhà Trần làm như vậy để chia sẽ sự đói khổ với dân chúng. Đấy cũng là sự công tâm chân thành, rất tốt.

  • Giúp dân ngay cả sau khi đã thắng giặc.

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 46, viết: “Mùa hạ, tháng 4, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn giảm theo mức độ khác nhau.”

Nhìn vào bốn lý do trên đây ta thấy nhà Trần đã đánh vào công tâm rất mạnh.

2- Đánh vào tâm lý địch.

Hưng Đạo Vương cho ra các khẩu hiệu nhằm chia rẽ hàng ngũ địch, cùng làm người Trung Hoa không muốn đánh nhau.

Không cần viết lại thì hẳn quý độc giả cũng biết quân Nguyên Mông chỉ biết cướp phá, giết hại dân lành làm dân chúng oán ghét. Một đoạn trong Nguyên sử[1] cũng viết điều này:

镇南王遂与行省官亲临东岸,遣兵攻之,杀伤甚众,夺船二十余艘。(Trấn Nam Vương rồi cùng Hành tỉnh tự mình đến Đông Ngạn, sai quân đánh, giết chết rất nhiều dân chúng của nước ấy, chiếm được hơn hai mươi chiếc thuyền.) (Tích Dã dịch)

Đối ngựơc lại với nhà Trần, Mông Cổ đã không đưa ra được một chút chính nghĩa. Việc mượn đường sang đánh Chiêm không có một lý luận vững chắc. Việc đưa Trần Di Ái về làm vua thì ai mà không bất mãn.  Các tin mà Mông Cổ xâm lăng Nam Tống, rồi các câu chuyện man rợ của họ đã làm dân chúng sợ, ghét.

Đại Việt đã thắng trận “Công Tâm” với 2 điểm.

B- Công Lương

  1. Đánh lương thực địch quân.

Các quyển sử của Việt Nam đều viết về Hưng Đạo Vương áp dụng chiến thuật “Vườn Không Nhà Trống.” Chiến thuật này làm giặc không thể tìm đâu ra lương thực để nuôi quân. Việt Sử toàn thư của ông Phạm Văn Sơn viết: “Ở các nơi hậu tuyến, từ kinh thành đến các miền thôn dã, triều đình đã ra lệnh bỏ vườn không nhà trống, nhiều nơi bị phá hủy sạch.”

  Theo Nguyên sử, ta thấy:

明日,镇南王入其国,宫室尽空, (Ngày sau, Trấn Nam Vương vào nước ấy, cung điện bỏ trống cả- Tích Dã dịch)

Vì vậy, quân Nguyên Mông phải hoàn toàn tùy thuộc vào đoàn tải lương. Nhưng việc chuyển vận lương thực ra sao? Ta hãy xem Nguyên sử chép:

又交趾无粮,水路难通,无车马牛畜驮载,不免陆运。一夫担米五斗,往还自食外,官得其半;若十万石,用四十万人,止可供一二月。军粮搬载,船料军须,通用五六十万众。

(Vả lại Giao Chỉ không có lương, đường thủy khó đi vào, không có xe ngựa, trâu để chở, không bỏ chở theo đường bộ. Một người cấp năm đấu gạo, đi tự ăn ở ngoài, quan được một nửa: nếu như có mười vạn thạch, dùng cho bốn mươi vạn người, chỉ có thể cấp đủ một, hai tháng. Lương của quân chở đi, thuyền liệu quân tu, thông dụng năm, sáu mươi vạn người…”)

Nếu không có lương thì phải đi ăn cướp, hơn nữa như chúng ta đã xem lịch sử của Mông Cổ thì đây cũng là chính sách của Mông Cổ. Đoàn quân của họ đã cướp lương thực của cải các nước Hồi, Nga, Hung, Tây Hạ, Kim, Cao Ly…rồi dùng lương thực ấy nuôi họ để tiếp tục cướp bóc, tấn công nơi khác. Tuy nhiên, đi cướp lại phạm vào điều “Công Tâm” và như vậy làm dân ghét, lại cộng tác với quân triều đình nhà Trần nhiều hơn. Ô Mã Nhi đã từng làm việc ấy. Công Lương đã đưa Nguyên Mông đến chỗ thua cuộc chiến lần thứ hai và ba, nhất là khi đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh chìm.

  1. Làm lương thực mình dồi dào.

Ngược lại, nhà Trần phải làm lương thực của ta thật nhiều. Muốn có lương thực dồi dào cho quân đội thì kinh tế, ruộng nương  phải nhiều. Như phần công tâm- kinh tế ở trên đã bàn về vấn đề này. Để đạt được mục đích thì phải khai khẩn nhiều ruộng; đắp đê phòng lụt; khai kinh cho nước vào ruộng. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 13, viết:  “Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập.”

“Ất Mão, [Nguyên Phong] năm thứ 5 [1255], (Tống Bảo Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lưu Miễn bồi đắp đê sông các xứ ở Thanh Hóa.”

Khi chưa có hiểm họa chiến tranh chống xâm lược, việc đào kênh, đắp đê được giao cho binh lính. Ấy là sự khôn ngoan, duy trì được quân số lớn mà lại giúp cho tăng gia sản xuất. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5, viết: “Tân Mão, [ Kiến Trung] năm thứ 7 [1231] , (Tống Thiệu Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.”

“Mùa hạ, tháng 4, chọn tản quan làm hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi đề phòng lụt, hạn.”

Tuy nhiên việc đắp đê làm đường thường chiếm đi một số đất của dân. Lợi đâu chua thấy mà đã gây lên căm phẫn của dân. Như vậy lại đi ngược với đường lối công tâm. Để tránh sự chống đối của dân, triều đình đã trả lại tiền bồi thường cho dân chúng. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 13, viết về việc này như sau: “Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền . Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó.”

Việc đắp đê khai hoang làm tăng diện tích canh tác không phải chỉ ở người dân, binh lính mà ngay cả vương hầu, quý phái cũng phải làm. Thật là công bằng! Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 25, viết “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy.”

Ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm trong quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” đã viết việc phục hồi nông nghiệp trang 24 viết: “Để khôi phục lại sức sản xuất bị đình đốn cuối nhà Lý, nhà Trần đã chú trọng tổ chức khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.” Trang 25, quyển sách tiếp “Sách An nam chí cho ta khá rõ về tình hình đê điều thời Trần: “Xứ Giao chỉ, dân cư trù mật, đất  không đủ cày, cho nên người trước đằp đê cao ở hai bên bờ sông ngòi đề phòng nước lụ, đất làm muối ở ven biển, bị nước nặm lấn vào, bọn quý tộc thế gia muốn chiếm riêng cày cấy ở bên trong, như thế là để yên dân và khai thác hết mối lợi của đất đai. ”

Khi bàn về hậu quả đắp đê, quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” có chép lại từ An Nam Chí cho ta thấy rằng từ sau khi các để đó được đắp thủy tai không còn nữa mà đời sống của dân sung sướng, đất đai không bỏ sót nguồi lợi nào.

Nói như vậy “Công Lương” Đại Việt hoàn toàn thắng 2 điểm.

C- Thiên thời

1- Thời Tiết.

Nước ta trong mùa hè có khí hậu nóng ẩm, một loại khí hậu mà người Mông Cổ không ưa. Tuy nhiên người miền nam Trung Quốc như vùng Quảng Đông, Quảng Tây hay các hải đảo thì không mấy bị ảnh hưởng mấy. Nhưng ta nên nhớ rằng, ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi quân Mông sang, quanh năm không phải lúc nào cũng vậy. Hơn nữa người làm tướng phải biết lúc nào nên tấn công; đó mới là điểm quan trọng.

Vào những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi; quân Nguyên Mông không chịu nổi khí hậu này. Ngày xưa, ta cứ nói đó là lam sơn chướng khí và lắm khi ta chẳng biết rõ đó là cái gì. Nhưng thật ra tất cả đều do khoa học mà ra cả. Vào mùa này, cây cối nở hoa, làm các nhị hoa theo gió bay đi khắp nơi, quân Mông Cổ mới sang bị dị ứng chịu không nổi. Trong đất đai của từng địa phương cũng còn có các hóa chất khác nhau, bình thường thì ta không thấy gì, nhưng lúc mưa xuống chúng bị các phản ứng hóa học bay hơi hòa trong không khí, hít vào khó chịu. Thêm vào đó các vi khuẩn cũng tìm môi trường điều hòa nhất để sinh sống lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hay ngược lại. Đó chính là cơ thể người ta, vì trong con người ta nhiệt độ không thay đổi. Nhiều vi khuẩn khác sống ở hoa ôi, rễ mục cộng thêm với hóa chất hòa tan chảy xuống sông, vào giếng uống vào sinh bệnh tật nhất là hay bị đau bụng. Dân ta sinh sống nơi đây lâu, sự miễn nhiễm tốt hơn nên ảnh hưởng ít. Quân Nguyên Mông từ xa tới chưa được miễn nhiễm nên bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện tương này rất dễ thấy khi ta đi du lịch hay di chuyển chỗ ở đến một nơi xa xôi, nếu uống nước không cẩn thận sẽ bị bệnh tháo dạ, trong khi người địa phương uống cùng một nguồi nước mà chẳng việc gì.

Giả sử quân Nguyên đã chiếm được nước ta nhiều năm thì sự đề kháng cơ thể của họ với thiên tốt hơn nhiều, lúc đó rất khó cho ta. Chuyện quân Minh chiếm nước ta 10 năm rồi Lê Lợi mới khởi nghĩa, nên đã vất vả thêm 10 năm, không lợi dụng được sự mệt mỏi của giặc lúc giao mùa.

Khi Hưng Đạo Vương nhận thấy quân địch bị yếu đau, liền cho quân ta phản công. Đó là chiếm lấy thiên thời vậy. Các vị cứ tưởng tượng tới cảnh một người lính Nguyên đang nhức đầu chóng mặt hay đang lúc tháo dạ mà phải cầm một cây cung ra trận, thì thấy họ khổ tâm chừng nào. Vừa dơ cung lên, định buông dây thì hắt hơi một cái. Chẳng hiểu mũi tên ấy đi đâu?

Dù muốn hay không Đại Việt có lợi thế rất lớn trong “Thời Tiết”.

2- Thời Cơ

Như đã phân tích trong mục công tâm. Trong thời gian từ 1250 về sau, nhà Trần đã làm yên ổn dân tình vì đã ¼ thế kỷ trôi qua, sau vụ xáo trộn chính trị. Từ quan tướng trong triều đình đến dân giả ở các làng mạc xa xôi đều hòa thuận. Giả sử quân Mông sang đánh nước ta năm 1226 thì điều gì sẽ xẩy đến? Đây là một điều may nắm cho đất nước. Lúc này không phải là thời cơ cho một cuộc xâm lăng.

Đại Việt cũng thắng về “Thời Cơ”.

Tóm lại toàn thể phần Thiên Thời Đại Việt chiếm hết nên được 2 điểm.

[1] Dựa vào sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII”

Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm có rất nhiều bài dịch từ Nguyên sử. Tuy nhiên ở đây chúng tôi dùng tài liệu của ông Tích Dã nhiều hơn vì có cả phần Hán văn.

D- Địa lợi.

Đất nước ta có nhiều núi, rừng; nhiều sông, ngòi; nhiều ao, hồ là các cái cản trở cho kị binh. Những đồng ruộng của ta cũng không mấy tốt cho loại lính này khi mùa mưa tràn đến. Những rừng già um tùm, xen trong các núi cao là các điểm cho quân ta dễ mai phục đánh bất ngờ. Với các yếu tố về địa chất vừa bàn, thì đất này không mấy tốt cho kị binh, các khẩu pháo catapult hay trebuchet nặng nề, khồng kềnh.

Như bạn đọc còn nhớ trong quyển A Traveller’s History of China, Stephen G. Haw đã viết về việc MC đánh nam Tống mà chúng tôi đã ghi ở chương trước có phần dịch như sau: Cái mạnh mẽ dũng cảm siêu việt của kị binh đã giúp họ (MC) tiến chiếm thành công trên các thảo nguyên, đồng bằng ở Á Châu và đông Âu, nhưng bị giới hạn rất nhiều ở các vùng ướt át, núi non của nam Trung Quốc. Kị binh tấn công không thể cưỡi vượt ngang sông, đầm lầy và các ruộng lúa.

Tam Cốc- Ninh Bình

Vùng này chỉ có nước và núi, dễ dàng làm chiến khu chống giặc lâu dài.

(ảnh tác giả)

Trung Việt từ Thanh Hóa đến Quảng Trị thuộc Đại Việt thời trần vào mua mưa đất đai lầy lội, tuyệt dối bất lợi cho kỵ binh.\

 ĐèoNgang- Quảng Bình

Quỳnh Lưu- Nghệ An

Patricia Buckley Ebrey viết trong quyển sử Cambridge Illustrated History of China, trang 172 có đoạn sau: Miền nam sông Dương Tử của Trung Quốc chưa bao giờ bị chiếm bởi các người trên thảo nguyên không phải gốc Trung Hoa là vì có nhiều sông, kênh đào, suối đã trở thành các chướng ngại vật ngăn cản kị binh. [China south of Yangzi had never been captured by non-Chinese from the steppe, in large part because the rivers, canals, streams of the region posed an effective barrier to calvary force.]

Đây cũng cho ta thấy vùng đất này giống đất của Đại Việt. Vậy rõ ràng là ta có địa lợi chống kị binh.

Ta biết rằng ở Bắc Việt, theo âm lịch mùa mưa bắt đầu từ khoảng tháng tư đến cuối tháng 9. Tháng 9 âm lịch, lúa mùa chín, dân ta lo đi gặt lúa. Lúc ấy, đồng bằng Bắc Việt khô khan, trừ một số đồng chiêm, sâu hơn quanh năm ngập nước. Sau mùa gặt lúa, cắt rạ, các cánh đồng một mùa trở nên khô khan bằng phẳng. Ngay tại các  vùng chung quanh Hà Nội, trên các cánh đồng dân chúng chuẩn bị trồng rau, cải, đậu, khoai… vì không có nước trồng lúa (Thủ nhỏ tôi thường ra đê Yên Phụ ven sông Hồng đẩy xe củi về nên biết điều ấy). Từ tháng 11 đến tháng tư thì các dòng sông còn rất ít nước, kể cả sông Hồng; nước rút xuống tận đáy. Đây là địa lợi cho kị binh và vũ khí nặng. Riêng phần đất từ Lạng Sơn đến Bắc Ninh cũng vậy. Vào mùa đông, xuân nơi này đất đai khô ráo rất thuận tiện cho kị binh tiến sang.

Khi Mông Cổ vào nước ta, thì lúc ấy vào mùa đông, xuân đất đai khô ráo nên chúng có phần lợi thế. Đoàn kị binh của họ có thể tiến nhanh như gió cuốn; đại bác của họ cũng dễ bề di chuyển. Cần phải vượt sông thì nước cạn, sông hẹp. Thêm vào đó, lúc mới sang, quân Mông Cổ còn rất hồ hởi, sức mạnh trẻ tre và trùng trùng, điệp điệp, đoàn này sau đoàn kia. Nếu tận lực đương đầu thì thật bất lợi. Cũng như hai võ sĩ, một mạnh, một yếu đánh nhau. Khi võ sĩ có sức mạnh mới tung ra một quyền mà người yếu dơ tay gạt liền thì có thể bị đau và còn có khi què là khác, vì dùng cương chống cương. Tốt nhất, người yếu phải tránh cú đấm thôi sơn đó, hay dùng tay đẩy tay đối phương đi lệch hướng một chút, để cú đấm ấy không đánh đúng chỗ hiểm. Đợi quyền đối phương sắp hết đà thì ta phóng tay phản kích. Đó là lấy thế tám lạng bạt ngàn cân hay lấy lẹ làng và đúng lúc để khắc chế vũ lực vậy. Nếu lấy trứng trọi đá thì thua là chắc.

Ta thấy những lúc thấy địch có lợi thế, Hưng Đạo Vương cho đánh cầm chừng rồi lui quân cũng là thế 8 lạng bạt ngàn cân trên.

Đến mùa mưa, lúc ấy đất đai trở thành bùn lầy, rất khó khăn cho kị binh; còn các khẩu đại pháo Mông Cổ, nặng cả vạn cân bây giờ chỉ là các khối gỗ loại vô dụng; chúng chĩa về nam, mà ta tấn công từ đông lấy ai mà quay nổi các tòa lâu đài loại khổng lồ ấy trong bùn lầy? Hơn nữa, mùa này, cây cối xanh tươi, rậm rạp nhiều nơi để lính ta ẩn núp, phục kích, đánh bất ngờ. Đây là lúc phản công!

Tóm lại, nhà Trần đã áp dụng triệt để yếu tố địa lợi trong thiên thời vậy.

Một điểm trong Địa Lợi khác trong khi điều kiển một trận đánh theo lối cổ là chiếm cao điểm. Sách Lục Thao cũng công nhận và cho rằng lên cao mà nhìn xuống để quan sát biến động của kẻ địch. Thật vậy từ cao điểm các tướng có thể quan sát được hết chiến trường và nhận ra các chỗ mạnh yếu của đối phương, rồi từ đó tướng cho hiệu cờ, trống, khói, lửa để quân của ông tấn công vào yếu điểm của địch. Khi ta đọc lịch sử quân sự Mông Cổ đã thấy họ cố sức làm điều ấy khi một trận chiến sắp xảy ra.

Tại Đại Việt họ cũng ra sức làm điều này, nhưng các núi non chung quanh vùng có chiến dịch ta cũng nắm hết. Theo sử thì Hưng Đạo Vương ở từ đỉnh núi Tràng Kênh điểu khiển trận đánh trong chiến dịch Bạch Đằng. Bài viết Chiến thắng Bạch Đằng ngày 9 tháng 4 năm 1288 của các tác giả: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm và Trần Bá Chí viết cho ta thấy quân ta chiếm các núi cao : “Thắng lợi Trúc Động đã bảo vệ an toàn lực lượng của ta bố trí trên sông Giá, sông Thải và các dãy núi hai bên.”

“Trên các mỏm núi, trong các nhánh sông, các chiến sĩ ta đã chỉnh tề cung tên, gươm giáo chờ lúc nước triều xuống mạnh và đoàn binh thuyền Ô Mã Nhi lọt vào sông Bạch Đằng mới đổ ra quyết chiến.”

“Phàn Tiếp vội vàng đưa thuyền áp sát vào phía Tràng Kênh và thúc quân đổ lên bờ “chiếm lấy núi cao”(An Nam chí lược, q. 4, sách đã dẫn). Chúng muốn giành lấy điểm cao để chống lại quân ta, hỗ trợ cho trung quân và hậu quân chúng rút lui an toàn.”

 …

“Phía núi Tràng Kênh, quân ta vừa dùng cung tên, vừa đánh gần, gạt toàn bộ đội quân Phàn Tiếp xuống sông. Địch bị chết, bị thương không kể xiết. Phàn Tiếp bị trúng tên, nhảy xuống nước, bị quân ta lấy câu liêm móc lên và bắt sống (Nguyên sử, q.166, Phàn Tiếp truyện chép: Tiếp bị thương, nhảy xuống nước, giặc (chỉ quân ta) lấy câu liêm móc lên. Toàn thư nói quân ta bắt sống được Phàn Tiếp.)

Địch đã lọt vào trận địa mai phục của ta. Trống lệnh nổi liên hồi, cờ hiệu bay phấp phới. Bộ phận quân ta phục sẵn ở các áng núi Tràng Kênh gồm cả quân chủ lực và dân binh dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Bảo – liền xông ra quyết chiến. Từ trên núi, quân ta đánh hất địch xuống hết đợt này đến đợt khác, quyết không cho địch chiếm núi.”[1]

J.A.G. Roberts cũng đã viết trong quyển sử về Trung Quốc ở trang 107 đoạn : Các cuộc xâm lăng vào Đông Nam Á đưa quân Mông vào các địa thế mà các kỹ sảo của họ không mấy giá trị và họ đã chịu kết quả thảm hại lộn ngược. [Campaigns in South-east Aisia took the Mongols into terrain in which their military skills were of little value and they suffered disastrous reverses.]

Tóm lại Đại Việt đã chiếm ưu thế trong “Địa Lợi” với 2 điểm. Nguyên Mông chiếm được địa lợi lúc đầu đất đai khô ráo nên được 1 điểm.

E- Nhân hòa.

Nhà Trần đã làm gì để có Nhân Hòa? Như chúng tôi đã bàn trong mục công tâm, và việc này đã làm tăng tiến sự nhân hòa. Qua hai lần hội nghị Bình Than và Diên Hồng, quân dân một lòng chống ngoại xâm. Nhà Trần đã biết áp dụng yếu tố nhân hòa trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Tuy vậy đối với dân thì nhân hòa, nhưng nếu trong giới tướng lãnh mà không hòa thì cũng là một hiểm họa. Chuyện Mông Cổ đánh Nga và Hung Gia Lợi là các bài học quý giá.

Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải lúc trước không mấy hòa thuận. Trần Quang Khải thì làm tể tướng, trong coi mọi việc của triều đình. Lúc kháng Mông thì Hưng Đạo Vương làm tiết chế chỉ huy tất cả binh lực. Nêú Trần Quang Khải không nghe lệnh của Hưng Đạo Vương rồi muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đi đâu thì đi thì chẳng khác gì chuyện Nga, Hung và chắc Đại Việt đã không viết lên những trang sử có một không hai trên thế giới vào thế kỷ XIII.

Câu chuyện dưới đây cho ta thấy một may mắn khác của Đại Việt. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 50, viết : “Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên. Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:

“Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”.

Quốc Tuấn trả lời:

“Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”…

Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:

“Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:

“Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.

Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.

Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.”

Giả sử Hưng Đạo Vương là người ham quyền thì làm nhận chức tư đồ thì sao hàn gắn được mối quan hệ và cùng chung lưng đấu cật chống ngoại xâm.

Nhân hòa lo chống giặc ở đời nhà Trần không phải chỉ có đám mày râu, mà còn cả trong giới hồng quần. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 18, viết về bà hoàng hậu họ Trần lấy vua cuối nhà Lý như sau: “Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu. Thái Tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu.

Đến khi người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân. Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần. Việc thì giống như Đồ Sơn dấy nhà Hạ, mà đức thì không giống. Đạo biến của trời như thế đấy, huyền vi thay!”

Ngược lại, Nguyên Mông đã bị tội xâm lăng dân không ưa, mà Thoát Hoan còn sai Ô Mã Nhi đi ăn cướp lương thực thì làm sao để tạo nhân hòa?

Ai thắng ai thua trong « Nhân Hòa » đã thấy rõ. Đại Việt được 2 điểm.

F- Chiến Thuật.

Trước khi quân Nguyên Mông tràn sang, Hưng Đạo Vương cho ra tập Binh Thư Yếu Lược của ngài để các tướng cùng thông hiểu các mưu lược giết giặc. Tiếc rằng cuốn binh thư ấy không còn nên muốn tìm hiểu chiến thuật của Hưng Đạo Vương thì ta hãy xem lại lời đối đáp của Ngài với Vua Anh Tông khi nhà vua lại thăm lúc Ngài sắp lâm chung. Nhà vua hỏi làm sao có thể chặn MC, nếu chúng xâm phạm bờ cõi lần nữa? Ngài đáp lại mấy điểm chính sau:

1/ Theo kế hoạch của Triệu Đà, đốt phá sạch ruộng đồng. Như vậy ngài áp dụng việc “Công Lương” nhất định không cho giặc cướp lương từ nhân dân. Trận Vân Đồn lại chứng tỏ rằng Hưng Đạo Vương triệt để chú trọng đến lương thực của địch.

2/ Đánh úp sau lưng giặc. Ngài áp dụng mưu kế mà các nhà quân sự Tôn Tử, Ngô Khởi, Khổng Minh, Bạch Khởi, Tôn Tẫn… đã bàn. Trong chiến thuật việc mình phải chủ động trong việc dàn binh của địch rất quan trọng. Khi mình chi phối được mức đóng quân của địch, thì ta dễ dàng hơn trong việc tấn công hay tránh né. Nếu quân ta ít, yếu mà dịch mạnh thì ta tránh trấn công. Nếu địch thưa yếu hơn ta thì ta đánh. Hưng Đạo Vương đã chủ động trong việc này. Tong quyển Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 280 có ghi: “Ngày 23 tháng chạp, quân của tham chính Phàn Tiếp theo Thoát Hoan đánh Bắc Giang. Quân ta ngăn sông, chống giữ không lại.  Thủy quân Mông Cổ vào được sông Cái (sông Hồng), quân ta rút lui.….Ngày 28 tháng chạp, bọn phản quốc Lê Tắc cũng theo sát gót Mông Cổ, nhưng đi sau vì phải lưu lại châu Tư Minh. Lê Tắc dẫn bọn Sảnh-đô-sự Hầu-sư-Đạt, vạn hộ họ Đạt, thiên hộ họ Tiêu, đem 5000 quân từ châu Tư-Minh lục tục tiến theo đại quân Thoát Hoan. Chúng phá ải Nội Bàng (thuộc Lạng Sơn), tiến chiếm sông bằng (thuộc địa phận Cao Bằng), ngảnh lưng về phía nước ta mà bày trận. Quân ta chống trả mãnh liệt, tên thuốc độc bắn như mưa; lửa cháy ngất trời. Đến canh năm giặc thua và tan vỡ, Hầu sư Đạt tử trận… ”

Ở phần trên, ta đã thấy gì? Nhìn vào bản đồ ở phần các trận đánh Đại Việt thì Nội Bàng ở sau lưng Thăng Long kể từ biên giới đến. Các phần này cho ta thấy Hưng Đạo Vương vẫn cho quân đánh phá sau lưng địch, vì Phàn Tiếp, Thoát Hoan đã đến sát Thăng Long mà đám người của Lê Tắc chưa đến Nội Bàng là ở phía sau. Hơn nữa, số quân không phải là nhỏ vì muốn đánh bại đạo quân 5000 người thì quân ta phải đông hơn nhiều. Với số quân Đại Việt đông như vậy thì quân Nguyên phải dàn quân nhiều nơi để bào vệ lẫn nhau.

Trang 209: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm cũng viết lại các hoạt động tương tự:

“Nguyễn Lộc trước đây hoạt động ở vùng Thất-nguyên (Tràng-định), Vĩnh-bình (Cao-lộc), thì nay mở rộng phạm vi khắp vùng Lạng-sơn.[1]” Quyển sách cũng đề cập các trận đánh của Nguyễn Thế Lộc (Nguyễn Lộc) và Nguyễn Lĩnh vào các toán Việt gian ở phần phụ lục trang 210.

Đến trang 221 quyển ấy lại viết:

“Tháng tư âm lịch (tháng 5-1285), Thoát Hoan sai Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban) đưa bọn Việt gian Trương-hiến hầu Trần Kiện, Văn-nghĩa hầu Trần Tứ Hoãn và em hắn là Minh thành hầu, con của Chiêu-quốc vương Trần-ích-Tắc là Nghĩa-quốc hầu cùng với gia thuộc hắn về Trung Quốc. Khi chúng đia qua Lạng Sơn, đội dân binh người Tày do Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh chỉ huy, phối hợp với cánh quân Trần ở địa phương đã tập kích bọn chúng ở trại Ma Lục vùng Chi Lăng. Bọn Việt gian và đoàn quân hộ tống của Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban)bị vây đánh cả ngày lẫn đêm.”[2]

Việc dặn quân lính rút vào rừng đánh úp sau lưng giặc là áp dụng chiến thuật du kích, cấm không được hàng giặc. Vì chiến thuật này bắt giặc phải phân tán lực lượng, ra một vùng rộng lớn làm sức giặc yếu đi. Lắm khi, chẳng có người lính nào của ta ở một thị trấn, nhưng Mông Cổ vẫn phải cắt quân canh chừng. Nguyên sử viết về Đại Việt chiếm lợi địa, dùng du kích chiến: “Họ giữ nơi hiểm yếu chống cự, đều có nhà kho để cất chứa đồ áo giáp của quân sĩ. Họ bỏ thuyền lên bờ, quân giống như dân chúng, Nhật Huyên dẫn họ hàng, quan lại đến Thiên Trường, Trường An đóng đồn tụ họp, Hưng Đạo Vương, Phạm Điện Tiền đem thuyền quân lại tụ hợp ở cửa sông ở Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc trú ở phía tây lộ Vĩnh Bình.” (Tích Dã dịch)

Một đoạn khác Nguyên sử ghi như sau: “Nhật Huyên đến cửa biển An Bang, bỏ thuyền, đồ áo giáp, binh khí, chạy vào ẩn náu ở rừng núi.” Trong quyển của ông Tấn trang 206 cũng có ghi: “Nhưng trên một miền đất rộng lớn đó, địch không thể có quân rải cho đủ và ngay ở vùng chiếm đóng được, chúng cũng không thể kiểm soát nổi.”

Sau này, đến cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Minh cũng cho đánh du kích khắp bán đảo Đông Dương khiến Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó. Sau đó, họ dùng chiến thuật công đồn đả viện, làm Pháp đem binh đi cứu nơi bị nguy rồi chui vào ổ phục kích. Lúc thượng Lào bị tấn tấn công liên miên, nhờ vào đoàn tiếp vận từ Liên Khu Tư (Thanh, Nghệ, Tĩnh) qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, rồi vào lòng chảo Điện Biên Phủ qua Lào. Pháp quyết định thả 6 tiểu đoàn dù xuống lòng chảo này để chặn đường tiếp vận của Việt Minh. Rồi từ đó sinh ra trận Điện Biên Phủ khốc liệt.

Hiện nay, quân Mỹ với vũ khí tối tân, hùng hậu đã vào Iraq và Afganistan dễ dàng, nhưng quân họ phải trải quá rộng để kiểm soát được hết lảnh thổ hai nước này. Tuy nhiên, họ cũng đang bị chiến thuật du kích làm tổn hại và chẳng hiểu hết quả có được như họ mong muốn không?

3/ Chiêu mộ nhân tài. Ngài đã áp dụng cách tuyển quân, chọn tướng trong binh pháp. Đánh thắng giặc là chọn người tài bất luận nơi nào, không nhất thiết là người của hoàng tộc, mà Thương Ưởng nhà Tần đã làm cho nước này hùng cường. Thời nhà Trần ta thấy rất nhiều tướng lừng danh không phải từ dòng dõi vương triều ra như Lê Phụ (Lê Phụ Trần), Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Bình Trọng, Nguyễn Lộc, Nguyễn Khoái, Nguyễn Khả Lập, Nguyễn Xuân…

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5,  chép: “ Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.” Khi Trần Khánh dư đánh nhau với Trương Văn Hổ, quân sĩ đội nón Ma Lôi. Vậy chắc có thể Ma Lôi sau này làm tướng dưới quyền của Trần Khánh Dư.

Không phải chỉ nhà vua chiêu tập nhân tài, mà chính bản thân Hưng Đạo Vương cũng có nhiều nhân tài, hiền đức phù tá như Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu.

4/ Chinh phục nhân tâm. Ngài đã áp dụng “Công Tâm- Nhân Hòa” trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Không thành trì nào vững hơn lòng dân, đúng như Ngô Khởi đã nói với Ngụy Vũ Hầu lúc đi chơi thuyền. Các việc này chúng tôi đã phân tích trong công tâm và nhân hòa.

5/ Đắp lũy xây thành. Ngài đã chọn ưu thế về địa lợi. Ta không nên hiểu hạn hẹp thành là thành trì, nhiều khi thành mà chẳng thấy hào sâu, tường cao. Vì vậy mấy lần, ngài đều bỏ thành Thăng Long chạy vào Yên Trường và Thanh Hóa, những nơi có núi cao ruộng sâu. Vậy ngài đã dặn chọn nơi rất khó khăn cho giặc tấn công làm thành trì. Nếu quí vị đã đến vùng núi Tam Điệp, Tam Cốc- Ninh Bình giáp Thanh Hóa thì thấy nơi đây núi non trùng điệp, chung quanh là đồng sâu. Kị binh vào đây thì không di chuyển được. Bộ binh vào đây chỉ làm mồi cho tên độc, khi phải đang lội nước quá đùi. Vì vậy, Ngô Văn Sở đã rút về đây chống quân Thanh. Có thể Trần Quang Khải cũng làm như vậy, vì sử chỉ nói sơ rằng ông rút qua Thanh Hóa đóng quân khi Toa Đô làm tiệc chiêu an ở Thanh Hóa.

Ta cũng không quên trong lần kháng Nguyên thứ 2, Hưng Đạo Vương đã rút về Vạn Kiếp. Tại sao vậy. Chính cũng vì địa lợi. Ta hãy xem Lê Tắc tả lại vùng này trong quyển An Nam Chí Lược như sau: “Trở mặt ra một con sông lớn, sau lưng có núi muôn trùng, rừng rậm tre cao,dưới nước trên cầu, phong cảnh rất đẹp. Hưng-Đạo-Vương đã từng ẩn ở trong ấy.”[3]

6/ Lấy đoản chống trường. Ngài đã áp dụng lấy cái ưu điểm của mình chống lại cái khuyết điểm của địch. Trong nghĩa đen thì quả thật lấy dao ngắn chống thương dài, nhưng chống ở chỗ nào thì mình mới thắng? Trên một bãi cỏ cho một người cầm thương một người cầm đao cụt, rồi cho đánh nhau thì kẻ cầm thương có lợi thế. Người cầm đao nếu không vào sát được đối thủ thì thấy từ chết tới bị thương. Vậy người này phải đánh cận chiến, lúc ấy trường thương thành vô dụng. Một cách thứ hai để người cầm đao nắm được phần thắng là dụ đối phương vào nơi chật hẹp, hay rừng cây rậm rạp, để đối phương khó lòng múa được thương dài của hắn.

Tuy nhiên, đây không có nghĩa là lấy dao ngắn chống thương dài, mà có nghĩa là tùy vào từng môi trường, tùy hoàn cảnh, đem chiến thuật để chống giặc. Dù là mình người yếu; lính giặc mạnh; ngựa mình nhỏ; ngựa giặc to; kiếm mình ngắn; đao giặc dài, nhưng với những khôn kéo, mưu lược mình vẫn khắc chế được địch quân.

Lúc quân địch tràn sang với khối người vài chục vạn tập trung vào vài mũi dùi, quân mình không thể chống nổi. Đó là đoản chống trường không lợi. Hưng Đạo Vương cho tản ra và địch cũng tản ra. Bây giờ thì mình lại tập trung ở điểm nào đó, trong khi địch không tập trung nổi vì lo duy trì an ninh nơi mới chiếm, rồi mình tấn công. Đó chính là điều Hưng Đạo Vương muốn.

7/ Lấy kiên nhẫn cẩn thận mà chống mau lẹ vũ bão. Đây ngài khuyên là phải lựa chọn đúng thời gian, không nên hấp tấp. Thấy giặc mới vào đem tất cả binh lực ra chống, rồi đến lúc rút thì không còn bao nhiêu quân. Ấy chính là một lầm lẫn. Cứ để cho giặc tiến vào với một nhịp độ để ta rút lui, đợi thời cơ. Đó chính là một áp dụng mà Khương Tử Nha đã nghĩ tới. Viết lại tư tưởng ấy của Khương Thượng sách Lục Thao ghi: “Người thiện chiến ở không rối loạn, thấy có thể chiến thắng thì tiến lên, thấy không thể chiến thắng thì dừng lại. Người thiện chiến thấy điều lợi không để mất, gặp thời cơ không nghi ngờ,”[4]

Đây có thể nói là một tuyệt chiêu đối phó với Mông Cổ, vì chiến thuật của họ là tốc chiến tốc thắng. Hưng Đạo Vương không cho họ làm điều này. Nếu quí độc giả đã đọc qua sử, nhất là quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm thì sẽ thấy lúc đầu quân Mông đánh nơi nào cũng thắng còn ta lúc nào cũng thấy lui. Trong sử không ghi nhưng chắc chắn rằng nhiều nơi địch đến thì chẳng thấy sự chống cự nào. Ngày này sang ngày kia, làm tinh thần hồ hởi của giặc sẽ nguội dần, rồi những yếu tố khác như thời tiết, đất đai lầy lội làm chúng chán nản. Tóm lại đây là chiến thuật lấy diên trì chống mau lẹ vậy.

 Ngoài ra Mông Cổ cũng nổi tiếng về chiến thuật giả thua rút lui. Nhưng khổ một cái, người rút lui đây lại là quân Đại Việt, nên cái chiến thuật ấy bị bẻ gãy. Lúc Mông Cổ rút lui thật thì chúng không làm được chuyện phục khích như đã phục kích quân Georgia hay liên quân Nga mà trái lại Hưng Đạo Vương đã cho bố trí phục kích trước. Đại quân ta cũng đuổi theo địch, nhưng đây chỉ là đuổi để xua các con mồi vào bẫy, tợ như quân Mông Cổ tập dượt săn tập thể. Đây phải chăng là đòn “Gậy Ông Đập Lưng Ông” của Cô Tô Mộ Dung trong Thiên Long Bát Bộ mà Kim Dung viết hay không?

Các điều này thật là đúng với nguyên tắc chiến thuật và chiến lược, tợ như một võ sĩ đang lên đài, chỉ khác một điều là mỗi bộ phận, mỗi một sợi gân của người võ sĩ chính là một người quân trong đội ngũ. Sự khỏe mạnh, vũ bão chưa chắc đã là sự tất yếu để thắng đối phương. Vì thế ta thường thấy các phái võ vẫn thường nhắc nhở lấy nhu chống cương; lấy hòa hoãn bình tĩnh chống vũ bão; lấy sự mau lẹ chống sức mạnh…Cũng trong thời Mông Cổ hoành hành tại Trung Quốc, ở núi Vũ Đương bên Trung Hoa, một nhân tài võ học ra đời: Trương Tam Phong. Ông là người lập ra môn phái Vũ Đương và sáng chế ra Thái Cực Quyền chỉ lấy sự bình tĩnh, ôn nhu để khắc chế cương cường là vì lẽ đó. Nếu quý vị đã đọc bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Ỷ Thiên Kiếm- Đồ Long Đao) của Kim Dung chắc quý vị không khỏi không thán phục cái triết lý võ thuật của nhân vật này.

Nói đến điểm vũ bão, mau lẹ ta thấy Mông Cổ có chiến thuật tấn công rất hay. Nhưng cái chiến thuật này chỉ hữu hiệu với cả hai cùng lấy cương chống cương, lấy vũ lực chống vũ lực, cùng địa thế thuận tiện cho kị binh. Nếu một nhà lãnh đạo ỷ vào binh hùng, tướng mạnh mà đi xâm lược nước khác không nghiên cứu rõ về hình thể đất đai, khí hậu, phong thổ cùng văn hóa tập quán nước đó thì chưa phải là tướng tài. Điều này đã thể hiện ở binh chủng các nước ngày nay. Tùy theo địa thế khí hậu mà họ tổ chức các binh chủng TQLC, nhảy dù, Biệt Động Quân, Biệt Kich…để ứng chiến có hữu hiệu.

Ta hãy xem Hưng Đạo Vương và các tướng của Đại Việt áp dụng chiến thuật lấy kiên nhẫn, cẩn thận để chống nhanh chóng, vũ bão như thế nào.

Khi Mông Cổ mới sang, chúng tiến nhanh như vũ bão, Hưng Đạo Vương chỉ chống đỡ cầm chừng, rồi rút lui theo kế hoạch mấy lần rút về Thanh Hóa chính là vì chiến thuật đó. Đợi khi giặc mỏi mệt, chán nản Ngài tung hết lực lượng ra đánh.

Có người sẽ hỏi lấy gì làm bằng cớ sự rút lui này một chiến thuật? Xin thưa rằng nếu không có chuẩn bị kế hoạch rút lui thì không thể tập trung quân  nhanh chóng và đông đảo để phản công. Trong quyển Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn trang 261-262 (lần I) viết: “…Giặc không tiến được núi Khưu Cấp phải qua ải Khả Lợi (Lạng Sơn) kéo xuống. Cánh quân Đông Đạo của Tản Lược Nhi lúc này vượt được ải Khả Lợi…

Hưng Đạo Vương chống nahu với Thoát Hoan ở ải Nội Bàng ngày 27 tháng chạp năm Giáp Thân (1284). Thế giặc mạnh quá ngài phải chạy về đóng ở Vạn Kiếp, chuẩn bị cho cuộc phản công…

…Ít lâu sau, Khả Lợi và Lộc Châu thất thủ, Việt quân phải rút về Chi Lăng (Hải Dương)…

Vua Nhân Tông được tin Hưng Đạo Vương lui quân khỏi Lạng Sơn liền xuống thuyền nhỏ ra ra Hải Đông (Hải Dương) triệu Hưng Đạo Vương đến. Nhân Tông nói: “Thế giặc lớn như vậy, chống với nó e dân sự sẽ tàn hại hay là hàng chúng để cứu dân?”

Hưng Đạo Vương khẳng khái trả lời: “Bệ hạ vì lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng tôn miếu và xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi trước đã.

Hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp. Hội nghị này họp để chỉnh bị lại hàng ngũ…Quân các lộ, các xứ tập hợp lại và chiêu mô thêm vẫn đủ được 20 vạn…”  

Từ tháng chạp rút chạy mà phản công là tháng giêng tại Bình Than với số quân đến 10 vạn thì cuộc họp quân trên chỉ vào cuối tháng chạp. Đây là thời gian rất ngắn mà ta vẫn có đến 20 vạn quân thì sự rút lui có kế hoạch mới làm được như vậy.

Lúc Ô Mã Nhi được lệnh đi đón thuyền lương Trương Văn Hổ (theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn) Trần Khánh Dư ra sức cản, nhưng bị thua. Ô Mã Nhi gặp được thuyền lương của Hổ thì quay về. Khi hắn qua đây lần thứ hai, ông biết đánh cũng sẽ thua, nhưng cái quan trọng là lương thực ở sau. Vì thế, ông cứ để Ô Mã Nhi đi qua dễ dàng. Với chiến thuật này làm Ô Mã Nhi, thêm tự tín, nghĩ rằng quân Đại Việt tan rã rồi, nên chẳng cần hộ vệ, mà cứ thẳng tiến về đánh quân ta ở nơi khác. Rồi kết quả là như ta đã thấy.

Trần Quang Khải được nhiệm vụ trấn thủ ở Nghệ An, Thanh Hóa chặn đường tiến quân của Toa Đô. Khi thấy thế giặc mạnh ông rút quân vào vùng hiểm trở cố thủ. Toa Đô ra đến Trường Yên (Ninh Bình) đóng trại. Khi nghe tin hai vua đã vào Thanh Hóa, Thoát Hoan ra lệnh cho Toa Đô quay lại nơi ông ta đã qua. Ông ta nghĩ rằng rất dễ để tiêu diệt quân ta, nhưng ông ấy đã lầm. Toa Đô vô được, nhưng ra không được vì bị phục kích, lại thêm khí hậu bắt đầu khó chịu. Vùng núi non đầm lầy giữa Thanh Hóa, Ninh Bình quả là những chiến lũy kiên cố. Ông ta đành kêu cứu, Ô Mã Nhi được cử vào nhưng rồi cũng sa lầy nốt. Chúng không thể nào bắt liên lạc với đại quân và phải xuống thuyền trở ra bắc. Để rồi về đến Tây Kết lại bị đẩy lui và kết quả một tướng bị chém đầu; một tướng bỏ chạy thẳng về Trung Quốc.

8/ Lấy mưu lừa địch.

Trong lần thứ nhất, quân Mông thua chạy qua Quy Hóa, chủ trại Hà Bổng dùng cách lừa giặc theo đúng như Tôn, Ngô chủ trương, đánh giặc không ngại chuyện lừa dối. Trang 26 của Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư  chép:

“Dụ binh giặc đến huyện Phù Ninh, viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên núi Trĩ Sơn cố thủ. Giặc đóng ở động Cự Đà. Hà Đặc lấy tre đan thành những hình người to lớn, cho mặc áo, cứ đến chiều tối thì dẫn ra dẫn vào. Lại dùi thủng cây to, cắm tên người lớn vào giữa lỗ để giặc ngờ là sức bắn khoẻ xuyên suốt được. Giặc sợ không dám đánh nhau với Đặc. Quân ta hăng hái xông ra đánh bại được giặc. Đặc đuổi đánh đến A Lạp, bắc cầu phao qua sông, hăng đánh quá bị tử trận. Em là Chương bị giặc bắt, lấy trộm được cờ xí, y phục của giặc trốn về, đem dâng lên, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc, đến doanh trại giặc. Giặc không ngờ là quân ta, do vậy ta cản phá được chúng.”

9/ Phân tán địch- Đánh tiêu hao.

Một chiến thuật của Hưng Đạo Vương áp dụng là phân tán lực lượng địch. Nếu địch quân đi đâu thì cả chục vạn cùng đi thì làm sao ta phá được chúng. Cách diệt được chúng là làm chúng phải phân tán lực lượng, cũng như chuyện Thành Cát Tư Hãn chia lực lượng 400000 quân của Muhammad làm vài chục đơn vị nhỏ, rồi đem 200000 quân của ông ta đánh. Ấy chính là chiến thuật bẻ bó đũa vậy. Muốn làm như vậy thì từ đầu ta đã chống cự, rồi rút. Sau đó đánh tỉa vài ba trận, như vậy địch sợ quân ta chỗ nào cũng có, nên phải phân tán bảo vệ.

Khi địch phân tán rồi, ta mới tập trung quân để đánh như đã nói trên. Nếu có tiếp viện ta lại dùng kế “công thành, đả viện.” Trường hợp địch cho nhiều nơi tiếp viện quân số lớn hơn ta thì lập tức, ta sẽ chĩa mũi dùi vào nơi giặc mới kéo quân đi. Đó lại chính là kế “Điệu hổ ly sơn”.

Bài viết trong Nguyên Sử cho ta thấy địch phân tán mỏng, chúng tôi xin nhắc lại: “Vạn hộ Lí Bang Hiến, Lưu Thế Anh đem quân mở đường từ Vĩnh Bình vào An Nam, mỗi ba mươi dặm lập một trại, sáu mươi dặm đặt một trạm dịch, mỗi một trại một trạm dịch đồn trú có ba trăm người giữ gìn, tuần tra. Lại ra lệnh cho Thế Anh lập pháo đài, chuyên đề đốc trại, dịch trạm, công sự.” (Tích Dã dịch).

Cánh phương nam do Toa Đô chỉ huy cũng vậy, quân Nguyên Mông đã phải dựng các doanh trại để kiểm soát khu vực chúng mới qua. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn trang 271 cũng ghi lại đoạn Toa Đô tiến quân từ Chiêm Thành ra Thiên Trường như sau: “Từ vùng Thanh Nghệ ra suốt khắp miền Trung Châu và dọc vịnh Bắc Việt thế giặc rất to, chỗ nào đồn ải của quân Nguyên cũng san sát. Thành Thăng Long cùng các trọng trấn đều có cờ Mông Cổ bay phất phới. ”

Bây giờ giả sử ở một châu nào đó chúng có 3000 quân đồn trú và được phân chia như trên ở 10 trại. Trong khi ấy lực lượng địa phương ta chỉ có 1000 quân. Ta phải đánh làm sao?

Tướng ta lấy 200 quân chia làm 10 toán, vậy mỗi toán có 20 người. Mỗi toán có nhiệm vụ quấy phá một trại; ban ngày lâu lâu bắn sẻ một tên lính canh. Ban đêm thì chỉ cần 4, 5 người cầm trống, mõ, phèng la, tù và thổi đánh ầm ĩ. Rồi nửa đêm bỗng đâu một mũi tên lửa làm cháy một lều.

Một trại tên Hắc Long, cũng có 300 quân đóng, ta đem 800 quân tấn công. Không cần đánh một trận để tiêu diệt địch mà làm chúng tổn thất. Vấn đề là quấy phá làm suy nhược tinh thần địch quân; lợi dụng thời tiết làm chúng mệt mỏi; dùng địa lợi phục kích để tránh hao tổn. Ban đêm thì dùng 200 quân khởi sự, còn ban ngày thì chọc phá do toán 20 người đã nói trên. Lẽ dĩ nhiên 600 quân luôn ở tư thế phục kích tại nơi có lợi. Chúng ở chỗ sáng, ta ở chỗ tối cứ bắn loạn xạ tên độc tên lửa, không ít thì nhiều làm tổn thất chúng. Sau đó, ta lại kéo đi khi trời chưa sáng. Ban đêm Nguyên Mông không dám ứng chiến mà chỉ phòng thủ.  Chúng dùng các súng phóng đá catapult  và trebuchet bắn bom, đạn ra. Nhưng khổ một nỗi, quân ta bò sát đất rồi xuất hiện bất ngờ, bắn một loạt 200 mũi tên rồi chạy đi. Khi đội pháo của địch tập họp đầy đủ để bắn trả thì quân ta rút mất rồi. Độ nửa canh giờ hay một canh giờ sau màn ấy lại tái diễn. Rút cục cả đêm chúng chẳng ngủ bao nhiêu. Đêm sau lại thay phiên. Đây chính là xa luân chiến, làm địch không được nghỉ ngơi, tinh thần hao tổn.

Một ngày nào đó tướng Nguyên Mông quyết định dùng 200 quân còn khỏe đi càn quét, vì 100 quân kia thì bịnh hoạn tại thời tiết hay bị thương vì tên, lao và một số nữa đã đi chầu diêm chúa. Tướng Mông lý luận, chúng chỉ đánh đêm vậy quân số không đông, nếu 2, 3 trăm thì không địch nổi với 200 tên lính to lớn lại có kị binh hỗ trợ, dù là mấy khẩu pháo catapult không thể đẩy theo đánh giặc này, vì đã tới mùa mưa, đất đai bùn lầy.

Ra khỏi trại một đỗi thì chúng thấy ruộng nước mênh mông; xa xa thấy khói và mươi tên lính Đại Việt đang cầm trống, tù và vừa bắn vừa lội nước bì bõm chạy. Vài tên lính địch khác thì chạy lăng quăng trên các bờ ruộng nhỏ xíu, khác hẳn với cái thảo nguyên mênh mông bát ngát. Kị binh được lệnh truy kích, nhưng khổ một nỗi khi ngựa xuống bùn thì không thể phi được mà lội bùn được vài chục thứơc thì còn đi chậm hơn con bò.

Chúng không biết rằng bàn chân ngưạ và bò bằng nhau, nhưng bàn chân ngựa chỉ có một móng trong khi bàn chân bò hai móng. Khi xuống bùn hai móng bò xòe ra làm diện tích tiếp xúc lớn, giảm áp xuất. Con ngựa vốn dĩ đã nặng hơn bò, lại thêm sức nặng của kị mã mà diện tích tiếp xúc nhỏ nên lún xuống sâu hơn. Vì vậy người ta mới dùng bò, trâu cày ruộng nước tốt hơn ngựa; ngựa chỉ cày ruộng cạn hay cỡi trên đồng khô. Chúng đành đuổi theo, nhưng phải bỏ ngựa và đi chân dễ dàng hơn.

Khi lội nước, bùn vài trăm thước, chúng mới nhận ra thân hình to lớn của chúng bất lợi, lội nước chậm chạp, trên đầu thì nóng như lửa làm mồ hôi nhễ nhại. Đôi dày da của chúng cũng quá bất tiện, vì khi đạp xuống rút lên thì chỉ còn cái chân không; chiếc dày vẫn còn nằm trong sình. Chúng lại phải dừng lại lôi chiếc dày lên; vừa nghỉ một chút thì thấy một đàn nhiều con vật nho nhỏ, dài ngoằng uốn éo bơi trong bùn đục ngầu tới, rồi bám vào chân hút máu. Chúng cố sức lấy tay kéo ra, nhưng túm vào không túm được, đúng là trơn như đỉa. Chúng hết hồn leo lên bờ, từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới giờ chúng chưa bao giờ thấy con vật quái đản và nguy hiểm này. Lính Đại Việt lẽ dĩ nhiên cũng bị đỉa bám, song họ quen quá rồi và có một túi vôi nhỏ đeo bên hông, lôi ra, phết một chút là đỉa bỏ liền.

Cùng bất đắc dĩ, đòan lính Mông chia làm nhiều toán đi trên các bờ ruộng. Cái bờ ruộng thì quá chật so với thân hình chúng, nhưng cũng đành xếp hàng một tiến tới thận trọng không thì lại bị mấy con quái vật loăng quăng bơi trong nước tấn công. Bỗng đâu bên kia bờ ruộng, mấy tên lính Đại Việt đột nhiên nhô lên, dương nỏ bắn một lọat làm một lính Mông bị thương, rồi cắm đầu lội bì bõm chạy đi. Mấy tên khác loay hoay thì ngã tòm xuống ruộng. Đội thập phu lính Mông Cổ đứng đầu được lệnh đuổi theo. Chúng chạy trên bờ thì lẹ hơn, nhưng khổ nỗi đám lính Đại Việt chạy theo đường chéo của thửa ruộng nên đường ngắn hơn. Hơn nữa chân chúng ướt, đạp lên các cục đất sét trên bờ làm trơn như mỡ dội, nên chạy một quãng là có tên té lăn xuống ruộng. Tên này leo lên bờ thì cả khúc bờ ruộng lại trơn hơn. Chẳng còn cách nào khác, chúng cũng phải lội nước. Vì mấy tên MC to lớn nặng nề nên bùn lún sâu hơn nên chạy chậm. Đã thế mấy cái áo giáp da ngựa sang đây bị hấp thụ nước làm nặng nề và quá kín gió nên chúng chảy mồ hôi nhiều hơn. Kết quả đám địch quân chạy càng ngày càng xa.

Trên một bờ ruộng khác, tên lính chạy đầu tiên đột nhiệt thụt chân, rồi hét lên một tiếng đau đớn. Hắn đã sa vào một hầm chông; cây chông sắt xuyên qua bắp chân hắn đến đùi. Cả đoàn lính nhìn thấy cảnh này sợ hết hồn, vì đây là loại địch thủ không thấy được. Sau đó, toán lính Đại Việt này lại chạy về một lũy tre xanh và mất hút. Toán lính Mông hết còn dám chạy cho lẹ đuổi theo nữa.

Vào đến làng, chúng đã bở hơi tai, mà địch quân không biết chạy đâu mất. Đường đi nơi đây cũng không dễ dàng, chung quanh là tre gai, mây, song[5] toàn là gai chi chít. Một điều lạ là nhiều ngọn tre đã bị chặt hết cành nhỏ, chỉ còn trơ thân cây suôn đuột. Bỗng lại nghe oái một tiếng, chẳng biết trong bụi cây nào đó một mũi tên bay ra cắm vào tay một lính Mông. Tất cả đám lính Mông đứng nhìn quanh. Lại thấy một bụi cây nhúc nhích; lập tức cả vài chục tên dương cung nhắm chỗ bụi bắn tới một lớp mưa tên. Nhưng bụi lại nhúc nhích, chắc là tên địch bị thương. Ba, bốn tên lính Mông chạy lại bắt địch. Khi đến chúng chỉ thấy bụi cây lá to hơn gàn tay, lá hơi lông lông. Mấy tên này vạch bụi, nhưng chỉ thấy một sợi dây cột vào gốc cây, còn người không thấy đâu. Đột nhiên, mấy tên này cùng la lối um sùm, cởi áo, cởi quần, vừa nhảy vừa gãy khắp nơi, kêu la thảm thiết. Tất cả toán gần 200 tên Mông đứng nhìn sợ hãi, quên mất cái cảnh buồn cười của mấy tên bạn chúng trần truồng như nhộng, đang nhảy tưng tưng. Chúng không biết mấy tên này đã vạch cây lá han, một loại cây độc như cây mắt mèo ở miền nam.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu, tướng Mông cho lệnh lấy đồ ăn trưa, nhưng lúc hành quân một số ngã xuống nước hay bị nước bắn lên làm lương khô thành lương ẩm, đã thế còn có mùi khai khai, thành ăn không đủ. Cả làng thì trống trơn, không tìm ra gạo đã đành, mà mấy luống khoai cũng đã bị đào lên trơ ra đám rễ non, nên cả đám lính Mông chỉ ăn cầm chừng.

Bây giờ chúng không dám coi thường ngôi làng yên tĩnh, vì chẳng biết đâu là hang rồng, hổ huyệt. Chúng thận trọng lục soát nhưng vẫn chẳng thấy ai.

Xế trưa, tướng Mông thấy lính hắn quá mệt vì thời tiết, vì lương thực thiếu, nên cho lệnh lui quân. Tất cả đám lính giặc mừng rỡ, khiêng mấy tên bị thương về trại. Chưa ra khỏi làng thì thấy các cây tre chung quanh bỗng cong xuống rồi bật lên bung ra những cục đá to như trái bửơi làm một số lính Mông vỡ đầu gãy tay. Cùng khi ấy chúng nghe tiếng hô như sấm của 800 cái miệng lính Đại Việt. Tiếng hô này vang đến trại của lính Mông cách xa sáu, bảy lý làm cả đám ở đó cũng hết hồn, huống hồ đám lính đang bị bao vây. Rồi sau bụi chuối, trên cây mít, dưới bờ ao đâu đâu cũng thấy lính Đại Việt dương nỏ bắn. Chúng dương cung bắn trả, nhưng chợt thấy rằng cung của chúng bỗng không đủ mạnh như trứơc, đã thế vài cái cung lại bị bung sừng, gỗ ra[6]. Trong lúc đang mong về nghĩ lại bị đánh bất ngờ đám lính Mông không còn tinh thần chiến đấu, đội ngũ lại bị phá vỡ vì đợt mưa đá vừa qua. Cả đám 200 quân Mông bị nghiền nát, nhưng tướng Đại Việt cố ý tha cho vài tên chạy thóat về trại; cung tên không còn, áo quần rách nát, mình mẩy chỗ đỏ, chỗ đen vết máu vì gãi.

Chúng đã rơi vào kế “điệu hổ ly sơn”. Quân Mông ở trại thì như hổ trong rừng mình đánh sẽ thiệt hại. Khi chúng rời địa bàn thì ta nắm địa lợi.

 Các vị nghĩ thế nào cho số phận gần 100 tên lính bịnh hoạn và bị thương kia?

Các trại khác cũng vậy, đêm này tháng kia, ta quấy phá liên miên; trời thì nóng nực; ngày cơm ăn thiếu thốn; tối ngủ không yên. Đồn này bị phá đêm trước đồn kia bị phá đêm sau. Chẳng bao lâu sau, các trạm khác nghe tin trạm Hắc Long bị tiêu diệt. Tháng sau đến phiên trại khác. Vậy chúng chỉ còn nước bỏ đất mà chạy về lại Trung Quốc mới yên thân.

Nói tóm lại Hưng Đạo Vương cũng như các tướng khác của ta đều là các tướng tài về chiến thuật.

Đại Việt thắng về “Chiến Thuật” với 2 điểm.

[1] Dịch theo Nguyên Sử.

[2] Trong cuốn sử của Lê Tắc, trang 109 do Viện Đại Học Huế dịch cũng viết lại biến cố đó như sau: “Ngựa trạm đến ải Chi-Lăng, bị quốc dân ngày đêm vây đánh. Bọn Chương-Hiến cùng các quan bồi-bạn phá vòng vây chạy ra đàng trước, lại bị chúng đón đánh, xe cộ chở lương-thực đều bị cướp phá sạch.

Chương-Hiến tính người khiêm cung nhã-lượng, đãi kẻ dưới rất có ơn, nhân dân ai cũng thương mến,chẳng may giữa đường tử nạn, không đem được việc mình tâu với triều-đình, chẳng được hưởng ơn điển sinh phong tử tặng. Lúc ở nước ra đi, có bà quốc-mẫu-cô Lê-Thị và mấy người thân quyến cùng đi, đều bị quốc-dân bắt giết, đau đớn biết chừng nào. Chỉ có ông ngoại là thân-huynh của Thế-Tử được thoát chết.” Lời bàn người đãi kẻ dưới rất có ân, nhân dân ai cũng thương mến, lại chết vì bị dân đánh chỉ tại tội phản quốc.

[3] Trích từ bản dịch của Viện Đại Học Sư  phạm Huế 1961, trang 10 ấn bản điện tử.

[4] Trích từ Chu Dịch với binh pháp, trang  24.

[5] Song là một loài dây leo trong rừng như cây mây, to bằng cán dao có khi dài vài chục thước. Thân cũng như mây toàn là gai nhưng lớn như gai bưởi.

[6] Chúng tôi sẽ giải thích ở chương kế tiếp.

G- Tổ chức quân đội.

Nhà Trần đã lo tổ chức quân đội, dù là chưa có hiểm họa Mông Cổ. Xin nhắc lại đoạng trong quyển “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”, trang 10 có viết vào năm 1241:

 “Tân Sửu, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10, (Tống Thuần Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.”…

Trong thời này, chuyện luyện tập quân, chế tạo vũ khí và chiến cụ cũng được chú ý, trang 12 của Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư ghi tiếp:

“Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài.” Và năm 1253 “Muà thu, tháng 8, lập Giảng võ đường”

“Tháng 3 (1262), xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.”

Quân đội được tổ chức theo nhiều ngành, vì lịch sử ghi lại cũng chỉ sơ qua đại khái. Ta không biết rõ nhiệm vụ của mỗi đạo quân đảm trách việc gì, nhưng vì có nhiều ngành thì chắc cũng được sử dụng các vũ khí khác nhau. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 26, viết: Năm 1267 “Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu định quân ngũ, mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người, chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, tinh binh pháp để chỉ huy.”

….

“Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng Long, lệ vào quân Tứ sương”

Đến năm 1246: “Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần. Đinh tráng lộ Thiên Trường và Long Hưng sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng và lộ Khoái sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường Yên  và lộ Kiến Xương sung vào Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác thì sung vào cấm quân trong Cấm vệ. Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi (có sách chép là phong đội)….

Khi Nguyên sắp tràn sang, Đại Việt đã sắp kế hoạch đánh địch như thế nào, tiến lui phải quy củ, nên trong trang 18, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư viết: “Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn.

Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí.

Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đài xâm phạm Bình Lệ Nguyên .

Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn.”

Năm 1282: “Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu.”

Cũng theo Việt sử số quân Đại Việt là 20 vạn.

Quân Mông Cổ như ta đã xem trước, thì quân Mông được chia theo đội ngũ rất quy củ và sự huấn luyện của họ rất khó khăn. Số quân theo việt sử thì lần thứ hai là 50 vạn và lần thứ ba là 30 vạn. Con số này theo Nguyên sử thì chỉ khoảng 10 vạn. Chúng tôi sẽ trình bầy quan điểm cá nhân về hai con số này trong phần phụ lục kế tiếp nói về các tranh luận. Tuy vậy, nhiều độc giả trên diễn đàn Viện Việt Học hưởng ứng với ý kiến của chúng tôi.

Như phần phân tích tổ chức quân đội trong chương 04 Chúng tôi đã ghi một điểm quan trọng khác mà chúng ta nên để ý đến là thành phần quân đội. Một quân đội cùng một chủng tộc, một tôn giáo sẽ mạnh hơn đội quân ô hợp. Chúng ta đã biết quân đội Đại Việt toàn là người Việt. Một số các bộ tộc dân thiểu số hướng ứng với dân kinh để chống lại quân xâm lược. Họ là các chí nguyện quân, tự động xung phong đánh giặc chứ không ai ép buộc. Mặt khác quân Nguyên Mông hầu hết là do sự bắt buộc gồm đủ sắc dân của Trung Quốc, nên trở thành ô hợp.

Một ý nghĩ chung của nhiều người là quân Nguyên Mông sang đây rất mạnh, vì họ đều nghĩ tới chuyện Mông Cổ đã dẵm nát từ Á sang Âu. Nhưng điều này không đúng. Quân Nguyên Mông sang đây là quân tuyển mộ và bắt đi từ Trung Quốc, mà chính người Trung Quốc đã không chống nổi Mông Cổ thì đám quân này mạnh sao được? Như phần phân tích của tôi về quân đội đời Tống thì binh bị người Trung Quốc thời này rất yếu.

Cứ như xét về “Tổ chức và Quân số” thì Nguyên Mông nắm phần thắng. Ngược lại, Đại Việt cũng có tổ chức khá nhờ vào đạo quân thuần chủng. Bên nào cũng chưa hoàn hảo nhưng nên chỉ được 1 điểm.

H-Tuyển quân- Huấn luyện.

Nhà Trần đã lo tổ chức quân đội, dù là chưa có hiểm họa Mông Cổ (1246). Trong quyển “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư” chúng tôi đã ghi phần trên và lập lại một chút để quý vị nhớ lại: “Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần. Đinh tráng…Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi (có sách chép là phong đội)….

Lại có khúc:

“Tân Sửu… người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.”…

“Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài.” Và năm 1253 “Muà thu, tháng 8, lập Giảng võ đường”

“Tháng 3 (1262), xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.

Mùa thu, tháng 9, soát tù, kẻ nào khi giặc Bắc sang mà đầu hàng quân Nguyên thì không tha.”

1267 “Mùa thu, tháng 8, …, mỗi đô 80 người,…tinh binh pháp để chỉ huy.”

Tuy nhiên đọc lịch sử Mông Cổ ta thấy họ luyện quân rất dữ dội, nhưng cách luyện quân người Trung Quốc không đủ tài liệu. Căn cứ theo sử Việt quân Nguyên Mông đông hơn. Vì vậy ở mục này hai bên gần tương đồng và Nguyên Mông hơn chút đỉnh nên cho họ được 2 điểm. Đại Việt được 1.

J- Tinh thần.

Thủ Độ tàn ác, nhưng xét ra cái tàn ác này là để bảo vệ Trần Triều. Ông cũng có nhiều cái hay trong đời làm việc của ông. Khi Quân Mông sang xâm lấn đất nước lần đầu, và lúc đang bị bại liên miên; Thái úy Trần Nhật Hiệu hết tinh thần và đã viết hai chữ “nhập Tống” nếu Thủ Độ không nói câu: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.” thì vua Thái Tông chắc không đủ nghị lực đánh đuổi quân Mông lần đầu.

Câu nói của Hưng Đạo Vương “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu hạ thần trước. ” lần thứ hai làm vua nhà Trần phấn khởi chống ngoại xâm.

Xem ra một câu nói cứu nguy cho cả nước.

Như quý độc giả đã đọc về phương diện tinh thần có ảnh hưởng rất lớn khi phải đấu tranh. Tất cả chúng ta ai cũng biết trước khi có cuộc chống xâm lược của Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương đã phổ biến bài hịch tướng sĩ. Bài hịch đã nêu lên các gương sáng của các người trước trên quan niện trung quân, ái quốc thời ấy, cùng răn đe tướng sĩ bỏ đi sự ích kỉ tham lam, hay say mê vui thú quên đi nợ nước chưa đền. Dưới đây là một đoạn trích trong bản dịch bài hịch tướng sĩ do Cử Bình[1] diễn môn thành thể song thất lục bát:

“Khi gà chọi, khi thời cờ bạc.

Cuộc vui chơi, gỡ gạc đủ trò.

Ruộng vườn mưu sự ấm no.

Vợ con vui thú riêng cho một mình.

Ham lập nghiệp quên tình nhà nước.

Mải đi săn, nhác việc ngăn ngừa.

Rượu chè, hôm sớm say sưa.

Hát hay, đàn ngọt, sớm trưa thỏa lòng.

Đúng lúc có quân Mông Thát tới.

Cựa gà không chọc nổi áo da.

Những nghề cờ bạc tinh ma.

Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân?

Ruộng nương nào đủ phần chuộc mạng?

Vợ con nào đủ cáng quân nhu?

Của đâu chuốc được đầu thù?

Chó săn đâu đủ sức khua giặc trời?

Rựơu ngon khó làm mồi bả giặc.

Hát hay không làm điếc tai thù”

Câu chuyện “Nam-Bắc Kiếm” để khích lệ chư tướng. Câu chuyện dưới đây chúng tôi viết lại theo bài viết của người bạn trẻ NguoiConVienXu:

Nhưng ngay lúc ấy, nhà Trần quyết định sống chết với Thát Đát và trao quyền Tiết Chế cho Hưng Đạo Vương TRẦN QUỐC TUẤN. Song song với các chuẩn bị đã có kể từ Hội Nghị Bình Than họp tháng 10 năm 1282 như : Chuẩn bị các kho lương thực, đúc thêm vũ khí ở ngoại ô thành Thăng Long, tuyển mộ và huấn luyện quân sỹ, làm hịch tướng sĩ, thao tập quân đội. Ngài cho vị con trai thứ 4 là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng rời thành Thăng Long dẫn Quân Tinh Nhuệ ra trấn thủ vùng đất Hạ Long. Nhiệm vụ của Hưng Nhương Vương là hành quân càn quét và diệt cho hết các đám cướp cạn và cướp bể ở đấy. Chúng từng lợi dụng địa thế hiểm trở của các đảo với các hang ẩn khuất để ẩn nấp, cướp bóc dân chúng đã lâu. Dân quân không đủ để làm việc này. Đám giặc ấy sẽ làm tay sai cho quân Mông Nguyên khi chúng kéo qua. Mặt khác, Hưng Nhượng Vương còn phải nghiên cứu xem các hang động trong Vịnh Hạ Long làm được gì khi quân giặc tràn sang.

Một hôm, Hưng Đạo Vương viếng thăm xưởng đúc vũ khí thì được báo rằng có một khối kim loại thật kỳ bí, đốt bao nhiêu than củi rồi mà cũng bị nóng chảy để đúc kiếm. Ngài rất ngạc nhiên và muốn tìm cách trị khối cương thiết ấy. Ngài nghĩ nếu nấu được chúng nóng chảy thì kiếm đúc ra rất phải cứng, sắc hơn kiếm khác hay nói khác ra đây ắt phải là bảo kiếm. Ngài ra lệnh phải cố gắng hết sức để chinh phục khối cương thiết ấy. Tuy nhiên, quân lính đã tốn bao nhiêu thì giờ ngày này tháng kia vẫn chưa biết làm sao để nấu nó chảy, nên đành báo lên vị quan coi xưởng vũ khí giữ riêng nó ra, rồi báo cho ngài để chờ ngài hỏi tội cứng đầu.

Nay lại quay sang chuyện Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Sau khi hoàn tất, Hưng Nhượng Vương báo tin về: “Nhiệm Vụ đã hoàn tất , có được về Thăng Long chưa ?”

Để trả lời con, Hưng Đạo Vương sai con cả là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, đem quân ra Hạ Long, kiểm chứng lại tình hình cùng với một mệnh lệnh khác: “Ngươi nói với Hưng Nhượng Vương lập tức dẫn quân lên biên giới, sát châu Tư Minh, khảo sát địa thế, thiết lập và trấn giữ các trại tiền phương cùng liên hệ các dân tộc thiểu số ở đấy. Nhượng Vương phải tuyệt đối theo chỉ dẫn của ta, nếu sai trái ta sẽ không vì tình cha con mà dung tha cho nó đâu !”

Hưng Vũ Vương vội thi hành. Một ngày, quân của ông dừng lại nghỉ ngơi ở Đông Triều. Chiều ấy quân sỹ lo chuẩn bị bữa ăn chiều. Họ chất các tảng đá màu đen, cứ ba cục làm một để làm ông bếp, rồi đốt củi nấu. Kỳ dị thay, các ông táo bén lửa, cháy sáng nóng khủng khiếp, khiến một số nồi niêu chịu không nổi sức nóng từ các cục đá đen ấy, có cái cạn nước, lính không hay nên nồi niêu chảy bị nóng chảy.

Hưng Vũ Vương vốn biết chuyện “khối cương thiết”, nên mừng rỡ cho quân sỹ chất thật nhiều “Khối Đá Đen” lên xe sau khi cơm nước xong. Ngày sau, Hưng Vũ Vương gấp rút kéo quân đi gặp em. Sau khi kiểm tra kỹ tình hình, và trao mệnh lệnh của cha, ông dẫn quân về lại Thăng Long.

Hưng Đạo Vương rất vui khi thấy mọi chuyện tốt đẹp, nhân có các khối đá đen do Hưng Vũ Vương mới đem về, ngài liền cho nấu khối quặng cứng đầu kia. Quả nhiên, lần này, sau một thời gian các khối ấy cũng chịu không nổi cái nóng khủng khiếp từ các cục đá đen và nóng chảy.

Ngài liền sai làm khuôn đúc và đúc thành 2 thanh bảo kiếm. Khi đem thử thì thấy cả 2 thanh chém sắt như bùn, các vũ khí khác không cái nào chịu nổi. Để khuyến khích các tướng nức lòng đánh giặc, ngài đặt tên cho 2 Bảo Kiếm ấy là “Chấn Bắc Kiếm” và ” Bình Nam Kiếm”, rồi chuẩn bị tuyển lựa người sẽ được trao cho 2 thanh bảo kiếm ấy.

Các Vương Hầu và Tướng Suý ai cũng náo nức cầu mong làm chủ một thanh bảo kiếm kia, biết làm sao cho được Công Bằng bây giờ?

Hưng Đạo Vương mới nghĩ ra một giải pháp:

Ngài cho treo một thanh Chấn Bắc Kiếm ở cửa bắc, còn thanh Bình Nam Kiếm thì được treo ở cửa Nam thành Thăng Long, rồi truyền rằng :

“Hễ bất cứ ai, tướng cũng như sỹ khẩn nguyện trong khi đi qua 2 cửa ấy, mà thấy bảo kiếm lay động cùng bên trên cờ quạt reo mừng thì bảo kiếm về tay người ấy.”

Hôm hai kiếm được treo, ai cũng nô nức đi qua đấy nhiều lần và khi qua mọi người khấn khứa Trời Phật cho họ cái may mắn, kể cả các vương con của Hưng Đạo Vương đang có mặt tại Thăng Long cũng làm vậy. Hôm ấy là một ngày trời yên gió lặng, nên chẳng ai được cả. Mấy ngày trôi qua, người nào người nấy bớt đi cái hào hứng.

Một hôm,  con rể của Hưng Đạo Vương là Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Phạm Ngũ Lão đi qua cửa nam, thì đột nhiên một cơn lốc xuất hiện; Bình Nam bảo kiếm reo vang, cờ  quạt phất phới tung bay. Điện Tiền Chỉ Huy Sứ họ Phạm vui mừng nhận bảo kiếm.

Sau đó không lâu, Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản, người thiếu niên anh hùng đã bóp nát trái cam khi không được dự hội nghị Bình Than, hồi hộp qua cửa Bắc, thì đột nhiên hiện tượng kỳ lạ lại xảy ra. Hoài Vương Hầu vô cùng hãnh diện, sung sướng nhận bảo kiếm Chấn Bắc. Tuy nhiên vị anh hùng niên thiếu này, sau bao công trận hiển hách đã hy sinh vì nước trong lần kháng Mông thứ hai.

Ai chắc cũng biết ở Đông Triều là nơi có mỏ than nổi tiếng của Việt Nam. Khi qua đây chúng ta nhận ra liền vì đường phố, nhà cửa đều phủ một lớp bụi đen. Nhưng vào thế kỷ XIII thì dân ta chưa biết dùng than đá và các cục đá kỳ dị mà chúng ta xem trong câu chuyện vừa rồi chính là than đá vậy.

Với sự chú tâm nâng cao tình thần tướng sĩ như vậy nên quân Đại Việt có tinh thần rất cao để chiến đấu chống quân Mông Thát.

Lúc đem voi qua sống Hương Hóa- Thái Bình để mở cuộc tấn công, voi bị lầy chết. Quân sĩ có vẻ nản lòng, Hưng Đạo Vương chỉ xuống sông mà thề rằng: “Nếu không phá được giặc, thề sẽ không qua dòng sông này nữa.”[2] Câu này được đồn từ miệng ngừơi này qua miệng người khác làm binh sĩ hừng chí phấn đấu.

Chắc hẳn các bạn đọc còn nhớ việc nhà Trần cho xâm hai chữ “Sát Thát” lên tay của lính Đại Việt. Sát là giết, Thát là Thát Đát một tên gọi thứ hai của Mông Cổ. Đây chính là khẩu hiệu nung nóng tinh thành chống giặc giữ nước mà lúc nào cũng bám theo người lính.

Ngược lại với quân ta, quân Nguyên Mông ô hợp không có tinh thần chiến đấu. Họ chỉ chiến đâu hăng lúc đầu với quân số đông đảo. Khi bị trải rộng, rồi thời tiết nóng nực, cơm gạo không đủ thì từ tướng tới quân đã chán ngán chỉ muốn bỏ chạy. Quân Nguyên Mông sang đây phần đông là quân tuyển mộ và bắt đi từ Trung Quốc, mà chính người Trung Quốc lúc ấy đã không chống nổi Mông Cổ thì đám quân này mạnh sao được? Để chia rẽ hàng ngũ địch, Hưng Đạo Vương cũng còn cho binh lính hò hét “Đánh Mông, không đánh Tống.” làm lính người Hoa trong đội quân địch đào ngũ hay không nhiệt tâm đánh mà chỉ chờ cơ hội là hàng.

Sau khi Trần Khánh Dư diệt được đoàn thuyền chở binh lương ở Vân Đồn, Thượng Hoàng bàn với Hưng Đạo Vương thả một số tù binh về trại của Thoát Hoan. Đó là một đòn công tâm rất hữu hiệu, làm cho Thoát Hoan cùng tướng sĩ chỉ muốn chạy, hết còn tinh thần chiến đấu.

Quân ta lại thắng trong mặt “Tinh Thần”. Đại Việt được trọn vẹn 2 điểm.

K- Kỷ luật.

Trong phần bài hịch tướng sĩ trên ta cũng thấy Hưng Đạo Vương nhấn mạnh đến kỷ luật. Ngài cấm không cho rượu chè, bài bạc, hát sướng ham mê…

Như ta đã xem qua phần kỷ luật của Mông Cổ ở chương 01. Ta thấy Thành Cát Tư Hãn rất gắt gao với quân sĩ. Về điểm kỷ luật hành quân thì cả hai bên Đại Việt lẫn Nguyên Mông đều có.

Nhưng điểm kỷ luật ở hậu phương thì VN có mà thôi. Còn phía Mông Cổ chính chủ tướng ra lệnh đi ăn cướp thì đâu còn kỷ luật.

Nhà Trần trội hơn Nguyên Mông về điểm này. Đại Việt 2, Nguyên Mông 1.

L-Thưởng-Phạt.

Thưởng khi đã đánh bại quân Nguyên lần đầu, tướng Lê Phụ Trần có công cứu vua khi quân MC bắn đuổi ráo riết. Trang 17[3] quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư viết: “Định công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”…

Mùa hạ, tháng 6, cho Nguyên Giới Huân làm Đại hành khiển, Thượng thư tả phụ, Lê Phụ Trần làm Thủy quân đại tướng quân. ”

Nhà Trần thưởng khi đã đánh bại quân Nguyên lần ba, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 47, viết: “Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên.

Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ. Người nào có công lớn thì được ban quốc tính. Khắc Chung được dự trong số đó, lại được nhận chức Đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong Quan nội hầu, vì khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên quan gia, lại dâng lên Thượng hoàng. Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng. Cho Man trưởng Lạng Giang Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa. Hà Tất Năng làm Quan phục hầu vì đã chỉ huy người Man đánh giặc.

Việc thưởng tước đã xong, vẫn còn có người chưa bằng lòng. Thượng hoàng dụ rằng:

“Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”.

Mọi người đều vui vẻ phục tùng.

Sĩ Chu người [xã] Cổ Liễu, Trà Hương. Khi người Nguyên sang, vua sai Sĩ Chu bói. Sĩ Chu đoán rằng: “Thế nào cũng đại thắng”.

Vua mừng bảo; “Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng”.

Giặc yên, vua nói: “Thiên tử không có nói đùa”. Do đấy, có lệnh này. Sĩ Chu là người trung hiếu, có tài văn nghệ, làm quan đến Thiếu phó, hiệu là Tốn Trai tiên sinh.

Gia phong Nguyễn Khoái làm liệt hầu, ban cho một quận thang mộc, gọi là Khoái Lộ?, sau đổi thành Khoai Lộ? (nay là phủ Khoái Châu).

Định các công thần [đánh Nguyên] lần trước và lần sau. Người nào xông lên trước phá trận giặc, lập kỳ công thì chép vào tập Trung hưng thực lục lại sai vẽ hình.

Đây là một câu chuyện phạt Trần Khánh Dư. Ông này là người tài kiêm văn võ vua Trần rất yêu mến, nhưng cũng có nhiều tật xấu: tham lam hiếu sắc. Lần đầu năm 1257, quân Nguyên vào cướp nước ta, Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi). Sau đó, ông lại đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân này nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ, vợ của Hưng Vũ Vương Nghiễn, con trai Trần Quốc Tuấn. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, nên phạt Khánh Dư và sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây. Theo quy luật đời Trần ông sẽ bị phạt 100 gậy, hình phạt này là đánh cho đến chết. Nhưng vua lại dặn khi đánh thì chúc đầu gậy xuống đất. Như vậy sức đánh một phần xuống đất một phần vào người. Khi hết 100 trượng, Trần Khánh Dư đau quá, nhưng không chết. Cũng theo luật đời ấy, nếu không chết sau 100 trượng thì có nghĩa là được thần linh phò hộ và được tha chết.

Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì. Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng đám hèn hạ làm nghề bán than.

Ông đã có lúc than thân:

Sợ mình lem luốc toan nghề khác.

Chỉ sợ người sau lắm kẻ bàn.

Khi vua Trần cho tổ chức hội quân sự ở Bình Than, nhà vua đang cho thuyền đi trên sông Đuống vào sông Thương qua vùng Chí Linh- Hải Dương thấy người chèo đò bán than. Vua biết đó là Trần Khánh Dư, cho binh sĩ đến mời vào họp. Trong cuộc họp, Trần Khánh Dư đã trình bày nhiều chiến lược hợp với ý hai vua, nên hai vua phong ông làm phó tướng. Sau này Hưng Đạo Vương bổ nhiệm ông việc phòng thủ Hạ Long, Vân Đồn rồi ta mới thấy trong lịch sử trận đánh lừng danh ấy.

Lúc Trần Khánh Dư đánh Ô Mã Nhi bị thua, hai vua gọi về phạt. Trần Khánh Dư xin hoãn vì ông có thể phá giặc ở trận kế tiếp. Quả thật ông lừa Ô Mã Nhi, rồi đánh thuyền lương Trương Văn Hổ tan tành. Nhờ vậy đem đến trận Bạch Đằng.

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 22, viết: “Mùa thu, tháng 9, soát tù, kẻ nào khi giặc Bắc sang mà đầu hàng quân Nguyên thì không tha.”

“Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, xung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng, Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần, Mai Kiện…”

Tháng 5, trị tội những kẻ đã hàng giặc. Chỉ quân lính và dân thường được miễn tội chết, nhưng bắt chở gỗ đá, xây cung điện để chuộc tội, quan viên phạm tội [hàng giặc] thì tùy tội nặng nhẹ mà xét xử.

“Xử tội đồ quân dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà, làm thang mộc binh, không được làm quan, ban cho tể thần làm sai sử hoành.[4]

Có tên Đặng Long là cận thần của vua, rất giỏi văn học, tước đến hạ phẩm, đã được ghi chú để cất nhắc. Vua định cho làm Hàn lâm học sĩ, nhưng lâm học sĩ, nhưng Thượng hoàng ngăn lại. Hắn mang dạ bất bình, đến giờ cũng hàng giặc. Giặc thua, hắn bị bắt, đem chém để răn bảo kẻ khác.”

Vua Trần thưởng phạt kể cả không phải nguyên do lúc kháng chiến mà lúc bình thường cũng vậy. Ấy mới làm dân tin tưởng vao sự công minh, chính đại. Trang 50 quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư viết: “Lấy Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu, giữ chức chưa bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh trượng, lại sai đi trấn trị. Sau được tiếng là công bằng thanh liêm. Người Diễn Châu vì thế có câu rằng: “Diễn Châu an phủ thanh như thủy” (An Phủ Diễn Châu trong tựa nước)”.

Cách phạt một người dân lắm khi đem lại lợi ích chống giặc, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5, viết: “Loại bị đồ làm Cảo điền hoành thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xẵ (nay là xã Nhật Cảo), cày ruộng côn, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc.

Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng Long, lệ vào quân Tứ sương.”

Qua các dữ kiện trên, các vua Trần rất công minh thưởng phạt.

Đọc lịch sử Mông Cổ thì thưởng phạt cũng rất công minh. Hai bên lại hòa nhau ở điểm này và cùng đáng được 2 điểm.

[1] Trích từ Việt Sử Toàn Thư trang 265.

[2] Vì câu chuyên này, nên nhiều pho tượng Hưng Đạo Vương đã dựa vào, đem lên hính ảnh ngài đang chỉ tay xuống nước.

[3] Các ấn bản điện tử thay đôi số trang tuy theo người dùng down load theo khổ nào. Nếu bạn dọc nào muốn kiểm chứng thì dùng cách tìm đoạn văn với cách nhấn ctrl+F.

[4] Hai hương này đã hàng giặc.

M- Gián điệp-tình báo

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư dịch ở trang 25 có đoạn sau vào năm 1266:  “Tháng 2, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi do đó biết được kỳ hạn quân Nguyên sang xâm lược.”.. Năm 1274: “ Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.” … “Bính Tý,[Bảo Phù] năm thứ 4 [1276], (Tống Đức Hựu năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Tống Đoan Tông Cảnh Viêm năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 13 ). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long châu mượn cớ đi mua thuốc để thăm dò tình hình người Nguyên.”

Ngược lại để tìm hiểu địa thế đất đai cùng cách bố phòng của ta, quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” trang 101 của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm đã ghi: “Năm 1272 Hốt Tất Liệt sai U-ry-ang (Uriyang) sang hỏi cột đồng Mã Viện. Vua Trần cũng cho viên ngoại lang Lê Kính Phu cùng hắn đi tìm. Nhưng chắc hẳn nhà Trần đã mua chuộc hắn, Lê Kính Phu đưa hắn đi hỏi han qua loa ở một vài nơi và không đưa đến những địa điểm quan trọng bí mật về quân sự…” Nhưng muốn gì thì muốn, Nguyên Mông cũng đã tìm hiểu được hình thể đất đai, khí hậu của nước ta.

Trang 90 và 91 quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” ghi: “Như vậy trong một thời gian dài, tên da-ru-ga-tri[1] này không có mặt ở nước ta. Nhà Trần đã khống chế Nu-ru-din bằng nhiều biện pháp làm cho y không thể đi lại được trong nước An Nam. dò xét tình hình.” Tiếp theo quyển sách cũng được viết tiếp trước khi Mông Cổ xua quân sang, nhà Trần đã ra lệnh cấm dân chúng không được tiếp xúc với các con buôn ngoại quốc, nhất là các người gốc Hồi Hột. Như vậy là nhà Trần bưng tai, bịt mắt kẻ thù.

Trong thời Trần kháng Mông, các chi tiết về tình báo gián điệp của cả hai bên ít nói tới. Một vài lần nhà Trần cũng như Mông Cổ cử một phái đoàn ngoại giao sang sứ, mục đích là do thám xem quân địch định làm gì. Khi hội nghị Bình Than tổ chức, nhà Trần sợ lọt vào mắt gián điệp giặc nên được xếp đặt rất bí mật. Dĩ nhiên lúc Toa Đô đánh mãi với Trần Quang Khải ở Thanh Nghệ bất phân thắng bại nên bỏ mặt trận xuống thuyền ra Bắc. Tin này phải nhờ các do thám mà biết được. Khi biết tin này vua quan nhà Trần đã thấy rõ sự nản chí của địch quân và mở cuộc phản công. Đó chính là dùng gián điệp mà lợi dụng thiên thời vậy.

Một may mắn khác, khi Mông Cổ bắt được gián điệp ta Đỗ Vĩ ở ải Nữ Nhi đã giết chết ngay, chứng tỏ họ không khai thác được tin gì. Sau này họ lại bắt được Trần Bình Trọng và cũng đã không biết gì hơn về các chi tiết tình báo nào, vì ông đã thà làm Quỷ nước Nam còn hơn làm Vương nứơc Bắc.

Có vài điều ta nên chú ý tới việc tìm hiểu đối phương của Hưng Đạo Vương. Lịch sử của Đại Việt hay Nguyên sử đều không cho nhiều chi tiết làm sao ta và địch nghiên cứu lẫn nhau về trang bị và vũ khí. Ta có thể khẳng định rằng Hưng Đạo Vương đã cho nghiên cứu ở điểm này. Trong bài dịch hịch Tướng Sĩ của cử Bình ta thấy câu:

“Đúng lúc có quân Mông Thát tới.

Cựa gà không chọc nổi áo da.”

Câu này cho ta thấy ngài biết rằng áo giáp của đối phương làm bằng da mà chúng tôi đã viết trong phần trang bị của Mông Cổ.

Mặt trận gián điệp ta cũng nắm ưu thế, tuy nhiên rất ít chi tiết. Đại Việt chỉ được 1 điểm về phương diện này thôi.

N- Thông Tin.

Mông Cổ có tổ chức liên lạc theo trạm “yam” mà các sử gia Tây phương hết sức ca ngợi. Ta thấy trong sử việt cũng có hệ thống liên lạc tương tự ở đời Trần. Trong trang 10 quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn dịch có đoạn sau vào năm 1240: “Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ.”… Năm 1257 “Mùa thu, tháng 8, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai chạy trạm tâu [vua] là có sứ Nguyên sang.”…Năm 1274: “Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.”…Năm 1282 “Mùa thu, tháng 8, thú thần Lạng Châu , là Lương Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân[2], nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta.”

Xét như vậy, nhà trần đã tổ chức liên lạc bằng cách đặt từng trạm giống như của Mông cổ. Vậy hai bên đều tương đương trong lãnh vực này. Tuy nhiên, vì Mông Cổ có các tài liệu rõ ràng hơn Đại Việt, nên họ được 2, mà ta được 1.

O- Vũ Khí-Trang bị.

1- Vũ khí

Vũ khí của Đại Việt thời ấy thường là cung nỏ, đao thương. Trong sử liệu ta ít khi thấy nói tới vũ khí một cách chi tiết. Có lẽ là trong khoảng thời gian trước thế kỉ XIV, vũ khí các nước không khác nhau bao nhiêu, nên sử đã bỏ qua điểm này. Đến thời quân Mông đánh Thăng Long có nói tới việc họ dùng đại bác.

Tại sao quân mông cổ thua việt nam

Vũ khí căn bản của Đại Việt.

Việt Sử Toàn Thư có ghi: “Để đối phó với quân ta đóng giữ nam ngạn sông Nhị Hà, Thoát Hoan cho đại bác bắn tới tấp. Quân ta bỏ chạy. Mông Cổ bắc cầu phao, chuyển quân qua sông, rồi kéo tới tận chân thành Thăng Long hạ trại. ” Trong Nguyên sử lúc viết về đánh Đại Việt đã viết: 即发砲大呼求战 “liền đưa pháo hô lớn đánh phá”.

Tại sao quân mông cổ thua việt nam

Súng trebuchet bắn bom của Hốt Tất Liệt (Hồi Hồi Pháo). Loại súng này đã đươc dùng công phá thánh Tương Dương

Căn cứ vào các tài liệu mà chúng tôi thu thập thì đây chính là các catapult và trebuchet bắn các trái nổ như lúc đánh thành Tương Dương. Mới đọc qua thì chúng ta có cảm tưởng rằng Nguyên Mông có lợi thế, nhưng nếu xét cho kỹ thì không hẳn như vậy. Loại súng này rất hữu hiệu trong việc thủ thành hay công thành, vì súng đặt một chỗ rồi bắn. Nhưng tiếc rằng Mông Cổ chỉ dùng khi vượt sông Hồng, còn đến lúc qua được thì thành Thăng Long đã bỏ không. Nguyên Mông không cần dung súng này để công thành mà cũng chiếm được.

Một điều đáng chú ý, đây là một sự khôn ngoan của nhà Trần. Nếu Hưng Đạo Vương quyết tử thủ thành Thăng Long thì chắc chắn hao binh tổn tướng mà thành chắc chắn sẽ mất vì không chịu nồi Hồi pháo- trebuchet. Thành Tương Dương to lớn vậy mà cũng chịu không nổi với pháo này thì trách sao được thành Thăng Long? Nhưng sau khi chiếm Thăng Long không tốn một viên đạn, quân Nguyên Mông không thể đem khẩu pháo này đánh vào đồng ruộng ngập nước, ao hồ mênh mông hay rừng núi âm u được. Lúc ấy, ta đánh trả ít tổn thất.

Khi MC muốn dùng các súng này ở một trận công thành nào đó, họ phải tháo súng ra thành các bộ phận nhỏ, cho lên xe hay lạc đà đem đến nơi. Sau đó, họ cho các kỹ thuật gia ráp nối lại với nhau.

Nếu phải tháo lui hay tiến tới tấn công trong một thời gian ngắn thì loại súng này rất bất tiện, vì quá to lớn, cồng kềnh, nặng nề. Vào lúc ở vào mùa mưa thì súng này kể như bỏ đi tại các lý do sau đây:

* Đạn là loại như pháo đại mà ta hay đốt vào ngày tết, hay bên Mỹ vào dịp July 4, nên phải châm ngòi. Mà ngòi không thể đốt được; và nếu may mắn đốt được ngòi thì vì ẩm ướt nên pháo bị xì. Vì vậy chỉ dùng đạn đá.

* Lúc cần đẩy qua lại thì Khẩu pháo bị lún trong bùn.

* Pháo chỉ bắn được 1 hướng, nên quân địch tấn công hướng khác thì không thể áp dụng được. Muốn chuyển hướng phài cần một thời gian rất lâu.

Kết quả cả cỗ pháo chỉ là một khối gỗ khổng lồ không hơn không kém, đã thế còn phải cho một đạo quân bảo vệ không thì địch quân cướp mất.

Các loại vũ khí khác của Mông Cổ ưa dùng là cung. Thật ra chúng tôi phải bàn ở đây, nhưng có nhiều độc giả đem vấn đề này nêu lên để gây ra các cuộc bàn cãi xôi nổi, nên chúng tôi sẽ nhắc lại việc này trong chương sắp tới để tranh luận với các ý kiến khác.

2- Trang bị

Cũng theo các sử của Việt Nam ta, chúng tôi không thấy đề cập về các trang bị như áo giáp, kiên…

Trong phần viết về quân đội Mông Cổ, ta thấy các nhà nghiên cứu đã nói tới áo giáp của họ. Loại áo giáp này làm bằng da, được ngâm dầu, keo. Ở các nước ít khi có mưa, không khí có trữ lượng hơi nước ít thì loại này nhẹ, so với áo giáp kim loại của Âu Châu. Khi thời tiết có tuyết lạnh thì các áo này cũng giúp cho việc làm ấm cơ thể con người. Trong mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp mà có gió thổi thì (wind chill factor) sẽ làm ta cảm thấy lạnh hơn. Vào lúc này chiếc áo da thật hữu dụng vì nó chắn được gió.

Ngược lại, áo giáp cũng có nhược điểm. Áo giáp này khi vào đến các nước mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp như Chiêm Thành, Miến Điện, Đại Việt, nam Trung Quốc…áo này sẽ thành nặng nề nhất là khi ngấm nước mưa lâu. Đã thế các nước này nóng hầm làm các áo này không thích hợp; quá kín gió nên càng làm cơ thể con người nóng hơn, ra mồ hôi nhiều hơn. Mà khi ra mồ hôi nhiều thì lại phải uống nước nhiều, và như vậy làm ngừơi lính ách bụng, hoạt động chậm chạp hơn. Đó là chưa nói tới nước giếng, nước sông có lắm loại vi khuẩn không hợp cho người xứ lạ tới. Kết quả, lính dễ bị đau bụng, đi cầu hay kiết lỵ.

Sở dĩ, người Mông Cổ chế các cung hỗn hợp và áo giáp kiểu này là do kinh nghiệm của họ khi sinh sống trên thảo nguyên, nơi có đủ trường hợp như chúng tôi vừa liệt kê: khô ráo, lạnh lẽo.

Kết quả về “Vũ Khí” thì không bên nào chiếm được ưu thế, nhưng “Trang bị” thì dù sao đi nữa Mông Cổ chiếm được ưu điểm vì có áo tơ để giúp trị thương. Ta phải cho Mông Cổ 1 điểm.

[1] Đây là chức vụ như toàn quyền Pháp và Nu-ru-din là tên người toàn quyền này.

[2] Có lẽ sử ghi lại tên của chủ tướng sai. Đây phải ghi là Thoát Hoan chứ không phải Toa Đô.

P- Chọn Tướng.

  • Trần Hưng Đạo nợ nước hơn thù nhà:

Nợ nước trên thù nhà, đó là một gương lớn cho hậu thế. Ta xem câu chuyện của Hưng Đạo vương viết trong Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 52, như sau: “Quốc Tuấn[1] là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “[Người này] ngày sau có thể giúp nước cứu đời”.

Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh Vương (Trần Liễu) trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng:

“Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?

Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:

“Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi.

Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.

Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:

“Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”.

Hưng Vũ Vương trả lời:

“Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”.

Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.

Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:

“Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”.

Quốc Tuấn rút gươm kể tội:

“Tên loạn thần là từ đức con bất hiếu mà ra”, định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương:

“Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.

Hưng Đạo Vương được phong chức Tiết Chế, nắm hết binh quyền mà không bao giờ làm việc để cho người chê là lạm dụng chức vụ. Việc này ta thấy nhan nhản trong xã hội. Nhà vua còn cho ông đặc quyền thưởng phạt, thăng chức cho ai thì cho. Nhưng ông không bao giờ tự ý làm việc này. Trang 3, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư viết vịệc ấy như sau: “Bề tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương. Thánh Tông vì thấy ông có công lao to lớn, cho phép được tự tiện phong tước cho người, nhưng chưa bao giờ ông phong cho một ai cả. Giữa lúc giặc Hồ vào cướp, cầm quân chuyên chế, lấy thóc của người giàu để cấp lương quân, nhưng cũng chỉ cho người đó làm giả Lang tướng mà không dám cho làm Lang tướng thực.”

Hưng Đạo Vương được dân Việt tôn lên hàng thánh không phải là nguyên do. Các câu chuyện vì nước quên thù nhà, nắm hết binh quyền mà không làm phản, đánh bại quân thù được toàn quyền mà chẳng lạm dụng. Nhưng vẫn chưa hết ta hãy xem câu chuyện đối phó với sứ giả nhà Nguyên từ Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 34, như sau: “Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ , Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân đem 1000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông.”

Ở đây chúng tôi cũng xin thưa, nhân vô thập toàn. Dù rằng trên phương diện quốc gia dân tộc, trung quân, ái quốc Hưng Đạo Vương quả đáng làm thần, nhưng ngài cũng có những khuyết điểm của con người bình thường. Việc thứ nhất là chuyện hôn nhân của ngài:

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 14 chép:

“Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:

“Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: ” Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật”.

Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng.”

Nếu con mắt người đời nay, có lẽ chẳng ai cho đó là một việc xấu, nhưng ở thời nề nếp, khổng giáo còn mạnh của vài trăm năm trước thì là chuyện khác. Đây cũng chẳng qua là “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan.” thôi.

Chuyện thứ hai là việc giết chết Ô Mã Nhi. Việc này Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 46, ghi lại như sau:

“Kỷ Sửu, Trùng Hưng năm thứ 5 [1289], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 26). Mùa xuân, tháng 2, sai Nội thư Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước, dùng kế của Hưng Đạo Vương, lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chữ tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính.  Hưng Đạo Vương dùng bá thuật, muốn được thành công trong một thời mà không biết làm như thế là đã thất tín với muôn đời. Đã nói là đưa về nước lại dùng mưu kế để giết đi, thì thực quỷ quyệt quá lắm. Thái Tổ Cao Hoàng Đế nước Đại Việt ta đang khi dẹp loạn, định tha người.”

Chuyện trên đây cũng chỉ bắt nguồn từ cái bá thuật của Ô Mã Nhi khi vào Long Hưng khai quật mộ của các tổ tiên họ Trần, lại còn hăm hai vua Trần: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời; ngươi chuixuống đất ta theo xuống đất.” Y định dùng kế này bắt hai vua ra hàng. Vì hành vi tàn ác và cái bá đạo trên mà Hưng Đạo Vương trả đũa bằng bá đạo.

Phần trên cho ta thấy không những Hưng Đạo Vương làm chúng ta khâm phục mà con ngài, gia tướng của ngài Yết Kiêu, Dã Tượng đều là các nhân vật đại trượng phu, đầu đội trời, chân đạp đất. Thật đáng làm gương cho hậu thế.

  • Trần Quang Khải quyền cao nhận việc.

Ông là người tài kiêm văn võ, biết nhiều thứ tiếng, giữ đến chức tể tướng, dưới một người mà trên thiên hạ.

Như trong phần nhân hòa của Đại Việt, chúng tôi đã kể câu chuyện hòa hợp giữa hai tướng Hưng Đạo Vương và Chiêu Minh VươngTrần Quang Khải. Nếu kể về quyền điều khiển quốc gia thì ông còn cao hơn Hưng Đạo Vương. Vậy mà khi giặc tới ông cũng chấp nhận thi hành theo lệnh Hưng Đạo Vương.

Can đảm cũng là một điều cần thiết làm tướng. Tướng có can đảm thì quân mới có tinh thần. Ta hãy xem câu chuyện can đảm của vị tướng này trong Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 33 đã dịch như sau:

“Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản.

Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến.

Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành:”Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng”.

Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói:

“Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến”.

Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết  tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, [Nhật Duật] đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cũng cho về nhà.”

  • Phạm Ngũ Lão thương lính như con.

Tướng Phạm Ngũ Lão lừng danh từ khi chưa nhập ngũ.  Ngày còn là học sinh tiểu học tôi đã me câu chuỵên ngồi đan giỏ, bị thương đâm vào đùi mà không biết. Một con người vừa can đảm vừa yêu đất nước vô cùng. Cái khí thế ấy làm tinh thần binh sĩ tăng lên.

Theo lịch sử thì Phạm Ngũ Lão đối sử với binh sĩ như cha đối với con. Ta thấy ông có cách cư sử như Ngô Khởi, và Điền Đan. Đây chính là một trận Công Tâm rất hiệu quả. Cái tình thương này làm bĩnh sĩ quí trọng ông và hết lòng đánh giặc.

  • Trần Quốc Toản, thiếu niên anh hùng.

Câu chuyện bóp cam đã được lịch sử ghi lại. Câu chuyện cho ta thấy cái hào hùng của tuổi trẻ. Chắc chắn binh lính dưới quyền cũng sẽ tiêm nhiễm cái hào khí ngất trời ấy. Tiếng tăm của vị anh hùng này sẽ lan truyền trong quân ngũ như làn sóng thần trên biển khơi.

  • Cái cương quyết của Trần Thủ Độ

Thủ Độ tàn ác, nhưng xét ra cái tàn ác này là để bảo vệ Trần Triều. Ta không biết nếu thời gian Mông Cổ sang xâm lấn nước ta mà nước ta đang có một vì vua của một dòng họ nào đó, liệu có thể có các trang sử vinh quang hay không? Ông cũng có nhiều cái hay trong đời làm việc của ông. Như trên đã viết, khi Quân Mông sang xâm lấn đất nước lần, đầu, và nếu ông không nói câu: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.” thì chắc gì về sau có các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các tướng tài ba Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần…đẩy lui quân Nguyên Mông không?

  • Nhiều nơi ca tụng Hưng Đạo Vương.

Rất nhiều website công nhận Hưng Đạo Vương là một trong những người tướng tài năng nhất thế giới.

Độc giả NguoiConVienXu (—.proxy.aol.com), May 18, 2009 11:47 gửi cho chúng tôi trên diễn đàn VVH như sau:

Xin gui bac VHKT va` cac’ vi. trang na`y:

The Ten Greatest Medieval Generals – Associated ContentJul 27, 2007 … Tran Hung Dao (1228-1300) “Vietnamese General” … An overview of medieval history facts, a century of architecture, disease, war, power, …

http://www.associatedcontent.com/article/324320/the_ten_greatest_medieval_generals.html – 66k – Cached – Similar pages.

Vào trang ấy, chúng tôi đã thấy họ liệt ông vào một trong mười tướng lãnh tài ba nhất thời trung cổ:

The top 10 Medieval Generals of all time:

  1. Khalid ibn al-Walid (592-642 c.e)-
  2. Saladin Al-Ayyubi (Saladin)(1138-1193)
  3. Charles Martel “Mayor of the Palace” (686-741 c.e)
  4. Subutai “Khanate Mongol General” (1176-1248)
  5. Charlemagne (742-814 c.e)
  6. Flavius Belisarius (505-565 c.e)
  7. Saint Alexander Nevsky (1220-1263)
  8. Tran Hung Dao (1228-1300) “Vietnamese General”
  9. Genghis Khan (1162-1227 -Thành Cát Tư Hãn)
  10. Saint Joan of Arc (1412-1431)

Trong danh sách này, có hai tướng Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn và Subutai. Tiếc rằng không tướng Mông nào đánh Đại Việt được liệt vào danh sách này.

Cũng độc giả NguoiConVienXu (—.proxy.aol.com), May 18, 2009 12:16 gửi cho chúng tôi trên diễn đàn VVH như sau:

The Top 100 Generals in Wars in History Channel
36 37 43 Trần Hưng Đạo 1228- 1300 Medieval Vietnam Asia … 70 75 63 Simeon I the Great 864 927 Medieval Bulgaria Mediterranean …boards.history.com/topic/Generals/The-Top-100/510000029 – 82k.

Đó là một website khác viết về lịch sử quân sự Mỹ, lại liệt kê hai tướng Việt Nam có ảnh hưởng đến chiến thuật Mỹ. Đó là Hưng Đạo Vương và Võ Nguyên Giáp.” (FROM WIKIPEDIA)

Người bạn trẻ NguoiConVienXu còn viết trên diễn đàn VVH như sau: “Xin gui riêng bác VHKT và các bác trang dưới đây của Bộ.Quốc Phòng Singapore viết riêng về Đức Hưng Đạo Vương chống quân Mông Nguyên . Các trang 90,91,92 và 93. Kính [www.mindef.gov.sg]”www.mindef.gov.sg/imindef/publications/pointer/journals.

Chúng tôi vào đây thấy họ viết luôn 6 trang cùng hình của ngài, mà tôi đoán là co pi từ hình của tờ giấy bạc 500 do chính phủ Saigòn phát hành khoảng năm 1970.

Có nhiều người cho rằng đây là may nắm vì Subutai đã không chỉ huy các trận đánh vào Đại Việt[1]. Qua các phần viết trên cho ta thấy rõ kể về việc “Chọn tướng” thì Đại Việt phải thắng dù rằng Nguyên Mông cũng đã chọn các tướng tài năng như: Uriyangkhadai (Ngột Lương Hợp Thai), Aric Khiyan (A-lý Hải-nha)– phụ tá của Thoát Hoan- chỉ huy.

fanzung (123.19.34.—) đăng September 27, 2009 06:29AM, một câu đối ca tụng ngài, một đền thờ ở Huế:

聖 王 功 蓋 南 邦 萬 古 藤江 如 在
神 將 威 除 北 寇 千 秋 劫 泊長 存
Thánh vương công cái Nam bang vạn cổ Đằng Giang như tại
Thần tướng uy trừ Bắc khấu thiên thu Kiếp Bạc trường tồn.

Đại Việt được 2 điểm Mông được 1.

[1] Tính ra vai vế thì Hưng Đạo Vương là hàng thúc bá của vua Trần Nhân Tông và Trần Quang Khải.

Q- Các nước công nhận Đại Việt thắng.

Nhiều sách vở, nhiều trang website của cộng đồng quốc tế đã viết lên các cảm nghĩ của họ về Hưng Đạo Vương và Đại Việt.

Dưới đây là bài viết của ông/bà Hà Khánh (58.186.234.—), February 05, 2009 07:33 PM.

Bách Khoa Toàn Thư nước Anh năm 1991 (The New Encyclopaedia Britannica, volume 11, 15th Edition, trang 892 và 893), ta thấy đã nói tới 35 dòng về Nhà Trần ở nước ta, trong đó công nhận 3 lần Nhà Trần đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ, và dành riêng 31 hàng để nói về Trần Hưng Ðạo, đã mô tả Ngài là một chiến lược gia sáng chói, ba lần đánh bại những đoàn quân của Hốt Tất Liệt (a brilliant military strategist who defeated Kublai Khan’s Mongol hordes)

Bộ môn Đại Việt Nguyên Mông
công lương 2 0
thiên thời 2 0
địa lợi 2 0
nhân hòa 2 0
chiến thuật 2 0
tổ chức quân đội 1 1
tuyển quân- huấn kuyện 2 2
tinh thần 2 0
kỷ luật 2 1
thưởng phạt 2 2
Gián điêp- tình báo 2 1
thông tin 1 2
vũ khí 1 2
chọn tướng 2 0
Tổng số điểm 25 11

Nhìn vào bảng ta thấy Đại Việt chiếm ưu thế rất cao. Thế nhưng các sử gia trên thế giới đã nhìn nước ta dưới một lăng kính.

Việc thắng quân Nguyên Mông chỉ đơn thuần vào chiến thuật, hay thiên thời, địa lợi mà nó bao gồm tất cà yếu tố đã qui tụ với nhau.

Trước chế độ bành trướng Bắc Kinh hiện nay, liệu ta có thể làm một việc tương tự không? Hay vì quyền lợi chính trị, tôn giáo mà ta chỉ lo công kích, đả phá lẫn nhau mà quên kẻ thủ to lớn đang rình rập.

« Khôn ngoan đá đáp người ngoài.

Gà cùng một mẹ chớ hoài cắn nhau. »

PHẦN II: TRANH LUẬN

I. Số quân của Nguyên Mông.

Đây là vấn đề mà ta đã tranh cãi rất lâu ở khắp nơi.

A-    Số quân của Nguyên Mông sang đánh nước ta là bao nhiêu? 

Con số lính Mông đánh lần thứ nhất thì gần giống nhau, đó là khoảng 20000 quân, nên không ai phản đối.

Theo sử Việt, con số sang đánh nước ta lần thứ nhì là 500000 quân và lần thứ ba là 300000 quân. Đa số các sử gia trên thế giới khi viết về chuyện Nguyên Mông sang Đại Việt đều không tin chuyện nước ta có khả năng đánh bại cả trăm ngàn quân Nguyên Mông. Trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” khi viết về Đại Hàn hay Nhật Stephen Turnbull  đã bỏ ra gần chục trang để ghi lại các trận đánh, trong khi ấy đối với Đại Việt ông viết chỉ có 1 trang và không nêu lên một con số nào. Vì lý do ấy mà các sử gia trên thế giới chỉ viết rất đơn sơ chuyện Nguyên Mông sang Đại Việt. Mãi gần đây, sau hai cuộc chiến chống Pháp rồi Mỹ, thì một số sử gia thế giới đã hơi tin vào con số ấy.

Một số người đã đưa ra con số đánh Đại Việt lần 3, dựa theo Nguyên sử thì con số đó chỉ gần 100000, khác hẳn sử Việt.

Ta hãy xem qua phần Nguuyên sử ghi:

二十四年正月,发新附军千人从阿八赤讨安南。又诏发江淮、江西、湖广三省蒙古、汉、券军七万人,船五百艘,云南兵六千人,海外四州黎兵万五千,海道运粮万户张文虎、费拱辰、陶大明运粮十七万石,分道以进。置征交趾行尚书省,奥鲁赤平章政事,乌马兒、樊楫参知政事总之,并受镇南王节制。

“Tháng giêng năm thứ hai mươi tư [năm thứ 1286 Công nguyên], đem nghìn quân ở Tân Phụ theo A Bát Xích đánh An Nam. Lại chiếu lệnh đem bảy vạn người Mông Cổ, Hán, Khoán ở tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, năm trăm chiếc thuyền, sáu nghìn quân ở Vân Nam, một vạn năm nghìn quân người Lê ở bốn châu ngoài biển, Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển mười bảy vạn thạch lương theo đường biển, chia đường để đi. Đặt ra Giao Chỉ Hành thư tỉnh, Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự tổng chi, hợp phong Trấn Nam Vương làm Tiết chế.”[1]

Vậy để thấy rõ về số quân chúng tôi xin liệt kê lại thành một bảng rồi làm một phép toán cộng.

Tháng giêng năm thứ hai mươi tư [năm thứ 1286 Công nguyên], đem nghìn quân ở Tân Phụ theo A Bát Xích đánh An Nam. 1000
Lại chiếu lệnh đem bảy vạn người Mông Cổ, Hán, Khoán ở tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, 70000
Năm trăm chiếc thuyền, sáu nghìn quân ở Vân Nam 6000
Một vạn năm nghìn quân người Lê ở bốn châu ngoài biển, Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển mười bảy vạn thạch lương theo đường biển, chia đường để đi. Đặt ra Giao Chỉ Hành thư tỉnh, Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự tổng chi, hợp phong Trấn Nam Vương làm Tiết chế. 15000
Tổng Cộng 92000

Vậy Nguyên sử sai hay Việt Sử phóng đại? Ta không nên tin tuyệt đối một nguồn nào cả.

Những người có chủ chương nói quân Nguyên vào Đại Việt ít vì họ dựa vào Nguyên sử và học chú ý tới số quân Mông trước thời thanh toán trọn vẹn Trung Quốc. Theo cách đó họ thấy số quân Mông đông nhất chỉ là 200000, để chống với 400000 quân của đế quốc Khwarezm (Khorezme). Khi nói đến đánh Nhật lần 2, Stephen Turnbull viết trong “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” có số quân là 140000. Các trận đánh khác chỉ là 20000 là trung bình.

Theo ý riêng cá nhân, tôi nghĩ có thể Việt sử đã dựa vào các con số tình báo không xác thực lắm cùng với sự hư trương thanh thế của địch quân, rồi làm tròn số để có con số này. Trong khi ấy Nguyên sử cũng không thu thập hết tài liệu và đưa ra con số khác với ta.

Tại sao lại có chuyện ấy?

Bây giờ ta hãy tìm hiểu xem Nguyên sử là do ai viết và viết lúc nào? Nguyên Sử do các tác giả chính sau đây viết: Tống Liêm, Vương Vĩ và một số khác. Quyển sử này được biên soạn đầu đời Minh, theo lệnh của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Theo sách của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm thì bài biểu dâng Nguyên Sử lên Minh Thái Tổ của Lý Thiện Trường đề năm 1269, như vậy sử được soạn một năm mà thôi. Vì Minh Thái Tổ lên ngôi sau khi đánh bại quân Nguyên năm 1368. (Nhưng theo Wikipedia thì quyển này được soạn năm 1370)

Khi thu lượm tài liệu thì Nguyên sử chắc chắn đã không thu lượm hết tất cả tài liệu từ thời Nguyên bởi các lý do sau đây:

  1. Nhiều tài liệu có thể đã bị hư hại khi cuộc chiến gần đến ngày tàn chế độ Nguyên không ai bảo quản, vì đã gần 100 năm rồi.
  1. Lý do thứ hai là nhiều tài liệu bị chiến tranh phá hủy. Cháy kho chẳng hay mái chứa bị thủng vì bị đạn và mưa gió làm hủy hoại.
  1. Lý do thứ ba là khi đến lúc phải bỏ chạy thì nước thua luôn luôn tìm cách hủy bỏ tài liệu càng nhiều càng tốt để tránh địch quân thu được các tin tức bí mật, quan trọng. Đốt bỏ như vậy sẽ giúp cho sự chạy trốn khỏi mang theo các vật nặng. Chuyện đốt bỏ tài liệu, nhất là hồ sơ quân sự là việc rất thông thường khi một triều đại nằm trong một tình trạng nguy khốn. Tuy nhiên, một triều đại càng tồn tại lâu bao nhiêu thì càng khó thanh toán hết tài liệu được bấy nhiêu. Nếu địch quân bắt được các tài liệu này thì không mấy tốt. Chuỵên đốt, hay phá hủy tài liệu là một việc phải làm trước khi bỏ chạy để bảo vệ sự bố phòng các nơi khác, các tổ chức quân đội hay các gián điệp.

Đến ngày nay, tại Hoa Kỳ một công ti, một văn phòng bị chính phủ điều tra vẫn cắt nát các tài liệu bằng máy. Chắc các bạn đọc còn nhớ vụ Enron, khi bị chính phủ truy tố, họ cũng đã cố gắng tiêu hủy tài liệu.

Trong Nguyên sử cũng đã ghi chuyện này:

“明日,镇南王入其国,宫室尽空,惟留屡降诏敕及中书牒文,尽行毁抹。外有文字,皆其南北边将报官军消息及拒敌事情”

“Ngày sau, Trấn Nam Vương vào nước ấy, cung điện bỏ trống cả, chỉ còn giữ lại các sắc lệnh, chiếu văn cùng tờ văn của Trung thư, hủy bỏ tất cả. Ngoài có văn tự, đều có quân địch ở biên giới nam, bắc của nước ấy sẽ cùng chống cự quan quân”

Như tôi cũng đã viết trong các phần trước, ta không nên tin hẳn vào một lịch sử. Nếu chỉ tin vào Nguyên sử, Hoa sử, hay Việt sử thì có thể bị hướng dẫn thiên lệch

B- Tại sao các sử gia trên thế giới không tin con số lính Nguyên đánh Đại Việt phải đông?

  1. Cái nhìn của các sử gia là so sánh. Họ nghĩ ngày nay các nước hùng cường như Nga, Nhật mà quân số không đông huống hồ Đại Việt. Nhưng họ không nghĩ đến điều Nga, Nhật thời đó không có chiến tranh lớn. Đại Việt thì khác hẳn, ta đã liên tiếp đương đầu với quân xâm lược phương bắc nhiều lần với số quân 10 vạn là thường. Và việc mới nhất là chuyện Lê Đại Hành đánh Nam Tống cùng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đã đánh Tống năm 1075-1076, quân số cũng như vậy. Với kinh nghiệm này quân Nguyên phải đem một số quân thật lớn hầu đè bẹp sức chiến đấu của quân dân Đại Việt. Hơn nữa vì đây là đất không phải là thảo nguyên, nên không hợp cho kị binh nên đa số quân sang xâm lăng Đại Việt là lính tuyển mộ ở Trung Quốc và chỉ là bộ binh. Kị binh bây giờ là lực lượng hỗ trợ mà thôi. Các tướng người Hán rất rõ dân Đại Việt, nên họ phải có một đạo quân lớn. Họ cũng biết là lính này không so sánh với lính kị binh Mông Cổ được, nên quân số phải đông. Và dẫu là lính Mông Cổ sang đây họ cũng không còn dũng mãnh như ở phương bắc. Trước đây chúng tôi đã viết J.A.G. Roberts cũng đã mô tả trong quyển sử về Trung Quốc và chúng tôi đã dịch: Các cuộc viễn chinh ở Đông Nam Á, đưa quân Mông vào vùng đất mà khả năng chiến đấu của họ không hữu hiệu và họ đã chịu thảm bại.
  2. Quân Nguyên khác với Mông Cổ. Ngày trước khi đánh Khwarezm, Nga, Kim, Liêu thì quân Mông lúc ấy chỉ toàn là kị binh. Đến lúc đánh Nam Tống, họ đã phải dùng bộ binh và thủy binh mà kị binh đã là phần nhỏ. Quân số đánh Nam Tống lên đến 600000 quân. Lính đánh Đại Việt lại là lính tuyển từ Trung Quốc, một quân đội yếu thời ấy nên quân số phải đông để bù vào khiếm khuyết ấy. Như ta đã biết khi đánh Nhật, tin tình báo đã cho biết nước dễ đánh, vậy mà Hốt Tất Liệt vẫn cho đến 120000 quân sang vì đây là đạo bộ và thủy binh, rất ít kị mã.
  3. Quyết tâm trả thù.

Một lý do khác mà rất nhiều người nghĩ là số quân Nguyên Mông sang Đại Việt phải rất lớn vì sự quyết chí trả thù của họ.

Sự căm tức của Hốt Tất Liệt chồng chất rất lâu vì các vua Trần tuy gọi là khuất phục để tránh đổ máu, nhưng chẳng bao giờ làm theo các đòi hỏi của ông ta cả.

Khi xưng đế ít lâu, năm 1275 Hốt Tất Liệt gửi vua Trần bài chiếu văn mà ban dịch thuật đại học Huế dịch từ quyển An Nam Chí Lược[1] trang 19 ghi lại: “Theo chế-độ của tổ-tông đã qui định, phàm các nước nội-phụ thì vua phải thân hành tới chầu, gửi con em làm tin, biên nạp dân số, nộp thuế-lệ, mộ dân trợ binh và vẫn đặt quan Đạt-lỗ-hoa-Xích để thống trị; sáu điều nói trên, năm trước đã có lời dụ cho khanh biết rồi, thế mà qui phụ đã hơn 15 năm, khanh chưa từng tới triều kiến một lần nào, và các điều qui định đến nay vẫn chưa thi hành; tuy rằng ba năm tới cống hiến một lần, nhưng các đồ cống hiến đều không dùng được.”

Năm 1278, Hốt Tất Lịêt lại gửi bài chiếu khác cho vua Trần Thánh Tông cũng trong quyển sách trên có đoạn sau: “Còn như nói: “vì đường xa không thể vào chầu”. Thế thì bọn Lê-Khắc-Phục làm sao mà tới được? Hai điều đó là nói dối rõ-ràng.”

Vua Trần Nhân Tông lên ngôi mà qua mặt “thiên triều” cũng làm mất mặt Hốt Tất Liệt, nên ông ta lại gửi chiếu thư sang năm 1281. Quyển An Nam Chí Lược đăng lại: “Nay con không có lệnh của triều-đình mà tự lập lên làm vua. Ta sai sứ-thần qua triệu thì mượn cớ không đến chầu, nay lại thác ốm không đi, thật cố ý trái mệnh lệnh của ta, chỉ cho thúc phụ là Di-Ái vào bái yết. Ta liền muốn đem quân qua đánh.”

Sau lần xâm lăng thứ hai, Hốt Tất Liệt gửi bài chiếu sang nhà Trần năm 1286, và cũng quyển An Nam Chí Lược, trang 20 ghi lại: “Trước đây, nước khanh là Trần (chỉ vua Nhân-Tông nhà Trần) đã chịu thuần phục, theo niên lệ cống hiến, mà không chịu thân hành vào chầu. Nhân Trần-Di-Ái thúc phụ của ông ấy sang đây, ta giao việc nước An-nam cho y, sai sứ-thần đưa y về nước thì bị hại. Còn Đạt-Lỗ-Hoa-Xích là Bất-Nhẫn Thiếp- Mộc-Nhi của ta sai đến, lại bị khước đi, không tiếp nhận. Đến việc đem quân qua đánh Chiêm-Thành, lẽ nên tiếp-tế mà lại bỏ không cung cấp gì cả, vì vậy, Trấn-Nam-Vương Thoát-Hoan và Hành-Tỉnh A-Ly-Hải- Nha tiến binh, trong khi giao-chiến, hai bên đều có bị chết và bị thương.” Qua bài biểu này ta thấy rất căm tức trước sự cứng đầu của triều đình nhà Trần và không những thế đem quân sang đánh cũng bị thiệt hại.

Các chiếu thư, với các lời lẽ đe dọa mà nhà Trần vẫn không thỏa mãn lại còn dám đẩy Thoát Hoan trở về, giết chết Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán…Sự tức giận của Hốt Tất Liệt không kìm nổi. Năm 1288 ông lại gửi chiếu thư: “Trên danh nghĩa, Khanh đã phục tùng mà trên thực tế không hề tới chầu, đã mấy phen đưa thư sang mời, mà cứ cáo bệnh. Đến khi sai chú khanh quyền nghi giữ nước thì khanh công nhiên kháng cự và dám tự huyên sát hại. Còn A-Lý-Hải-Nha qua đánh Chiêm-Thành, mượn đường nước khanh, đã truyền lệnh sửa sang cầu đường và tiếp vận lương thực, khanh không những thất tín mà lại chống với quân ta, nếu không trừng trị, thì quy chế nhà vua còn đâu nữa.”[2]

Sau khi bị bão nhận chìm hạm đội Mông Cổ khi xâm lăng Nhật Bản lần thứ 2, Hốt Tất Liệt đã đình chỉ việc đánh Nhật và dồn mọi nỗ lực vào tấn công Đại Việt. Tài liệu Nguyên sử ông Tích Dã đã dịch như sau:

二十三年,帝曰:“日本未尝相侵,今交趾犯边,宜置日本,专事交趾。
Năm thứ hai mươi hai, Hoàng đế nói: “Nhật Bản chưa từng xâm chiếm nhau, nay Giao Chỉ xâm phạm biên giới, nên bỏ Nhật Bản, chuyển đến liệu việc Giao Chỉ”.

Tân Nguyên Sử cũng chép:

事闻, 帝震怒,乃罢征日本兵,大举伐安南。

“Nghe việc này, Hoàng Đế giận lắm, bèn bãi binh đi đánh Nhật Bản, phát động lớn đánh An Nam.”

Câu nói này biểu lộ lên sự căm tức, nóng lòng trả thù, dù rằng ta không xâm phạm đất Nguyên, nhưng ông ta đưa ra chuyện này là để có cớ gây nên một tình trạng tâm lý cho quần chúng mà đem số quân lớn sang đánh thôi.

Nên nhớ rằng khi đánh Nhật lần thứ hai số quân của Nguyên Mông là 140000 ngàn ngừơi, và đa số là thủy quân (gồm cả lính Cao Ly). Còn chuyện sang nước ta thì Nguyên Mông có thể sang bằng cả bộ lẫn thủy và bằng nhiều đường đi khác nhau. Số quân thì tuyển trong số cả toàn thể Trung Quốc và Đại Lý.

Một mặt khác, khi đã nhất định trả thù thì họ đem một đạo quân rất lớn thêm vào là ý thôn tính cả Đông Nam Á như chúng tôi đã bàn trên. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarkand một thành phố của đế quốc Khwarezm. Hoàng đế nước này đã giết đoàn sứ giả ấy. Hai năm sau, Thành Cát Tư Hãn, đem một đạo quân 200000[3] ngàn kị binh Mông Cổ đến tàn phá trả thù giết gần hết dân thành phố thủ đô của đế quốc ấy. Lúc ấy, Mông Cổ chưa diệt được Kim, không hoàn toàn khuất phục Hạ nên đây có thể là đạo quân kị binh lớn nhất của Mông Cổ đem xâm lăng nước khác.

Khi quân Mông Cổ vào Đại Việt lần thứ nhất (1257 theo Việt Sử Tòan thư, hay 1258 theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn) họ thấy sứ giả của họ bị trói. Khi mở thì một người đã bị chết. Như vậy họ có quyết tâm trả thù không?

Bây giờ lấy một thí dụ đơn giản của một thời gian nào đó: Gia đình bạn có hận thù với gia đình bên cạnh. Gia đình ấy có 3 người thanh niên, đánh nhau rất giỏi; có lần nó đã đánh hai người nhà bạn u đầu, bỏ chạy. Bây giờ bạn lại sai con bạn cầm đầu mấy người nhà sang đánh trả thù, vậy số người đó phải là bao nhiêu để con bạn không bị bể đầu, gãy răng?

[1] Ấn bản điện tử do các ông Lê Bắc-Công Đệ- Doãn Vượng. Tất cả các bài biểu mà Hốt Tất Liệt gửi cho nhà Trần đều trích từ đây, nếu không có phụ chính khác.

[2] Trích trang 20- Annam Chí Lược.

[3] Theo Stephen Turbull với quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” và “Cambridge Illustrated History of China” của Patricia Buckley Ebrey.

Theo Việt sử toàn thư, trang 259, năm 1283  nhà Trần đã tuyển mộ được một con số 20 vạn quân để chuẩn bị cho cuộc chiến chống xâm lược. Đó là dân đinh vùng Thanh Nghệ chưa tuyển đến.

Trong quyển sử “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm, trang 189 đã ghi về số quân kháng Mông trong lần thứ hai như sau: “…các đạo quân về tập hợp ở Vạn Kiếp mới chỉ là quân các lộ miền đồng bằng Bắc bộ. Nhưng quân số đó đã rất lớn. Riêng số quân các vương của Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tới hai mươi vạn.”

Nhân đấy vua Trần Nhân Tông làm hai câu thơ đi vào lịch sử:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

 (Cối Kê[1] chuyện cũ người lên nhớ,

 Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

Đến trang 292 lại thấy nói tới số quân Đại Việt trong lần thứ ba: “Ba mươi vạn quân trải ra suốt hơn một trăm dặm để chặn đường về của chúng.”

Hốt Tất Liệt sai con[2] cầm quân sang đánh Đại Việt và họ biết nước mình có số quân rất lớn. Bạn đọc có bút hiệu Lê Hải Nam đăng trên diễn đàn VVH về vấn đề con số lính Nguyên sang đánh Đại Việt ở sử Việt là phóng đại. Ngày 12 tháng 4, 2007, có đoạn viết:

“Năm 1257, quân của Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkadai) xâm lăng Đại Việt gồm 25000 quân (trong đó có 15 ngàn quân của nước Đại Lý).

Năm 1283 đánh Chiêm Thành do Sugetu (Toa Đô) chỉ huy gồm 25000 quân (đợt đầu 5000 quân, sau bổ sung 2 vạn vì nghe quân Đại Việt giúp Chiêm Thành 2 vạn quân, ghi chép trong An nam truyện).”

Đọc đoạn trên ta thấy gì?

Theo bài đăng của bác Lê Hải Nam thì Toa Đô xin thêm 2 vạn để đối phó với 2 vạn binh Đại Việt vào đây giúp Chiêm Thành. Điều này này chứng tỏ rằng Nguyên Mông rất biết khả năng chiến đấu của lính Đại Việt, nên mới xin thêm một số quân tương đương. Vậy Thoát Hoan biết ta có trên 20 vạn binh sẵn sàng chờ quân Mông thì họ phải đem bao nhiêu binh mới quân bằng?

C- Một câu hỏi khác: Sao đánh lần thứ 2 lại đông hơn lần 3? Vô lý chăng?

Xin thưa là không nghịch lý chút nào. Vì lần thứ 2 Hốt Tất Liệt muốn chiếm Đại Việt rồi dùng làm bàn đạp chiếm Đông Nam Á.

Ta cần phải để ý tới là ý định của Hốt Tất Liệt là muốn chiếm luôn cả Đông Nam Á. Đây là ý của Thành Cát  Tư Hãn, muốn ngự trị toàn thế giới. Cái tên Thành Cát Tư Hãn (Ghengis Khan) đã mang ý nghĩa ấy. Trong quyển A Traveller’s History of China  đã ghi khẩu hiệu mà ông ta đề ra được dịch sang Anh ngữ như sau: “One sole sun in the sky, one sole sovereign on earth” ( Chỉ một thái dương trên bầu trời. Chỉ một lãnh tụ trên mặt đất.) ” Điều này thấy rõ ràng là các con cháu ông ta đã mở mang càng ngày càng rộng lớn, chẳng bao giờ muốn dừng lại.

Muốn chiếm được Đông Nam Á thì Đại Việt phải là một bàn đạp và con số chưa đù. Vậy chiếm được Đại Việt, Mông Cổ sẵn có nguồn tiếp liệu lại có sẵn thanh niên mộ thêm lính. Vì vậy phải cho một số quân lớn để chiếm đóng, giữ đường thoái lui; số còn lại sẽ hợp với quân mới tuyển đi đánh các nước khác. Câu chuyện gần gũi với chúng ta là chuyện Mông Cổ chiếm Đại Lý, dùng quân Đại Lý đánh Đại Việt. Đây chính là chiến lược toàn cầu của Mông Cổ. Quân Mông phải đông vì Hốt Tất Liệt cũng như Toa Đô định chủ ý như vậy. Dứơi đây là một chứng cớ nữa về việc này. Quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” Trang 158 chép: “Vào một ngày tháng 11 năm Giáp thân (8-12-1284—6-1-1285) từ vùng đất phía bắc Chiêm Thành giáp Đại Việt, viên bại tướng Mông Cổ Toa-đô đã tâu về với Hốt-tất-liệt:

‘Giao Chỉ liền với đất Chân-lạp, Chiêm-thành, Vân-nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ba đạo Việt-lý (vùng Quảng-trị ngày nay-G.T), Triều-châu (vùng bắc Quảng-đông Trung-quốc-G.T), Tỳ-lan (tây bắc đảo Hải-nam-G.T) lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc.”

Cũng trong quyển này ngoài số quân đã được liệt kê trên, phần chú thích ghi: “Nguyên sử Bản kỷ q.13, 2b chép rằng tháng 5-1284, A-ric Kha-y-a (A-lý Hải-nha) xin đến bờ biển thu nhặt quân tan vỡ ở Chiêm-thành để lại sai đi đánh phương Nam…”

Con số lính này không thấy cộng vào con số 92000 quân trên.

[1] Việt Vương Câu Tiễn được tin vua Ngô là Phù Sai đem Việt. Ông muốn mang quân ra đánh Ngô Phù Sai, trước khi quân Ngô xuất trận. Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe. Vua Ngô Phù Sai nghe tin đem tất cả tinh binh đánh quân Việt thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn cùng 5000 quân chạy về giữ Cối Kê. Sau cũng phải hàng.

[2] chẳng biết có phải là thái tử không? Nhưng có sách viết là con thứ 9, có sách ghi là con thứ 11- Tuy nhiên việc chọn thái tử của Mông Cổ lại thường thích chon con út

D- Có người lại hỏi lính đâu mà đông quá vậy?

Như đoạn trên, ta đã thấy nước ta nhỏ mà quân tập họp trên 20 vạn là chuyện thường. Cả một Trung Quốc mênh mông; số dân gấp 10 lần nước ta thì bao nhiêu quân có thể lấy được?

Trong thời xưa chuyện bắt lính không đợi tới 18 tuổi như ngày nay, mà là từ 15 tuổi. Cũng trong quyển Việt sử toàn thư (trang 406) có ghi về việc, vua Lê Thánh Tông cho tuyển binh như sau để đánh Chiêm Thành như sau: “Ngày 6 tháng 10 năm ấy (1470) nhà vua hạ lệnh kén hoàng đinh từ 15 tuổi trở lên, được 26 vạn quân.”….

Trang 410 lại viết: “Mùa xuân năm sau (1480), ta lại mở cuộc chinh phục Bồn Man và cũng huy động tới 30 vạn binh sĩ.”

Nếu như muốn khoa trương sự tài năng, mưu lược của các tướng cùng sự dũng cảm, tinh nhuệ của quân ta thì chắc lịch sử phải giảm con số ấy xuống còn vài vạn và thắng dễ dàng đối phương.

Theo thiển ý việc tuyển quân của Mông Cổ để có một số quân lớn lao chẳng mấy khó khăn, nhất là để hoàng tử thân chinh lại càng quan trọng hơn và cũng để trả những mối thù: Bắt giam sứ giả, bắn mù mắt sứ giả[1] cùng đánh bại họ. Mông Cổ ngày ấy đã khét tiếng là tàn bạo, chuyện bắt giam, giết sứ giả là không thể chấp nhận được. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarquand một thành phố của đế quốc Khwarezm. Shah Muhammad cho giết các sứ giả này. Sau này, THÀNH CÁT TƯ HÃN cho một đạo quân 200000 kị binh tấn công trả thù, tiêu diệt đế quốc và giết gần hết dân của thủ đô nước này. Ngay cả lúc cai trị cũng vậy, nên khi bắt ai đi lính thì không thể trốn tránh được. Việc đem quân sang đánh nước khác thường là tuyển lính ở các nước đã chiếm được và dùng kỉ luật tự kiểm soát lẫn nhau như chúng tôi đã viết. Ta cũng thấy điều này trong chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, lính Pháp phần đông là tây đen, người gốc Phi Châu như Algeria, Tunisia, Maroc hay Senegal… Lúc chiếm được Đại Lý (1253), Ngột Lương Hợp Thai  (Uriyangqadai) đã đem quân nước này sang đánh Đại Việt. Quyển : “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” đã ghi Đoàn Hưng Trí vua Đại Lý Đoàn Hưng Trí nước Đại Lý hàng Mông đã đem 2 vạn quân người Thoán Bặc Vân Nam đưa quân Mông Cổ vào Việt Nam.

Nên nhớ rằng khi Mông Cổ đánh chiếm Đại Lý, không biết bao nhiêu người Đại Lý đã rời bỏ quê hương trở thành dân tị nạn ở bắc Khmer để rồi lập quốc gia mới: Thái Lan. Vậy mà quân Mông vẫn lập ra đao quân người Đại Lý đông như vậy.

Nhưng cũng trong lịch sử thì số quân 50 vạn vào Đại Việt đâu phải là lớn lắm. Trong thời Đông Châu Liệt Quốc, chỉ nói một trận Trường Bình, quân Tần đã giết tới 40 vạn quân Triệu. Vào đầu thế kỷ thứ VII (612), Tùy Dạng Đế đã từng huy động một lực lượng tới hơn 1 triệu quân sang đánh Cao Ly. Đó là chưa kể 2 triệu dân công lo chuyển lương thực. Nhưng rồi vị vua này cũng bị thất bại và nhà Tùy sụp đổ luôn. Chuyện này tin được không? Ấy là thời gian trước khi Mông Cổ tuyển lính ở Trung Quốc đến hơn 600 năm. Trong đời nhà Tùy, dân số Trung Quốc, theo Wikipedia là khoảng 50 triệu người. Đến năm Mông Cổ chiếm toàn bộ Trung Quốc thì dân số toàn Trung Quốc gần 60 triệu, đó là chưa kể tới vùng thuộc các nước Tây Hạ, Kim và Đại Lý-Vân Nam[2].

Nếu đọc một phần của sử thì chưa đủ, ta hãy đọc tiếp. Ngay bên dưới phần nói con số 92000 trên, Nguyên sử ghi tiếp:

五月,命右丞程鹏飞还荆湖行省治兵。六月,枢密院复奏,令乌马兒与樊参政率军士水陆并进。九月,以琼州路安抚使陈仲达、南宁军民总管谢有奎、延栏军民总管符庇成出兵船助征交趾,并令从征。

Mà ông Tích Dã dịch:

“Tháng năm, ra lệnh cho Tả thừa Trình Bằng Phi về Kinh Hồ Hành tỉnh trị quân. Tháng sáu, Xu mật viện lại tấu lên, ra lệnh Ô Mã Nhi cùng Phiền tham chính đem quân sĩ thủy, lục cùng tiến. Tháng chín, lấy An phủ sứ Trần Trọng Đạt ở lộ Quỳnh Châu, Tổng quản quân dân ở Nam Ninh là Tạ Hữu Khuê, Tổng quản quân dân ở Diên Lan là Bồ Tí Thành đem thuyền quân giúp đánh Giao chỉ, hợp lệnh theo đi đánh.”

Phần này không thấy ghi đến con số lính sang đánh. Vậy số thật sự mà Nguyên sử đếm được là bao nhiêu?

Tóm lại số quân Nguyên sang nước ta phải rất đông, hơn con số mà Nguyên sử đã ghi.

[1] Đây là việc Sài Xuân đem Trần Di Ái về làm vua, nhưng bị qiân ta phục kích bắn mù mắt.

[2] Theo trang 111, quyển “A Concise History of China”

II. Việt Nam thắng là nhờ thời tiết 

Rất nhiều người không phải là chỉ trên diễn đàn VVH đều nghĩ Mông Cổ rút khỏi Đại Việt là vì nóng.

Thật ra cái nóng cũng là một yếu tố để cho vị đại tướng dùng tới trong chiến thuật như tôi đã viết phần đầu: ấy là thiên thời. Nếu vị đại tướng đã biết dùng sức nóng mùa hè để đẩy lùi địch quân, ấy là một tướng tài.

Tại đất Mông Cổ thuộc khí hậu của vùng thảo nguyên hay nói một cách khác đó là khí hậu bán sa mạc. Khí hậu này rất nóng và cũng rất lạnh, tuy ít độ ẩm trong không khí ít, nên thay đổi nhiệt độ rất nhanh. Ban ngày nhiệt độ có thể lên đến trên 32 độ C (90 độ F), nhưng ban đên xuống 0 độ C (32 độ F) là thường. Ở các thảo nguyên nhiệt độ đôi khi lên đến 40 độ c (104 độ F). Điều này đã được chứng minh ở trang 11, của quyển “Life in Genghis Khan’s Mongolia”. Trong quyển ấy Robert Taylor đã dựa vào các tài liệu về thảo nguyên và cả bài tường thuật của giám mục Friar Giovanni Diplano Carpini đã sang Mông Cổ năm 1245 viết: Nó [vùng thảo đất Mông Cổ] chia sẻ ảnh hưởng quá thái của cả các vùng này, cái lạnh dai dẳng trong chín tháng mùa đông với nhiệt độ rơi xuống đến -40 độ F[1], và phóng lên trên 100[2] độ trong mùa hè. Quan trọng nhất, vùng này quá khô, khô đến nỗi không thể trồng tỉa được [It shares the extreme climate of both these regions, enduring arctic cold during nine-month winters, with temperatures plunging as low as -40 degree Fahrenheit, and searing 100-plus degree in summer. Most importantly, it is dry, far to dry to sustain an agriculture economy.] 

Cái mà Mông Cổ sợ không phải là cái nóng mà là nóng, ẩm kéo dài từ sáng đến tối. Với cái nóng ở Mông Cổ, đêm đến ngừơi dân vùng này ngủ yên lành, còn cái nóng ở Việt Nam, mấy người lính Mông Cổ đêm ngủ không ngon. Bây giờ ta tìm hiểu xem các lý do ấy viện ra có đúng không?

1/. Mông Cổ rút lần thứ nhất là năm 1258, và mãi tới cuối năm 1284 mới quay lại đánh. Rõ ràng là thua mà phải rút. Nếu tái phối trí thì vài tháng là sang đánh nữa rồi.

2/. Mông Cổ rút lần thứ hai, năm tháng 5 năm 1285, mãi tới năm giữa năm 1286 mới phong chức cho các tướng, bổ xung quân số chuẩn bị tấn công lần 3, và đầu năm sau mới đem quân sang.

Dưới đây là bảng nhiệt độ theo nhiệt độ bách phân (C) Quảng Tây dựa vào http://www.china-roads.com/weather/guangxi.htm

Dưới đây là bảng nhiệt độ Miến Điện dựa vào

www.southtravels.com/asia/myanmar/weather.html

tháng 5 tháng 6 tháng 7 tháng 8 tháng 9 tháng 10
cao 33 33 32 32 30 28
thấp na[1] na na na na na

Dưới đây là bảng nhiệt độ Chiêm Thành. Vì thời ấy không ai phối kiểm nổi nhiệt độ, nên chúng tôi tìm các thống kê nhiệt độ của Đà Nẵng dựa vào www.5starvietnam.com/Danang-Vietnam-Weather.htm

tháng 5 tháng 6 tháng 7 tháng 8 tháng 9 tháng 10
cao 33 34 34 34 31 28
thấp 24 25 25 25 24 17 

Ta hãy so sánh nhiệt độ của Hà Nội nói riêng và của Đại Việt ngày ấy nói chung với các nước vừa kể qua bảng mà chúng tôi tìm kiếm dưới đây

http://www.wordtravels.com/Cities/Vietnam/Hanoi/Climate

tháng 5 tháng 6 tháng 7 tháng 8 tháng 9 tháng 10
cao 31 33 33 32 31 29
thấp 24 26 26 26 25 22

Nhìn vào các bảng ấy ta thấy nhiệt đô ở Chiêm Thành khắc nghiệt nhất, kế tiếp là nhiệt độ của Miến Điện. Nhiệt độ của Đại Việt và Quảng Tây như nhau. Còn nhiệt độ Quảng Đông chúng tôi cũng tìm không được. Vì Đại Việt Quảng Đông giáp ranh nhau nên môi trường về khí hậu thời tiết cũng không khác nhau bao nhiêu.

Chúng tôi có đi Bắc Kinh một năm trước khi có thế vận mùa hè được khai mạc tại đây. Lúc ấy, khí hậu Bắc Kinh nóng ẩm như tại VN. Một hôm, chúng tôi đi thăm Vạn Lý Trường Thành. Cô hướng dẫn viên, Mary[1] nói: “Hôm nay trời rất nóng, nếu ai có khả năng leo lên trạm gác thứ 2 thì chỉ nên leo lên trạm đầu tiên rồi nghỉ. Vị nào có khả năng leo đến trạm 3 thì đến trạm 2 nên dừng lại. Đừng nên leo lên trạm 5, cao nhất. Hai tuần trước có một người chết vì cố sức leo, mà bị nóng làm kiệt sức.”

Hồi tháng 8, 2008, lúc có cuộc đua xe đạp đường trường và cuộc chạy marathon của thế vận hội Bắc Kinh. Chắc hẳn chúng ta ai cũng nhớ rằng ban tổ chức đã hai lần báo động là khí hậu quá nóng và cuộc đua có thể bị đình hoãn. Hội đồng y khoa thế vận đã theo rõi từng giờ để xem có nên cho phép cuộc đua tiến hành không. Nói như vậy thì khí hậu mùa hè ở ngay Đại Đô (Bắc Kinh) cũng nóng và hầm khủng khiếp.

Đến khí hậu nam Trung Quốc như Quảng Tây mà chúng tôi mới có dịp trình bày trên thì có khác gì khí hậu Đại Việt?

Với khí hậu Trung Quốc, như vậy mà nhà Nguyên đã tồn tại gần 100 năm, tại sao ở Đại Việt mới có mấy tháng đã cuốn vó chạy?

Ta bỏ qua câu chuyện nóng của Bắc Kinh mà nói tới cái nóng của vùng Đông Nam Á.

Cái nóng ẩm của Miến Điện thì sao?  Chúng ta đã có dịp thấy ở bảng thống kê và nếu quí độc giả vào website của Miến thấy tháng 3 nhiệt độ đã bắt đầu nóng. Nhiệt độ trung bình của tháng 3 là 29ºC và tháng 4 là 32ºC. Trong khi ấy nhiệt độ của Đại Việt ở tháng 5 mới bắt đầu nóng (31ºC). Vậy mà quân Mông Cổ đã vào đây chiếm tới chiếm lui, lập được chính phủ bù nhìn ở Pagan, đến 2 năm mới rút.

Hơn thế nữa, năm 1283, Toa Đô đem một hạm đội chu sư vào đánh Chiêm Thành. Đạo quân này đổ bộ lên cảng Quy Nhơn ngày nay, rồi đánh lên hướng bắc chiếm thành Chà Bàn. Vua Chiêm Thành phải bỏ trốn vào rừng tổ chức kháng chiến. Tuy Mông Cổ không kiểm soát hoàn toàn đất Chiêm, nhưng họ cũng không bị đánh bật ra biển.

Qua bảng thống kê thì khí hậu Chiêm Thành còn gay gắt hơn đồng bằng bắc bộ, nhất là vùng từ Quảng Trị đến Đồng Hới. Vùng này vào mùa hè thường hay có gió Lào, thổi từ phía tây sang. Vùng Thanh Nghệ Tĩnh cũng có bị nhưng rất ít. Khi có gió này thì các loại cá vẩy trắng như cá diếc, cá chép, cá mè… ở ruộng nước đến nửa ống chân cũng chết vì nước nóng quá. Chỉ có loại cá vảy hay da đen như cá rô, cá quả (cá lóc), cá trê… chui được xuống bùn là thoát. Năm 1952 hay 1953, nhà tôi ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa cũng đã được nếm mùi loại gió này một lần. Hôm đó, tôi chỉ cần ra ruộng hớt các con cá diếc đang ngắc ngoải, nằm ngửa bụng lên về nhà ăn.

Với cái nóng ẩm của đất Chiêm như thế mà quân Nguyên Mông vẫn ở được. Đã thế Toa Đô còn đem quân tiến ra bắc đánh Đại Việt hai năm sau. Theo quyển sử của ông Tấn và bà Tâm, một số quân Mông vẫn ở lại đây mãi cho đến khi toàn bộ đại quân bị đánh bật ra khỏi Đại Việt, họ mới chịu rút về. Tóm lại ở các xứ nóng hơn ta mà Mông Cổ chịu nổi hai năm, trong khi họ chỉ ờ Đại Việt có vài tháng đã cuốn cờ chạy.

Cũng như phần trên đã viết, nếu nóng mà không bị thiệt hại gì, không bị phục kích, đánh tỉa thì rút về làm gì?

Hưng Đạo Vương nhiều lần đã phải cho lui quân. Nhưng giữa hai cái lui của Đại Việt và Nguyên Mông khác nhau xa. Đại Việt lui vài tháng sau đã phản công, còn Nguyên Mông rút lui thì vài năm sau mới sang đánh lại sau khi bổ sung thêm quân số.

Vậy viện cớ vì nóng thì lần thứ nhất chấp nhận được, còn hai lần sau thì sao? Tại người làm tướng không học thuộc bài, không hiểu hết nguyên tắc chiến thuật. Nếu không muốn dùng ngụy biện bào chữa cho cái rút quân thì cái hay nhất là đừng xâm lăng.

Xét qua các dữ kiện trên để bào chữa việc rút quân của Mông Cổ là quá nóng là điều hoàn toàn giả trá, không thể chấp nhận được.

[1] Thật ra tên này chỉ để cho các người Âu, Mỹ gọi thôi, chứ cô ta có tên thật là tên Hán.

III. Vì hình thể và địa hình Đại Việt mà Mông Cổ không diệt được nhà Trần.

Trên diễn đànviện Việt Học, có người lý luận tại hình thể Đại Việt hẹp dài nên dễ lẩn tránh.

Nói như vậy là quên rằng khi kháng Mông Đại Việt chỉ vỏn vẹn từ đồng bằng bắc bộ đến đầu Đồng Hới. Như vậy dâu dài bao nhiêu. Phần bàn chiều dài hơn rộng thì đúng nhưng xo với Vân Nam có diện tích 394.100 km² thì cả nước  ta  ngày nay diện tích 331,690 km² vẫn còn thua huống hồ một Đại Việt chỉ là một tiểu quốc, diện tích lúc ấy chưa 120000 km² vì vùng Sơn La, Lai Châu là các bộ lạc dân thiểu số chưa hẳn quy thuận nước Đại Việt.

Quan hệ tối với Chiêm thì tốt thật, nhưng ta chưa bao giờ rút xuống quá Nghệ An. Chúng tôi không gạt bỏ địa lợi, nhưng địa lợi không có nghĩa là diện tích, hình thể dài ngắn. Rộng như Trung Quốc, Nga, Khwarezm còn mất huống chi một hạt tiêu Đại Việt.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia hẹp, dài thì chạy trốn khó hơn một đất nước rộng lớn. Giả sử ta hãy nghĩ đến một việc đơn giản đó là một cuộc chơi trốn tìm của mấy đứa bé chẳng hạn thì ta đã thấy gì? Nếu cuộc chơi tỏ chức trong một hành lang thật dài, nhưng hẹp. Đứa bé đi tìm đứng một đầu, còn các đứa kia chạy trốn sang phía còn lại thì đứa bé đi tìm dễ bắt đối phương hơn là cùng diện tích song rộng.

Nếu căn cứ vào toán học, cùng một diện tích nếu vật càng dài thi có chu vi càng lớn hay nói khác đi đường biên giới dài hơn nước vuông vức. Giả sử vài nước có cùng diện tích là 100000 km2 và hình thể khác nhau thì ta có kết quả gì?

  • Nếu nước thứ nhất có hình tròn thì đường biên giới là: 1121km
  • Nếu nước thứ hai có hình vuông thì đường biên giới là: 1264.91km
  • Nếu nước thứ ba có hình chữ nhật một cạnh là 100 km thì cạnh kia là 1000 km để có diện tích trên, nên đường biên giới là 2200 km.
  • Nước thứ tư cùng diện tích cũng hình chữ Nhật, một cạnh 50 km thì cạnh kia phải là 2000 km. Tổng cộng ranh giới nước ấy sẽ là 4100 km.

Cái đó chẳng qua do định lý nếu hai biến số x, y có tích số không đổi thì tổng số có giá trị cực tiểu khi hai số bằng nhau. (Hình vuông). Ta nhìn vào bản đồ nước Chile, Nam Mỹ sẽ thấy điều này.

Tóm lại một nước càng hẹp bao nhiêu thì có biên giới càng dài hơn, khó bảo vệ hơn.

Các nước nam Nga, Khwarezm và Nam Tống đều rộng lớn tương đương, nhưng trên phương diện địa thế nam Nga, cũng như Khwarezm khác với Nam Tống. Các nước này đã thua Mông Cổ, không phải tại hình thể vuông vức mà tại các điểm sau: thảo nguyên, đồng bằng.

Nếu bảo hẹp dài mới là địa lợi thì hãy xem lại bản đồ Cao Ly.

Cao Ly cũng hẹp dài phía bắc và đông là các núi đồi trùng điệp. Chỗ hẹp nhất của nước này chỉ rộng hơn cổ chai Thanh Hóa vài chục km, thế mà Mông Cổ đã bắt nước ấy đầu hàng.

Nếu ta nói cái hẹp của trung Việt ở Thanh Hóa giáp Bắc Bộ thắt cổ chai là một lợi thế đúng không? Phần phía bắc Thanh Hóa giáp với Bắc Bộ gồm các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La tổng cộng chiều dài từ phía đông (Nga Sơn-Thanh Hóa) đến phía tây (Mộc Châu- Sơn La) trên 150km. Giả sử không có các chướng ngại thiên nhiên ấy và đất bằng bặn thì bao nhiêu quân có thể lên chiến đấu một lượt? Cũng tính cứ 1m thì hai người lính có thể chiến đấu vậy sẽ có khoảng 30 vạn người cùng lúc chiến đấu. Như vậy tất cả đại quân Nguyên có thể lên đánh nhau một lượt chứ không như cái hẹp của Thermopylae (100m).

Chỉ vì núi non rừng rậm của Trường Sơn ở giữa Thanh Hóa với Hòa Bình, Sơn La và núi non đầm lầy Tam Điệp, Tam Cốc, Gia Viễn ở giữa Thanh Hóa với Ninh Bình mới cản trở nổi bước tiến của quân xâm lược.

Ngay tại Bắc Bộ rộng rãi, nhưng khi ta phản công ta cũng có biết bao nhiêu địa lợi làm chuyện ấy. Nếu ta bày trận ở từ khoảng Bắc Ninh, Bắc Giang trong thánh chạp để đánh quân Mông thì chỉ từ chết tới bị thương vì địa lợi cho đối phương. Nhưng các tướng ta đã phục quan ở các nơi có lợi địa, đó là các ải Chi Lăng, Ôn Châu, Khả Lợi, Nội Bàng… vì núi non chập trùng làm thế đất thắt mở, hẹp hòi, hiểm trở, khó đi. Rồi các rừng rậm, núi đá, các con sông ngăn cản đường tiến thoái… vì thế địch mới chết nhiều.

Nam Nga là một thảo nguyên lớn nhất thế giới, còn hơn Mông Cổ, khí hậu cũng bớt khắc nghiệt hơn Mông Cổ vì vậy khi Batu khi được đề cử về tranh chức làm Đại Hãn ở Krakorum thủ đô ở Mông Cổ thì ông đã từ chối vì ông thích nơi đây hơn. Trang 12, quyển: “History of Russia and the USSR” Peter Neville đã viết: Nhược điểm của địa hình bằng phẳng cộng thêm vào cái chia rẽ chính đã giúp cho Mông Cổ hoàn tất cuộc chiến. [To geographical vulnerable, was added to chronic political division, which could only assist the Mongols in their task.]

Vậy lấy chuyện vì hình thể ra bàn thì hoàn toàn sai.

Địa lợi.

Địa lợi đây là núi, sông, ao, hồ, rừng các chướng ngại vật thiên nhiên. Nhưng nó còn tùy thuộc cho đao binh mà tướng muốn dùng. Có khi đồng bằng, đất cứng lại là lợi địa; ấy là trường hợp kị binh Mông Cổ. Thật vậy Khwarezm và nam Nga thì hầu như là sa mạc, hay đồng cỏ bằng phẳng lại cũng là một lợi địa cho kị binh Thành Cát Tư Hãn. Xin mời các bác xem lại phần địa lợi của nước này trong chương 05. Mông Cổ đã biết dùng địa thế đất đai các nước này mà xâm lăng. Nhưng khi định quay về bằng cách vượt qua Ấn Độ, thì Thành Cát Tư Hãn quyết định hủy bỏ vì không thấy lợi địa cho kị binh của ông ta.

Quả tình địa lợi của nước ta là nhiều núi non, rừng rậm, sông ngòi đầm lầy lợi cho bộ, thủy binh nên Hưng Đạo Vương cùng các tướng đã biết áp dụng để đánh giặc đem đến vinh quang. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định, nếu các tứơng nhìn vào đó mà không nghĩ ra cách bày trận thế.

Các nước khác như Miến, Đại Lý có yếu tố này hơn nước ta nữa mà vẫn bị Mông Cổ đánh bại. Nếu các bạn có dịp đi du lịch Vân Nam chơi 1 lần để thấy địa thế hiểm trở thật của Vân Nam hiểm trở như thế nào.

Phía bắc Miến Điện rừng núi chập trùng vậy mà họ không biết dùng lợi địa bẫy quân Mông, mà trái lại quân Mông lại dụ voi Miến vào rừng mà bắt lại. Kết quả Miến đã thua. Con sông Hoàng Hà thì muôn đời vẫn nằm trên đất Tây Hạ. Mùa mưa đến và lúc tuyết tan sông chảy thật vũ bão vậy mà người Tây Hạ không biết dùng nó để phá giặc. Ngược lại, Thành Cát Tư Hãn cho đắp đập để phá thành.

Ngay tại nam sông Dương Tử, một vùng rộng lớn bao la mà cũng là một địa lợi ngăn cản kị binh. Bài trên tôi đã dịch đoạn của Patricia Buckley Ebrey viết trong quyển sử về Trung Quốc: Miền nam sông Dương Tử của Trung Quốc chưa bao giờ bị chiếm bởi các người trên thảo nguyên không phải gốc Trung Hoa là vì có nhiều sông, kênh đào,  suối đã trở thành các chướng ngại vật ngăn cản kị binh. Bài viết này cũng còn chứng minh các bài viết của tôi về THÀNH CÁT TƯ HÃN nếu có đem đạo kị binh khổng lồ của ông đánh Nam Tống chắc không dễ dàng như đánh các nước Tây Liêu, Khwarezm, Nga…Vậy nam Trung Quốc cũng có địa lợi chặn binh Mông Cổ, thế mà Nam Tống mất nước.

Trong quyển sách của Stephen Turnbull viết cũng có đoạn nói tới việc THÀNH CÁT TƯ HÃN sau khi chiếm được Khwarezm thì định quay về Tây Hạ bằng cách vượt qua Ấn Độ. Nhưng sau khi nhìn địa thế nước này quá nhiều sông và rừng già và còn dãy núi chọc thủng trời xanh nên lại thôi. Đây cũng nói lên việc ông biết cái lợi địa của các nước nam và đông nam Á Châu. Ấn Độ là vùng rộng lớn, dầy đặn biết bao mà cũng làm THÀNH CÁT TƯ HÃN sợ đâu cần hẹp mà dài? Vùng đất này luôn luôn chia cắt thành các bộ lạc nhỏ, không lập ra một đế quốc rộng lớn. Vậy mà Trung Quốc bao nhiêu năm bành trướng sao không đụng độ với các bộ lạc Nam Á? Dãy núi Hỷ Mã Lạp Sơn đã làm bình phong thiên nhiên ngăn Trung Quốc với Ấn Độ. Còn Tây Tạng nữa chứ. Hình dạng cũng đầy đặn, thế mà Hán, Đường chịu thua Thổ Phồn. Hẹp đâu dễ phòng thủ, rộng đâu dễ tấn công. Chẳng qua là núi cao, vực sâu làm ngăn bước kẻ xâm lược.

Cái này chứng tỏ không phải hình thể vùng mà tạo ra địa lợi. Nếu ta lý luận rằng từ Thanh Hóa trở vào, phía đông có biển cả, phía tây có Trường Sơn tạo ra địa lợi thì không ai chối cãi. Dù là đất Việt lan sang đến tận sông Cửu Long vẫn có địa lợi. Một mặt khác biển cả lại là đường cho hải quân uy hiếp, chứ không an toàn tuyệt đối. Bờ biển càng dài thì càng nguy hiểm. Nếu Mông Cổ đánh nước ta trước năm 1270 thì còn có ít lợi vì lúc ấy họ chưa có thủy quân. Đến lúc họ chiếm trọn Nam Tống rồi thì bờ biển Đại Việt quá dài để ta phòng thủ. Lịch sử đã không ghi rõ cách tiến quân của Toa Đô từ Chiêm Thành ra như thế nào. Có thể cả thủy lẫn bộ, nên Trần Quang Khải chống không nổi, vì ông phải trải quân quá rộng. Điểm nữa chúng ta nên nhớ nước Việt Nam bị Pháp tấn công đầu tiên vào Đà Nẵng bằng chiến thuyền, rồi cũng mất nước vì biển cả vậy.

Quả tình không có địa lợi thì ta khó lòng thắng quân thù. Muốn chiến thắng địch quân thì còn phải cộng thêm cả chục yếu tố khác chứ không phải cái địa lợi thôi. Đem so cái địa lợi của Đại Việt với Vân Nam thì ta không thấm vào đâu, nhưng ta còn lợi hơn nhờ thiên thời. Nếu Hưng Đạo Vương không biết lợi dụng tất cả các yếu tố để thắng trận như chúng tôi đã bàn vào phần đầu, thì nước ta đã bị Mông Cổ chiếm mất rồi.

Nếu không có núi cao, sông sâu, rừng thiêng che chở thì cái nào dễ phòng thủ? Ta thấy ngày đường biên giới càng dài thì càng khó phòng thủ.

Nói là đây có nhiều địa lợi, nhưng không phải chỗ nào cũng vậy và mùa nào cũng vậy. Chỗ dải đất ven biển rộng hẹp tùy nơi, nhưng chỗ hẹp nhất cũng gần một chục km và rộng nhất là vài chục. Những nơi này vẫn dễ dàng di chuyển nhất là trong mùa khô. Vì vậy mà Toa Đô đã đem quân đánh từ nam ra bắc mà quân ta không phục kích được. Nhưng nếu Toa Đô tiến quân ra trong mùa hè thì biết liền. Nơi đây sẽ lầy lội các con sông Gia Hội, Hạ Vàng ở Hà Tĩnh; các sông Cả, Con ở Nghệ An; các sông Chu, Mã ở Thanh Hóa cùng cả chục con sông nhỏ khác nước dâng thật cao, chảy thật siết. Không chừng Toa Đô đã bỏ xác ở Nghệ An chứ không phải đợi ra đồng bằng bắc bộ. Kể cả vùng từ Hà Nội lên biên giới Việt Hoa cũng vậy. Có nhiều nơi đồng bằng bát ngát. Mùa khô, đây là địa lợi cho kị binh nhưng nùa mưa lại là bất lợi.

Điều này cho ta thấy rõ ràng cùng là đồng bằng, núi rừng, sông ngòi, nhưng tướng nào biết lợi dụng hình thể địa thế kẻ ấy sẽ thắng.

Tóm lại thắng được là nhờ tướng biết dùng địa lợi, chứ không phải địa lợi làm tướng thắng trận.

IV- Đại Việt thắng là vì Subutai không chỉ huy. 

Trên một vài diễn đàn khác, chúng tôi có xem qua thấy một số bạn đã đưa ra vấn đề Đại Việt may mắn vì Subutai đã qua đời, nếu không thì Hưng Đạo Vương không thắng nổi Nguyên Mông. Một trang web của nước Anh cũng đã xếp hạng mười danh tướng tài bà nhất thế giới đã xếp Subutai trên Hưng Đạo Vương.   Nếu đọc phớt qua, ta thấy Subutai thắng rất vẻ vang và nghĩ như vậy.

Nhưng đọc kỹ thì lý luận này xem ra chưa chắc đúng.

Chúng ta đã xem qua các cuộc chiến của Subutai, và ai cũng thấy ông thắng nhiều hơn thua. Ông thắng địch quân được là vì các quốc gia ấy đã dùng cương chống cương, lấy kị binh chống kị binh hay thủ thành chống tấn công. Ông cũng biến báo nhiều trường hợp để biến đổi thế cờ, nhiều trận pháp giả thua rồi phục kích.

Tuy nhiên, ông không phải bách chiến bách thắng. Ông đã thua khi bị quân Cuman tấn công bất ngờ. Sau trận sông Kalka, Subutai cho quân vượt sông Volga thì bị quân phục kích bởi quân của iltäbär(vua) Ghabdulla Chelbir của xứ Bulgar, cộng thêm quân của inäzors(hoàng tử) Mordvin là Puresh và Purgaz gần Samara Bend làm thiệt hại quân Mông. Đến lúc đấu tranh trên sông Sajó lại bị thua về đêm. Nhìn vào đây ta thấy ông giỏi về trận kị binh, nhưng không giỏi đối phó với du kích chiến. Trong khi ấy Hưng Đạo Vương là người chủ trương du kích chiến và sau đó đến trận địa chiến, khi mình đã nắm chủ động. Như vậy Subutai khó lòng thắng nổi chiến thuật của Hưng Đạo Vương.

Subutai thì dùng chớp nhoáng tiêu diệt địch quân. Ngược lại Hưng Đạo Vương lại chủ ý dùng cẩn thận, chờ đợi mới đánh. Như vậy khi thấy giặc mạnh, Hưng Đạo Vương không đem quân nghênh chiến thì Subutai đánh với ai? Đợi cho quân địch mệt mỏi, chán nản ngài ra quân ấy là khắc tinh của chớp nhoáng vậy.

Cả hai Subutai lẫn Hưng Đạo Vương đều chủ ý đến chuyện lựa điểm cao mà điều kiển trận đánh. Vì từ cao nhìn được hết chiến trường, để rồi linh động, tùy cơ ứng biến và thay đổi trận pháp. Về điểm này hai bên tương đồng.

Một cái thắng khác của Hưng Đạo Vương là lòng dân ủng hộ ông. Dân đã nghe theo ông đem lương thực cất dấu hết, làm địch không còn đâu kiếm ra lương thực. Như vậy là Hưng Đạo Vương thắng từ Công Tâm lẫn Công Lương.

Về địa lợi và thiên thời thì đất ta là một nơi không phải cho kị binh hoành hành. Các chiến thuật chớp nhoáng với kị binh của Subutai không thể áp dụng được. Khi bàn về kị binh thì lại nói tới kị binh gốc Mông Cổ mới xuất sắc. Tuy nhiên kị binh này thì phải ở vùng khô khan, không có núi, rừng, sông, hồ.

Ta cứ tưởng tượng cảnh một đoàn kị binh đến vùng đất mà chỉ thấy sình lầy, dưới chân quả núi che phủ rừng già, thì Subutai cho hành quân qua đường nào? Vào rừng thì cây gai chằng chịt, hang hốc không biết thì làm sao tránh khỏi phục kích? Thôi đành đem kị binh lội ruộng, mà nơi đây làm sao phi nước kiệu, nước đại. Đoàn kị binh này đi độ 10km thì mệt lừ rồi lâu lâu bị bắn sẻ làm một lính bị thương. Và cuối cùng khi người ngựa bị mệt mỏi, rã rượu vì đường đi và cái nóng hầm, thì bỗng đâu quân ta nhô ra bắn một loại.

Bây giờ giả sử Subutai đem bộ binh sang thì thắng nổi không? Tình trạng này chắc cũng không hơn Thoát Hoan là mấy vì ông ta không phải là tướng bộ binh. Các chiến thuật mà ông áp dụng ở Âu Châu không còn hữu hiệu cho địa thế nước ta. Vậy ông ta cũng lại ôm đau thương với du kích chiến!

Chúng tôi không muốn nói bất kỳ ở đâu Hưng Đạo Vương cũng giỏi hơn Subutai. Nếu Hưng Đạo Vương đem quân sang đánh Subutai ở thảo nguyên thì có thể ngài phải thua. Nhưng mỗi rừng một cọp, tại quân Mông sang gây hấn nước ta nơi phong thổ địa dư không thích hợp cho họ, thì phần thắng phải thuộc về Hưng Đạo Vương.

Ta phải kết luận ngược lại, đây là một may mắn cho Subutai. Ông ta đã không sang Đại Việt, nên tên tuổi ông là một trong mười tướng lãnh tài ba nhất thời Trung Cổ.

Nguồn bài đăng