Thông tư hướng dẫn nghị định số 43 2023 nđ-cp

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra

Ngày 14/11/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua Luật Thanh tra năm 2022, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Ngày 30/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định gồm 10 chương, 70 Điều, áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập và người làm công tác thanh tra nội bộ. Dưới đây là một số nội dung cơ bản của Nghị định:

Thứ nhất, về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên

Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Thanh tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); Thanh tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); Thanh tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 25% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Thứ hai, về thẩm quyền thanh tra lại

Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc đã có kết luận của Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thời hạn thanh tra lại là không quá 45 ngày đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành và không quá 30 ngày đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra lại được quy định

Ban hành quyết định thanh tra; Công bố quyết định thanh tra; Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; Báo cáo kết quả thanh tra; Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; Ban hành kết luận thanh tra; Công khai kết luận thanh tra.

Thứ tư, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia Đoàn thanh tra

Người góp vốn vào doanh nghiệp, có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích thì không được tham gia Đoàn thanh tra.

Thứ 5, về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

Nghị định quy định như sau: Đối với người thực hiện cơ quan tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có hành vi sau: Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; Không kiến nghị biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra; Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Nếu người có hành vi vi phạm không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức mà có hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Bị kỷ luật khiển trách theo quy định; người có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu không phải cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài các quy định nêu trên, Nghị định 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc giám định, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát trong hoạt động thanh tra; Việc công khai kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh về hoạt đọng thanh tra, giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra./. Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023./.