Trọng âm nghĩa là gì

ĐẶNG NGỌC LỆ1, HUỲNH CÔNG TÍN2
(1PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang, 2TS. Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT

     Trọng âm là kết quả hoạt động phát âm nhằm nhấn mạnh vào một thành phần âm (âm tiết) của một đơn vị ngôn từ trong giao tiếp – nói năng hoặc ca hát. Trong ngôn ngữ đa âm tiết, như các ngôn ngữ châu Âu, phần lớn từ có 2 âm tiết (tiếng) trở lên, nên từ thường có trọng âm cố định ở một âm tiết nào đó, theo thói quen của người bản ngữ; tuy đôi khi trọng âm cũng có thể thay đổi, nhấn vào một âm tiết thích hợp tùy theo ý định diễn đạt của người nói, ngôn cảnh. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, tuy cũng có từ đa tiết, nhưng đó vẫn là sự kết hợp của những thành tố đơn tiết, nên vấn đề trọng âm không được nghiên cứu nhiều. Nhưng trong giới Việt ngữ học, Giáo sư Cao Xuân Hạo thuộc số ít người quan tâm đến loại trọng âm đặc thù trong tiếng Việt. Đó là trọng âm từ trong phát ngôn.

Từ khóa: trọng âm, đa tiết, đơn tiết, tiếng Việt, Cao Xuân Hạo.

ABSTRACT

     Stress is the result of pronunciation activity that emphasizes a sound component (Syllable) of a unit of language in communication – speech or singing. In polysyllabic languages, as in European languages, most words have two or more syllables, so words usually have fixed stress in a certain syllable, according to the habits of native speakers; although stress can sometimes be altered, clicking on a suitable syllable depends on the intention of the speaker or contexts. Vietnamese is an isolating language, though there are also many multi-syllables words, it is still a combination of monosyllabic elements, so stress is not studied much. But in Vietnamese language studies, Professor Cao Xuan Hao is a minority of people interested in the specific type of accent in Vietnamese. That is the word stress in the utterance.

Keywords: stress, polysyllabic, monosyllabic, Vietnamese, Cao Xuan Hao.

x
x x

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Khái niệm “stress” có nhiều nghĩa; nhưng từ bình diện ngữ âm học (Phonetics), stress (trọng âm) trong các ngôn ngữ châu Âu được nhìn nhận: “trên bình diện ngữ âm, khi phát âm có một lực hơi thêm được sử dụng tác động lên một từ hoặc một âm tiết cụ thể” [5, tr.1286] sẽ tạo thành “stress” hay “trọng âm”. Từ góc độ khoa học, trọng âm được hiểu “là thuật ngữ chuyên môn cho độ lớn tương đối của lời nói. “Tương đối” ở đây có nghĩa là các cách nói khác nhau để phân biệt âm tiết nào là nổi bật trong lời nói” [6, tr.78].

     1.1. Về trọng âm trong tiếng Anh

     Trọng âm trong tiếng Anh có nhiều loại, nhưng loại trọng âm được người học tiếng chú ý nhiều hơn là loại trọng âm từ, được ghi bằng dấu “ˈ” (Trọng âm được thể hiện bằng dấu “ˈ” được đặt trước âm tiết – chú giải của tác giả) trên âm tiết được nhấn mạnh, bởi loại trọng âm này cho biết âm tiết mạnh nhất trong nhóm âm của một từ đa tiết. Như vậy, trong tiếng Anh, rõ ràng đây là hiện tượng âm học hết sức quan trọng, bởi nó góp phần dẫn đến việc lĩnh hội nội dung ngữ nghĩa của giao tiếp và đánh giá khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh của người nói; bởi tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết, nên những từ có hai âm tiết trở lên luôn có một âm tiết được phát âm nhấn mạnh, gọi là trọng âm. Hiện tượng này, tạo nên sự khác biệt hẳn trong phát âm so với những âm tiết còn lại về độ dài, độ lớn và độ cao. Chính âm tiết trọng âm này là yếu tố quan trọng quyết định cho giao tiếp nói tiếng Anh. Vì lẽ này, trong tiếng Anh có một số quy tắc đánh trọng âm mà người học bắt buộc phải nắm vững.

     Với trọng âm từ (Word Stress), có một số quy tắc cơ bản trong tiếng Anh được ghi nhận như sau:

     Quy tắc 1. Hầu hết danh từ và tính từ có 2 âm tiết đều có trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất. Chẳng hạn: “(noun) action /ˈækʃn/ (hành động); paper /ˈpeɪpər/ (giấy); teacher/ˈtiːtʃə/ (giáo viên); (adj) active /ˈæktɪv/ (hoạt động); happy /ˈhæpi/ (hạnh phúc); rainy /ˈreɪni/ (mưa),…”.

     Quy tắc 2. Phần lớn động từ và giới từ có 2 âm tiết, trọng âm thuộc âm tiết thứ hai. Chẳng hạn: “among /əˈmʌŋ/ (trong số); become /bɪˈkʌm/ (trở thành); begin /bɪˈɡɪn/ (bắt đầu); between /bɪˈtwiːn/ (giữa); discover /dɪˈskʌvə/ (khám phá); enjoy /ɪnˈdʒɔɪ/ (thưởng thức); forget /fəˈɡet/ (quên); include /ɪnˈkluːd/ (bao gồm); produce /prə’duːs/ (sản xuất); relax /rɪˈlæks/ (thư giãn),…”.

     Quy tắc 3. Với những từ có 3 âm tiết trở lên, trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ 3 tính từ cuối lên. Chẳng hạn: “industry /ˈɪndəstri/ (ngành công nghiệp); intelligent /ɪnˈtelɪdʒənt/ (thông minh); specialize /ˈspeʃəlaɪz/ (chuyên biệt); geography /dʒiˈɑɡrəfi/ (địa lý),…”.

     Quy tắc 4. Các từ có hậu tố: – ee, – eer, – ese, – ique, – esque , – ain, trọng âm rơi vào chính âm tiết đó. Chẳng hạn: “agree /əˈɡriː/ (đồng ý); maintain /meɪnˈteɪn/ (duy trì); retain /rɪˈteɪn/ (giữ lại); unique /juːˈniːk/ (duy nhất); Vietnamese /ˌvjetnəˈmiːz/ (người Việt); volunteer /vɑlənˈtɪə/ (tình nguyện viên),…”.

     Quy tắc 5. Các từ có hậu tố: – ment, – ship, – ness, – er/ or, – hood, – ing, – en, -ful, – able, – ous, – less, trọng âm chính của từ không thay đổi, Chẳng hạn: “agree /əˈɡriː/ (đồng ý); agreement /əˈɡriːmənt/ (thỏa thuận); happy /ˈhæpi/ (hạnh phúc); happiness /ˈhæpinəs/ (hạnh phúc); meaning /ˈmiːnɪŋ/ (có nghĩa); meaningless /ˈmiːnɪŋləs/ (vô nghĩa); poison /ˈpɔɪzn/ (chất độc); poisonous /ˈpɔɪzənəs/ (độc); relation /rɪˈleɪʃn/ (quan hệ); relationship /rɪˈleɪʃnʃɪp/ (mối quan hệ); rely /rɪˈlaɪ/ (dựa vào); reliable /rɪˈlaɪəbl/ (đáng tin cậy),…”.

     Quy tắc 6. Các từ tận cùng bằng các đuôi: – ic, – ish, – ical, – sion, – tion, – ance, – ence, – idle, – ious, – iar, – ience, – id, – eous, – ian, – ity, trọng âm nhấn vào âm tiết ngay trước nó. Chẳng hạn: “economic /ˌiːkəˈnɑmɪk/ (kinh tế); entrance /ˈentrəns/ (lối vào); famous /ˈfeɪməs/ (nổi tiếng); foolish /ˈfuːlɪʃ/ (ngu ngốc); musician /mjuːˈzɪʃn/ (nhạc sĩ); nation /ˈneɪʃn/ (quốc gia),…”.

     Quy tắc 7. Các từ tận cùng bằng các đuôi: – graphy, – ate, – gy, – cy, – ity, – phy, – al, trọng âm rơi vào âm tiết thứ 3 từ dưới lên. Chẳng hạn: “democracy /dɪˈmɑkrəsi/ (nền dân chủ); economical /ˌiːkəˈnɑmɪkl/ (kinh tế); geography /dʒiˈɑɡrəfi/ (địa lý); investigate /ɪnˈvestɪɡeɪt/ (điều tra); photography /fəˈtɑɡrəfi/ (nhiếp ảnh); technology /tekˈnɑlədʒi/ (công nghệ),…”.

     Quy tắc 8. Danh từ ghép: Trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ 1, Chẳng hạn: “birthday /ˈbəːθdeɪ/ (sinh nhật); boyfriend /ˈbɔɪfrend/ (bạn trai); gateway /ˈɡeɪtweɪ/ (cổng vào); greenhouse /ˈɡriːnhaʊs/ (nhà kính); seafood /ˈsiːfuːd/ (hải sản); toothpaste /ˈtuːθpeɪst/ (kem đánh răng),…”.

     Quy tắc 9. Tính từ ghép (thường có dấu gạch ngang ở giữa): Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất của từ thứ hai. Chẳng hạn: “bad-tempered /bæd-ˈtempərid/ (nóng tính); old-fashioned /əʊld-ˈfæʃənd/ (cổ hủ); wellmeaning /wel-ˈmiːnɪŋ/ (có ý tốt),…”.

     Quy tắc 10. Trong tiếng Anh cũng có sự thay đổi trọng âm của từ khi có sự chuyển đổi động từ, tính từ thành danh từ hoặc danh từ thành động từ, tính từ hay trạng từ. Chẳng hạn: “compete (v) /kəmˈpiːt/ (cạnh tranh) – competitive (adj) /kəmˈpetitiv/ (tính cạnh tranh) – competition (n) /kɒmpiˈtiʃən/ (sự cạnh tranh); economy (n) /iˈkɒnəmi/ (sự quản lý kinh tế, tiết kiệm) – economical (adj) /iːkəˈnɒmikəl/ (tiết kiệm, kinh tế) – economize (v) /iˈkɒnəmaiz/ (tiết kiệm, giảm chi); necessary (adj) /ˈnesəseri/ (cần thiết) – necessarily (adv) /nesəˈserili/ (không thể thiếu) – necessity (n) /niˈsesiti/ (sự cần thiết); politics (n pl) /ˈpɒlitiks/ (chính trị học) – political (adj) /pəˈlitikəl/ (thuộc chính trị) – politician (n) /pɒliˈtiʃən/ (nhà chính trị),…”.

      Do trọng âm từ quan trọng trong tiếng Anh, nên khi nói đến trọng âm phần lớn số người quan tâm đến ngôn ngữ này chỉ nghĩ đến trọng âm từ. Kỳ thực, trong giao tiếp của tiếng Anh, còn một loại trọng âm cũng được nói đến là trọng âm câu (sentence stress). Loại trọng âm này giúp cho việc giao tiếp trở nên tự nhiên và phù hợp với cách nói năng của người bản ngữ hơn.

     Với trọng âm câu, cũng có một số quy tắc cơ bản trong tiếng Anh được ghi nhận. Chẳng hạn, trong phát ngôn: “I often miss the bus because my watch is slow.”, hay: “Yesterday I went for a walk in the country.”, cho thấy, có những từ được nhấn trọng âm (từ được in đậm có trọng âm – chú giải của tác giả) và có những từ không. Như vậy, quy tắc để nhấn/không nhấn trọng âm trong câu có thể được nêu khái quát: Từ thuộc về mặt nội dung như động từ chính, danh từ, tính từ, từ để hỏi, từ phủ định, chỉ định được nhấn trọng âm. Còn từ thuộc về mặt cấu trúc, như đại từ, giới từ,… không nhấn trọng âm.

     1.2. Về trọng âm trong tiếng Việt

     Không có nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ học đề cập vấn đề này, bởi cho rằng, tiếng Việt là loại tiếng đơn âm tiết; hơn nữa, mỗi tiếng lại có một thanh điệu giữ vai trò của một âm vị học có tác dụng khu biệt ngữ nghĩa, nên việc nhấn mạnh hay không, một thành phần âm tiết nào đó, nhìn chung không làm thay đổi nội dung từ ngữ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Cao Xuân Hạo, vẫn có thể đề cập đến một loại trọng âm trong giao tiếp: “Trong câu nói tiếng Việt, có sự tương phản giữa các tiếng (các âm tiết) kế tiếp nhau, về độ dài, độ mạnh và tính trọn vẹn của đường nét thanh điệu. Sự tương phản này không có tác dụng trực tiếp phân biệt các tiếng (hay các từ) về nghĩa, mà có tác dụng đánh dấu chỗ phân giới các ngữ đoạn và góp phần xác định quan hệ kết hợp giữa các tiếng. Ta gọi sự tương phản đó là sự đối lập về trọng âm” [1, tr.137].

     Qua quan niệm về trọng âm của Giáo sư Cao Xuân Hạo, có thể nêu một số vấn đề về trọng âm từ trong tiếng Việt:

     1) Tất nhiên, việc phát âm các yếu tố từ vựng tiếng Việt đa tiết, như từ ghép, từ láy, không có yêu cầu đòi hỏi phải nhấn trọng âm, như trong tiếng Anh, khi học phát âm một từ đa tiết. Nhưng “một tiếng có trọng âm bao giờ cũng được tri giác như có trọng âm, ngay khi bên cạnh không có một tiếng khinh âm (không có trọng âm) để so sánh.” [1, tr.138]. Mặt khác trong tiếng Việt, theo giáo sư, khi nói ở nhịp độ chậm và nhất là khi đọc văn bản, những tiếng khinh âm có thể được phát âm mạnh và dài gần bằng những tiếng có trọng âm; nhưng ngược lại “dù nói nhanh đến đâu thì một tiếng trọng âm cũng không thể rút ngắn và giảm nhẹ ngang một tiếng khinh âm.” [1, tr.138]. Chẳng hạn: nhà văn [01] (Ký hiệu 0 là tiếng khinh âm, ký hiệu 1 là tiếng trọng âm – chú giải của tác giả), nhà báo [01], nhà giáo [01] khi nói chậm có thể phát âm gần như [11], nghĩa là cả hai tiếng đều có trọng âm; nhưng: nhà cửa [11], quần áo [11], xe tàu [11], không bao giờ có thể phát âm thành [01], nghĩa là có một tiếng khinh âm được. Như vậy, trên cơ sở khái quát ngữ nghĩa từ vựng của lớp từ phức (từ đa âm tiết) có thể nêu một số “trường hợp” (chúng tôi gọi là “trường hợp” (tình huống) mà không xem là “quy tắc”, vì trong tiếng Việt nó không là yêu cầu bắt buộc, như yêu cầu phải nhấn trọng âm trong tiếng Anh) nhấn trọng âm như sau:

     Trường hợp 1. Các từ ghép chính phụ, còn gọi là từ ghép loại biệt nghĩa, trên cơ sở cấu trúc ngữ pháp C – P (Cấu trúc chính phụ được ký hiệu viết tắt C (chính), P (phụ) và được đặt theo trật tự C trước, P sau), nhưng xét từ bình diện ngữ nghĩa thì thành tố thứ nhất có ý nghĩa khái quát chỉ loại, loài, đơn vị; còn thành tố thứ hai có ý nghĩa cụ thể chỉ tính chất, đặc điểm của thành tố đầu, nên nét nghĩa thông tin “loại biệt” nằm ở thành tố sau và vì vậy, trọng âm lại nằm ở thành tố này. Chẳng hạn: “con trâu [01], con bò [01]; trái bầu [01], trái bí [01], cây dừa [01], cây cau [01]; nón lá [01], nón nỉ [01]; cá lóc [01], cá trê [01]; xe đạp [01], xe máy [01]; nhà lá [01], nhà ngói [01]; chuối cau [01], chuối già [01]; mứt gừng [01], mứt me [01],…”.

     Trường hợp 2. Các từ ghép đẳng lập, còn gọi từ ghép tổng hợp nghĩa, trên cơ sở cấu trúc ngữ pháp đẳng lập (trật tự của 2 thành tố có thể linh hoạt hoán đổi vị trí trong một số trường hợp), hai thành tố có vị trí ngữ pháp ngang bằng và xét từ bình diện ngữ nghĩa thì hai thành tố có chức năng hợp nghĩa với nhau để tạo thành một đơn vị có nghĩa khái quát hóa và vì vậy, trọng âm nằm ở cả hai thành tố. Chẳng hạn: “quần áo [11], giày dép [11], ông bà [11], cha mẹ [11], vợ con [11], tiền của [11],…; ăn nói [11], bay nhảy [11], đứng ngồi [11], đánh đấm [11], thương nhớ [11],…; học hành [11]; đỏ đen [11], ốm yếu [11], trẻ đẹp [11], bầm giập [11], héo úa [11], động tĩnh [11],…”.

     Trường hợp 3. Các từ ghép đẳng lập, còn gọi từ ghép tổng hợp nghĩa, trên cơ sở cấu trúc ngữ pháp đẳng lập, nhưng nghĩa của hai thành tố trên phương diện đồng đại, tự thân không rõ nghĩa như nhau, còn từ phương diện lịch đại lại có chức năng hợp nghĩa với nhau để tạo thành một đơn vị có nghĩa khái quát hóa và vì vậy, trọng âm cũng được chia đều trên cả hai thành tố. Chẳng hạn: “heo cúi [11], gà qué [11], khách khứa [11], tiệc tùng [11], áo xống [11], ghe cộ* (những từ có dấu * thuộc hệ thống từ ngữ Nam Bộ – chú giải của tác giả) [11],…; chạy chọt [11], nói năng [11], đổi chác [11], dòm ngó* [11], dò coi* [11]; hỏi han [11],…; muồi mẫn* [11], lợt lạt* [11], độc địa* [11], gày guộc [11], ghét gủa* [11], giỡn trửng* [11],…”.

     Trường hợp 4. Các từ có mối quan hệ ngữ âm được ngữ pháp truyền thống xếp vào loại từ láy, tức là từ có một thành tố nghĩa gốc và một thành tố có mối quan hệ ngữ âm toàn phần hay bộ phận với thành tố gốc, và dù là 2 hay nhiều thành tố thì trọng âm cũng chỉ được nhấn trên 1 thành tố gốc. Chẳng hạn: “dễ dàng [10], gọn gàng [10], mát mẻ [10], sạch sẽ [10], nhỏ nhắn [10], vuông vắn [10], lạnh lẽo [10], trong trẻo [10], buồn bã [10], vội vã [10],…; bươm bướm [01], bong bóng [01], se sẻ [01], đo đỏ [01], tim tím [01], trăng trắng [01], nho nhỏ [01], khang khác [01], thăm thẳm [01], sền sệt [01],…; sạch sành sanh [100], khỏe khòe khoe [100],…”.

     Nhìn chung, các từ phức đa âm trong tiếng Việt, thường là 2 âm tiết, đều có “quy tắc” nhấn trọng âm; nhưng do đây là ngôn ngữ đơn lập và mỗi âm tiết được phát âm gần như có khoảng ngắt rõ rệt, không như các từ đa tiết trong tiếng Anh, thường có 2 đến hơn 2 âm tiết trở lên, nên việc nhấn trọng âm trong tiếng Việt, không được người Việt chú trọng như trong tiếng Anh được người bản ngữ xem trọng.

     2) Tuy trọng âm trong phát ngôn tiếng Việt, không làm thay đổi nội dung ngữ nghĩa từ ngữ, ngoại trừ trọng âm cường điệu (Emphatic) được dùng trong phát ngôn (các vị từ tiếng Việt, chẳng hạn “cám ơn, xin lỗi,…; tốt, giỏi, khôn,…”, khi phát âm cường điệu trong một ngữ cảnh nhất định, có thể mang nghĩa trái ngược với nghĩa từ vựng vốn có của từ). Nhưng theo Giáo sư Cao Xuân Hạo, khi nhấn mạnh về vai trò của trọng âm trong phát ngôn có chức năng “phân đoạn” khiến người bản ngữ nghe như thể sau âm tiết trọng âm, có một chỗ ngắt câu và chức năng này khá quan trọng trong tiếng Việt; bởi tiếng Việt vốn là một loại ngôn ngữ không thay đổi hình thái nên mối quan hệ tổ hợp (quan hệ tổ hợp được hiểu là “quan hệ kết hợp giữa các tiếng”, như định nghĩa của Giáo sư Cao Xuân Hạo, giúp nhận diện nội dung thông tin của phát ngôn. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ “không” vừa có vai trò của một trợ từ phủ định, vừa có nghĩa từ vựng của một vị tính từ; nên trong phát ngôn “đôi chân không nhúng xuống nước”, thì chính trọng âm từ giúp người nghe tri nhận được thông tin của phát ngôn. Nếu phát ngôn theo mô hình [001001], người nghe sẽ hiểu là “người kia để đôi chân trần xuống nước”. Nếu phát ngôn theo mô hình [010101] hay [010001], người nghe sẽ hiểu là “người kia không để đôi chân xuống nước”. Như vậy, từ “không” trong kết hợp với vị từ sẽ thành một tổ hợp “không nhúng” có trọng âm [01], tương tự như các tổ hợp: “không biết [01], không nghe [01], không thấy [01],…”; khác đi, từ “không” trong kết hợp với danh từ sẽ thành tổ hợp “chân không” có trọng âm [01], tương tự như các tổ hợp: “tay không [01], chai không [01], phòng không nhà trống [0101],…”.

     Có thể nêu thêm một vài trường hợp “nước đôi” được phân lập nhờ cách nhấn trọng âm trong giao tiếp, như: “con miền Nam.”, nếu nhấn trọng âm theo cấu trúc [1001] hoặc [1101] phát ngôn này sẽ được hiểu “con, ở (sống) trong miền Nam”; nhưng nếu nhấn trọng âm theo cấu trúc [0101] phát ngôn này sẽ được hiểu: “con đầy tớ (con ở), người miền Nam”. Hay “trước mắt ta là trở ngại,…”, nếu nhấn trọng âm theo cấu trúc [001001] phát ngôn này sẽ được hiểu: “trước mắt ta, còn có trở ngại (khách quan),…”; nhưng nếu nhấn trọng âm theo cấu trúc [011001] phát ngôn này sẽ được hiểu “trước mắt, ta là trở ngại (chủ quan),…”?!

     Như vậy, có thể nói, trong tiếng Việt tuy trọng âm từ không quan trọng như trong tiếng Anh, nhưng trọng âm từ trong giao tiếp tiếng Việt cần được tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo sẽ giúp cho người học tiếng Việt lĩnh hội và giao tiếp được thông suốt và tự nhiên hơn.

2. NỘI DUNG

     Đề cập tới vai trò trọng âm tiếng Việt trong các tình huống phát ngôn (trọng âm trong câu), theo Giáo sư Cao Xuân Hạo, cần chú ý các tình huống điển hình sau:

     Theo định nghĩa khái niệm trọng âm của Giáo sư Cao Xuân Hạo đã dẫn [1, tr.137] có một điều được ông nhấn mạnh: “Sự tương phản (trọng âm) không có tác dụng trực tiếp phân biệt các tiếng (hay các từ) về nghĩa, mà có tác dụng đánh dấu chỗ phân giới các ngữ đoạn.”. Thực tế, điều này lại quan trọng trong phát ngôn tiếng Việt, bởi mỗi câu nói đều mang một hay nhiều trọng âm và trong trường hợp nhiều trọng âm thì mỗi trọng âm đánh dấu một ngữ đoạn (Syntagm). Như vậy, trọng âm có chức năng phân giới và kết thúc ngữ đoạn. Tuy nhiên, đơn vị mang trọng âm hình như trùng với đơn vị mang chức năng cú pháp của câu. Chẳng hạn, phát ngôn sau được ghi nhận trọng âm:

     Lan// đi mua cá// với lại khế// về nấu canh.

     [ 1   0   0   1   0   0   1   0   0   1 ]

     Nhưng những ngữ khí từ hay tiểu tố tình thái lại kết thúc câu bằng một khinh âm. Chẳng hạn, các phát ngôn sau được ghi nhận trọng âm:

     Tôi về nhé [010]

     So sánh với: Tôi về nhà [001]; Tôi về ngay [011]

     Điều này cho phép phân biệt một số ngữ khí từ với những thực từ đồng âm với nó. Như, không là ngữ khí từ nghi vấn với không là phó từ phủ định trong phát ngôn 1 và 2 sau:

     1. Có đi không [010]

     2. Đi hay không [101]

     Hai phát ngôn tuy đồng nghĩa, nhưng ở phát ngôn 2 từ không có trọng âm, nên phát ngôn 2 từ không lại có cương vị của một thực từ. Vì vậy, phát ngôn này có cấu trúc đồng nhất với những kiểu phát ngôn: “sách hay bút? [101] Thế nên, từ không trong phát ngôn này còn có thể thay thế bằng những vị từ khác, như: “đi hay chạy” [101], tương tự: “đi hay bò”, “đi hay nghỉ”, “đi hay về,…” đều có cấu trúc trọng âm [101]. Còn ở phát ngôn 1, từ không không thể có cương vị thực từ như vậy.

     Tuy ngữ khí từ là những tiếng không có chức năng cú pháp của một ngữ đoạn nên không thể mang trọng âm của một ngữ đoạn, nhưng cũng cần lưu ý trong trường hợp nó mang nhiều cương vị, như Giáo sư Cao Xuân Hạo đã lưu ý, vì trong trường hợp này, nó mang 3 cương vị vừa là tiếng (từ), vừa của ngữ đoạn, của câu; đó là những “từ – câu” (Mots-Phrases). Chẳng hạn 3 lớp từ sau:

      1). ê!, này!, anh!, mẹ!,… (hô ngữ)

     2). ơi!, ừ!, dạ!, vâng!,... (ứng ngữ)

     3). ối!, ái!, ôi!, chà!,… (thán từ)

      Cần phân biệt một số hư từ với những thực từ vốn là gốc phát sinh của nó, hoặc ngẫu nhiên đồng âm với nó như:

1). cho, ở, đi, về, qua, lên, xuống, ra, vào, sang, làm, thành,… (giới từ/ vị từ);

2). của, bên, trên, dưới, trong, ngoài,… (giới từ/ danh từ hay vị từ);

3). chỉ, là, với, và, thì,… (đối lập với những thực từ đồng âm).

     Quan sát từ cho trong 2 phát ngôn, nhờ vào khinh âm/ trọng âm, ta phân biệt được cho là giới từ với cho là vị từ (thực từ):

1) Lấy tiền cho bạn [0101] tương đương với “lấy tiền giùm bạn”;

2) Lấy tiền cho bạn [0111] tương đương với “lấy tiền đem tặng bạn”.

     Từ những cặp phát ngôn trên, nhìn từ phương diện chữ viết có thể tưởng chúng đồng âm, đôi khi được hiểu là đồng nghĩa; do đó, những cặp phát ngôn ấy được một số tác giả cho là “câu mơ hồ”. Nhưng theo Giáo sư Cao Xuân Hạo, đây chỉ là những cặp “đồng tự”. Vì trong phát âm và nghĩa thì lại khác hẳn nhau.

     Nhìn chung, có rất nhiều điều để giới nghiên cứu quan tâm về trọng âm trong tổ hợp hai tiếng qua tham luận của Giáo sư Cao Xuân Hạo, bởi nó giúp “phát hiện những sự phân biệt tuy tinh tế nhưng hiện thực và quan trọng giữa những mối quan hệ ngữ pháp khác nhau của các tiếng, mà từ trước đến nay ít được chú ý chỉ vì tư liệu nghiên cứu chủ yếu là tư liệu chữ viết, chứ không phải tiếng nói hằng ngày” [1,tr.144]; nhưng trên đại thể, có 2 vấn đề quan trọng của trọng âm từ trong phát ngôn mà nếu áp dụng nghiên cứu của ông, có thể giải quyết tốt một số vấn đề “mơ hồ” trong các phát ngôn đồng tự được nêu, đó là trọng âm trong kết cấu chủ – vị (đề – thuyết) và trọng âm trong kết cấu vị từ + bổ ngữ.

     2.1. Trọng âm trong kết cấu chủ – vị (đề – thuyết)

     Trong tổ hợp 2 tiếng có kết cấu 1 chủ ngữ và 1 vị ngữ, 1 chủ đề và 1 phần thuyết, thì mô hình trọng âm sẽ là [11], nếu chủ ngữ là danh từ. Trong trường hợp, chủ ngữ, chủ đề là từ nhân xưng hay hồi chỉ thì mô hình trọng âm lại là [01]. So sánh:

     1). mèo ăn, gà ăn, chim ăn, cá ăn [11]

     2). nó ăn, tôi ăn,…; anh ăn, con ăn, bố ăn,… [01]

     Trong trường hợp ở phát ngôn 2, các tiếng được dùng làm đại từ vốn là các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc hay ngôi thứ: “ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, bác,…” hoặc tên riêng dùng để xưng hô, thì tuy giữ vai trò chủ ngữ nhưng vẫn là những tiếng khinh âm.

     Quan sát tổ hợp “mẹ đánh” qua 2 phát ngôn đồng tự:

     1). Đừng nghịch, mẹ đánh cho bây giờ. [01];

     2). Đừng nghịch, mẹ đánh cho bây giờ. [11].

     Ở phát ngôn 1, tổ hợp mẹ đánh có trọng âm là [01] thì đây là lời nói của người mẹ nói với con mình và từ mẹ được dùng như một đại từ nhân xưng. Ở phát ngôn 2, tổ hợp mẹ đánh có trọng âm là [11] thì đây là lời nói của một người không phải là mẹ đứa trẻ và từ mẹ được dùng như một danh từ. Do vậy, mẹ đánh [01] cũng tương tự như: tao đánh, nó đánh [01]; mẹ đánh [11] cũng tương tự như: giặc đánh, sét đánh [11].

     Quan sát tổ hợp “Lan về nhà” qua 2 phát ngôn đồng tự:

     1). Lan về nhà [001]

     2). Lan về nhà [101]

     Ở phát ngôn 1, Lan là tiếng khinh âm [001] thì đây là trường hợp: Lan nói với ai đó hay người nào nói với Lan. Ở phát ngôn 2, Lan là tiếng trọng âm [101] thì đây là trường hợp: người nào nói về Lan.

     2.2. Trọng âm trong kết cấu vị từ + bổ ngữ

     Trong kết cấu vị từ + bổ ngữ, cách phân bố trọng âm cũng có 2 trường hợp: nếu bổ ngữ biểu thị một đối tượng phiếm định hay bất định, thì mô hình trọng âm là [01]; còn nếu bổ ngữ biểu thị một đối tượng xác định (có sở chỉ), thì mô hình là [11]. So sánh:

     1). Anh ấy bán sách ở đường sách [01]

     2). Anh ấy túng quá, phải bán sách đi mà ăn [11]

     Ở phát ngôn 1, tổ hợp bán sách có trọng âm [01] vì sách trong phát ngôn này là một đối tượng không xác định cả về lượng, về chất. Ở phát ngôn 2, tổ hợp bán sách có trọng âm [11] vì sách trong phát ngôn này là đối tượng được xác định cụ thể cả về lượng, lẫn chất (có sở chỉ). Dĩ nhiên, mô hình trọng âm [11] được xác định rõ ràng hơn, nếu sau bổ ngữ lại thêm một tiếng, như: “này, nọ, kia, ấy,…” có tác dụng xác định bổ ngữ. Đối chiếu 2 lớp tổ hợp từ, sẽ thấy được mô hình trọng âm của từng lớp tổ hợp như sau:

      Trọng âm: [01]                      [11]

     1). bắt người                           bắt người (này)

     2). đọc báo                             đọc báo (nọ)

     3). làm việc                            làm việc (kia)

     4). về nhà                               về nhà (ấy)

     Với mô hình trọng âm trong kết cấu vị từ + bổ ngữ, có những tình huống phức tạp trong việc xác lập kết cấu trọng âm, bởi sự chi phối ngữ nghĩa giữa các thành tố. Tuy nhiên, cũng có những danh từ khi dùng một mình làm bổ ngữ, luôn đòi hỏi tổ hợp phải là mô hình [01] hoặc [11]. Điều đó, cũng bởi do, tính chất ngữ nghĩa của các thành tố trong tổ hợp tiếng chi phối. Chẳng hạn, các tổ hợp “lấy vợ, cưới vợ, lấy chồng,…” luôn có mô hình trọng âm [01]; trong khi các tổ hợp “bỏ vợ, bỏ chồng,…” lại có mô hình trọng âm [11].

     Phân tích 2 tình huống tưởng chừng như có kết cấu giống nhau này, lại khác nhau ở một điểm căn bản về nguyên lý trọng âm trong kết cấu đã được nêu là, “nếu bổ ngữ biểu thị một đối tượng phiếm định hay bất định, thì mô hình trọng âm là [01]; còn nếu bổ ngữ biểu thị một đối tượng xác định (có sở chỉ), thì mô hình là [11]” [1, tr.148]. Do vậy, khi nói “lấy vợ, cưới vợ, lấy chồng,…” thì bổ ngữ lại là một đối tượng bất định; còn khi nói “bỏ vợ, bỏ chồng,…” thì bổ ngữ lại là một đối tượng hoàn toàn xác định.

     Từ 2 tổ hợp với 2 mô hình trọng âm: (1) “bỏ vợ, bỏ chồng,…” [11], (2) “lấy vợ, lấy chồng,…” [01] có thể xác lập các tổ hợp đồng chất với chúng:

     1). Mô hình trọng âm [11], gồm: “bỏ vợ, bỏ chồng, yêu vợ, chiều chồng, thương con, nuôi mẹ,…”.

     2). Mô hình trọng âm [01], gồm: “lấy vợ, lấy chồng, làm bánh, xây nhà, nặn tượng, đẽo cày,…”.

     Và sự khác biệt cơ bản giữa tổ hợp 2 với tổ hợp 1 là vì một mặt, trong tổ hợp này, danh từ làm bổ ngữ không có sở chỉ; mặt khác, cả ngữ đoạn vị từ chỉ một hoạt động, chứ không phải một hành động tạo tác riêng lẻ. Bởi, các vị từ trong trường hợp này “biểu thị một hành động mà sau khi hoàn thành thì đối tượng được biểu thị bằng bổ ngữ mới bắt đầu tồn tại, trở thành “của mình” đối với chủ thể hành động” [1, tr.150].

3. KẾT LUẬN

     Ngoài những đóng góp đồ sộ trên phương diện dịch thuật, Giáo sư Cao Xuân Hạo còn có những đóng góp lớn cho việc nghiên cứu tiếng Việt và phương ngữ. Với tiếng Việt, đóng góp của ông ở cả 3 bình diện: ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa mà ở mỗi bình diện ông đều có những đóng góp mới nổi bật, như: “Vấn đề trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt; Mấy vấn đề cho việc phân tích cú pháp tiếng Việt; Nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn,…”. Với phương ngữ, đóng góp của ông vừa trên bình diện lý luận chung, vừa đi vào khảo sát phương ngữ cụ thể: “Số phận các vần có nguyên âm hẹp qua các phương ngữ lớn của Việt Nam; Hai vấn đề âm vị học của phương ngữ Nam Bộ; Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam,…”. Trong khoa học, đôi khi ông bị định kiến là người “kiếm chuyện”, nhưng kỳ thực ông là người có “tư duy xa”, ít được sự chia sẻ, cảm thông. Như khi ông kết luận, trong bài viết về Trương Vĩnh Ký, khiến nhiều người cảm thấy “chạnh lòng”: “Điều đáng ngạc nhiên hơn nhiều là trong hoàn cảnh đó mà ông (Trương Vĩnh Ký – chú thích của tác giả viết bài) vẫn có được những nhận định đúng đắn và tinh tế đến như vậy về ngữ pháp tiếng Việt. Trong lịch sử của ngành Việt ngữ học, ông là một trong những tác giả ít bị định kiến dĩ Âu vi trung chi phối nhất. Kể cho đến nay, ít có cuốn sách nào cung cấp cho ta nhiều thông tin về ngữ pháp tiếng Việt như mấy cuốn sách không lấy gì làm dày của ông. Trong mấy cuốn sách này không thiếu những phát hiện quan trọng mà ngày nay chẳng mấy ai nhắc đến, trong khi lẽ ra nó phải được những người đi sau tiếp thu và khai triển, đào sâu hơn nữa” [1, tr.442]. Với chúng tôi, Giáo sư Cao Xuân Hạo là nhà nghiên cứu Việt ngữ có uy tín lớn. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn trước những đóng góp to lớn của ông cho việc nghiên cứu và giảng dạy Việt ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Xuân Hạo (1999), Tiếng Việt, Mấy vấn đề ngữ âm ngữ pháp ngữ nghĩa, Nxb. Giáo
dục, Hà Nội.

2. Cao Xuân Hạo (2001), Âm vị học và tuyến tính, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Cao Xuân Hạo – Hoàng Dũng (2005), Từ điển Thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Đặng Ngọc Lệ (Chủ biên), Nguyễn Kiên Trường (1998), Tiếng Việt thực hành, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. A.S. Hornby (2000), Edited by Sally Wehmeier, Phonetics Editor Michael Ashby, Advanced Learner’s Dictionary, Oxford University Press.

6. Nguyễn Minh Tâm (2000), A glossary of Phonetic Terms – Thuật ngữ ngữ âm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

7. Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển Anh – Việt – English – Vietnamese Dictionary, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại Học Văn Lang (Số 07/2018)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)