Trong văn bản các loài chung sống với nhau như thế nào? tác giả đã nhắc đến bộ phim nào?

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 82 sgk Ngữ văn 6 tập 2)

- Chương trình: Thế giới động vật, Khám phá thế giới,… trên truyền hình. 

- Thường xuyên tìm hiểu các tài liệu đề cập đến sự đa dạng của thế giới tự nhiên là một việc làm cần thiết để hiểu hơn và có ý thức bảo vệ thế giới tự nhiên. 

Câu 2 (trang 82 sgk Ngữ văn 6 tập 2)

- Em ấn tượng nhất là bộ phim hoạt hình “Vua sư tử”:

Lấy bối cảnh thiên nhiên hoang dã của Phi Châu, bộ phim đã xây dựng nên cả một xã hội có tổ chức của thế giới loài vật. Trong xã hội ấy cũng có những mâu thuẫn, cũng có tranh chấp và có cả tình yêu như thế giới loài người

Nhân vật chính của Vua sư tử là chú sư tử con Simba, con trai của Mufasa, vị vua đang thống trị thế giới hoang dã ở đây. Cuộc sống hạnh phúc yêu đời bên cạnh cha mẹ và cô bạn Nala của cậu sớm chấm dứt khi người chú ruột Scar (mặt sẹo) có âm mưu cướp ngai vàng của cha cậu. Scar đã sắp đặt sẵn một kế hoạch tàn bạo, phối hợp với bầy linh cẩu hoang dàn dựng nên một cuộc chạy trốn tán loạn của vô vàn con linh dương rồi để cho Simba bị mắc kẹt trong đó. Để cứu con trai, vị vua của muôn loài đã phải hi sinh thân mình. Vừa tiêu diệt được đối thủ, vừa gây nên sự ân hận trong người cháu ruột bé nhỏ Simba, Scar đã đạt được mục tiêu của mình. Scar xô Mufasa rơi xuống núi, và nói trước khi Mufasa chết: "Đức vua vạn tuế!". Mufasa rơi khỏi dãy núi và chết vì bị dẫm đạp trong hỗn loạn.

Simba bé bỏng ra đi với nỗi ân hận vô bờ về cái chết của cha, cậu trở nên suy sụp tinh thần chẳng buồn tranh chấp ngai vàng và quyền cai trị vương quốc. Còn Scar ngay lập tức lấy danh là người cuối cùng của dòng tộc lên ngôi vua và bắt tay với bọn linh cẩu làm loạn cả thảo nguyên. Cuộc sống trở nên tồi tệ hết sức, không còn những khung cảnh tươi xanh, không còn những dòng suối mát, không còn tiếng ca hát vui tươi. Nơi đây chỉ còn một không khí ảm đạm chết chóc.

Simba đi lang thang, kết bạn với lợn rừng Pumbaa và chồn đất Timon, sống một cuộc sống tự do tự tại đến tận lúc trưởng thành. Thời gian dường như xóa nhòa vết thương trong lòng Simba, cậu không còn quá nặng nề với cái chết của người cha đáng kính. Nhưng dường như có gì thôi thúc trong lòng, một cái gì đó như là trách nhiệm khi thấy mình đã lớn, Simba muốn quay về quê hương. Cuộc "hội ngộ" với cha đã khiến Simba càng muốn trở về cứu vương quốc. Trở lại nơi chôn rau cắt rốn, Simba quặn lòng khi thấy hình ảnh tươi đẹp không còn nữa, chỉ còn cảnh điêu tàn với sự hoành hành của bọn linh cẩu gian ác. Cuộc hội ngộ với mẹ và Nala yêu quý đã giúp Simba thêm sức mạnh chiến đấu chống lại Scar và bè lũ linh cẩu. Simba đã chiến thắng và tiếp nối trị vì vương quốc cha cậu đã xây dựng nên. Cuộc sống yên bình đã trở lại nơi đây, muông thú lại hát ca, suối nước lại róc rách, cây cối lại tươi xanh và ánh nắng chan hòa khắp nơi.

I. Tìm hiểu chung

- Tác giả: Ngọc Phú.

- Tác phẩm: Báo điện tử Đất Việt - Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, 9/2020.

Tóm tắt tác phẩm :

Đời sống muôn loài trên Trái Đất và sự cân bằng rất dễ bị tổn thương. Các loài động vật và thực vật thường tồn tại và phát triển thành từng quần xã. Bên cạnh việc nhận diện theo đặc điểm sinh hoạt thì chúng còn được chia theo tính chất của loài. Sự phân bố của các loài làm giảm bớt sự cạnh tranh giữa các loài và giúp từng loài có thể sử dụng nguồn sống của môi trường một cách hiệu quả nhất. Giữa các loài trong quần xã luôn tồn tại mối quan hệ hộ trợ và đối kháng. Trên Trái Đất, con người cũng chỉ là một loài và họ đang tàn phá thế giới này.

Bố cục:

Có thể chia văn bản thành 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến ... dễ bị tổn thương của nó): Giới thiệu vấn đề

- Phần 2 (Tiếp theo đến … thế giới đẹp đẽ này): Chứng minh mối quan hệ giữa các loài

- Phần 3 (Còn lại): Khẳng định vấn đề

II. Đọc hiểu văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc: 

1. Theo dõi: Số lượng các loài sinh vật hiện tồn tại trên Trái Đất và số lượng loài đã được con người nhận biết.      

- Theo ước tính của nhiều nhà khoa học, trên Trái Đất hiện có khoảng: 10.000.000 loài sinh vật. 

- Hiện nay con người mới chỉ nhận biết được khoảng 1.400.000 loài, trong đó có hơn 300.000 loài thực vật và hơn 1.000.000 loài động vật. 

2. Theo dõi: Những nhân tố gây ảnh hưởng đến sự đa dạng ở từng quần xã.    

- Sự đa dạng của từng quần xã phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa các loài, mối quan hệ con mồi – vật ăn thịt và mức độ thay đổi của các yếu tố vật lí – hóa học của môi trường. 

3. Theo dõi: Trật tự trong cuộc sống của muôn loài được thể hiện như thế nào? 

- Trong quần xã luôn tồn tại một trật tự. Trật tự trong cuộc sống của muôn loài: loài ưu thế, loài thứ yếu, loài ngẫu nhiên, loài chủ chốt, loài đặc trưng,… 

+ Loài ưu thế (như cậy thông trong quần xã rừng thông) đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng nhiều và có khả năng hoạt động mạnh. 

+ Loài chủ chốt (như sư tử ở các đồng cỏ hay cá sấu ở đầm nước châu Phi) đóng vai trò kiểm soát, khống chế hoạt động của các loài khác và duy trì sự phát triển ổn định của quần xã. 

- Ngoài những điều kể trên, trật tự này còn được thể hiện ở sự phân bố các loài trong không gian sống chung, hoặc theo chiều thẳng đứng (như sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới), hoặc theo chiều ngang (trải ra theo bề rộng của địa hình), để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các loài và giúp từng loài có thể sử dụng nguồn sống của môi trường một cách hiệu quả nhất. 

4. Suy luận: Những bước tiến vượt bậc của nhận loại có ảnh hưởng đến cuộc sống muôn loài không?  

- Những bước tiến vượt bậc của nhận loại đã có ảnh hưởng đến cuộc sống muôn loài: 

+ Sự cân bằng trong đời sống muôn loài ít nhiều bị xáo trộn, phá vỡ. 

+ Thêm vào đó những yếu tố vô sinh của môi trường cũng phải chịu những tác động xấu. 

III. Tổng kết

1. Nội dung

Văn bản nêu lên sự đa dạng của sinh vật cũng như cách các loài chung sống với nhau. Đồng thời nhắc đến con người với tư cách chủ thể tác động tới tự nhiên.

2. Nghệ thuật

Văn bản đa phương tiện, kết cấu đầu cuối tương ứng, đặt vấn đề trong tương quan với bộ phim Vua sư tử.

IV. Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuối bài

1. Những con số, dữ liệu nào trong đoạn (2) (Theo ước tính... lẫn nhau của muôn loài) thể hiện sự phong phú của các loài trên Trái Đất?

Trái Đất có khoảng trên 10.000.000 loài sinh vật, bao gồm cả thực vật và động vật.

Hiện nay, con người mới chỉ biết được khoảng trên 1.400.000 loài. Trong đó, có trên 300.000 loài thực vật và hơn 1.000.000 loài động vật.

2. Đoạn (3) (Các loài động vật... riêng từng loài) đã nói gì về sự đa dạng của quần xã sinh vật?

Đoạn (3) (Các loài động vật...riêng từng loài) đã nói về sự đa dạng của quần xã sinh vật. Các loài động vật và thực vật thường tồn tại và phát triển thành từng quần xã. Trong những bai-ôm khác nhau. Mỗi quần xã có thể được xem như một thế giới riêng, trong đó có sự chung sống của một số loài nhất định với số lượng cá thể hết sức khác nhau ở riêng từng loài.

3. Nêu những căn cứ giúp ta hiểu được tính trật tự trong đời sống của muôn loài. Theo em việc thiên nhiên duy trì trật tự ấy có ý nghĩa như thế nào?

Những căn cứ giúp ta hiểu được tính trật tự trong đời sống của muôn loài:

- Dựa vào tính chất của loài trong quần xã: loài ưu thế, loài thứ yếu, loài ngẫu nhiên, loài chủ chốt, loài đặc trưng.

- Dựa vào mối quan hệ hỗ trợ và đối kháng. Quan hệ hỗ trợ gắn liền với việc chia sẻ cùng nhau cơ hội sống. Quan hệ đối kháng được biểu hiện qua việc cạnh tranh, kí sinh), ăn thịt lẫn nhau. 

Việc thiên nhiên duy trì trật tự ấy tồn tại song song của các quan hệ đó, thiên nhiên đã tạo nên một sự cân bằng tuyệt hảo, đảm bảo cho loài nào cũng có được chỗ đứng dưới mặt trời; cũng có đủ điều kiện để sinh trưởng. Như vậy, có một nhịp điệu chung trong quá trình tiến hóa của các loài, mà sự sinh sôi mạnh mẽ hay suy giảm số lượng của loài này dẫn sự phát triển theo hướng nhiều thêm hay bớt đi tương ứng của loài kia.

4. Nếu chỉ tồn tại quan hệ đối kháng, sự cân bằng trong từng quần xã sinh vật sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nếu chỉ tồn tại quan hệ đối kháng, sẽ không có sự cân bằng trong từng quần xã. Các loài sẽ bị ăn thịt lẫn nhau, gây ra tình trạng mất cân bằng giữa từng loài, hoặc có những loài sẽ bị diệt vong. 

5. Theo em, đoạn nào trong văn bản thể hiện rõ nhất cách trình bày văn bản thông tin theo quan hệ nhân quả?

Theo em, đoạn "Trên Trái Đất... thế giới đẹp đẽ này." trong văn bản thể hiện rõ nhất cách trình bày văn bản thông tin theo quan hệ nhân quả.

6. Cách mở đầu và kết thúc của văn bản thông tin này có gì đặc sắc?

Sự đặc sắc trong cách mở đầu và kết thúc của văn bản thông tin này là: Cả đoạn mở đầu và kết thúc, tác giả đều nêu vấn đề bằng cách đề cập đến bộ phim hoạt hình Vua Sư tử và nhắc lại câu nói "Tất cả chúng ta đều thuộc về vòng đời bất tận". "Một câu nói cho thấy sự am hiểu bản chất cuộc sống và sự ứng xử khôn ngoan với đời sống của muôn loài.

7. Con người có thể làm gì để bảo vệ sự phát triển phong phú của thế giới sinh vật?

Những việc con người có thể làm để bảo vệ sự phát triển phong phú của thế giới sinh vật: Trồng cây gây rừng, bảo vệ các loài động vật quý hiếm và hoang dã, các loại sinh vật biển, cải thiện hồ chứa nước,...

* Viết kết nối với đọc

Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) với chủ đề: Trên hành tinh đẹp đẽ này, muôn loài đều cần thiết cho nhau. 

    Trên hành tinh đẹp đẽ này, muôn loài đều cần thiết cho nhau. Vì thế, một trong những vấn đề nóng được quan tâm là cách để giúp trẻ có nhận thức của riêng mình về những thảm họa môi trường và việc bảo vệ các loài sinh vật mà trái đất đang phải đối diện. Hàng ngày, bố mẹ cùng trò chuyện và thực hành với trẻ các hoạt động nho nhỏ và ý nghĩa. Đối với trẻ nhỏ, tiếp cận bằng hình ảnh và câu chuyện luôn là một cách hiệu quả để giúp trẻ có ấn tượng và ghi nhớ sâu sắc về cuộc sống muôn màu muôn vẻ của các loài sinh vật trên Trái Đất. Vì thế, những bộ phim ngắn hay những cuốn sách về các loài sinh vật chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bố mẹ khi trò chuyện và thực hành cùng con.


Page 2

      Một câu chuyện có thể được nhiều người chứng kiến, đánh giá và kể lại theo những cách khác nhau. Hãy hình dung xem những chuyện cổ tích mà em đã học có thể được kể lại như thế nào. Đóng vai một nhân vật trong câu chuyện là một trong những cách làm cho chuyện kể trở nên khác lạ, thú vị và tạo ra hiệu quả bất ngờ. Em có muốn trải nghiệm những điều khác lạ, thú vị và bất ngờ như vậy không? 

Yêu cầu đối với bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích 

- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai một nhân vật trong truyện. 

- Khi kể có tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát li truyện gốc; tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở chuyện gốc.

- Cần có sự sắp xếp hợp lý các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần. Nên nhấn mạnh khai thác nhiều hơn các chi tiết tưởng tượng, hư cấu, kì ảo.

- Có thể bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật. 



Phân tích bài viết tham khảo: Đóng vai nhân vật kể lại một phần truyện Thạch Sanh. 

- Kể lại câu chuyện theo ngôi kể thứ nhất (xưng "ta", nhập vai Thạch Sanh sau khi lên ngôi vua).

- Các chi tiết được sắp xếp theo trình tự thời gian, tập trung vào các chi tiết kì ảo.

- Kể theo diễn biến chính của truyện gốc, có sáng tạo thêm (lời kể, một số chi tiết,...).

- Tập trung khai thác thác những suy nghĩ, hành động cụ thể của nhân vật được đóng vai.

Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a) Chọn ngôi kể và đại từ tương ứng

Khi đóng vai nhân vật, kể lại câu chuyện, ngôi kể sẽ là ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, em có thể chọn những từ khác nhau để chỉ ngôi thứ nhất: ta, tôi, mình, tớ,... phù hợp với địa vị, giới tính,... của nhân vật em đóng vai cũng như bối cảnh kể.

b) Chọn lời kể phù hợp

- Khi kể lại chuyện trong vai một nhân vật cụ thể, em cần xác định được giới tính, tuổi tác, địa vị,... của nhân vật đã lựa chọn lời kể phù hợp (cách xưng hô, dùng từ ngữ,...).

- Tính chất lời kể vui, buồn, thân mật, nghiêm trang,... cũng cần phù hợp với nội dung câu chuyện được kể, bối cảnh kể.

c) Ghi những nội dung chính của câu chuyện

- Cần ghi nhớ và tôn trọng những chi tiết đã biết về nhân vật cũng như cốt truyện gốc.

- Dự kiến những yếu tố, chi tiết sẽ được sáng tạo thêm.

- Có thể tóm tắt các sự kiện, tình tiết theo thứ tự trước sau để dễ dàng ghi nhớ và kể lại.

d) Lập dàn ý

Sau khi đã chuẩn bị theo các bước như trên, hãy lập một dàn ý cho bài viết theo gợi ý dưới đây:

- Mở bài: Đóng vai nhân vật để tự giới thiệu sơ lược về mình và câu chuyện định kể.

- Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Xuất thân của các nhân vật.

+ Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.

+ Diễn biến chính:

  • Sự việc 1.
  • Sự việc 2.
  • Sự việc 3.
  • ...

- Kết bài: Kết thúc câu chuyện và nêu bài học được rút ra từ câu chuyện.

2. Viết bài

Khi viết bài, cần lưu ý:

- Nhất quán về ngôi kể: Trong bài này, em sẽ vào vai người kể chuyện ngôi thứ nhất để lể lại câu chuyện.

- Kể lại câu chuyện: Dựa vào truyện gốc (nhân vật, sự kiện, ngôn ngữ,...) nhưng hãy cố gắng sáng tạo ở những chỗ cho phép (chi tiết hóa, cụ thể hóa những chỗ truyện gốc còn chung chung; gia tăng yếu tố kì ảo, tưởng tượng; tăng cường bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá của người kể chuyện gia tăng việc miêu tả, bình luận, liên tưởng,...).

3. Chỉnh sửa bài viết

Xem lại và chỉnh sửa bài viết theo một số gợi ý sau đây:

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai một nhân vật trong truyện.

Rà soát để bảo đảm sự chính xác và thống nhất về người kể chuyện, ngôi kể, từ ngữ, xưng hô. Nếu chưa chính xác và thống nhất, cần chỉnh sửa.

Có sự tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát li truyện gốc; tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở truyện gốc.

Đánh dấu các diễn biến chính, các chi tiết được lấy từ truyện gốc; kiểm tra tính chính xác của chúng. Nếu chưa chính xác thì cần sửa lại cho đúng với truyện gốc.

Kiểm tra tính hợp lí, nhất quán giữa các chi tiết được sáng tạo thêm với truyện gốc (quan hệ nhân quả, trật tự thời gian,...). Nếu chưa phù hợp, cần sửa lại.

Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần.

Rà soát trình tự lô-gic và sự kết nối giữa các chi tiết, các đoạn, các phần. Chỉnh sửa nếu chưa hợp lí.

Cần bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật.

Kiểm tra các yếu tố miêu tả, biểu cảm. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.

Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.

Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

Gợi ý:

         Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì chăm chỉ làm lụng nên bố mẹ tội cũng có bát ăn bát để, hi vọng sau này cho anh em tôi làm vốn sinh nhai. Nhưng rồi cha mẹ tôi mất đột ngột. Anh trai tôi đã không làm như lời cha mẹ dặn trước lúc lâm chung là chia đều tài sản cho hai anh em mà chiếm hết gia tài, chỉ để lại cho tôi một túp lều nhỏ và cây khế còi cọc ở góc vườn.

           Tôi chấp nhận mà không hề kêu ca, than phiền gì. Hằng ngày, tôi phải mò cua bắt ốc, cày thuê, cuốc mướn để sống. Cây khế trở thành tài sản quý giá nhất và là người bạn thân thiết của tôi. Tôi chăm sóc nó chu đáo, tận tình như người bạn. Vì vậy mà cây khế lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã ra hoa kết quả. Đến mùa khế chín, những chùm khế chín vàng óng, thơm lừng báo hiệu một mùa khế bội thu. Không thể nào nói hết được niềm hạnh phúc của mọi người trong gia đình tôi. Tôi đã đan những chiếc sọt để ngày mai đem khế ra chợ đổi lấy gạo. Sáng hôm đó, khi vừa thức dậy, tôi đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim to với bộ lông sặc sỡ đang ăn những quả khế chín. Lòng tôi đau như cắt. Tôi chạy đến dưới gốc cây và nói: “Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?”. Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng”. Nói rồi chim bay đi. Tôi không tin lắm vào chuyện lạ lùng đó nhưng vẫn bảo vợ may cho mình một chiếc túi ba gang. Sáng hôm sau, chim đến từ sớm và đưa tôi ra một hòn đảo nhỏ giữa biển. Tôi không thể tin vào những gì hiện ra trước mắt. Cả hòn đảo toàn vàng bạc châu báu chất đống. Cả hòn đảo ánh lên màu vàng làm tôi bị lóa mắt. Không hề có một bóng người. Tôi cảm thấy lo sợ, cứ đứng yên một chỗ. Nhưng rồi chim vỗ cánh và giục giã: “Anh hãy lấy vàng bạc, châu báu vào túi, rồi tôi đưa về.”. Lúc đó tôi mới dám nhặt vàng cho vào đầy túi ba gang rồi lên lưng chim để trở về đất liền.

Từ đó, gia đình tôi không còn phải ăn đói mặc rách nữa. Tôi dựng một căn nhà khang trang ngay trong khu vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều và cây khế.

Tôi dùng số của cải đó chia cho những người dân nghèo khổ trong làng. Cũng không hiểu sao từ bữa đó, chim không còn đến ăn khế nữa. Cây khế bây giờ đã to lớn, toả bóng mát xuống cả một góc vườn. Mùa khế nào tôi cũng chờ chim thần đến để bày tỏ lòng biết ơn.

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện lan đến tai người anh trai tôi. Một sáng, anh đến nhà tôi rất sớm. Đây là lần đầu tiên anh tới thăm tôi kể từ ngày bố mẹ mất. Anh đòi tôi đổi toàn bộ gia sản của anh lấy túp lều và cây khế. Tôi rất buồn khi phải chia tay với căn nhà và cây khế. Nhưng trước lời cầu khẩn của anh, tôi đành bằng lòng. Cả gia đình anh chuyển về túp lều cũ của tôi. Ngày nào anh cũng ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, anh tôi đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết và đòi chim phải trả vàng. Chim cũng hứa sáng mai sẽ đưa anh tôi ra đảo vàng và dặn may túi ba gang. Tối hôm đó, anh tôi thức cả đêm để may túi mười gang ngày mai đi lấy vàng. Sáng hôm sau, vừa ra tới đảo vàng, anh tôi đã hoa mắt bởi vàng bạc châu báu của hòn đảo. Anh tôi vội nhét vàng vào đầy túi mười gang, vào túi quần, túi áo và mồm cũng ngậm vàng nữa. Trên đường trở về nhà, chim nặng quá, kêu anh tôi vứt bớt vàng xuống biển cho đỡ nặng. Vốn tính tham lam, anh không những không vứt bớt xuống mà còn bắt chim bay nhanh hơn. Nặng quá, chim càng lúc càng mệt. Đôi cánh trở nên quá sức, yếu dần. Cuối cùng, không còn gắng được nữa, chim chao đảo rồi hất luôn người anh xuống biển cùng với số vàng.

   Tôi trở lại sống ở nhà cũ, cùng túp lều và cây khế. Nhưng chim thần không bao giờ còn quay trở lại nữa… Anh trai tôi đã không thể quay trở về chỉ vì lòng tham vô đáy. Một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng tôi.

Bài làm thăm khảo:

      Tôi là Thái tử, con Ngọc Hoàng. Biết dưới trần gian có 2 vợ chồng già tốt bụng mà chưa có con, Ngọc Hoàng liền cho tôi xuống đầu thai để làm con của ông bà cụ. Mẹ tôi dưới trần gian mang thai tôi mấy năm mà chưa sinh. Sau đó, cha tôi lâm bệnh chết. Không lâu sau, mẹ mới sinh ra tôi, một bé trai kháu khỉnh. Mẹ đặt tên cho tôi là Thạch Sanh.

      Khi tôi lớn khôn thì mẹ tôi cũng mất. Tôi sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài của tôi chỉ là chiếc búa cha tôi để lại. Khi còn sống, cha tôi dùng chiếc búa ấy để chặt củi bán kiếm sống qua ngày. Khi tôi biết dùng búa thì Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho tôi đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.

Một hôm, có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua chỗ tôi. Thấy tôi gánh về một gánh củi lớn. Lý Thông lân la gợi chuyện và nói kết nghĩa anh em với tôi. Mồ côi cha mẹ nên khi Lý Thông nói muốn kết nghĩa anh em với tôi, tôi vui vẻ nhận lời. Lý Thông là anh còn tôi là em. Tôi từ giã gốc đa, đến sống chung với mẹ con Lý Thông. Đi kiếm củi về, tôi thấy mâm cơm có rất nhiều thức ăn ngon. Chưa hiểu nhà có việc gì thì anh Lý Thông nói với tôi: “Đêm nay, đến phiên anh canh miếu thờ, ngặt vì dở cất mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về”. Tôi vui lòng nhận lời ngay. Nửa đêm, tôi đang lim dim mắt thì một con chằn tinh hiện ra. Nó nhe răng, giơ vuốt định vồ lấy tôi. Tôi nhanh tay vớ lấy búa đánh lại. Chằn tinh hóa phép, thoắt biến, thoắt hiện. Tôi không nao núng, dùng nhiều võ thuật đánh con quái vật. Cuối cùng, tôi giết được chằn tinh. Chằn tinh hiện nguyên hình là một con trăn khổng lồ. Nó chết để lại bên mình bộ cung tên bằng vàng. Tôi chặt đầu quái vật và nhặt bộ cung tên bằng vàng rồi xách đầu quái vật về nhà. Tôi gọi cửa mãi anh Lý Thông mới ra mở cửa. Không hiểu sao mẹ con anh Lý Thông cứ van lạy tôi rối rít. Khi vào nhà, tôi kể đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, anh Lý Thông nói với tôi: “Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn đi ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu”. Tôi tin ngay và trở về túp lều dưới gốc đa ngày nào. Tôi lại sống bằng nghề kiếm củi.

Một hôm, tôi đang ngồi dưới gốc đa thì trông thấy một con đại bàng quắp một người con gái. Tôi liền lấy cung tên vàng ra bắn con đại bàng. Mũi tên trúng vào cánh làm nó bị thương. Nhưng nó vẫn cố bay về hang trong núi. Theo vết máu, tôi tìm được chỗ ở của con đại bàng. Nghe có lễ hội đông vui, tôi liền tìm đến xem. Nào ngờ, ở đó, tôi gặp anh Lý Thông. Anh ấy đã kể cho tôi nghe việc tìm công chúa. Tôi thật thà kể cho anh nghe về việc tôi bắn đại bàng và biết được chỗ ở của nó. Anh Lý Thông liền nhờ tôi dẫn đến chỗ đại bàng. Tôi xin được xuống hang cứu công chúa. Quân sĩ lấy dây buộc ngang lưng tôi rồi dòng xuống hang. Xuống tới đáy hang, tôi thấy đại bàng hiện nguyên hình là một con yêu tinh ở trên núi. Tuy bị thương nặng nhưng con quái vật vẫn rất hung dữ. Nó giơ vuốt và lao vào tôi. Tôi dùng cung tên vàng bắn mù hai mắt nó. Tôi chặt đứt vuốt sắc, bổ vỡ đầu con quái vật. Tôi lấy dây buộc ngang người công chúa và ra hiệu cho quân sĩ của Lý Thông kéo lên. Tôi chờ quân sĩ thả dây xuống kéo tôi lên, nào ngờ cửa hang đã bị lấp lại. Lúc đó, tôi mới biết là Lý Thông hại tôi. Tôi cố tìm lối lên. Đi đến cuối hang, tôi thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú bị nhốt trong cũi sắt. Tôi dùng cung tên vàng bắn tan cũi sắt và cứu chàng ra. Chàng trai cho biết mình là thái tử con vua Thủy Tề. Thái tử thoát nạn, cám ơn tôi và mời tôi xuống thủy phủ chơi. Vua Thủy Tề vui mừng được gặp lại con. Biết tôi là người cứu con trai mình, vua Thủy Tề cảm ơn tôi và biếu tôi rất nhiều vàng bạc châu báu. Tôi không lấy vàng bạc châu báu mà chỉ xin một cây đàn, rồi tôi trở về gốc đa. Một hôm, tôi bị quân lính của nhà vua tới và bắt giam tôi vào ngục. Lúc đó, tôi mới biết của cải của nhà vua bị mất trộm và được giấu ở gốc đa nơi tôi ở. Tôi bị bắt vì nhà vua cho là chính tôi đã ăn trộm. Lúc đó tôi mới nghĩ là chính chằn tinh và đại bàng bị giết đã báo thù tôi.

Trong ngục tối, tôi đem đàn vua Thủy Tề cho ra gảy. Không ngờ tiếng đàn của tôi vẳng đến hoàng cung. Nàng công chúa được tôi cứu đòi vua cha cho được gặp người đánh đàn. Nhà vua cho đưa tôi đến. Trước mặt mọi người, tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lý Thông, đến chuyện chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa và cuối cùng bị bắt oan vào ngục thất. Cho đến lúc này tôi mới biết chằn tinh không phải vua nuôi mà Lý Thông đã nham hiểm lừa tôi đi chết thay cho hắn. Và lúc này, tôi cũng mới biết, nàng công chúa đã bị câm sau khi được tôi cứu khỏi hang. Nàng chỉ vui cười trở lại khi nghe tiếng đàn của tôi.

Nhà vua cho bắt mẹ con Lý Thông giam lại và giao cho tôi xét xử. Tôi tha cho mẹ con họ nhưng trời chẳng tha. Về đến nửa đường mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung.

Nhà vua gả công chúa cho tôi. Lễ cưới tưng bừng nhất kinh kì. Hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận, họ hội binh lính của mười tám nước sang đánh. Tôi xin nhà vua đừng động binh. Tôi lấy cây đàn thần ra gảy. Tiếng đàn phân tích điều hơn lẽ thiệt, cái đúng, cái sai. Quân mười tám nước bủn rủn chân tay không còn nghĩ gì đến chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng, các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Tôi sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Tôi chỉ cho dọn ra một niêu cơm tí xíu. Cả mấy vạn tướng lính thấy niêu cơm như vậy liền bĩu môi cười. Tôi liền hứa sẽ trọng thưởng cho người ăn hết niêu cơm. Quân mười tám nước ăn mãi, ăn mãi mà niêu cơm không hết. Cơm trong niêu hết thì lại đầy. Tất cả cúi đầu lạy tạ vợ chồng tôi rồi kéo quân về nước.

   Vì không có con trai nối ngôi, nhà vua đã nhường ngôi cho tôi. Từ đó, tôi làm một ông vua tốt và dân chúng có cuộc sống no ấm, yên bình.