Cách nhận diện tinh thần thơ mới

I. Tiểu dẫn

- Hoài Thanh (1909 - 1982) tên thật Nguyễn Đức Nguyên, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 2000, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm tiêu biểu: Văn chương và hành động, Thi nhân Việt Nam, Có một nền văn hóa Việt Nam Một thời đại trong thi ca là tiểu luận mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, tổng kết phong trào Thơ mới. Đoạn trích thuộc phần cuối của bài tiểu luận trên.

II. Văn bản (SGK)

1. Cái khó trong việc tìm ra tinh thần thơ mới và cách nhận diện.

- Thơ thời nào cũng có cái hay, cái dở, cái kiệt xuất, cái tầm thường, lố lăng. Chính sự xáo trộn đã khiến cho việc chọn được bài để so sánh, để hiểu "tinh thần của thơ mới" không dễ.

- Nguyên nhân thứ hai khiến cho việc tìm hiểu "tinh thần thơ mới" khó vì "Âu là ta đành phải nhận rằng trời đất không phải dựng lên cùng một lần với thế hệ chúng ta. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau...".

- Những cách nhận diện:

+ "Khốn nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy."

+ "... muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể".

2. Điều cốt lõi mà thơ mới đưa đến cho thi đàn Việt Nam.

- Điều "cốt lõi" làm nên "tinh thần thơ mới", điều mà thơ mới đưa đến cho thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ là "cái tôi".

- "Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi".

- Chữ tôi trước đây phải ẩn mình sau chữ ta "Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể; lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình. Còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả.

- Chữ tôi bây giờ là chữ tôi theo cái nghĩa tuyệt đối, nó "xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu. Nó cứ luôn luôn đi theo những chữ anh, chữ bác, chữ ông đã thấy chướng. Huống bây giờ nó đến một mình!".

3. Vì sao chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó lại đáng thương và tội nghiệp?

- Tác giả lí giải "chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó" đến với thi đàn một cách bất ngờ, "Nhưng, ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!".

- "Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta". "Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước".

- Thơ mới nói lên bi kịch "Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỏ như cô phụ trên bến Tầm Dương, vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di dịch. Ngày nay lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hòe phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: Một lòng tin đầy đủ".

4. Các nhà thơ lãng mạn giải tỏa bi kịch bằng cách nào?

- Rơi vào bi kịch, các thi sĩ lãng mạn giải quyết bằng cách gửi cả vào tiếng Việt "Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông.

- Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt". Vì họ nghĩ "Tiếng Việt là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua" và vì họ tin vào triết lí "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn".

- Họ tin rằng tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa có biến thiên nhưng không sao tiêu diệt được, vì phải "tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai".

5. Một thời đại trong thi ca là tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng dễ hiểu và hấp dẫn.

- Cái khó khi tìm đặc sắc của thơ mới là cái mới và cái cũ thường gặp ở các nhà thơ cũ và mới. Nhà thơ xưa có thể có những cái mới, ngược lại nhà thơ nay có thể còn giữ những cái xa xưa.

- Cách giải quyết của tác giả là không so sánh từng bài mà phải so sánh trên đại thể. Khi phân tích đặc điểm của thơ mới, tác giả phân tích "cái tôi" trong nhiều quan hệ làm nổi rõ bản chất của "cái tôi". Đặt "cái tôi" trong quan hệ với "cái ta" để tìm xem những chỗ giống và khác nhau.

+ Khi tìm cái mới của thơ mới và của các nhà thơ mới, tác giả nhìn vấn đề trong mối quan hệ với thời đại, với tâm lí thanh niên đương thời để phân tích sâu sắc cái "đáng thương, đáng tội nghiệp", cái "bi kịch" ở họ.

- Lập luận của bài viết có sức thuyết phục cao vì gắn bó chặt chẽ giữa những nhận định, những luận điểm khái quát với những ví dụ minh chứng cụ thể, đa dạng, giàu sức thuyết phục.

- Bài viết có tầm nhìn bao quát về "cái tôi", "cái ta", có sự so sánh giữa các câu thơ và nhà thơ cũ, mới trong diễn biến lịch sử chứ không nhìn nhận vấn đề tĩnh tại, đơn giản một chiều.

- Đoạn văn khái quát sự bế tắc của "cái tôi" và phong cách riêng của từng tác giả thơ mới qua cách viết giàu hình ảnh, mềm mại, uyển chuyển nên khêu gợi cảm xúc và hứng thú ở người đọc.

Bài tập

Bạn chưa đăng nhập !

Vui lòng đăng nhập trước khi thực hiện thao tác này.

Video liên quan