Chất lượng sản phẩm nông sản là gì năm 2024

Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Quy mô xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để nông sản Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp cần thiết, lâu dài.

Chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt. Cụ thể, theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tới thị trường EU có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mặt hàng có khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: Rau quả, thủy sản…

Cùng Innovative Hub tìm hiểu thêm về giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng cho nông sản Việt Nam qua bài viết sau.

Giải pháp để nông sản Việt tiến sâu vào thị trường châu Âu

Châu Âu được biết đến là một trong những thị trường khó tính bậc nhất. Do đó, để khai thác có hiệu quả EVFTA, thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này, bên cạnh việc nắm rõ quy tắc, quy định, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của người Châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Châu Âu đã có nhiều khởi sắc, với một số nhóm mặt hàng như gạo, rau củ quả… ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng và bứt phá.

Kết quả này có được một phần là nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 1/5/2021. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản Việt Nam sang Châu Âu, đặc biệt là các nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, điều, rau quả, thủy sản…

Lượng tiêu thụ nông sản trồng (tính theo 11 mã HS) quy ra kim ngạch nhập khẩu riêng thị trường EU gồm 27 quốc gia trên 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đi thế giới (trên dưới 16 tỷ USD). Con số này còn khiêm tốn ở thị trường đầy tiềm năng này.

Nâng cao chất lượng nông sản để hướng đến thị trường xuất khẩu

Các chuyên gia cho rằng, thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, các nước, nhất là các thị trường khó tính đòi hỏi các tiêu chuẩn về nông sản ngày càng cao.

Thực trạng hiện nay là quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, đáng chú ý liên quan đến vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và quản lý.

Phương thức sản xuất truyền thống cũng là rào cản dẫn đến chất lượng sản phẩm nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Trong xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa, với sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, đương nhiên nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nền nông nghiệp các nước, trước hết là các nước trong khối ASEAN. Trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta trình độ còn thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, để hỗ trợ cho sức cạnh tranh của sản phẩm nồng nghiệp trong thương mại quốc tế, cần phải có những giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất: Tập trung nâng cao chất lượng các nguồn lực.

Trước hết, là những cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng cho quá trình khai thác, phát huy và chuyển hóa các lợi thế như: Điện năng, giao thông, lao động kỹ thuật. Theo kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy 3 yếu tố trên là những đầu mối tạo nên các điểm nghẽn (nút thắt cổ chai) của tăng trưởng. Việt Nam hiện nay, tuy có nhiều nỗ lực phát huy và nâng cao chất lượng các nguồn lực, song các vấn đề trên chưa thực sự phát triển vững chắc. Vì vậy trong thời gian tới, cần phải tập trung giải quyết có tính cơ bản cả 3 lĩnh vực. Điều này cũng đồng nghĩa với sự trợ giúp của Chính phủ cho các nhà sản xuất, để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở cải thiện nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào, tạo lợi thế so sánh của quốc gia.

Nước ta tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế sản xuất một số nông sản xuất khẩu có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Song để khai thác có hiệu quả, đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kinh tế – tổ chức – khoa học và công nghệ, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt. Cùng với sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất cần có sự quan tâm đồng bộ, nhiều mặt của Nhà nước, thực hiện chiến lược CNH, HĐH, nâng cao vị thế và hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Thứ hai: Tạo lập và mở rộng thị trường.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và phát triển sự giao lưu trao đổi nông sản trên các vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất – tiêu dùng. Coi trọng vai trò đặc thù “chợ, các tụ điểm thương mại” ở nông thôn, thành thị và sự gắn kết của các chợ nông thôn, các tụ điểm kinh tế – văn hóa kỹ thuật – thương mại – dịch vụ cho các vùng sản xuất hàng hóa. Thực hiện chính sách thương mại mở, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới công nghệ sản xuất – chế biến bảo quản.

Đa dạng hóa các kênh lưu thông trên mọi cấp độ, một mặt vừa chú trọng các kênh lưu thông vừa và nhỏ phù hợp với quy mô cung – cầu ở thị trường các khu vực. Đồng thời đặc biệt quan tâm xây dựng các kênh, các cấp độ lưu thông hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và đủ sức mạnh hướng dẫn sản xuất trong nước như hỗ trợ vốn, khoa học và công nghệ cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Trên cơ sở nắm vững đặc điểm và khả năng từng loại nông sản, đầu tư tạo dựng những sản phẩm và ngành hàng chủ lực cho các thị trường xuất khẩu. Duy trì và phát triển quan hệ thương mại với các nước thuộc thị trường truyền thống, đặc biệt SNG và Đông Âu, vì đây là thị trường có nội dung trao đổi lớn và yêu cầu về chất lượng sản phẩm không khắt khe. Đồng thời phải vươn tới mở rộng và củng cố vị thế hàng nông sản trên thị trường khu vực và các thị trường mới như Tây Âu, EU, Trung Quốc, Nhật và các nước trong khối ASEAN…

Thứ ba: Nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nguyên nhân có tính bao trùm cản trở khả năng và hiệu quả xuất khẩu nông sản là do chất lượng sản phẩm không cao, không ổn định, không đồng đều, khối lượng phân tán nhỏ bé, mẫu mã không hấp dẫn… Do vậy giải pháp về sản phẩm là giải pháp cơ bản có tính chiến lược lâu dài. Quy hoạch và đầu tư một cách đồng bộ tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, và vùng nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Nâng cao đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung cho công tác nghiên cứu lai tạo giống, tạo ra những giống có năng suất, chất lượng cao. Đầu tư đổi mới công nghệ chế biến bảo quản.

Các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trong xuất nhập khẩu được tạo ra để bảo vệ sức khỏe con người khỏi những dịch bệnh lây nhiễm thông qua con đường thương mại quốc tế. Đây không chỉ là mục tiêu của các thị trường tiêu thụ nông sản lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… mà còn là của các quốc gia xuất khẩu Việt Nam để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường mục tiêu và khai thác tốt các thị trường mới. Vì vậy, thay vì xem những quy định khắt khe trên là rào cản, chúng ta nên nhìn nhận theo một cách tích cực hơn, xem đó là động lực thúc đẩy chúng ta nâng cao chất lượng cho nông sản nước nhà.

Cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm hiện đại và áp dụng các nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn sản xuất để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần tuân thủ triệt để các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm mà EU cấm. Sử dụng cây giống tốt, đạt chuẩn và cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống lại sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất nông nghiệp.