Việc UBND TP.HCM quyết định chọn đại lộ Đông Tây, tức đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ làm “con đường di sản” khiến cộng đồng những người yêu mến Sài Gòn vui nức lòng. Bởi với họ, từ lâu “con đường di sản” này là một phần không thể tách rời trong tiến trình lịch sử hơn 300 năm của thành phố.

Dđại lộ đông tây ở đâu

Kênh Tàu Hủ xưa

Giống như một số người, chúng tôi cũng thắc mắc vì sao thành phố lại chọn đại lộ Đông Tây làm con đường “di sản” mà không phải con đường nào khác. Bởi so về “tuổi tác”, một trong những yếu tố quan trọng để trở thành “di sản”, rất nhiều con đường ở thành phố “già” không kém. Từ thắc mắc ấy, chúng tôi lần giở lại lịch sử và “ngộ” ra một điều –  không chỉ “già”, từ lâu cung đường này còn là huyết mạch giao thương quan trọng của thành phố. Và tất nhiên, khi trở thành một con đường hiện đại như ngày nay, vai trò ấy vẫn không hề thay đổi.

Dđại lộ đông tây ở đâu
“Con đường di sản” khu vực quận 1

Vì sao gọi con đường này là tuyến giao thương quan trọng? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần quay ngược lại lịch sử hình thành… kênh Tàu Hủ cách đây hơn 300 năm. Bởi người đặt giả thuyết rằng, nếu như không có con kênh Tàu Hủ thì chưa chắc có đại lộ Đông Tây, mà không có đại lộ Đông Tây thì tất nhiên, làm gì có con đường “di sản”!

Trở lại với lịch sử hình thành con kênh Tàu Hủ, một số tài liệu ghi rằng, lúc khởi thủy kênh Tàu Hủ chỉ là một con rạch nhỏ hẹp, thường xuyên bị bùn đất bồi lấp gây cản trở dòng chảy khiến cho việc đi lại bằng ghe xuồng – một phương tiện đi lại phổ biến thời đó, gặp nhiều hạn chế. Thế nên vào mùa xuân Kỷ Mão năm 1819, vua Gia Long đã ra lệnh cho Phó tổng trấn Gia Định lúc bấy giờ là ông Huỳnh Công Lý chỉ huy cải tạo, nạo vét lại.

Công việc này được Sách Quốc triều sử toát yếu (Chính biên) chép: “…Khiến Phó tổng trấn Hoàng Công Lý đem 10 vạn dân, cấp tiền gạo đào sông từ thành Phiên An thông đến sông Mã Trường Giang . Đào xong rồi, Ngài (Gia Long) đặt tên là An Thông Hà. Đàng sông đã thông, thuyền bè qua lại đêm ngày, chỗ ấy thành một chỗ đô hội lợi ích cho dân lắm.” Ngoài tên gọi An Thông Hà như sử chép, con kênh này còn được gọi là Kinh Mới hay rạch Chợ Lớn (do con kênh này chảy ngang Chợ Lớn).

Dđại lộ đông tây ở đâu
Hình ảnh kênh Tàu Hủ ngày xưa

Sự thông thoáng, an toàn của con kênh đã nhanh chóng thu hút đông đảo khách thương hồ từ khắp nơi đổ về làm ăn buôn bán, tạo nên một phong cảnh “trên bến dưới thuyền” hết sức nhộn nhịp. Quang cảnh đó được Trương Vĩnh Ký viết trong tác phẩm Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885) như sau: “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hằng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hóa chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Đây là một trong những yếu tố hình thành tên gọi kênh Tàu Hủ ngày nay. Bởi theo như nhận định của ông Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ Khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hóa, sau đọc trại ra thành Tàu Hủ.

Đầu thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi mà ngành công nghiệp thương mại thành phố bắt đầu phát triển mạnh, nhu cầu vận chuyển, trao đổi hàng hóa tăng cao nên hai bờ kênh Tàu Hủ được phát triển thành 2 tuyến giao thông bộ. Hàng hóa – chủ yếu là nông sản – sau khi được các thương lái chuyển về bến Bình Đông – một bến quan trọng trên kênh Tàu Hủ – sẽ được xe ngựa, xe bò… kéo về khu vực chợ Lớn để phân phối lại. Trong số những nông sản ấy, lúa gạo là mặt hàng tối quan trọng.

Ông Lý Mẫn Tú, một cư dân sống ở khu vực bến Bình Đông cho biết: “Những ai từng sống và làm việc ở bến Bình Đông thời ấy đều không thể quên các chành, tức Hoa gọi chỗ chứa hàng, hàng loạt nhà máy xay xát, mua bán và xuất khẩu lúa gạo. Ngày đó, hàng hóa, lúa thóc được người Hoa thu mua lúa từ các tỉnh miền Tây về đây tập kết, xay xát rồi đem bày bán tại đường Trần Chánh Chiếu, quận 5”.

Dđại lộ đông tây ở đâu
Bến Bình Đông ngày nay

Cũng theo ông Tú, chợ Trần Chánh Chiếu hay chợ Gạo là khu chợ chuyên doanh đầu tiên và lâu đời nhất Sài Gòn, nó được người Hoa lập nên vào khoảng năm 1750. Không chỉ tiêu thụ trong nước, từ khu chợ này, lúa gạo được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, cái “hồn” của “con đường lúa gạo” ngày nào chắc chắn vẫn còn hiện hữu. Và đó chính là một trong những yếu tố quan trọng và đầu tiên mà con đường này trở thành “di sản”.

Cùng với rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ ra đời đã tạo thành một tuyến giao thương thủy lộ khép kín từ Tây sang Đông. Nhận thấy đây là địa điểm thuận lợi để làm ăn sinh sống nên khoảng nửa cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18, nhiều di dân người Hoa từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cù Lao Phố (Đồng Nai) đã giong thuyền về đây khai hoang lập ấp. Tuân thủ triệt để câu “nhất cận thị, nhị cận giang”, những người này đã chọn khu vực phụ cận địa điểm “trên bến dưới thuyền” mở làng nghề, cửa hiệu làm ăn buôn bán.

Một trong những nghề khá thịnh của người Hoa khu vực này thời đó là nghề làm gốm. Rất nhiều thương hiệu gốm nổi tiếng thời đó vẫn còn nhiều người nhớ đến như: gốm Cây Mai, gốm Hưng Lợi…Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, những lò gốm sứ nổi tiếng của người Hoa hiện nay không còn tồn tại. Có chăng, chỉ còn vài điểm sản xuất nhỏ lẻ với những mặt hàng đơn giảm như bếp lò, heo đất… và một vài đại danh gắn liền với nghề nghiệp như: Lò Gốm, Lò Siêu, Xóm Đất… Tiếp xúc với chúng tôi, thế hệ thứ 6 -7 của những người Hoa di cư ở khu vực quận 6 cho rằng, sẽ  “rất làm tiếc” nếu như trong quá trình bảo tồn con đường “di sản” mà các nghề “di sản” này bị lãng quên!

Và con đường di sản hôm nay

Trong dự án “con đường di sản”, chính quyền thành phố “nhấn” rất rõ 4 yếu tố quan trọng hình thành nên dự án. Đó là con đường này sẽ đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng. Đầu tiên là khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở quận 2, kế đến là trung tâm hành chính văn phòng nằm ở quận 1. Điểm đến tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” ở quận 6 và quận 8.

Dđại lộ đông tây ở đâu
Bờ Thủ Thiêm nhìn về phía quận 1

Cụ thể hơn, trong tương lai khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là khu vực dành riêng cho những kiến trúc hiện đại, khu nhà ở cao cấp và cao ốc văn phòng…. Trong khi đó quận 1 sẽ là nơi bảo tồn một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một Sài Gòn xưa như, khu tài chính – ngân hàng, chợ Bến Thành và khu hành chánh… . Khu vực quận 5 sẽ duy trì các hoạt động thương mại của cả người Việt lẫn người Hoa. Khu vực quận 6 và quận 8 dự kiến sẽ trở thành  khu chợ nổi gắn liền với lịch sự hình thành và phát triển của con kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (con kênh chạy theo trục lộ Đông Tây) để phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân, đồng thời là nơi tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn.

Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu của bài viết, quang cảnh “trên bến dưới thuyền” ở điểm thứ 4 trong dự án “con đường di sản” không còn như xưa nữa. Dòng kênh Tàu Hủ sạch đẹp hơn do được nhà nước đầu tư nạo vét từ nhiều năm trước. Những khu nhà ổ chuột xập xệ cũng đã được giải tỏa và chuyển đi nơi khác. Đánh đổi với những dự án đó là sự biến mất của hàng loạt những công trình kiến trúc cổ mà theo nhiều người, đó chính là biểu trưng của bến Bình Đông xưa.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, một lão thương ở đây cho biết: “ Ngày xưa trên con đường này có nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc rất đẹp và rất đặc trưng. Không giống như những khu nhà nằm sâu trong trung tâm chợ Lớn, nhà cửa ở đây là một sự kết hợp hài hòa giữa đường nét Đông Á của người Hoa và chất Tây phương của kiến trúc Pháp. Nó là dấu ấn rõ nét nhất của sự giao thoa văn hóa ở khu vực này”.

Một số tài liệu cho biết, sở dĩ có nét đặc trưng này là do khu vực này trước đây được người Hoa thuê các nhà thầu Singapore xây dựng. Kiến trúc được xây theo dạng nhà phố với bề ngang hẹp, nhằm tăng số lượng nhà mặt tiền và nhờ đó mau chóng thu hồi vốn đầu tư xây dựng. Tầng trệt là cơ sở kinh doanh tầng trên là nhà ở. Theo quan sát của chúng tôi, hiện chỉ còn một vài khu nhà là còn giữ được lối kiến trúc đặc trưng đó, đa số nằm bên phía quận 6…

Dđại lộ đông tây ở đâu
“Con đường di sản” khu vực quận 1

Mặc dù không còn nhiều, song khu vực chợ Lớn vẫn được xem là “thủ phủ” của thế giới nhà cổ Sài Gòn. Theo công bố mới nhất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố, hiện khu vực này vẫn còn khoảng trên 440 ngàn căn có tuổi đời trên trăm năm. Mặc dù trải qua biến cố, nhiều ngôi nhà, đền chùa trong số đó vẫn còn lưu giữ được nét cổ kính vốn có của nó. Nguyên nhân thì nhiều, song đa phần xuất phát từ ý thức gìn giữ của người dân.

Cách đây vài tháng, chúng tôi có dịp ghé ngang võ đường của võ sư Huỳnh Chí Dân – một võ sư người Hoa ở quận 5. Dẫn tôi dạo một ngôi nhà trên trăm tuổi được cải tạo thành võ đường, ông Dân bảo, nhà tuy có cũ nhưng ông tự hào vì tất cả những thứ cấu tạo nên nó hầu như vẫn còn ở dạng nguyên thủy, từ tường vách cho đến cột kèo. Chỉ có nước sơn là được ông cho người làm lại đôi chút cách đây hơn…20 năm.

Dđại lộ đông tây ở đâu
Múa lân những ngày Tết tại chùa của người Hoa, quận 5

Ngoài dấu ấn kiến trúc ra, phương thức làm ăn buôn bán của cộng đồng người Hoa ở khu vực chợ Lớn cũng được xem là một “di sản” cần phải bảo tồn. Bởi xét về tổng thể, hiếm có cộng đồng dân cư nào ở thành phố giữ được nét đặc trưng này rõ nét hơn cộng đồng người Hoa. Nhiều dòng họ, trải qua hàng chục thế hệ vẫn cương quyết bám trụ một nghề duy nhất. Ngoài việc kiếm sống, với họ đấy còn là cách giữ gìn truyền thống của dòng họ, của gia đình. Chẳng hạn như dòng họ Huỳnh của võ sư Huỳnh Chí Dân, ngoài việc rèn võ để giữ gìn sức khỏe ra, nghề bốc thuốc xoa bóp đã được ông và các bậc tiền bối trong dòng họ duy trì nhiều đời nay.

Vươn ra khỏi phạm vị dòng họ, gia đình… nhiều tuyến phố ở khu vực quận 5 bao nhiêu năm qua vẫn duy trì một lối kinh doanh độc nhất một nghề, một mặt hàng. Điển hình trong số đó là khu phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố gạo Trần Chánh Chiếu… tạo nên điểm sáng trên con đường “di sản”.

Dđại lộ đông tây ở đâu
Khu phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, quận 5

Tiếp sức cho dự án con đường “di sản” thành phố, mới đây Sở Thể thao – Du lịch đã giao cho các công ty du lịch lữ hành triển khai thí điểm một vài tuyến du lịch, hoạt động văn hóa (đua thuyền, chợ nổi…) liên quan đến đường sông. Và tất nhiên, tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé chạy dọc con đường “di sản” chắc chắn không nằm ngoài kế hoạch.

Đây là một tín hiệu tốt lành, một điểm tựa để đưa con đường “di sản” trăm năm đến với công chúng. Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu song hành với chiến dịch quảng bá là một lộ trình bảo vệ và khôi phục lại một số kiến trúc đặc trưng, ngành nghề truyền thống ….những thứ vốn đã gắn liền với hành trình “di sản” của con đường “dài” 300 năm tuổi – con đường “di sản” Đông – Tây.

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Nguyên Minh – Ảnh: Thuận Thắng, Nghĩa Phạm, Nguyên Trương, Tư liệu