Vì sao chủ tịch nước trần đại quang chết

Tin ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10h05 ngày 21 tháng 9 năm 2018 dường như không làm người nghe ngạc nhiên, thậm chí còn tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều và gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Điều đáng ngạc nhiên nhất là thái độ của đại bộ phận nhân dân trước cái chết của một nguyên thủ quốc gia. Thay vì thương tiếc một vị Chủ Tịch, không ít người tỏ ra vui mừng, thậm chí reo mừng. Tại sao lại đến nông nỗi như đang thấy?

Hiện tại, sau tin Chủ tịch Trần Đại Quang chết chưa đầy nửa ngày, đã có nhiều facebook kêu gọi “tuần hành” tưởng nhớ ông. Đương nhiên, đây là cuộc tuần hành không phải để “tưởng nhớ” như chủ trang này “kêu gọi”. Bởi điều này không cần phân tích, mổ xẻ nhiều lắm cũng đủ nhận ra chủ trang facebook này là ai và họ có thiện cảm gì với chế độ cầm quyền.

Vấn đề đáng nói ở đây là người Việt vốn giữ đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận”, cho dù ghét nhau đến mức nào thì khi nhắm mắt lìa đời, người ta cũng tránh nói đến những thói hư tật xấu của người chết và chỉ nhắc đến những gì tốt đẹp như một sự yên ủi, tiễn biệt nhẹ nhàng, ấm tình người… Nhưng ở đây thì không, thay vì hoặc im lặng, hoặc bày tỏ sự phân ưu, người ta lại vui mừng, thậm chí reo mừng! Phải chăng người Việt đã trở nên vô cảm? Hoặc nền giáo dục Việt Nam đã đẩy con người đến chỗ không còn tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tử nghĩa tận hoặc có một vấn đề gì khác?

  • Đám tang Trần Đại Quang, ấn Kim Cang và chuyện ốp đồng

Cái khả năng thứ nhất và thứ nhì có vẻ như không hẳn đúng. Vẫn biết là người Việt Nam có phần vô cảm hơn so với trước, nền giáo dục Việt Nam cũng góp phần không nhỏ đến việc làm băng hoại nhiều thế hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tính nhân cảm của dân tộc này bị loại bỏ hoàn toàn một sớm một chiều. Hơn nữa, giếng mối tộc họ, xóm làng, tình anh em đồng nghiệp, tình đồng hội, đồng thuyền, đồng hương, tình luyến lưu giọng nói cùng quê… Là chất keo gắn kết con người với con người trong mọi hoàn cảnh.

Và điều này càng được minh chứng rõ hơn giữa xã hội ngày càng khắc nghiệt này, vẫn có nhiều nghĩa cử, nhiều tấm lòng làm đẹp cuộc sống. Phải nói là những nghĩa cử, tấm lòng này không hề ít! Như vậy, hai khả năng trên nghe có vẻ không hợp lý để giải thích cho sự vui sướng của đại bộ phận nhân dân trước thông tin về cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang.

Mà vấn đề đáng sợ ở đây là mối thiện cảm có được của đảng Cộng sản dường như hoàn toàn mất dấu trong nhân dân và trong chính nội bộ đảng Cộng sản. Nếu như cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 49 năm khiến cho hàng triệu trái tim người miền Bắc và hàng trăm ngàn trái tim người Cộng sản tại miền Nam Việt Nam thổn thức bao nhiêu thì hiện nay, cái chết của một vị Chủ tịch của cùng một chế độ Cộng sản lại khiến cho hàng triệu người miền Bắc cười thầm và hàng triệu người miền Nam reo hò. Chưa dừng ở đó, nếu như cái chết của Hồ Chí Minh khiến cho không ít các đồng chí của ông thấy tuyệt vọng, rớt nước mắt thì cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang lại khiến cho rất nhiều đồng chí của ông mừng thầm vì mới có một cái ghế quyền lực bỏ trống, và cơ hội tranh đoạt lại bắt đầu!

Điều này cho thấy ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng đã có nhiều chuyển biến và càng ngày, sự chuyển biến này càng lớn. Nếu như trước đây, cơ chế cũng như động cơ hoạt động của đảng Cộng sản chủ yếu dựa vào lý tưởng xây dựng đảng thì bây giờ, cơ chế và động cơ hoạt động của những người Cộng sản đã hoàn toàn phá bỏ những lý tưởng đó và hai chữ Cộng sản chỉ duy trì trên mặt khẩu hiệu, hình thức. Mục tiêu lớn nhất của người Cộng sản bây giờ là tranh đoạt quyền lực và vinh thân phì gia, bất chấp sự thăng trầm của hệ thống hay cái chết của đồng chí.

Và đây cũng là cốt lõi dẫn đến sự mất niềm tin trong nhân dân. Một phần nhân dân trở nên vô cảm bởi sống trong cơ chế kiềm kẹp sắt máu của chế độ, thụ đắc nền giáo dục lạc hậu và vô cảm của chế độ, một phần khác, chính những cú áp phe quyền lực, bất chấp số phận của nhân dân và thậm chí biến nhân dân thành một đám dân đen dốt nát để dễ bề sai bảo và ngày càng thể hiện sự xa hoa, sự coi thường nhân dân một cách trơ tráo, thô bạo của người Cộng sản đã khiến cho nhân dân nhìn đảng Cộng sản bằng con mắt khác.

Theo thời gian, nếu như cái chết của người lãnh đạo Cộng sản những năm thập niên 1970 là một quốc tang thực sự của nhiều người theo lý tưởng Cộng sản, thì đến những năm 1980, nó đã phai nhạt, đến thập niên 1990 thì chuyện quốc tang chỉ còn là hình thức, đến những năm 2000, quốc tang đã chia đôi dư luận một cách rõ rệt, kẻ khen, người chê nhà lãnh đạo. Và đến thời điểm hiện nay, dường như quốc tang đang trở thành trò cười hoặc sự hả hê của số đông, đáng sợ nhất là trong số đông ấy có cả số đông các đồng chí thuộc nhóm lợi ích đối lập với nhà lãnh đạo vừa chết!

Có thế nói rằng cuộc sống dằng dai sau 6 lần đi điều trị bệnh “nhiễm virus lạ” tại Nhật Bản mà sau mỗi lần điều trị, ông Trần Đại Quang lại xuất hiện với một diện mạo khác thường, điều này gây ra nhiều nghi vấn về “Quang thật Quang giả” [cũng giống như năm sinh trên giấy tờ của ông cũng khiến cho người ta không thể không nghi vấn] thì dù sao đi nữa, cái chết chính thức của ông lần này cũng cởi bỏ được nhiều nghi vấn Quang thật Quang giả. Và đúng như Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đảng CSVN nói là ông Quang đi Nhật chữa bệnh 6 lần, thì ông cũng có 6 lần xuất hiện trước công chúng với 6 diện mạo khác nhau.

Con số 6 lần này đặt ra dấu hỏi liệu có thật hay không thật 6 lần đi điều trị bệnh tại Nhật Bản? Hay con số 6 lần là một sự tính toán để trùng khớp với 6 lần ông Trần Đại Quang xuất hiện một cách khác thường? Và liệu có phải ngày công bố cái chết là ngày chết thực sự hay ông đã chết một ngày nào đó không phải là ngày công bố?

Nói cho cùng, những câu hỏi đặt ra cũng chẳng giài quyết được gì một khi ông Trần Đại Quang đã chết. Nhưng cái chết của ông lại đóng vai trò nhiệt kế về lòng tin của người dân vào chế độ. Công tâm mà nói thì mặc dù ông Quang từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, thời ông làm Bộ trưởng cũng khá gắt máu. Nhưng trên cương vị Chủ tịch nước, đứng trước bộ sậu “tứ trụ”, ông là người chiếm được thiện cảm của nhân dân hơn cả. Vì chí ít, lựa chọn chuyến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông không thăm Trung Quốc như các tiền nhiệm đã làm mà ông chọn thăm Hoa Kỳ. Chính điều này giúp ông chiếm được thiện cảm nhân dân nhiều hơn ba nhân vật còn lại trong bộ tứ.

Thử hỏi, một người chiếm được lòng dân trong bộ tứ chóp bu đảng Cộng sản mà khi chết, người dân còn tỏ ra hồ hỡi, các đồng chí còn tỏ ra vui mừng vì có ghế trống để tranh đoạt như vậy, thì liệu các quan chức Cộng sản khác chết, phản ứng của người dân sẽ đi đến đâu? Dù sao chúng tôi cũng xin cầu nguyện ông – vị Chủ tịch Cộng sản Việt Nam được ra đi thanh thản! Bởi ra đi thì mọi thứ đã không còn gì, đã về cát bụi, về với đất mẹ. Tiếng thơm hay tiếng xấu rồi cũng chỉ ở lại với nhân gian, nó không thuộc cõi khác!

Nguồn: RFA

Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn thị Kim Ngân

Trần Đại Quang bị Trung quốc đầu độc, theo Asia Times

Tổng Thống Donald Trump đã gặp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 12 tháng 11, 2017, với hy vọng Việt Nam sẽ tham gia Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đề xướng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng. Sự việc ông Quang nay đã chết sau khi bị nhiễm “bệnh lạ” từ Bắc Kinh, Hoa Kỳ không còn mong đợi Việt Nam tham gia, vì tổng bí thư / chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng về phía Trung Cộng.

NEW YORK – Trong một bài viết phân tích tình hình chính trị mới đây, tờ The Epoch Times [Kỷ Nguyên Thời Báo] đã viết về mối tương quan giữa Hà Nội, Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn liên quan đến cái chết của chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang. Bài viết bày tỏ sự lo lắng rằng giờ đây Hà Nội đã nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh, gây thêm khó khăn cho Hoa Thịnh Đốn trong kế hoạch giành lại ưu thế tại Biển Đông.

Epoch Times là báo đa ngôn ngữ, đặt trụ sở tại thành phố New York, chuyên về tình hình chính trị trên thế giới mà đặc biệt là Trung Quốc. Dưới đây là bài viết của ký giả Sunny Chao về cái chết của Trần Đại Quang, ghi nhận một số chi tiết chung quanh cái chết bí ẩn của ông Quang, được đăng ngày 30 tháng 10, 2018 vừa qua.
*Tựa bài báo: Cái chết đột ngột của chủ tịch nước Việt Nam gây suy đoán, bất ổn tại Biển Đông [Vietnamese Presidents Sudden Death Cause Speculation, Uncertainty Over South China Sea].

Trong lúc mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tệ hơn trước vì những vấn đề mậu dịch và quốc phòng, Việt Nam đóng một vai trò trong cuộc xung đột phức tạp tại Biển Đông. Tình hình càng trầm trọng hơn với cái chết đột ngột và bí ẩn của Trần Đại Quang, chủ tịch nước cộng sản Việt Nam trong tháng Chín. Nhiều người suy đoán về nguyên nhân tử vong của ông Quang, chết vì một chứng bệnh nan y hay là do một nguyên nhân không tự nhiên gây ra bởi một cuộc đấu đá chính trị.

Việt Nam nằm sát Biển Đông, điều này đưa Việt Nam vào một vị trí chiến lược quan trọng, giữa một vai trò quan trọng trong những cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam cũng đã có xung đột với Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới vào năm 1979.

Cuộc gặp gỡ giữa Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại thủ đô Hà Nội vào ngày 16 tháng Mười, là nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chống lại sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trần Đại Quang qua đời ngày 21 tháng Chín ở tuổi 61. Đảng Cộng Sản Việt Nam [ĐCSVN] chính thức nói rằng ông chết vì “một căn bệnh nghiêm trọng do virus hiếm gây ra,” tại một quân y viện ở Hà Nội, và chứng bệnh này “không thể chữa được.”

Trước khi qua đời, ông Quang đã biến mất trước công chúng, và việc ông vắng mặt trong những sự kiện quan trọng cấp quốc gia gây ra những tin đồn. Nhiều người thắc mắc rằng ông biến mất có phải vì một chứng bệnh hiếm thấy, bị lật đổ bởi đối thủ chính trị là Tổng Bí thư Trọng, hay là bị đầu độc khi ông chính thức viếng thăm Trung Quốc vào năm ngoái, theo báo Asia Times đưa tin ngày 21 tháng Chín.
Thái độ của chế độ cộng sản Việt Nam về cái chết của nhà lãnh đạo hàng đầu này là rất bất thường đối với nước cộng sản này. Chưa tới hai tiếng đồng hồ sau khi ông Quang qua đời, các quan chức ĐCSVN lập tức loan báo về cái chết của ông, và cung cấp thông tin về lễ quốc tang trên truyền thông chính thức. Sự loan báo mau chóng là điều chưa từng xảy ra trước đây, vì thông tin chi tiết về các nhà lãnh đạo hàng đầu luôn luôn được xem là điều tối mật trong lịch sử ĐCSVN.

Bệnh của Quang bị bao phủ trong bí ẩn. ĐCSVN không cho biết ông bị bệnh gì, chỉ nói rằng mông lung rằng bệnh đó không thể chữa trị được. Giới truyền thông trong nước trích dẫn lời bác sĩ Nguyễn Quốc Triều nói rằng ông Quang được chẩn đoán mắc một thứ “bệnh lạ” trong tháng Bảy năm 2017, và ông đã trải qua sáu cuộc điều trị tại Nhật Bản.

Truyền thông Nhật Bản đã ám chỉ những nguyên nhân có thể gây tử vong xuất phát từ Bắc Kinh.
Ông Quang được chẩn đoán mắc chứng bệnh bí ẩn đó, ngay sau chuyến viếng thăm chính thức ở Trung Quốc từ ngày 11 tới ngày 15 tháng Năm, 2017.

Sau chuyến công du này, ông Quang tránh xuất hiện trước công chúng, trong một tháng từ ngày 25 tháng Bảy, 2017. Nhiều người nghi ngờ Quang không thể xuất hiện là vì ông bị một vấn đề về sức khỏe hoặc là nạn nhân trong một cuộc đấu đá chính trị, theo tạp chí Nikkei Asian Review đưa tin vào ngày 28 tháng Tám, 2017.

ĐCSVN đã gây ra một số câu hỏi quan trọng mà cho đến nay chưa được trả lời. Ông Quang đã có sức khỏe tốt trước khi được chẩn đoán mắc chứng bệnh gây chết người. Làm thế nào mà ông lại có thể mắc một căn bệnh gây tử vong, sau chuyến ông viếng thăm Trung Quốc? Tại sao ông Quang lại đến Nhật Bản để chữa bệnh thay vì sang nước cộng sản láng giềng Trung Quốc? Giới lãnh đạo ĐCSVN trước đây đã đặt ra một tiền lệ là mỗi khi bị bệnh thì đi Trung Quốc để được điều trị.

Sau khi ông Quang chết, Tổng Bí Thư Trọng, 74 tuổi, được đề cử kiêm luôn chức chủ tịch nước của ông Quang để lại.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam và sống tại Úc, trong tháng Giêng có viết rằng có lẽ ông Quang sẽ được chọn làm tổng bí thư, nếu ông Trọng về hưu trước khi kết thúc nhiệm kỳ năm năm, theo báo New York Times đưa tin ngày 21 tháng Chín.

Ông Quang được xem là thân Mỹ trong khi ông Trọng thân Trung Cộng. Nếu ông Quang không chết và giữ chức tổng bí thư kế nhiệm ông Trọng, có lẽ Việt Nam sẽ tham gia chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đề xướng, và giúp kiềm chế việc Trung Cộng bành trướng trong khu vực.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là một kế hoạch trị giá $113 triệu Mỹ kim dành cho công nghệ, năng lượng, và hạ tầng kiến trúc mới trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và là trụ cột kinh tế cho chính phủ Trump. Khu vực Biển Đông là vùng then chốt của Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược đó.
Trung Cộng lo ngại rằng các nước Đông Nam Á, như Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan, sẽ tham gia chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, để ngăn chặn ảnh hưởng bành trướng của Bắc Kinh. Mục đích những chuyến đi Việt Nam của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ trong năm nay là nằm siết chặt hơn sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên, cái chết của ông Quang khiến cho sự hợp tác này không còn rõ ràng, và tình hình Biển Đông trở nên không chắc chắn.

Video liên quan

Chủ Đề