Công văn 89 về ma túy

Ngày 18-5-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức phiên họp trực tuyến để giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính và dân sự. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc tại Công văn số 89/TANDTC-PC

CV_89_TANDTC_PC_1594795888163

Tải về 

Hành vi các đối tượng tập trung cùng nhau sử dụng ma túy tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ giải trí, lưu trú như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, vũ trường… đang diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đòi hỏi các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trên. Hành vi này có thể bị xử lý về một hoặc nhiều tội danh như: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, Mua bán hoặc Tàng trữ trái phép chất ma túy... Trong đó, chủ yếu là các tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Về căn cứ pháp luật xử lý nhóm hành vi này được quy định tại Chương XX “Các tội phạm về ma túy” - Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện  hành và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ khi BLHS hiện hành có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2018) đến nay, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Từ năm 2020 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều có những văn bản giải đáp nghiệp vụ, hướng dẫn nhiều hành vi trong đó có hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.[1] Những văn bản này đều có sự thống nhất với nhau về cách xác định các dấu hiệu đặc trưng cấu thành từng tội danh cụ thể và thống nhất về đường lối xử lý đối với các chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh một số vướng mắc, bất cập về hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn xử lý nhóm tội phạm này.

Xét về hiệu lực pháp luật của văn bản hướng dẫn: So sánh các quy định tại các Điều 197, 198 BLHS năm 1999 (cũ) và Điều 255, 256 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (mới) hầu như không thay đổi, chỉ chỉnh sửa về thể thức, kỹ thuật cho phù hợp với tinh thần chung[2]. Riêng Điều 255 BLHS mới so với Điều 198 BLHS cũ có bổ sung thêm trường hợp loại trừ hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì không thuộc phạm vi xử lý của tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Theo Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020 quy định “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền”. Như vậy, BLHS mới chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS cũ, không phải thay thế, hủy bỏ hoàn toàn BLHS cũ nên các quy định không bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ và các văn bản hướng dẫn liên quan vẫn có hiệu lực thi hành. Từ khi BLHS mới có hiệu lực thi hành đến nay chưa có văn bản pháp luật nào sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” (Thông tư 17/2007) và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Liên ngành Trung ương sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007 nêu trên (Thông tư 08/2015). Do đó, những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 17/2007 và Thông tư 08/2015 chưa bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thì vẫn có hiệu lực thi hành.

Về giá trị hiệu lực của văn bản pháp luật thì Thông tư liên ngành sẽ có giá trị hiệu lực cao hơn Công văn.

Nghiên cứu nội dung các quy phạm pháp luật tại các BLHS và văn bản hướng dẫn thi hành chúng tôi thấy còn có một số nội dung mâu thuẫn về việc xử lý hành vi người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy có phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không? Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này như sau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì BLHS cũ không còn hiệu lực thi hành đã được sửa đổi, bổ sung bằng BLHS mới nên những văn bản hướng dẫn thi hành BLHS cũ cũng không còn hiệu lực. Các nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 17/2007, Thông tư 08/2015 đã hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, Điều 255 BLHS mới không quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy nên các nội dung giải đáp tại Công văn 02/2021 ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao[3](Công văn 02/2021) không mâu thuẫn với Điều 255 BLHS mới. Nên các nội dung giải đáp tại Công văn 02/2021 và các văn bản liên quan[4] không trái với các quy định của BLHS mới. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng đã thống nhất ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai tinh thần hướng dẫn tại Công văn 02/2021 nêu trên[5]. Theo đó, việc xử lý người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy không cần phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy[6] nữa.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: BLHS mới chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS cũ, không bãi bỏ, thay thế hoàn toàn nên các văn bản hướng dẫn BLHS cũ đối với các nội dung không bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế thì vẫn có hiệu lực thi hành nên tinh thần hướng dẫn tại Thông tư 17/2007, Thông tư 08/2015 vẫn được áp dụng để xử lý các tội phạm về ma túy quy định tại Chương XX BLHS mới. So sánh, đối chiếu các quy định tại Thông tư 17/2007, Thông tư 08/2015 với Công văn 02/2021 chúng tôi thấy có một số nội dung mâu thuẫn:

+ Thứ nhất, tại mục 6 Công văn 02/2021 hướng dẫn về hành vi Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy đã viện dẫn các quy định tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư 17/2007; Điều 3 Thông tư 08/2015 có nêu trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm thuộc quyền quản lý, sở hữu của mình để sử dụng trái phép chất ma túy. Do Thông tư 08/2015 đã bãi bỏ quy định tại Thông tư 17/2007 về nội dung này, nên hiện tại hành vi người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm thuộc quyền quản lý, sở hữu của mình để sử dụng trái phép chất ma túy, thì phạm tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hướng dẫn này phù hợp với các quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng tại mục 7 Công văn 02/2021 hướng dẫn về hành vi người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy thì lại phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nội dung này Thông tư 08/2015 không sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định tại Thông tư 17/2007. Do đó, cách hiểu về hiệu lực pháp luật của các Thông tư 17/2007, Thông tư 08/2015 tại các mục 6, 7 Công văn 02/2021 là mâu thuẫn nhau và gây nhiều quan điểm tranh luận khi xử lý nhóm tội danh này.

+ Thứ hai, tại mục 7 Công văn 02/2021 mâu thuẫn với các mục 7.3 Thông tư 17/2007, Điều 3 Thông tư 08/2015 về quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy. Như trên đã phân tích, xét về giá trị hiệu lực của văn bản pháp luật thì các nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 17/2007, Thông tư 08/2015 sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn mục 7 Công văn 02/2021.

Thông qua một số vụ án cụ thể đang xảy ra trên địa bàn thành phố cho thấy, có nhiều vụ án liên quan đến hành vi người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy. Nội dung của các văn bản trên sẽ quyết định việc xác định cấu thành tội phạm đối với hành vi người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy có phải là tội phạm hình sự hay không. Do vướng mắc, bất cập của những văn bản pháp luật trên sẽ dẫn đến tình trạng oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm nên chúng tôi kiến nghị đến liên ngành Trung ương sớm có văn bản pháp luật chính thức hướng dẫn vấn đề này. Đồng thời, trước thực trạng tội phạm Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra nhiều, phổ biến trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước, để ngăn chặn tình trạng này và cũng để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung chúng tôi cũng đề xuất nội dung hướng dẫn theo tinh thần của Công văn 02/2021 và nội dung các văn bản của các Cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo thực hiện./.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Viện trưởng

Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên



[1]Công văn 89 ngày 30/6/2020 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có một số nội dung hướng dẫn về nhóm tội ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tại phần I - Hình sự - các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7); Giải đáp về những khó khăn vướng mắc - Kỷ yếu Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ngày 12/11/2020 trong đó có một số hướng dẫn về nhóm tội phạm ma túy (tại Phần I - Các tội phạm, mục 18, 19, 20); Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử (tại phần I - Hình sự - các mục 6, 7).

[2]Bộ luật Hình sự năm 1999; Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 – NXB Chính trị Quốc gia.

[3]Công văn 02/2021 ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử (tại phần I - Hình sự - các mục 7);

[4] Công văn 89 ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có một số nội dung hướng dẫn về nhóm tội ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tại phần I - Hình sự - các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7); Giải đáp về những khó khăn vướng mắc - Kỷ yếu Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ngày 12/11/2020của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong đó có một số hướng dẫn về nhóm tội phạm ma túy (tại Phần I - Các tội phạm, mục 18, 19, 20); Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án về tội phạm ma túy năm 2019-2020 của Văn Phòng và Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao (phần II  - Giải đáp vướng mắc trong giải quyết các vụ án về tội phạm ma túy); Công văn 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 Giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015 và thi hành án hình sự (Phần I - mục 16);

[5]Công văn số 526/VKS-P1 ngày 17/8/2021 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng thống nhất với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng về việc xử lý một số tội phạm ma túy; Công văn số 801/CQCSĐT-PC04 (Đ3) ngày 31/8/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng hướng dẫn về việc xử lý đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy;

[6]Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác đinh tình trạng nghiện ma túy (Điều 3);