Hình ảnh nhà văn hóa tỉnh đồng nai năm 2024

Trong quá trình tìm lại tư liệu vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, chúng tôi đã gặp lại những trang sách của tuổi ấu thơ. Đó là một dòng sông chở đầy tri thức, mà những người gắn bó máu thịt với vùng đất này để lại cho đời.

Hình ảnh nhà văn hóa tỉnh đồng nai năm 2024
Một số sách về Biên Hòa - Đồng Nai

Nguồn dưỡng chất quý giá

Khi tôi bắt đầu đi học, biết mặt con chữ, cha tôi mang về quyển truyện thiếu nhi Tướng Lâm Kỳ Đạt in trên giấy đen, sờn rách cũ kỹ. Nhưng đó là cả một thế giới kỳ thú tuyệt vời, tôi được làm quen với không khí đời sống Nam bộ ngọt lành thiên nhiên, cây trái và với những nhân vật cực kỳ đáng yêu như Lâm Kỳ Đạt, Việt quân sư, Bảy cối xay, Mặt dài, Lý Xích Hoài, Huỳnh Thăng… Câu chuyện “phá án”, đánh Tây, che giấu Việt Minh, bảo vệ xóm làng qua hành động của trẻ thơ hấp dẫn và trong sáng biết mấy.

Sau này, tôi mới biết đó là tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn, khi được tiếp cận với một số cuốn sách khác của ông. Vũ trụ cũng là cuốn sách gây ấn tượng mạnh cho tôi, trong đó nhà văn Hoàng Văn Bổn khắc họa khá nhiều chân dung người nghệ sĩ lớn của đất nước và có bài viết về các thế hệ sáng tác ở Đồng Nai.

Trong những năm thập niên 1990, Thư viện Đồng Nai và NXB Đồng Nai còn nằm trên đường Nguyễn Trãi, gần bờ sông Đồng Nai. Những cô cậu học sinh mới lớn tha hồ thả hồn bên trang sách, trong không gian lộng gió và nhìn về hướng cầu Ghềnh, nơi tương truyền có bãi tắm ngựa ngày xưa... Chúng tôi còn được cô giáo Trần Châu Thưởng khuyến khích đọc những cuốn sách như: Đồng Nai - di tích lịch sử, Người Đồng Nai, Lịch sử Chiến khu Đ, Ca dao tục ngữ Đồng Nai - Đông Nam bộ, Rừng thẳm sông dài…

Thật xúc động khi bắt gặp con mình ngồi ngắm nghía những hình ảnh Biên Hòa - Đồng Nai hàng trăm năm trước, nghe chúng nói, nhận xét về những điều mình đã từng được nghe, được học. Qua đó, chúng tôi nhận thấy niềm tự tin và tự hào của con mình nói về vùng đất mình đang lớn lên…

Đó là thời bọn học trò đọc sách rồi ghi chép, mà chưa hề có ý thức kết nối giữa trang sách và hiện thực. Một vài chục năm sau, khi cầm trên tay cuốn sách Biên Hòa xưa (do Thành ủy Biên Hòa và NXB Đồng Nai thực hiện năm 2012); hoặc tập sách ảnh Hình ảnh tỉnh Biên Hòa xưa (do Hội Khoa học lịch sử tỉnh và NXB Đồng Nai thực hiện năm 2018), chúng tôi mới bồi hồi nhớ đến những bài học, những tác phẩm được nghe từ thuở nhỏ. Để hiểu rằng những nhà văn hóa, giáo dục Đồng Nai đã đưa văn hóa địa phương vào nhà trường từ rất sớm và đã chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ từ khi họ còn… rất trẻ.

Những quyển sách đã dần mang đến diện mạo hoàn chỉnh về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và cả một không gian văn hóa Nam bộ rộng lớn qua nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, khảo cổ, lịch sử cho đến sáng tác… Những quyển sách hấp dẫn và quyến rũ, dù đã được đọc trong một khoảng thời gian lâu trước đó, nhưng đến nay đọc lại, chúng tôi vẫn cảm thấy thích thú như thể tất cả còn sống động với thời gian. Chúng tôi đã nhiều lần được tham dự các buổi ra mắt sách của NXB Đồng Nai, của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Đồng Nai, gặp gỡ những nhà viết sách (chuyên nghiệp và không chuyên)... Những câu chuyện được viết ra và nhiệt huyết của những người viết sách như được truyền tới người đọc bằng sự say mê và một năng lượng tích cực đến kỳ diệu. Đến nay, từ bộ sách Gia Định thành thông chí, đến các tập sách về văn hóa các dân tộc bản địa Đồng Nai (Mạ, Cơho, Chơro, S’tiêng), cho đến những công trình chuyên sâu về Thành cổ Biên Hòa, Mộ cự thạch Hàng Gòn, các làng nghề, những tộc người… đã trở thành những người bạn không thể thiếu của các gia đình. Không chỉ chúng tôi (đã trở thành phụ huynh), mà các con chúng tôi cũng thường tra cứu, tìm hiểu trong những tập sách cũ để giải mã những vấn đề văn hóa, đời sống, nghi thức, tập quán… hoặc để làm bài tập, viết bài thu hoạch…

Nguồn cảm hứng bất tận

Cùng với sự phát triển của thời đại, những quyển sách nay được xuất bản đẹp hơn, sang trọng hơn. Sách còn được thực hiện dưới nhiều dạng thức (multimedia), đến với bạn đọc bằng nhiều phương tiện khác nhau. Song sức sống của sách dường như không phụ thuộc vào hình thức, mà được quyết định bằng tinh thần, bằng tình yêu của người viết và sự tiếp nhận của người đọc.

Vào tuổi trung niên và đã đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, chúng tôi ngộ ra rằng khó có điều gì giúp gắn kết con người bằng những trang viết, bằng cảm xúc và cái đẹp của văn học nghệ thuật. Sách đã giúp chúng tôi tiếp cận và hiểu biết về con người, mảnh đất quê hương khá sâu sắc, toàn diện; nên chúng tôi tin rằng sách sẽ giúp con chúng tôi hiểu cha mẹ mình, hiểu về quá khứ, hiểu cuộc sống xung quanh, tự biết mình là ai và tự hào vì vốn liếng di sản tinh thần mình có.

Những trang sách, những công trình viết về mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai thực sự đã tạo dựng được một nền tảng cơ bản cho người Đồng Nai. Mà điều đó chỉ có những người am hiểu và gắn bó máu thịt với Đồng Nai mới làm được (có lẽ đó cũng là quy luật chung để xây dựng con người Việt Nam mọi thời đại). Nhà văn Hoàng Văn Bổn từng viết về điều này trong sử thi Nước mắt giã biệt: “Nghe kỹ đi anh. Phải hàng trăm, hàng nghìn năm, phải có hàng trăm, hàng nghìn đời con gái bị lừa dối, phụ bạc, đau khổ… Con sông Đồng Nai mới hát được câu hát ấy, anh ơi…”.

Chúng tôi biết ơn những nhà nghiên cứu về văn hóa Đồng Nai, đặc biệt là những người đặt những nền móng đầu tiên bằng tinh thần khai phá, tìm tòi, hy sinh đến quên mình, cùng những người đã dịch, chú giải, hiệu đính, chỉnh lý những công trình, tài liệu đầu tiên để người đi sau tìm được hướng đi (như nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng, Đỗ Bá Nghiệp, PGS-TS Huỳnh Văn Tới, ThS Trần Quang Toại…). Những người suốt đời miệt mài vì những công trình khảo cứu, giải mã những hiện tượng, những sự kiện văn hóa, lịch sử qua hàng trăm năm; và những người dấn thân đến với những vấn đề cấp thiết, mới mẻ không quản khó khăn, vất vả và trở ngại (như các nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, TS Nguyễn Thị Nguyệt, ThS Phan Đình Dũng, Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Lê Ngọc Quốc, nhạc sĩ Trần Viết Bính, kỹ sư Lê Tùng Hiếu, nghệ nhân Cao Văn Vĩnh… và rất nhiều người đã chung tay vì sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà). Hiện nay, NXB Đồng Nai vẫn đang tiếp tục công việc này, hàng năm đều thực hiện thêm những quyển sách mới có giá trị, góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hóa, lịch sử Đồng Nai.

Mảng sách sáng tác cũng là một kho báu tinh thần, nhất là đối với sinh viên, học sinh, người đọc trẻ tuổi. Những quyển sách văn học đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, khơi dậy tình yêu văn chương nói riêng, tình yêu cuộc sống, con người nói chung. Những trang viết của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, của nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… đã mang đến một phong vị mang chất Đồng Nai riêng trên văn đàn cả nước và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đồng Nai luôn mang đến những cảm xúc và tư duy mới mẻ cho con người, như những câu thơ của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ - “Thi tướng của dân gian” (từ dùng của PGS-TS Huỳnh Văn Tới):

“Có một nguồn sông

Chán cảnh đời ao tù núi rừng Đà Lạt,

Thèm khát bể khơi, mơ đời ghềnh thác

Tràn vào Nam cuộn cả bóng trăng sao.

Người gặp sông, ngụm nước mát ngọt ngào,

Kết bè nứa xuôi dòng say nắng sáng.

Đây trời xanh nhởn nhơ đàn cò trắng,

Đây đồng tranh ngơ ngẩn đám nai vàng.

Bờ hoang vu hạ trại một chiều sương…”

(Lịch sử Đồng Nai)

Hòa mình vào dòng chảy ngọt ngào của những trang sách Đồng Nai, chúng ta được làm giàu thêm bởi những giá trị văn hóa, cùng những ước mơ, khát vọng. Đó là vốn sống dồi dào, là hành trang giúp người Đồng Nai tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập và phát triển. Đó cũng là nguồn cảm hứng vô tận đối với người sáng tác, khi họ muốn tìm hiểu và viết tiếp câu chuyện tươi đẹp, kỳ vĩ của mảnh đất Đồng Nai - là “điểm đến” hội tụ và lan tỏa (như lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vào ngày 24-10-2023).

Tin ở kho tàng hiện có, ở những vốn quý, những ý tưởng còn tiềm tàng trong trái tim và khối óc của những người nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sĩ Đồng Nai, chúng tôi luôn mơ mộng và chờ đợi. Cần lắm những bước tiến mới trong nghiên cứu, sáng tác để có những công trình, những tác phẩm mới mang tầm vóc con người Đồng Nai thời đại mới.