Hoạt động quốc tế hóa và toàn cầu hóa năm 2024

Bài viết nghiên cứu các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa hệ thống giáo dục đại học hiện đại của Mỹ và vai trò điều tiết của nhà nước đối với các quá trình này. Bài viết cũng xác định những nguyên nhân và phương hướng cơ bản của quốc tế hóa hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Bài viết đặc biệt chú ý đến các vấn đề đa văn hóa trong giáo dục và thực tiễn công tác sinh viên quốc tế, ảnh hưởng của chính sách nhà nước đối với tính cơ động quốc tế của Hoa Kỳ với tư cách là nước lãnh đạo thế giới. Bài viết phân tích những triển vọng phát triển quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục trên quy mô toàn thế giới, các vấn đề tương quan của các hệ thống giáo dục quốc gia và toàn cầu.

Hệ thống giáo dục đại học hiện đại của Hoa Kỳ là một trong những hệ thống hiệu quả và năng động nhất trên thế giới. Các trường đại học của Mỹ luôn đứng đầu các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới trong nhiều năm liền. Là thủ lĩnh trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ chắc chắn ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của các quá trình giáo dục trên toàn hành tinh.

Một trong những ưu việt của hệ thống giáo dục đại học Mỹ là khả năng thích ứng cao. Với sự hỗ trợ của nhà nước, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ luôn phản ứng nhanh với tất cả những thách thức hiện tại và tương lai và tích cực ứng dụng những đổi mới có triển vọng vào quá trình giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nét đặc thù của hệ thống giáo dục này là sự phân quyền có tính lịch sử của nó – chức năng quản lý được giao cho chính quyền các bang, còn các trường đại học có quyền tự chủ rộng rãi, điều mà chính quyền Hoa Kỳ ở tất cả các cấp luôn nhấn mạnh. Mặc dù vậy, hoạt động của tất cả các trường đại học Hoa Kỳ đều nhằm thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, thống nhất do nhà nước đề ra và hỗ trợ. Quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học với tính cách là những xu hướng cấp thời của nền giáo dục hiện đại, tất yếu là đối tượng của chính sách có định hướng của nhà nước nhằm đạt được một loạt mục tiêu kinh tế và địa chính trị. Việtc phát triển các quá trình toàn cầu trong giáo dục ở giai đoạn lịch sử hiện nay đi đối với sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của các trường đại học Mỹ với tư cách là những tác nhân quan trọng trong nền chính trị toàn thế giới.

Trong khoa học hiện đại có sự hiện diện của những vấn đề cụ thể gắn liền với việc phân biệt rõ ràng ý nghĩa của các thuật ngữ “quốc tế hóa” và “toàn cầu hóa”. Quốc tế hóa giáo dục là quá trình tăng cường thành phần quốc tế trong quá trình giáo dục. Quốc tế hóa diễn ra ở hai cấp độ: bên trong (tính cơ động của sinh viên và học thuật, hợp tác khoa học) và bên ngoài (giáo dục xuyên biên giới). Cả hai cấp độ đều nhằm đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, nhưng ở một giai đoạn nhất định của quốc tế hóa bên ngoài, nó bắt đầu chuyển thành toàn cầu hóa – quá trình tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng, hướng tới tiêu chuẩn hóa thế giới. Do đó, một số nhà khoa học đã tiến hành phân biệt các khái niệm quốc tế hóa và toàn cầu hóa. Nhưng nếu quốc tế hóa được đa số các nhà nghiên cứu đánh giá là quá trình cần thiết và nhìn chung là tích cực, thì thái độ đối với toàn cầu hóa khá mơ hồ do những rủi ro mà quá trình này có thể gây ra đối với các hệ thống giáo dục quốc dân.

Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa mà bài viết này đề cập bao trùm hệ thống giáo dục Hoa Kỳ muộn hơn so với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị và văn hóa. Các trường đại học của Hoa Kỳ, cũng như của tất cả các nước khác, ban đầu được xây dựng để giáo dục công dân Mỹ và phục vụ thị trường nội địa. Trong nửa đầu thế kỷ XX, đa số sinh viên và giảng viên các trường đại học là đàn ông – người Anglo-Saxon và Tin Lành. Việc chọn các trường đại học phụ thuộc trước tiên vào giai cấp, dân tộc và tôn giáo của các sinh viên tương lai. Ở mức độ nhất định, sự phụ thuộc này được duy trì cho đến ngày nay. Chi phí giáo dục cao khi theo các trường đại học của Hoa Kỳ hạn chế một bộ phận đáng kể công dân Mỹ không có thu nhập cao tiếp cận với nó. Kết quả các cuộc trắc nghiệm quốc tế cho thấy năng lực của học sinh và sinh viên Mỹ về một bộ môn học cơ bản là còn thấp. Mặc dù vậy, đối với Hoa Kỳ, thu hút sinh viên quốc vẫn là ưu tiên của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, Hoa Kỳ chiếm vị trí số một trên thế giới về số lượng sinh viên quốc tế và số lượng này tăng lên theo từng năm.

Trên lộ trình tiến tới tầm uy tín quốc tế hiện đại, hệ thống giáo dục Mỹ đã có những tiến triển nhất định. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã trở thành một trong hai siêu cường và điều này đặt ra trước nước này một loạt nhiệm vụ địa chính trị mới. Sự bành trướng về kinh tế và văn hóa diễn ra trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt với Liên Xô đã kích thích nhu cầu rèn luyện những năng lực xuyên văn hóa mới ở sinh viên Mỹ. Năm 1946, Văn phòng Các vấn đề Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện chương trình Fulbright về tổ chức và cấp kinh phí cho giao lưu quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, chương trình do Thượng nghị sĩ J. Fulbirght khởi xướng vẫn là dự án có quy mô lớn nhất về cung cấp học bổng cho sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế có năng lực.

Các trao đổi học thuật và khoa học đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lực “bành trướng mềm” của Hoa Kỳ. Bắt đầu từ những năm 1950, Quỹ Ford, Hội đồng Nghiên cứu Xã hội và nhiều tổ chức khác quản lý các chương trình trao đổi ở 111 trường đại học Mỹ đã tham gia sáng kiến này của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhà tư tưởng của khái niệm “sức mạnh mềm” J. Nye chỉ rõ, nhiệm vụ chính của trao đổi quốc tế là cộng tác với giới elite quốc gia (nhà báo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhạc sĩ) – những người truyền bá chủ yếu những thay đổi về văn hóa và chính trị trên đất nước họ. Tác động của việc du học Hoa Kỳ có thể diễn ra dần dần, song Mỹ “chơi trò chơi dài hạn”. Ví dụ rõ ràng nhất về hiệu quả địa chính trị của trao đổi quốc tế là kết quả đào tạo “nhà tư tưởng cải tổ” tương lai A.N. Jakovlev ở Đại học Columbia mà sau nhiều năm vẫn có những ảnh hưởng quyết định đến sự chuyển đổi quan điểm của M.S. Gorbachev sang chủ nghĩa tự do. Các chuyến đi Hoa Kỳ của các đại diện giới elite dân tộc đã được O. Kalugin, người từng tham gia các chuyến đi đó so sánh với tặng phẩm “Con ngựa thành Troy”. Chỉ trong thời gian thực hiện các chương trình trao đổi quốc tế, Hoa Kỳ đã tiếp nhận hơn một triệu người nước ngoài, nhiều người trong số đó đã đoạt giải thưởng Nobel và trở thành những người đứng đầu nhà nước và chính phủ.

Những nhiệm vụ của trao đổi quốc tế đối với sinh viên Mỹ là hình thành kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và khả năng thích ứng nhanh trong môi trường mới, xây dựng các mối quan hệ và làm quen với thị trường quốc tế. Việc nắm được những kỹ năng này phải giúp cho những người trẻ tuổi của các siêu cường riêng biệt kinh doanh hiệu quả và mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở các nơi khác nhau trên trái đất.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm 60 của thế kỷ XX đòi hỏi một số lượng lớn cán bộ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ nền kinh tế hậu công nghiệp, chính vì vậy cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước đối với giáo dục đại học. Các quá trình dân chủ hóa xã hội góp phần làm tăng thu nhập của người dân và tăng chi tiêu xã hội của nhà nước, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tính phổ biến của giáo dục đại học mà vốn dĩ đang ngày càng lan tỏa. Các phong trào xã hội mới những năm 1960 dẫn đến sự biến đổi đáng kể trong xã hội Mỹ, đã trở thành chất xúc tác cho các cuộc phản kháng xã hội quy mô lớn. Xóa bỏ chính sách phân biệt chủng tộc, giải phóng phụ nữ và các làn sóng di cư lớn từ tất cả các châu lục đã dần làm thay đổi thành phần dân tộc, giới tính của sinh viên và giản viên các trường đại học.

Đập lại những thách thức xã hội mới, Mỹ đang dần mở cửa hệ thống giáo dục đối với đại diện các dân tộc thiểu số của Mỹ và một lượng lớn sinh viên quốc tế. Một giai đoạn quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục là hình thành và truyền bá hệ tư tưởng đa văn hóa. Mặc dù các yếu tố riêng lẻ của tự do hóa đã thâm nhập vào hệ thống giáo dục từ giữa những năm 1950, nhưng khái niệm giáo dục đa văn hóa của nhà nước chỉ ra đời trong những năm 60 – 70 khi xuất hiện sự cần thiết khách quan về hình thành tính đồng nhất mới của Mỹ. Trong suốt nửa sau thế kỷ XX, chính sách giáo dục đa văn hóa của nhà nước thể hiện qua việc xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp ở tất cả các cấp: liên bang, khu vực và thành phố. Chủ nghĩa đa văn hóa giáo dục cũng thể hiện ở việc từ bỏ cách tiếp cận hết sức Âu trung luận và đưa vào chương trình học tập các thành tố văn hóa dân tộc thể hiện văn hóa của các nhóm thiểu số dân tộc và xã hội. Các cải cách giáo dục đại học mang tính đa văn hóa cần phải trở thành sự đền bù độc đáo cho những thiệt hại mà đại diện của cái gọi là “các nền văn hóa bị kìm nén” phải chịu trong thời kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Từ những năm 1960, nhà nước đã bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích tài chính đối với các trường đại học có chỉ tiêu dành cho sinh viên các dân tộc ít người. Từ thời điểm đó, các trường đại học công cũng như tư đều phải hết sức nỗ lực nhằm thu hút những người trẻ tuổi từ các dân tộc thiểu số vào đội ngũ sinh viên của mình. Dần dà, sáng kiến này được gọi là “phân biệt đối xử tích cực”. Do thiếu sinh viên dân tộc và thiểu số có khả năng cạnh tranh đã dẫn đến việc lấy vào đại học cả nhữn gngười không vượt qua được kỳ thi tuyển thực sự và thường thì họ buộc phải rời khỏi trường sau kỳ học đầu tiên.