Kinh tế học tập trung nghiên cứu và giải quyết vấn đề gì

Vì nguồn lực khan hiếm, mọi quyết định lựa chọn trong sản xuất và tiêu dùng của các tác nhân kinh tế đều phải đảm bảo sử dụng đầy đủ và hiệu quả nguồn lực. Để sử dụng nguồn lực hiệu quả, các quyết định lựa chọn phải trả lời tốt ba câu hỏi nền tảng được gọi là ba vấn đề cơ bản của kinh tế học, đó là:

Sản xuất cái gì?

Sản xuất như thế nào?

Sản xuất cho ai?

1. Sản xuất cái gì?

Sản xuất cái gì là vấn đề cơ bản đầu tiên cần phải trả lời. Vì nguồn lực khan hiếm nên không thể dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội. Trong khả năng hiện có, xã hội phải lựa chọn để sản xuất một số loại hàng hóa nhất định. Việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ gì nên được ưu tiên sản xuất sẽ được căn cứ vào nhiều yếu tố, ví dụ như cầu của thị trường, khả năng về các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, tình hình cạnh tranh, giá cả trên thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả sẽ là tín hiệu trực tiếp nhất giúp người sản xuất quyết định sản xuất cái gì.

Vấn đề này có thể được hiểu như là: "sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất?". Trong nền kinh tế thị trường, sự tương tác giữa người mua và người bán vì lợi ích cá nhân sẽ xác định sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất. Nhà kinh tế học Adam Smith trong tác phẩm "The wealth of nations" đã cho rằng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sẽ đem lại lợi ích cho xã hội.

Sự cạnh tranh làm cho các nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Trong việc tìm kiếm lợi nhuận, nhà cung cấp cố gắng cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao hơn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này có thể giải thích tại sao người tiêu dụng có "quyền tối thượng" xác định những sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được sản xuất. Một số nhà kinh tế, chẳng hạn như John Kenneth Galbraith cũng đề cập đến vấn đề này và cho rằng các hoạt động tiếp thị của các công ty lớn có thể ảnh hưởng đáng kể đến cầu tiêu dùng trong ngắn hạn. Hầu hết, các nhà Kinh tế đều thống nhất rằng mặc dầu các biện pháp tiếp thị có thể ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng mới chình là người quyết định sản phẩm và dịch vụ nào sẽ được mua.

Nếu vì lý do nào đó, người tiêu dùng  mong muốn tiêu dùng sản phẩm nhiều hơn, điều này sẽ làm tăng cầu. Trong ngắn hạn, sự gia tăng cầu có thể làm tăng giá cả, lượng sản xuất cũng tăng lên và lợi nhuận của các công ty trong ngành cũng cao hơn. Lợi nhuận cao trong ngành sẽ hấp dẫn các công ty mới gia nhập thị trường trong dài hạn và vì vậy cung thị trường sẽ tăng lên. Sự tăng cung sẽ làm cho giá cả hàng hóa giảm xuống trong khi đó lượng bán vẫn tiếp tục tăng lên. Lợi nhuận trong ngắn hạn do sự gia tăng cầu trong ngắn hạn dần dần sẽ bị mất đi khi giá giảm xuống. Điều này có thể giải thích sự phù hợp với khái niệm quyền tối thượng của người tiêu dùng.

2. Sản xuất như thế nào?

Sau khi quyết định được loại hàng hóa, dịch vụ gì nên được sản xuất, xã hội phải trả lời câu hỏi quan trọng thứ hai là "Sản xuất như thế nào?", tức là tìm ra phương pháp, công nghệ thích hợp cho sản xuất, và sự kết hợp hợp lý và hiệu quả giữa các nguồn lực đầu vào để sản xuất ra hàng hóa được lựa chọn. Đồng thời, giải quyết vấn đề "Sản xuất như thế nào?" cũng chính là tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau: hàng hóa đó nên sản xuất ở đâu? sản xuất bao nhiêu? khi nào thì sản xuất và cung cấp? tổ chức và quản lý các khâu từ lựa chọn đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm ra sao?\

Vấn đề thứ hai này có thể phát biểu một cách hoàn chỉnh như là: "Sản phẩm và dịch vụ được sản xuất bằng cách nào?". Vấn đề này liên quan đến việc xác định những nguồn lục nào được sử dụng và phương pháp để sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn để sản xuất ra điện, các quốc gia có thể xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp sản xuất nào còn phải xem xét trên nhiều khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn lực và trình độ khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia.

Trong nền kinh tế thị trường, các nhà sản xuất vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ phải tìm kiếm các nguồn lực có chi phí thấp nhất có thể (giả định với số lượng và chất lượng sản phẩm không thay đổi). Các phương pháp và kỹ thuật sản xuất mới chỉ có thể được chấp nhận khi chúng làm giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, các nhà cung cấp nguồn lực sản xuất sẽ cung cấp nguồn lực đem lại cho họ các giá trị cao nhất. Một lần nữa, "bàn tay vô hình" theo thuyết Adam Smith dẫn dắt cách thức phân phối nguồn lực đem lại giá trị sử dụng cao nhất.

Để có thể lý giải tại sao một quốc gia lựa chọn tập trung sản xuất một số hàng hóa và trao đổi với các quốc gia khác. Vấn đề ở đây liên quan đến việc xem xét chi phí cơ hội và bằng cách so sánh chi phí tương đối trong việc sản xuất các hàng hóa, các quốc gia sẽ sản xuất và trao đổi hàng hóa trên cơ sở chi phí cơ hội thấp nhất.

3. Sản xuất cho ai?

Sau khi xác định được loại hàng hóa, dịch vụ nào nên được sản xuất, và phương pháp sản xuất các loại sản phẩm đó, xã hội còn phải giải quyết vấn đề cơ bản thứ ba là "Sản xuất cho ai?". Câu hỏi này liên quan đến việc lựa chọn phương pháp phân phối các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được sản xuất ra tới tay người tiêu dùng như thế nào. Tất nhiên, vì nguồn lực là khan hiếm, sẽ có cạnh tranh trong tiêu dùng và trên thị trường tự do cạnh tranh thì sản phẩm thuộc về người có khả năng thanh toán cho việc mua sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được chính phủ xem xét và điều tiết thông qua các chính sách về thuế, giá cả và trợ cấp, nhằm đảm bảo cho cả những người nghèo, khó khăn, có thu nhập thấp cũng được hưởng những thành quả từ nguồn lực của xã hội.

Vấn đề thứ ba này phải giải quyết đó là, " Ai sẽ nhận sản phẩm và dịch vụ?". Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập và giá cả xác định ai sẽ nhận sản phẩm và dịch vụ cung cấp. Điều này được xác định thông qua tương tác của người mua bán trên thị trường sản phẩm và thị trường nguồn lực.

Thu nhập chính là nguồn tạo ra năng lực mua sắm của các cá nhân và phân phối thu nhập được xác định thông qua: tiền lương, tiền lãi, tiền cho thuê và lợi nhuận trên thị trường nguồn lục sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, những ai có nguồn tài nguyên, lao động, vốn và kỹ năng quản lý cao hơn sẽ nhận thu nhập cao hơn. Với thu nhập này, các cá nhân đưa ra quyết định loại và số lượng sản phẩm sẽ mua trên thị trường sản phẩm và giá cả định hướng cách thức phân bổ nguồn lực cho những ai mong muốn trả với mức giá thị trường.

Resources:  http://ngaothiduong.forum-viet.net/t635-topic

Kinh tế học (tiếng Anh: Economics) là môn khoa học nghiên cứu cách thức mà cá nhân và xã hội lựa chọn việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào.

Kinh tế học tập trung nghiên cứu và giải quyết vấn đề gì

Hình minh hoạ (Nguồn: streetfins)

Khái niệm

Kinh tế học trong tiếng Anh được gọi là economics.

Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức mà cá nhân và xã hội lựa chọn việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào. 

Kinh tế học là môn khoa học xã hội nghiên cứu sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ.

Vấn đề cốt lõi

Các nhà kinh tế học thống nhất vấn đề cốt lõi trong kinh tế học là vấn đề khan hiếm.

Sở dĩ có thể nói như vậy là vì bất kì một chủ thể nào trong nền kinh tế, Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân hay nhìn chung toàn bộ nền kinh tế cũng phải đối mặt với sự khan hiếm. Cụ thể là:

- Đối với cá nhân, khan hiếm thể hiện ở tiền bạc, mong muốn nhiều nhưng tiền (thu nhập) có giới hạn. Hay khan hiếm thời gian (1 ngày chỉ có 24 giờ), muốn làm nhiều việc nhưng thời gian có hạn, và mỗi người đều phải dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động của mình.

- Đối với doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy sự khan hiếm về vốn, thiếu tiền để lao động giỏi, máy móc, trang thiết bị. Hay khan hiếm lao động đặc biệt là lao động có chất lượng cao.

- Đối với một nền kinh tế dù là cường quốc hay các nước nghèo cũng phải đối mặt với khan hiếm.

Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu kinh tế học nhằm mục đích giải thích cách thức các nền kinh tế vận động và các tác nhân kinh tế tương tác với nhau. 

Các nguyên tắc kinh tế được ứng dụng trong đời sống xã hội, trong thương mại, tài chính và hành chính công, thậm chí là trong ngành tội phạm học, giáo dục, xã hội học, luật học và nhiều ngành khoa học khác. 

Phân loại

Kinh tế học cũng như các môn khoa học khác, nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau. Kinh tế học được phân chia thành hai bộ phận chủ yếu là kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. 

- Kinh tế học vi mô là một bộ phận của kinh tế học chuyên nghiên cứu và phân tích các hành vi kinh tế của các tác nhân trong nền kinh tế: người tiêu dùng, các hãng sản xuất kinh doanh và Chính phủ. 

Kinh tế học vi mô chuyên nghiên cứu hành vi kinh tế của các cá nhân, những nhóm đơn lẻ cấu thành nên nền kinh tế.

- Kinh tế vĩ mô là một bộ phận của kinh tế học nghiên cứu các vấn đề kinh tế tổng hợp của một nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, các chính sách kinh tế vĩ mô...

Kinh tế vĩ mô coi toàn bộ nền kinh tế như một tổng thể và nó nghiên cứu các vấn đề tổng hợp của một nền kinh tế. 

Nếu coi nền kinh tế như một bức tranh, kinh tế vĩ mô sẽ nghiên cứu tổng thể toàn bức tranh. Kinh tế vi mô nghiên cứu từng họa tiết, từng chi tiết cấu thành nên bức tranh đó.

Mặc dù có sự khác biệt, nhưng kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có mối quan hệ mật thiết với nhau. 

Chúng ta sẽ không thể hiểu được các hiện tượng kinh tế vĩ mô nếu không xem xét các quyết định kinh tế vi mô, vì những thay đổi trong toàn bộ nền kinh tế phát sinh từ các quyết định của hàng triệu cá nhân.

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về kinh tế học và kinh tế học vi mô, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi