Các phương pháp nghiên cứu tâm lý kinh doanh

2. Phương pháp nghiên cứu tâm lý

Khoa học tâm lý sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu để nghiên cứu các hiện tượng tâm lý như quan sát, điều tra bằng phiếu hỏi, thực nghiệm, nghiên cứu các sản phẩm hoạt động, trắc nghiệm...

Mục lục

  • 1 2.1. Phương pháp quan sát
  • 2 2.3. Phương pháp thực nghiệm
  • 3 2.4. Phương pháp trắc nghiệm (Test)
    • 3.1 Ưu điểm cơ bản của trắc nghiệm:
    • 3.2 Mặt hạn chế của trắc nghiệm là:
  • 4 2.5. Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động
  • 5 2.6. Phương pháp đàm thoại (phỏng vấn)
  • 6 Tác phẩm, tác giả, nguồn

2.1. Phương pháp quan sát

Quan sát là một loại tri giác có chủ định dùng các phân tích quan mà chủ yếu là phân tích qua thị giác để thu thập các thông tin cần thiết nhằm xác định hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Ví dụ: Nghiên cứu hứng thú học tập của học sinh thông qua quan sát các biểu hiện bên ngoài: sự đúng giờ khi đi học, chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tính tích cực khi tham gia xây dựng bài, tiếp thu tri thức mới.... tiếp, quan sát gián tiếp, quan sát có tham dự và quan sát không tham dự...

Phương pháp quan sát cho phép nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trung thực, khách quan và nghiên cứu tâm lý trong trạng thái tồn tại tự nhiên của nó, đơn giản về thiết bị và ít tốn kém về kinh phí. Hạn chế của quan sát là ở chỗ: mang tính bị động cao, tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức.

Một số yêu cầu để quan sát có hiệu quả:

- Xác định rõ mục đích quan sát, đối tượng quan sát và đối tượng nghiên cứu.

- Lập kế hoạch quan sát một cách cụ thể và chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho việc quan sát.

- Lựa chọn hình thức quan sát cho phù hợp với hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu và hoàn cảnh nghiên cứu.

- Xác định hình thức ghi biên bản quan sát hợp lí và ghi chép tài liệu quan sát một cách khách quan, trung thực...

Điều tra bằng phiếu hỏi là phương pháp nghiên cứu sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến với một hệ thống câu hỏi đã được soạn sẵn nhằm thu thập những thông tin cần thiết về hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Nội dung chính của phiếu hỏi là các câu hỏi. Câu hỏi trong phiếu bao gồm có thể là câu hỏi đóng, loại câu hỏi có nhiều đáp án để lựa chọn và có thể là câu hỏi mở, không có đáp án lựa chọn mà cá nhân tự trả lời.

Điều tra bằng phiếu hỏi có ưu điểm là trong một thời gian ngắn cho phép thu thập thông tin nhanh của nhiều cá nhân trên một địa bàn rộng, mang tính chủ động cao. Hạn chế của phương pháp này là nhiều khi kết quả trả lời không đảm bảo tính khách quan, vì đánh giá hiện tượng tâm lý theo câu trả lời chủ quan của cá nhân người dễ xảy ra hiện tượng "Nghĩ một đằng, nói một nẻo"...

2.3. Phương pháp thực nghiệm

Thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu chủ động gây ra các hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu sau khi đã tạo ra các điều kiện cần thiết và loại trừ các yếu tố ngẫu nhiên.

Thực nghiệm gồm có nhiều loại bao gồm thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên.

Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm: là loại thực nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở điều kiện khống chế một cách nghiêm khắc các ảnh hưởng bên ngoài tác động đến hiện tượng tâm lý được nghiên cứu. Loại thực nghiệm này thường được sử dụng nhiều để nghiên cứu các quá trình tâm lý, ít dùng nghiên cứu các thuộc tính tâm lý người và đặc biệt mang tính chủ động cao hơn thực nghiệm tự nhiên.

Thực nghiệm tự nhiên: là loại thực nghiệm được tiến hành trong điều kiện bình thường của cuộc sống và hoạt động. Trong thực nghiệm tự nhiên có bao hàm cả quan sát. Nếu trong quan sát nhà nghiên cứu chỉ thay đổi các yếu tố riêng rẽ của hoàn cảnh thì trong thực nghiệm tự nhiên nhà nghiên cứu có thể chủ động gây ra hành vi biểu hiện và diễn biến của hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu bằng cách khống chế các nhân tố không cần thiết cho việc nghiên cứu, làm nổi bật các yếu tố cần thiết trong hoàn cảnh giúp cho việc khai thác, tìm hiểu hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu bằng thực nghiệm.

Thực nghiệm nghiên cứu tâm lý có thể bao gồm: thực nghiệm điều tra và thực nghiệm hình thành.

Thực nghiệm điều tra: nhằm dựng nên một bức tranh về thực trạng hiện tượng tâm lý được nghiên cứu ở một thời điểm cụ thể

Thực nghiệm hình thành: còn gọi là thực nghiệm giáo dục với mục đích khẳng định ảnh hưởng của tác động giáo dục đến sự hình thành, phát triển hiện tượng tâm lý nào đó ở con người.

Thực nghiệm hình thành thông thường gồm ba giai đoạn: đo thực trạng hiện tượng tâm lý trước thực nghiệm, thiết kế biện pháp tác động giáo dục mới và áp dụng vào trong thực tiễn. Sau một thời gian tác động đo lại sự biến đổi của hiện tượng tâm lý; Từ đó khẳng định vai trò, ảnh hưởng, mối quan hệ của biện pháp tác động giáo dục đó đến sự hình thành và phát triển hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Thực nghiệm nghiên cứu tâm lý dù là loại hình thực nghiệm nào cũng khó có thể khống chế hoàn toàn ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan của người bị thực nghiệm đặc biệt dễ bị căng thẳng tâm lý, thần kinh khi làm thực nghiệm. Vì vậy khi sử dụng thực nghiệm nghiên cứu tâm lý cần chú ý tạo ra trạng thái tự nhiên và có sự phối hợp giữa thực nghiệm với các phương pháp nghiên cứu khác

2.4. Phương pháp trắc nghiệm (Test)

Trắc nghiệm tâm lý là một công cụ đã được tiêu chuẩn hoá dùng để đo lường một cách khách quan một hay một số mặt tâm lý nhân cách thông quạ những mẫu câu trả lời bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ hoặc bằng các hành vi khác.

Các tiêu chuẩn của một trắc nghiệm tâm lý khác với các phương pháp nghiên cứu tâm lý khác là: Có độ tin cậy cao, nghĩa là kết quả đo bằng trắc nghiệm cùng một nghiệm thể, đối tượng ở nhiều lần đo khác nhau đều cho kết quả giống nhau. Có tính hiệu lực (ứng nghiệm) là trắc nghiệm phải đo được chính hiện tượng tâm lý cần đo, đúng với mục đích của trắc nghiệm. Tính tiêu chuẩn hoá - cách thức tiến hành, xử lí kết quả phải theo một tiêu chuẩn xác định và có quy chuẩn theo một nhóm chuẩn. Trắc nghiệm trọn bộ thường bao gồm bốn phần: văn bản trắc nghiệm, hướng dẫn quá trình tiến hành, hướng dẫn đánh giá, bản chuẩn hoá.

Trắc nghiệm tâm lý có nhiều loại như: trắc nghiệm trí tuệ Binê - Xmông, trắc nghiệm trí tuệ Raven... trắc nghiệm chuẩn đoán nhân cách Ayzen, Rôsát, Murây...

Ưu điểm cơ bản của trắc nghiệm:

- Tính chất ngắn gọn,

- Tính tiêu chuẩn hoá,

- Đơn giản về thiết bị và kĩ thuật,

- Định lượng được kết quả nghiên cứu.

Mặt hạn chế của trắc nghiệm là:

- Trắc nghiệm chỉ quan tâm đến kết quả thống kê cuối cùng, không chú ý đến quá trình dẫn đến kết quả.

- Khó soạn thảo một bộ trắc nghiệm đảm bảo tính tiêu chuẩn hoá.

- Không tính đến các nhân tố đa dạng có thể ảnh hưởng đến kết quả trắc nghiệm....

Trắc nghiệm tâm lý cần được sử dụng kết hợp với các Phương pháp nghiên cứu tâm lý khác để chuẩn đoán tâm lý nhân cách con người và chỉ được coi là công cụ chuẩn đoán tâm lý ở một thời điểm phát triển nhất định của con người.

2.5. Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động

Đó là phương pháp dựa vào sản phẩm (vật chất, tinh thần) của hoạt động do con người tạo ra để nghiên cứu đánh giá tâm lý con người như trí tuệ, tình cảm, tính cách... con người, bởi vì khi tạo ra các sản phẩm chủ thể (con người) đã gửi "mình" (tâm lý, nhân cách) vào sản phẩm. Khi tiến hành phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động cần chú ý xem xét trong mối liên hệ với thời gian, không gian của hoạt động và điều kiện tiến hành hoạt động.

2.6. Phương pháp đàm thoại (phỏng vấn)

Đàm thoại (phỏng vấn) là cách thức thu nhập thông tin về hiện tượng tâm lý được nghiên cứu dựa vào các nguồn thông tin thu thập được trong quá trình trò chuyện. Nguồn thông tin có thể bao gồm các câu trả lời và các yếu tố hành vi như cử chỉ, ngôn ngữ của người trả lời.

Phỏng vấn có thể bao gồm nhiều hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp, phỏng vấn cá nhân hoặc nhóm.

Muốn phỏng vấn thu được nhiều tài liệu tốt cần phải:

- Xác định rõ mục đích, yêu cầu vấn đề cần tìm hiểu,

- Tìm hiểu trước thông tin về đối tượng trò chuyện,

- Rất linh hoạt trong quá trình trò chuyện để thay đổi cách trò chuyện, dẫn dắt câu hỏi cho phù hợp với văn cảnh, hoàn cảnh nhằm đạt được mục đích của nhà nghiên cứu.

Ngoài các phương pháp nghiên cứu kể trên, trong khoa học tâm lý còn sử đụng nhiều các phương pháp nghiên cứu khác để nghiên cứu tâm lý người như phương pháp đo đạc xã hội học, phương pháp nghiên cứu tiểu sử cá nhân... Để đảm bảo độ tin cậy khoa học của kết quả nghiên cứu tâm lý cần: - Sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với hiện tượng tâm lý của con người cần nghiên cứu.

- Sử dụng phối hợp, đồng bộ các phương pháp khi nghiên cứu tâm lý con người.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Giáo trình Tâm lý học đại cương
  • Tác giả: Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên) - Nguyễn Quang Uẩn - Nguyễn Văn Thạc - Trần Quốc Thành - Hoàng Anh - Lê Thị Bừng - Vũ Kim Thanh - Nguyễn Kim Quý - Nguyễn Thị Huệ - Nguyễn Đức Sơn
  • Nguồn: Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm, 2007

Có thể bạn muốn xem

"Like" us to know more!
Knowledge is power
Lấy từ https://vi.kipkis.com/index.php?title=Phương_pháp_nghiên_cứu_tâm_lý&oldid=15430