Cách chữa mắt to mắt nhỏ ở trẻ sơ sinh

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Sụp mí ở trẻ sơ sinh và trẻ em chỉ tình trạng mí mắt trên thấp hơn bình thường, chỉ hơi rủ xuống hoặc che hoàn toàn tầm nhìn, tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Sụp mí mắt ở trẻ diễn ra khi mới sinh hoặc trong năm đầu tiên được gọi là chứng sụp mí bẩm sinh.

1. Tổng quan về sụp mí mắt ở trẻ em

Sụp mí ở trẻ sơ sinh là một tật bẩm sinh phổ biến nhất của mí mắt. Theo bác sĩ nhãn khoa thần kinh nhi, tất cả trẻ sơ sinh đều có một (vài) điểm không đối xứng trên khuôn mặt, bao gồm cả mí mắt, có thể là do ảnh hưởng từ khi còn nằm trong tử cung. Hầu hết những điểm bất thường nhỏ này sẽ tự điều chỉnh trong vài tháng đầu đời. Nhưng nếu thấy một mí mắt của trẻ bị xệ xuống đáng kể từ khi mới sinh và không cải thiện theo thời gian thì được xem là bệnh sụp mí mắt ở trẻ bẩm sinh.

Trong bệnh sụp mí mắt ở trẻ em bẩm sinh, các nếp nhăn ở mí mắt trên có thể xuất hiện không đối xứng từ khi bé mới chào đời. Theo thời gian, bạn sẽ thấy mí mắt trên ngày càng chảy xệ xuống. Trẻ em mắc bệnh sụp mí thường xuyên ngửa đầu ra sau để cố gắng nhìn, hoặc nhướng mày nhiều để cố nâng mi lên, đồng thời tăng tiết nước mắt. Sau nhiều năm, tư thế đầu bất thường của trẻ mắc bệnh có thể gây ra dị tật ở đầu và cổ.

Sụp mí mắt ở trẻ em có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mí, có thể che chắn một phần hoặc thậm chí hoàn toàn tầm nhìn của mắt bị ảnh hưởng. Tình trạng này thường xảy ra đồng thời với loạn thị do mí mắt nằm ở vị trí bất thường trên đỉnh giác mạc. Nếu không được điều trị, sụp mí mắt ở trẻ có thể dẫn đến giảm thị lực, đặc biệt nếu mí sụp xuống đến mức cản tầm nhìn.

2. Nguyên nhân gây sụp mí mắt ở trẻ em bẩm sinh

Cơ nâng mi giúp mí mắt của bạn được nâng lên. Trong bệnh sụp mí ở trẻ sơ sinh bẩm sinh, cơ nâng mi này không phát triển đúng cách, do đó không đủ sức mạnh để nâng mí trên. Các nhà nghiên cứu đang xác định nguyên nhân di truyền của bệnh sụp mí mắt ở trẻ bằng cách nghiên cứu một đại gia đình có đến 150 thành viên mắc phải tình trạng này từ khi mới sinh. Nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh sụp mí bẩm sinh đều không có nguyên nhân rõ ràng. Họ cho rằng đây chỉ đơn giản là một sự may rủi của tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cả hai mí mắt đều sụp xuống thì nguyên nhân có thể là do di truyền hoặc dây thần kinh.

Mí mắt bị sụp xuống cũng có thể xảy ra do các tình trạng khác, bao gồm:

  • Chấn thương khi sinh (do sử dụng kẹp)
  • Rối loạn chuyển động mắt
  • Các vấn đề về não và hệ thần kinh
  • Khối u ở mí mắt

Sụp mí mắt xảy ra muộn hơn (trẻ lớn) hoặc khi trưởng thành có thể do các nguyên nhân khác.

Một dạng sụp mí ở trẻ sơ sinh đặc biệt bất thường được gọi là Hội chứng Marcus Gunn. Trong đó, mí mắt chỉ hơi rũ xuống, nhưng khi trẻ nhai hoặc ngậm bình sữa, mí trên sẽ di chuyển lên và xuống hay còn gọi là nháy mắt. Hội chứng Marcus Gunn là do sự sai lệch bất thường của các tế bào thần kinh giữa hàm và mí mắt. May mắn là tình trạng này thường khá nhẹ và không cần phẫu thuật.

Bệnh sụp mí mắt ở trẻ em thường là dị tật bẩm sinh duy nhất ở một người, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng khác lớn hơn, đặc biệt nếu bé bị sụp mí ở cả hai mắt. Trẻ có thể cần làm xét nghiệm bổ sung để loại trừ các vấn đề lớn hơn như bất thường về chuyển động của mắt, bệnh về cơ, u mi mắt hoặc rối loạn thần kinh.

Cách chữa mắt to mắt nhỏ ở trẻ sơ sinh

Hội chứng Marcus Gunn gây sụp mí mắt ở trẻ em

3. Những phương pháp điều trị sụp mí mắt ở trẻ em

Sụp mí mắt ở trẻ bẩm sinh thường không tự khỏi và cũng không trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sụp mí đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và không cần điều trị, trừ khi gia đình muốn phẫu thuật để cải thiện thị lực cũng như vẻ ngoài thẩm mỹ cho trẻ. Sụp mí nhẹ thường không thấy rõ khi con bạn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, chỉ trở nên đáng chú ý hơn khi trẻ mệt mỏi.

Nếu tình trạng sụp mí nghiêm trọng đến mức làm cản trở tầm nhìn, con bạn có thể cần phải phẫu thuật khẩn cấp để phát triển thị lực bình thường. Quy trình này chỉ nên được thực hiện khi trẻ được ít nhất 3 tuổi. Lúc này, mí mắt đã to hơn một chút và dễ thực hiện hơn.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ thắt chặt cơ nâng mi. Nhưng nếu cơ cực kỳ yếu, bác sĩ cần treo mí mắt ngay dưới chân mày để cơ trán có thể thực hiện nâng mí. Nếu bệnh sụp mí ở trẻ sơ sinh cũng gây ra nhược thị hoặc loạn thị, bác sĩ nhãn khoa sẽ điều trị những tình trạng đó để khôi phục thị lực bình thường. Trẻ có thể cần phẫu thuật để mắt khỏe hơn, kích thích mắt yếu hoạt động hoặc đeo kính để điều chỉnh tật loạn thị.

Như vậy, không phải tất cả các trường hợp sụp mí đều cần phẫu thuật. Bác sĩ nhãn khoa sẽ đánh giá bệnh nhi và xác định xem có cần phẫu thuật hay không, dựa trên:

  • Tuổi của bệnh nhi
  • Sụp một hay cả hai mí mắt
  • Chiều cao mí mắt, độ rũ
  • Sức mạnh cơ nâng và đóng mí mắt
  • Quan sát chuyển động của mắt.

Con bạn cũng sẽ cần kiểm tra mắt thường xuyên để đảm bảo bệnh sụp mí đã được giải quyết và không xuất hiện các vấn đề về thị lực khác.

Phẫu thuật thường phục hồi được hình dạng và chức năng của mí mắt, tuy nhiên mí mắt có thể không đối xứng hoàn hảo. Trong một số trường hợp hiếm, chuyển động toàn bộ mí mắt không được sửa chữa thành công. Đôi khi, trẻ có thể cần nhiều hơn một cuộc phẫu thuật.

Nếu con bạn đang gặp vấn đề về sụp mí hoặc những ảnh hưởng khác tới thị lực, bạn có thể đưa con tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được bác sĩ kiểm tra và có những chỉ định phù hợp với tình trạng hiện tại. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ có những đánh giá và cần thiết có thể kết hợp cùng nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho trẻ.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói dịch vụ liên quan đến thị lực như:

  • Gói Glôcôm
  • Gói Ortho-K.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Nguồn tham khảo: parents.com - medlineplus.gov - rch.org.au

Video liên quan