Đóng vai người lính kể lại tình đồng chí trong thời kì kháng chiến chống Pháp

Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn học sinh lớp 9 làm bài văn đóng vai người lính trong bài thơ Đồng chí kể lại câu chuyện.

Tài liệu bao gồm 3 bài văn mẫu, hy vọng qua bài viết tham khảo, các bạn sẽ có thêm những ý hay cho bài viết của mình. Mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.

Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng Chí - Mẫu 1

“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

Mỗi lần đọc lại câu thơ ấy của Tố Hữu, trong tôi lại ùa về biết bao kỉ niệm của những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng. Tôi nhớ những ngày hành quân ra trận, nhớ những hôm liên hoan cùng bà con đồng bào. Nhưng có lẽ, để lại dấu ấn rõ nét hơn cả là những người đồng đội đã cùng tôi kề vai sát cánh.

Nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, tôi cùng nhiều người khác hăm hở lên đường đi đánh giặc. Vốn xuất thân là nông dân, hành trang của tôi chẳng có gì ngoài lòng nồng nàn yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Tôi được phân vào một đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trong đơn vị cũng có khá nhiều người có xuất thân và hoàn cảnh giống tôi, chúng tôi nhanh chóng làm quen và trở thành thân thiết. Điều đầu tiên chúng tôi trao đổi là về miền quê của mỗi người. Quê hương anh là một vùng chiêm trũng ven biển khó cấy cày làm ăn, còn quê tôi cũng chẳng khá hơn gì, là vùng trung du miền núi “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Phải chăng cùng xuất thân từ những miền quê nghèo khó đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn? Giữa bọn tôi tồn tại một sợi dây cảm thông kì lạ mặc dù chỉ vừa mới quen biết. Hơn nữa, ngoài có chung hoàn cảnh xuất thân, chúng tôi còn chung cả lí tưởng và mục đích chiến đấu. Những người nông dân vốn xưa nay chỉ quen tay cấy tay cày bỗng giờ phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ ruộng nương nhà cửa, những người thân yêu và miền quê yêu dấu. Nói chúng tôi ra đi mà không lưu luyến là nói dối, nhưng vận nước đang lâm nguy, chẳng một ai có thể ngồi yên chờ đợi. Tôi cùng đồng đội đành phải gác lại tất cả, quyết chí hy sinh vì Tổ quốc.

Tây Bắc vốn nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc. Những cơn sốt rét rừng vẫn còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ, khi nghĩ lại vẫn thấy rùng mình ớn lạnh. Ai trải qua rồi mới biết cái cảm giác bên trong thì lạnh buốt, bên ngoài thì nóng toát mồ hôi nó như thế nào. Thực tế, số đồng đội tôi chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả hy sinh ngoài trận mạc. Khi ấy, có một chiếc chăn đơn mà tận hai người đắp chung. Thế nhưng, chính cái thiếu thốn, gian khổ: “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” ấy đã khiến chúng tôi dễ dàng cảm thông và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Cuộc kháng chiến những ngày đầu vô cùng khó khăn vì phải chờ sự viện trợ từ quốc tế. Những ngày thiếu thốn quân trang quân bị, nhìn cái áo rách vai, cái quần có vài mảnh vá, chúng tôi chỉ biết cười, nắm tay nhau để cùng vượt qua khó khăn. Có cả những hôm hành quân trong rừng mà chân không giày, cộng với cái rét cắt da cắt thịt làm cho cuộc hành quân trở nên gian nan gấp bội phần.

Bên cạnh những khó khăn, gian khổ thường thấy, đời lính cũng không hiếm những phút giây lãng mạn. Những hôm phục kích chờ giặc, bên cạnh đồng đội, tôi còn có vầng trăng trên cao làm bạn. Ngắm nhìn ánh trăng chiếu rọi khắp nhân gian, khu rừng không còn âm u, vắng lặng mà mang nét thơ mộng, trữ tình hiếm có. Đêm càng khuya, vầng trăng càng chếch bóng xuống dần. Có lúc trăng như đang treo lơ lửng trên đầu ngọn súng, tâm hồn người chiến sĩ bỗng chốc biến thành thi sĩ.

Cuộc chiến đã đi qua hơn nửa đời người nhưng mỗi lần nhớ lại những năm tháng ấy, trong tôi dâng lên một niềm xúc động khó tả. Tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn chính là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến.

Đóng vai người lính kể lại tình đồng chí trong thời kì kháng chiến chống Pháp

Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng Chí - Mẫu 2

“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo toàn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui”

Mỗi lần nghe lại những giai điệu hào hùng này trong lòng tôi lại trào lên những cảm xúc khó tả. Tôi-người lính trong chiến dịch chống Pháp năm ấy. Những năm tháng mưa bom bão đạn, những năm tháng đói khổ gian nan và những năm tháng của tình đồng đội tình đồng chí keo sơn gắn bó đối với tôi là những năm tháng đầy giá trị và quý báu, khắc tạc nên những kỉ niệm chẳng thể phai nhòa trong ký ức và trái tim cách mạng nhiệt thành này.

Những người lính chúng tôi từ những miền quê khác nhau, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc cùng sum họp về đây, về dưới ánh sáng lý tưởng của ngọn cờ cách mạng. Buổi đầu với bao bỡ ngỡ, xa lạ chúng tôi chào hỏi nhau bằng những câu trân thành, chất phác : Quê anh ở đâu? Anh bạn nhập ngũ cùng tôi ngày ấy không ngần ngại chia sẻ: “quê tôi vùng ven biển ngập mặn, ít phù sao; mùa màng khó khăn” Tôi cũng thật thà đáp cùng : “Còn tôi lại sinh ra ở vùng quê xơ xác; đất đai cằn cỗi; cây cối hoa màu khó mà phát triển; kinh tế đói kém, chiến tranh tàn phá khiến cho đời sống con người khốn khó trăm bề” Cái vỗ vai thấu hiểu đầy cảm thông, sự sẻ chia nhọc nhằn; trân thành; và cả cái chất phác của những anh nông dân như đã xua tan đi mọi khoảng cách, mọi sự xa lạ, kéo những người lính chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đó cái mục làm quen của người lính nó mộc mạc, chất phác và giản đơn lắm các bạn ạ.

Chúng tôi đến đây vì ước mơ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hi vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn nhà, muôn nơi.

Trước khi về đây chúng tôi ai cũng đã từng có cho mình những ước mơ; hoài bão và cả những định hướng riêng cho cuộc đời mình. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi hiểu và chúng tôi khao khát biết nhường nào 2 chữ “Tự do”. Bởi vì thể chúng tôi vẫn quyết tâm hòa ước mơ riêng vào ước mơ chung; hi sinh cái tôi cá nhân; bỏ mặc lại quê hương; gia đình; tình yêu lên đường ra chiến trận nhập ngũ; đánh đuổi kẻ thù. Trong lòng chúng tôi cũng buồn lắm chứ, cũng nhớ và yêu quê hương da diết lắm chứ nhưng chúng tôi nhận thức được rõ ràng hơn cả: “Có độc lập quê hương, gia đình mới có thể thanh bình’. Chính động lực đó đã nâng bước những chàng trai trẻ ngày ấy mang súng hăng say ra chiến trận lập công.

Cuộc sống người lính bắt đầu với bao gian khổ, hi sinh và mất mát. Cơm ăn không đủ no, đi nhiều hơn ngủ; hành quân liên tục. Tôi còn nhớ mãi trận sốt rét giữa rừng hoang lạnh giá năm ấy. Những người đồng đội của tôi và cả tôi phải đối diện với căn bệnh quái ác- sốt xuất huyết; lương thực và thuốc men thì không kịp chi viện cho quân đội, chúng tôi cứ thế mê man, sốt run người. Khí hậu khắc nghiệt; địa hình hiểm trở như những con quỷ chỉ chực nuốt trọn những tấm thân gầy gò, xanh xao, bệnh tật ấy. Những đôi bàn tay nắm chặt, động viên an ủi; dìu dắt nhau qua những hang núi hiểm trở. Người ốm cõng người ốm, người ốm chăm sóc cho người ốm; cùng nhường nhau bát cháo loãng húp vội; đắp cho nhau chiếc khăn lạnh giữa chặng đường hành quân. Nhớ lại những tháng ngày đấu tranh nghiệt ngã với bệnh tật với thiên nhiên lòng tôi lại đau xót đến nhói lòng. Trận dịch bệnh năm ấy đã cướp đi của tôi biết bao người đồng đội, các anh nằm lại rải rác trên cung đường hành quân, được đắp vội tấm chiếu và tấm lòng thương tiếc của người ở lại. Và rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường hành quân, tiếp tục chiến đấu và sẻ chia cùng nhau.

Sẻ chia tình thần , sẻ chia vật chất trong cuộc sống gian khó; thiếu thốn của người lính. Áo anh sờn chỉ rách vai thì quần tôi đã có vài mảnh vá. Anh đừng lo, tôi ấm thì anh cũng phải ấm, một chiếc chăn cũng đủ cho đôi ta. Gió bấc ngoài kia cứ việc thét gào còn trong này tình thương ấm ấp của tôi với anh vẫn cứ thể rực sáng, nồng đượm.

Những người lính xa lạ từ mọi miền quê hương qua sự thử thách của đất trời, của khó khăn đã hun đúc nên tình cảm tri kỉ đáng giá, đó là tình Đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” với biết bao ân tình bao nghĩa nặng cao cả.

Đặc trưng của người lính chúng tôi là những cái nắm tay. Nắm tay để động viên nhau cùng cố gắng; nắm tay để kéo nhau đứng dậy, sải bước tiếp trên con đường cách mạng đầy trắc trở, nắm tay để trao nhau tình yêu thương, sự quan tâm và sẻ chia và cái nắm tay để hứa hẹn lập công giành chiến thắng, hẹn không xa sẽ trở lại mang theo niềm vui thắng trận.

Cuộc sống người lính giản dị mà ý nghĩa là thế đó. Người lính không biết nói những câu hoa mĩ, người lính chỉ biết nói cho thực cái bụng của mình, chỉ biết dùng những hành động để thể hiện ý chí và tấm lòng son sắt.

Còn nhớ mãi những đêm canh gác giữa rừng hoang giá buốt năm ấy. Trời thì lạnh buốt; gió cứ từng cơn ào ào; hối hả xả vào mặt tê tái nhưng chúng tôi vẫn thực hiện mọi nhiệm vụ canh gác như thường. Chúng tôi canh gác để đề phòng giặc tấn công bất ngờ; để canh cho giấc ngủ chớp nhoáng yên bình của các đồng đội khác. Ánh trăng đêm nay lên cao qua, sáng quá. Ánh trăng lan tỏa khắp không gian; treo trên mũi súng người lính. Tôi nghĩ đến ánh trăng hòa bình, có lẽ ánh trăng hòa bình sẽ còn đẹp và tròn vành hơn nhiều. Trăng với súng sóng sánh bên nhau phải chăng biểu trưng cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, cho dự báo tương lai chiến thắng chẳng xa. Hình ảnh đấy thật đẹp; thật lãng mạn; in sâu trong tâm trí tôi những đêm dài chiến đấu, phục kích và cho đến tận bây giờ…

Đất nước độc lập, thống nhất, chúng tôi trở về quê nhà, có những người lính người đồng đội đã mãi mãi hi sinh đã nằm xuống nhưng tình đồng chí của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên và đậm đà như thế. Cảm ơn lời thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã thay tiếng lòng của tôi gửi đến những người anh em thuở ấy. Tôi mong rằng máu sương của chúng tôi sẽ được thế hệ sau trân trọng và phát triển để dựng xây đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn nữa.

Đóng vai người lính kể lại tình đồng chí trong thời kì kháng chiến chống Pháp

Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng Chí - Mẫu 3

Tôi là một người lính từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Câu thơ của Tố Hữu đã ghi lại thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Mỗi khi đọc lên mọi cảm xúc lại dậy lại trong lòng khiến tôi bồi hồi khôn xiết. Phải chăng? Tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó là một trong những nguyên nhân góp vào chiến thắng tự hào dân tộc.

Chúng tôi đa số là những anh lính nông dân xuất thân từ những miền quê nghèo khó tôi hỏi bạn:

– Quê anh ở đâu

– Quê tôi ở vùng đồng bằng chiêm trũng ven biển khó làm ăn cày cấy lắm!

– Tôi cũng vậy. Quê tôi ở vùng đồi núi trung du nơi "Chó ăn đá gà ăn sỏi" cây cối xác xơ nghèo khó.

Có lẽ vì vậy mà chúng tôi dễ xích lại gần nhau chăng? Chính sự đồng cảm giai cấp khiến con người trở lên gần gũi dễ cảm thông chia sẻ.

Không chỉ vậy chúng tôi còn chung lí tưởng nhiệm vụ rời bỏ tay cày tay quốc. Chúng tôi cầm súng bảo vệ chính quyền non trẻ, nền độc lập tự do vừa mới giành được. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của bác Hồ kính yêu chúng tôi từ mọi phương trời xa lạ tập hợp trong hàng ngũ quân đội cách mạng…

Ngày ấy cuộc sống khó khăn gian khổ thiếu thốn lắm nhưng chính cái khó khăn gian khổ nắm cơm xẻ nửa chăn xui đắp cùng đã khiến chúng tôi gần gũi thân thiết tự lúc nào chẳng hay. Cái chăn đắp lại tâm sự mở ra thế là thành tri kỉ hiểu bạn hơn hiểu chỉnh mình tất cả gọi nhau là đồng chí, hai tiếng giản dị mà thiêng liêng biết mấy. Nó khẳng định chúng tôi cùng chung đoàn thể tổ chức, lí tưởng nhiệm vụ có sự bình đẳng gắn bó thân thiết có lẽ cách gọi ấy là kết tinh cao độ bậc nhất của mọi tình cảm từ tình giai cấp -> tình bằng hữu và cao hơn hết là tình người.

Ôi! Tiếng gọi thiêng liêng "Đồng chí"!

Là đồng chí của nhau chúng tôi chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm nhớ quê hương xuất thân từ giai cấp nông dân, với chúng tôi ruộng nương, gian nhà là những thứ quí giá nhất, giếng nước gốc đa là những gì thân quen nhất vậy mà chúng tôi đều bỏ lại. Tất cả ra đi vì nghĩa lớn. Anh bạn tôi tâm sự: Căn nhà không trống tuếch trồng toàng giờ đây lại thiếu vắng trụ cột gia đình nên càng trống vắng hơn giờ hết. Nhưng anh vẫn dứt khoát ra đi. Còn nước là còn nhà tất cả đều có chung suy nghĩ như vậy chẳng phải là thái độ vô tình bởi nếu vô tình chúng tôi chẳng nhận được nỗi nhớ của quê hương: Mẹ già, vợ trẻ, con thơ.

Là đồng chí của nhau chúng tôi còn chia sẻ những khó khăn thiếu thốn về quân trang quân phục động viên nhau vượt qua bệnh tật đó là những cơn sốt rét rừng tàn phá sức khỏe ghê gớm lại thiếu thốn thuốc men. Tôi thì áo rách vai, anh thì quần có vài mảnh vá. Tôi thì chân không giày, anh thì đầu không mũ, giữa những cái lạnh của núi rừng Việt Bắc thế mà tất cả vẫn sáng lên nụ cười lạc quan sưởi ấm cả không gian giá buốt.

Đặc biệt hơn nữa, là đồng chí của nhau chúng tôi còn chia sẻ tình cảm bền chặt, chân thành nhất thông qua cái nắm tay thay cho mọi lời nói không ồn ào nhưng cái nắm tay chất chứa bao điều muốn nói: Nắm tay để truyền cho nhau hơi ấm. Sưởi ấm đôi bàn chân buốt giá, cao hơn là truyền cho nhau nghị lực để vượt qua mọi khó khăn hiểm nguy. Và đó còn là lời chào lời hứa hẹn lập công trước lúc vào trận đánh chúng tôi thấu hiểu chẳng cần nói thành lời. Ôi tình cảm keo sơn ấy khiến tôi xúc động mãi.

Nhưng có lẽ kỉ niệm về những đêm sát cánh trong chiến hào phục kích chờ giặc tới in đậm khó phai trong tâm trí tôi nhất. Thời tiết khắc nghiệt vô cùng sương muối giá rét đầu ngón chân ngón tay giá buốt như có kim châm. Thế mà tôi và đồng đội vẫn cầm chắc tay súng chủ động chờ giặc tới, cái tư thế vành đồng vách sắt đã làm mờ đi mọi khó khăn ác liệt. Đêm ấy là một đêm có trăng. Trăng lơ lửng ở trên cao cứ xuống thấp dần thấp dần có lúc tưởng như treo đầu mũi súng.

Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ vầng trăng hòa bình trả lại sự bình yên cho dân tộc đất nước. Bên cạnh đồng đội của mình chúng tôi còn một người bạn nữa chính là vầng trăng. Trăng soi rọi bước đường hành quân trăng bầu bạn chia sẻ ngọt bùi. Trước giờ nổ súng vẫn thanh thản nhìn vầng trăng, tôi thấy mình và đồng đội có tinh thần thép cao đẹp biết bao! Và có lẽ Súng, trăng là một cặp đồng chí gợi ra bao liên tưởng thú vị. Súng và trăng là gần và xa là chất chiến đấu và trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ, chất thép chất thơ, chiến tranh và hòa bình, cứng rắn và dịu hiền bổ sung cho nhau khẳng định mục đích cuộc chiến đấu.

Cuộc chiến đã lùi xa hòa bình đã trở lại nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã ghi một mốc son trong lịch sử vàng dân tộc. Mong rằng thế hệ trẻ hiện nay biết kế thừa truyền thống cha ông, học tập tốt xây dựng đất nước hùng cường dũng mạnh cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lấn bờ cõi của kẻ thù.