Nguyên nhân trái đất hình cầu và hệ quả

Nguyên nhân trái đất hình cầu và hệ quả
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao trái đất hình cầu? Trong các vật do Đấng Sáng Thế tạo dựng, trái đất và các hành tinh đóng vai trò quan trọng nhất, do đó phải đẹp nhất, hoàn thiện nhất.  Hình cầu là vật thể mang đầy đủ các tố chất như vậy!

Về hình thức, hình cầu có hình dạng đơn giản nhất nhưng ưa nhìn nhất. Để dễ hình dung, có thể so sánh các hình phẳng, “bóng” của vật thể trên vách qua phép chiếu thẳng đứng. Rõ ràng trong các hình tam giác, thì tam giác đều có hình dạng đẹp nhất. Khẳng định này đúng cho các đa giác với số cạnh tùy ý. Trong các đa giác đều, số cạnh càng tăng thì hình càng đẹp. Chẳng hạn: Lục giác đều (sáu cạnh) đẹp hơn các loại hình tam giác đều, hình vuông (tứ giác đều) và ngũ giác đều (năm cạnh). Hình tròn là “Đa giác đều” số cạnh vô cùng, há chẳng phải đẹp nhất sao?

Nguyên nhân trái đất hình cầu và hệ quả

Dưới góc độ Toán học, thì hình cầu “tiện lợi” hơn cả. Hãy hình dung các đa giác đều cùng nội tiếp một đường tròn. Số cạnh càng tăng lên thì diện tích càng lớn thêm. Chẳng hạn cùng nội tiếp một đường tròn, thì lục giác đều có diện tích gấp đôi tam giác đều. Từ đó, khi số cạnh tăng tới vô cùng (đa giác đều biến thành hình tròn) thì diện tích của nó ắt lớn nhất. Suy rộng ra: trong các vật thể cùng diện tích bề mặt, thì khối cầu có thể tích lớn nhất. Tương tự, trong các vật thể có cùng thể tích, thì khối cầu có diện tích bề mặt nhỏ nhất…

Và do đó, trong các hành tinh cùng một độ lớn, nếu mang hình dáng quả cầu, nó sẽ chiếm một khoảng không gian tối thiểu trong vũ trụ.

Tính hoàn thiện về cả hình thức và nội dung của khối cầu thể hiện rất rõ trong các hình dạng các sinh vật-vật thể trong thiên nhiên-tự nhiên. Hình dạng các loài quả là một điển hình: đa số các loài quả đều có hình dạng khối cầu. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Phần lớn quả ngọt, nhưng không ít quả độc. Ngay trên một loài quả, biết đâu không có nửa ngọt nửa độc, như quả táo mụ dì ghẻ cho nàng Bạch Tuyết trong chuyện cổ tích nổi tiếng “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”?

Một thế giới loài người đa sắc, ắt các tiên nữ giáng trần và những mụ phù thủy ác độc xen kẽ không ít. Nhân nói về quả táo hai nửa hai màu, chợt nhớ đến “quả táo biết lành dữ” trong Vườn Địa Đàng. Quỷ dữ Sa-tan đội lốt con rắn đã lừa phỉnh tổ mẫu loài người Ever: “Hãy ăn đi, bởi ăn xong quả này ngươi sẽ khôn ngoan bằng Thiên Chúa”. Sau khi ăn nửa quả cấm, Ever đưa nửa quả còn lại cho chồng là tổ phụ Adam ăn nốt nửa còn lại. Hậu quả là hai người bị Thiên Chúa tống khỏi Vườn Địa Đàng, chịu đói chịu rét, tự lao động để nuôi sống mình và không còn được bất tử như Thiên Chúa.

Còn bao nhiêu cuộc xung đột, chiến tranh từ những “quả táo” (hình cầu) mà ra. Cuộc chiến tranh thành Troia giữa quân đồng minh và Hy Lạp được mô tả trong hai trường ca Iliad và Odysey của thi sĩ mù Homer, nguyên nhân cũng vì “quả táo” chẳng phải là một ví dụ sinh động đó sao? Chuyện bắt đầu bằng tiệc cưới của vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis. Tất cả các thần được mời tới dự tiệc, trừ ra Eris (Nữ thần Bất hòa, Xung đột, Lừa dối, Già nua, Buồn phiền…) là một nữ thần có tính nóng nảy, thường gây ra những tranh cãi giữa các thần. Tức giận, Eris bèn thả một quả táo vàng giữa bàn tiệc, có khắc chữ: “Cho người đẹp nhất!”. Ba nữ thần Athena, Aphrodite và Hera tranh nhau quả táo. Zesu không thể phân xử được quả táo dành cho ai nên Thần đã trao lại trọng trách này cho Paris, chàng trai đẹp nhất châu Á và là hoàng tử thứ hai của thành Troia. Cả ba nữ thần đều hứa hẹn ban cho Paris những đặc ân, nhưng cuối cùng Paris đã chọn Aphrodite, vì Aphrodite hứa sẽ ban cho chàng người phụ nữ đẹp nhất thế gian. Một thời gian sau đó, Paris tới viếng thành Sparta, được vua Sparta là Menelaus trọng đãi và đã gặp Helen, vợ của Menelau, một người có sắc đẹp tuyệt vời. Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã chiếm được trái tim của Helen và khi Paris rời Sparta, Helen đã bỏ Menelaus để trốn theo Paris. Menelaus vô cùng tức giận, bèn tìm cách trả thù Paris, gây ra cuộc chiến thành Troia.

Về mặt Vật lý, hình dạng khối cầu của quả đất giúp cho sự cân bằng giữa lực hút và lực đẩy tại mọi điểm trên bề mặt của nó, tạo nên lực hấp dẫn để mọi vật trong không trung đều rơi xuống bề mặt của nó theo lực hướng tâm, tự quay xung quanh nó và xung quanh các hành tinh khác theo luật vạn vật hấp dẫn. Đó là chưa kể đến hình dạng khối cầu sẽ hạn chế khả năng va chạm với các hành tinh khác.

Rồi cũng chính hình dạng khối cầu để quay và tự quay, đã giúp cho sự phân bố nắng mưa, gió bão, nóng lạnh… ở mọi điểm trên trái đất cân bằng hơn, do đó sự phân bố về động-thực vật, tài nguyên khoáng sản… đồng đều hơn. Hiển nhiên, không có sự cào bằng. Giả sử mọi điểm trên trái đất cùng một thời tiết, một khí hậu dẫn đến cùng những loài động-thực vật, thì tính phong phú và đa dạng của thiên nhiên cùng niềm hứng khởi của loài người sẽ chóng nhàm chán. Sự khao khát tìm tòi của mỗi người theo đó sẽ bị triệt tiêu; sự hấp dẫn vì được sống, được khám phá cái mới cũng sớm bị thủ tiêu. Cuộc sống như thế còn gì đáng sống nữa?

Tiếc thay, sự khao khát tìm đến cái mới, cái lạ không chỉ giúp cho con người ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời nó cũng tạo điều kiện cho cái ác nảy sinh và phát triển. Từ chỗ ghen tuông, cướp đoạt của nhau… đến những cuộc chiến tranh tàn khốc tranh giành nhau giữa các bộ lạc, tiêu diệt lẫn nhau giữa các dân tộc, hủy diệt nhau giữa các phe phái… Dưới chiêu bài “khai hóa văn minh” hay “gió đông thổi bạt gió tây”, các cuộc chiến tranh từng nối tiếp xảy ra không ngưng nghỉ; ngày mỗi độc ác hơn, man rợ hơn. Mỗi phát minh khoa học vừa mới giúp cho con người sống đầy đủ, hạnh phúc hơn, bỗng chốc biến thành công cụ giết người hàng loạt trong chớp mắt. Chẳng hạn như sự phát minh ra thuốc nổ đẻ ra súng đạn; những phát minh về Vật lý học hiện đại & Cơ học lượng tử đẻ ra bom nguyên tử và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân; những phát minh về Hóa học, Sinh học… là tiền đề của các cuộc chiến tranh “phi truyền thống” tinh vi hơn, man rợ hơn, rộng lớn hơn. Và cả những thành tựu của khoa học công nghệ 4.0 vừa chớm hé chẳng phải cũng đang dần từng bước bị lợi dụng cho một cuộc chiến tranh đại hủy diệt của loài người sắp tới?

*

Quả đất tự quay quanh mình nó và quay xung quanh mặt trời theo hướng từ Đông sang Tây đã tạo ra một kết cục tất yếu: Nền văn minh của loài người khởi từ phương Đông. Đó là một nền văn minh của buổi hừng dương trong lành, thánh thiện. Theo dòng lịch sử, nó chuyển sang phát triển mạnh mẽ, lên tới đỉnh chính ngọ ở Âu châu và tha hóa dần như buổi hoàng hôn ở trời Tây. Triết học Đông phương thâm trầm, sâu lắng; Triết học Tây phương ào ạt, mạnh mẽ; Dẫn đến cách sống, cách ứng xử của con người với con người, giữa con người với thiên nhiên cũng khác nhau. Kìa như phương pháp chữa bệnh: Đông y theo quan điểm duy trì, khôi phục cái đang tàn lụi hay bị mất, Tây y theo quan điểm cắt bỏ cái mục nát và cấy vào cái mới “ngoại lai” thay thế. Phương thức sản xuất, kinh tế và văn hóa giáo dục của hai phương trời cũng hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là ngược nhau!

Các cuộc cách mạng khoa học, đặc biệt là những thành tựu của Công nghệ thông tin & Cánh mạng 4.0 hiện nay đã làm thay đổi tất cả. Từ một thế giới hình cầu đa sắc, đa màu… đã dần biến thành thế giới phẳng hòa trộn, nhàn nhạt và đơn điệu. Người các nước ở phương Đông bây giờ nhảy múa và ca hát như người Âu Mỹ. Các cầu thủ bóng đá châu Âu cũng chơi bóng theo điệu tăng gô hay điệu sam ba của Nam Mỹ. Còn các cầu thủ Nam Mỹ cũng chơi bóng theo trường phái thực dụng, cơ bắp và tổng lực vốn là đặc trưng của bóng đá châu Âu. Ngay cùng trên một vùng Đông Á, các cầu thủ Nhật Bản chơi bóng theo trường phái kỹ thuật khéo léo của Nam Mỹ, còn các cầu thủ Hàn Quốc chơi bóng thiên về sức mạnh của Tây Âu. Sâu xa hơn, các triết gia châu Âu-Mỹ ra sức tìm hiểu, học hỏi triết học thâm sâu của phương Đông, trong khi các triết gia Á Đông lại chìm đắm trong đặc trưng “thực dụng hóa” của triết học phương Tây. Sự biến dạng, thay đổi của triết học là nguồn gốc của mọi sự đổi thay. Giao thoa về văn hóa, học hỏi về phương thức sản xuất và quan điểm, cách thức sống giữa các vùng miền là một truyền thống tốt đẹp của lịch sử loài người và là động lực phát triển của nhân loại; nhưng việc xóa nhòa các ranh giới, dẫn đến lai căng, biến chất lại là một thảm họa diệt vong của loài người. Bởi thế, việc gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi đất nước đã đến thời kỳ báo động đỏ.

Tuy nhiên, dù bảo vệ biên cương hay gìn giữ tinh hoa văn hóa của đất nước mình… cũng phải dựa trên tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững. Mọi hành động gây chiến bằng vũ lực, bằng những mưu chước chia rẽ cần được sớm phát hiện, lên án và ngăn chặn.

May thay, con người luôn có hai phần: Con và Người. Bên cạnh vô số những kẻ độc ác vô lương tâm, luôn xuất hiện những người thiện tâm, dũng cảm chống lại cái ác, chống lại sự bất lương, tàn bạo để tạo nên sự cân bằng của thế giới loài người. Trong những thời khắc cụ thể nào đó, cái ác có thể thắng thế, nhưng hy vọng và vững tin đến một ngày nào đó, cái ác sẽ bị hủy diệt, cái thiện sẽ lên ngôi. Dù ngày đó ở bên Bến vô cùng!

Nguồn Văn nghệ số 24/2022