Giới Thiều về trường THPT Nguyễn Gia Thiều

.

Trong cuốn " Điểm sáng văn hóa Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển"  do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát hành vào những ngày cuối năm 2013, có sự góp mặt của một số đơn vị trên địa bàn quận Long Biên. Ban biên tập xin được giới thiệu về ​Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
-----
Bước vào cổng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cảm nhận đầu tiên là quang cảnh sạch, đẹp với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Phải chăng đó là minh chứng cho lịch sử của ngôi trường giàu truyền thống.

Năm 1950, trường THPT Nguyễn Gia Thiều thành lập tại thôn Lạc Thổ - Sen Hồ - Thuận Thành – Bắc Ninh. Do trường ở gần Liễu Ngạn – quê hương của danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều nên được vinh dự mang tên ông. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, khai giảng năm học 1960 – 1961, trường tách riêng cấp III đặt tại ngõ 298 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. Trải qua thời gian, trường được xây dựng ngày càng khang trang đảm bảo cho học sinh được học trong những lớp học có đủ các trang thiết bị phục vụ tối đa cho việc học tập.

Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều học sinh của trường hăng hái tòng quân bảo vệ đất nước và đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, thầy và trò nhà trường lại nỗ lực dạy tốt học tốt trong thời kỳ đổi mới – xây dựng đất nước. Từ mái trường này biết bao thế hệ học sinh đã và đang là những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà giáo, thầy thuốc, giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, các doanh nhân hay những công nhân giỏi.

Đứng trước những khó khăn về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, nền giáo dục Thủ đô không nằm ngoài quy luật đó (đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, đội nghũ giáo viên trẻ chưa dày kinh nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học còn thiếu…) Song, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và thực hiện yêu cầu đổi mới của ngành, nâng cao chất lượng giáo dục, trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã từng bước vượt qua khó khăn vươn lên từ một trường bình thường trở thành một đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục Thủ đô. Điều đó đã được minh chứng bằng những kết quả cụ thể.

Sát sao trong công tác lãnh đạo, quản lý

Được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội, Chi ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên đã chung sức, phối hợp triển khai nghiêm túc, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, các kế hoạch, các cuộc vận động của ngành như: "Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm" gắn với Cuộc vận động "Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch"; việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; đặc biệt là Cuộc vận động "Hai không" của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Thừa hưởng kinh nghiệm các cán bộ quản lý tiền nhiệm, nhà trường luôn có một đội ngũ cán bộ quản lý là một khối đoàn kết thống nhất với các phẩm chất năng động, sáng tạo và hết lòng vì thế hệ trẻ, vì sự phát triển của nhà trường (trong 4 cán bộ quản lý có 1 đồng chí là thạc sĩ Toán, 2 đồng chí là thạc sỹ quản lý). Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn nhận thức rằng để có chất lượng dạy và học tốt phải có một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn giỏi (đây là nhân tố quyết định sự phát triển của nhà trường); để xây dựng một đội ngũ tốt phải có môi trường sư phạm tốt (tập kết lãnh đạo, cán bộ giáo viên, nhân viên luôn đoàn kết, nhất trí, tôn trọng, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống để tạo nên một Hội đồng giáo dục vững vàng).

Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; sự quan tâm chỉ đạo có hiệu qỉa công tác xã hội hóa giáo dục, tạo môi trường, khung cảnh sư phạm, đảm bảo lớp học đủ ánh sáng tiêu chuẩn, bàn ghế đúng quy định với học sinh THPT (nhà trường đã mua sắm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, máy tính nối mạng Internet, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, xây dựng phòng nghe nhìn); sự quan tâm đến việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp (hằng năm, vào dịp đầu xuân, Đoàn Thanh niên tổ chức trồng cây trong khuôn viên nhà trường, chăm sóc cây thường xuyên, tổ chức cho học sinh lao động vệ sinh sân trường nhằm giáo dục ý thức giữ gìn trường lớp sạch, đẹp, ý thức bảo vệ của công).

Chất lượng cao trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo

Với phương châm "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức tự học và sáng tạo", tiếp nối các thế hệ nhà giáo mẫu mực, giàu kinh nghiệm, nhà trường có một đội ngũ cán bộ, giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục hiện đại cùng với ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết, đạo đức trong sáng, tận tụy với nghề, gương mẫu, trung thực. Điều đó đã thể hiện ở những con số: 100% gia đình nhà giáo đạt gia đình văn hóa; một giáo viên đang theo học nghiên cứu sinh, 42/103 giáo viên là thạc sĩ và 5 giáo viên đang theo học sau đại học. Trường luôn dẫn đầu về phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao và đã được áp dụng, nhân rộng trong nhà trường; liên tục trường được nhận bằng khen của Sở Giáo dục&Đào tạo Hà Nội với danh hiệu "Đơn vị tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi" , đạt nhiều giải cao của Thành phố (giải xuất sắc môn Tiếng Anh, giải Nhất các môn Tiếng Anh, Toán, Hóa, Sử, GDCD, giải Nhì các môn: Tiếng Anh, Hóa, Địa và nhiều giải Ba ở tất cả các môn học; giải A1 Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp Thành phố…).

Để có được chất lượng cao trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà trường đã tích cực xây dựng quy chế làm việc, quy chế chuyên môn nghiêm túc, khoa học, yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên tự giác, trách nhiệm, thực hiện nền nếp, trang phục, phong cách theo chuẩn mực của nhà giáo; khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của ngành, của Sở Giáo dục&Đào tạo tổ chức, tham gia các khóa học sau đại học; tổ chức có hiệu quả các hội thảo, các hội nghị trao đôit rút kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ như: "Đổi mới phương pháp dạy học"; "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy"; "Vai trò của đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm đối với giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh của người Hà Nội"; "Xây dựng nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch"; "Vai trò của nhà giáo trong việc đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt" (các hội nghị "Giáo viên trẻ" được diễn ra ít nhất 2 lần/ năm nhằm bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trẻ, giáo viên có tuổi nghề dưới 5 năm); thao giảng đều đặn hằng tháng ở tất cat các bộ môn (qua đó, các tổ, nhóm chuyên môn có thể góp ý rút kinh nghiệm để xây dựng những bài giảng chất lượng hơn, hấp dẫn và hiệu quả hơn).

Ngoài ra, Ban Giám hiệu cùng với các tổ nhóm trưởng chuyên môn thường xuyên và định kỳ kiểm tra hồ sơ giáo án, dự giờ để nâng cao nền nếp chuyên môn cũng như ý thức phấn đấu của giáo viên, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, thiếu sót của giáo viên trong giảng dạy và công tác; tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giáo dục với các trường trong cụm và các trường tiêu biểu của Thành phố; động viên, khen thưởng kịp thời cán bộ, giáo viên, nhân viên; quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ giáo viên bằng nhiều hình thức.

Giáo dục toàn diện – khâu then chốt của sự thành công

Liên tục trong nhiều năm liền, trường THPT Nguyễn Gia Thiều luôn đạt 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, 70% đến 80% học sinh đỗ vào các trường Đại học và Cao đảng. Trường luôn có tỷ lệ học sinh đỗ Đại học cao trên toàn quốc và nằm trong tốp đầu của các trường THPT không chuyên của thành phố Hà Nội. Đội tuyển học sinh giỏi cũng là điều tự hào của trường. Bên cạnh các hoạt động thức đẩy học tập văn hóa (bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh kém, tổ chức hội thảo về phương pháp học tập, tổ chức các câu lạc bộ bộ môn), nhà trường luôn chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh với mục tiêu "nguồn lực con người" đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh của người Hà Nội được nhà trường thực hiện thông qua hội thảo trong các tiết sinh hoạt lớp được lồng ghép trong giảng dạy các bộ môn đặc biệt ở các môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý. Việc giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội" do Sở Giáo dục&Đào tạo Hà Nội biên soạn được nhà trường triển khai nghiêm túc. Trên quan điểm giáo dục: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn được vận dụng một cách sáng tạo, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên giảng dạy tài liệu này trong các giờ giáo dục ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch của tháng với phương châm: đưa nội dung giảng dạy về gần với thực tiễn cuộc sống, hướng tới sự chuyển biến về nhận thức và dần hình thành những hành vi ứng xử văn minh thanh lịch trong sinh hoạt hằng ngày.

Hiệu quả của việc giảng dạy Bộ tài liệu thực sự lan tỏa và đáng ghi nhận. Đội ngũ giáo viên nhận thức rõ hơn về vai trò của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ "dạy người", ý thức hơn về việc tự rèn luyện bản thân để trở thành tấm gương sáng cho học sinh bởi muốn có học sinh thanh lịch trước hết phải có giáo viên thanh lịch. Dường như sau những bài học này, mỗi thầy cô giáo đều tự nhìn lại mình, tự hoàn thiện mình để xứng đáng là một tấm gương, một minh chứng sống động nhất trong mắt học trò về nét đẹp thanh lịch, văn minh. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô giáo cũng chú ý ứng dụng các phương tiện dạy học hiện đại và các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho bài học. nhiều giáo viên chủ động lồng ghép nội dung trong bộ tài liệu để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như giáo dục nếp sống, phong cách giao tiếp, ứng xử nơi công cộng, thân thiện với môi trường và hội nhập…

Ấn tượng không thể quên là những phút nhập vai thể hiện sự lịch thiệp, tế nhị trong một số tình huống giao tiếp (trong sinh hoạt hằng ngày ở gia đình, trong các hoạt động vui chơi, dã ngoại ở nơi công cộng, trong học tập ở nhà trường…), là những bài thuyết trình đầy thuyết phục của học sinh về văn minh – thanh lịch người Hà Nội hôm nay… Ấn tượng không thể quên còn là sự  công phu và sáng tạo trong từng bài giảng của các thầy cô giáo: từ việc sắp đặt, bài trí một góc trải nghiệm về văn hóa người Hà Nội ngay trong lớp học; từ những tài liệu, tranh ảnh, phim tư liệu minh họa vô cùng  quý giá mà thầy cô sưu tầm được đến những hoạt động sôi nổi được tổ chức trong giờ học như: làm việc nhóm, thử nhập vai, thi tài hùng biện…, tất cả đều góp phần tạo nên một không khí riêng đầy hứng khởi, mang đậm nét văn hóa Hà Nội cho những giờ học về nếp sống thanh lịch – văn minh.

Đối với học sinh, việc học tập Bộ tài liệu có tác dụng hướng dẫn các em rèn luyện bản thân, biết ứng xử, hành động thanh lịch, văn minh, phát huy truyền thống cao đẹp của người Hà Nội "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh thịch cũng người Tràng An"; giúp các em thấy được vinh dự của học sinh Hà Nội gắn liền với những nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Do có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống cho nên Bộ tài liệu được phụ huynh đánh giá cao, ghi nhân đây là bộ tài liệu quý và thực sự cần thiết cho việc giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh Thủ đô.

Bên cạnh đó, giáo dục truyền thống cho học sinh là một nội dung được Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo sát sao. Năm nào cũng vậy, thầy và trò trường Nguyễn Gia Thiều đều hành hương về thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh dâng hương trong nhà thờ, viếng mộ cụ Nguyễn Gia Thiều và cung tiến những đồ tế khí trong từ đường. Thật cảm động khi dòng họ Nguyễn Gia đã coi trường Nguyễn Gia Thiều như một chi của dòng họ. Chùa Bồ Đề cũng là địa chỉ mà thầy và trò nhà trường thường lui tới và có những đóng góp tu bổ chùa, chăm sóc trẻ em mồ côi tại chùa. Hằng năm cứ đến dịp 27/7 nhà trường, Công đoàn, Đoàn Thanh niên lại tổ chức dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ quận Long Biên và phường Ngọc Lâm, thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà trường nhận chăm sóc suốt đời một em bé bị nhiễm chất độc màu da cam, nhiều thầy cô giáo trong trường nhận đỡ đầu  học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm nhà trường trợ cấp và thưởng hàng chục triệu đồng cho những học sinh nghèo vượt khó từ Quỹ học bổng Nguyễn Gia Thiều.

Để thích hợp với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, tâm thế để chuẩn bị gia nhập đội ngũ những người lao động trong xã hội đồng thời hình thành một số kỹ năng nghề cho học sinh giúp các em tiếp tục học tập và hành nghề trong tương lai. Giáo dục hướng nghiệp đã được đa dạng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với khả năng của mỗi học sinh. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc chương trình hướng nghiệp của Bộ Giáo dục&Đào tạo, nhà trường đã phối hợp với trung tâm dạy nghề Thanh Xuân tổ chức các lớp học nghề cho các em với những giáo viên giảng dạy nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhà trường thường phối hợp với các trường đại học cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các cuộc thi để thử nghiệm khả năng học sinh. Các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng chính là những chuyên gia tư vấn đắng tin cậy cho học sinh. Từ đó, các em đã có hướng chọn nghề thích hợp hơn và tự tin hơn với những nghề mà mình chọn. Trong kỳ thi học sinh giỏi nghề nhiều học sinh đã đạt giải cao và bộc lộ những năng khiếu, tài năng đặc biệt.

Việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cũng được nhà trường quan tâm triển khai như kỹ năng làm việc, hoạt động nhóm, rèn luyện sức khỏe, phòng chống tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình và chống bạo lực học đường…

Sinh hoạt tập thể được nhà trường thường xuyên tổ chức, nhân rộng và phát triển như các trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi lành mạnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn như khai giảng, 20/11, 8/3, 26/3, 30/4, 1/5 và sinh nhật Bác 19/5… Trường đã có nhiều học sinh đạt giải trong hoạt động văn nghệ thể thao do các cấp tổ chức như: Giải Nhất Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" thành phố Hà Nội, giải Nhất làm phim ngắn về "Bạo lực học đường", giai Nhất tiểu phẩm "Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội" và nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng của các tập thể và cá nhân trong các Hội khỏe Phù Đổng của học sinh Thủ đô với tất cả các môn.

Với những thành tích đó, liên tục trong nhiều năm, trường được công nhận là "Trường tiên tiến xuất sắc" của Thành phố Hà Nội; được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen, Cờ với các danh hiệu "Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua"; "Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua"; "tập thể lao động xuất sắc"…; được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao dộng hạng Ba, hạng Nhì và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2008. Năm 2013, trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", cô Phạm Thị Xuân Hương – Hiệu trưởng nhà trường vinh dự được nhận Bằng khen của Thành ủy Hà Nội.

Với chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ giáo viên và học sinh trường Nguyễn Gia Thiều có thể tự hào về truyền thống vẻ vang của nhà trường. Nơi đây đã ươm mầm và nuôi dưỡng những thế hệ học sinh mà hiện nay giữ những vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước, là những anh hùng trên mọi mặt trận, những trí thức, những nhà khoa học và hàng ngàn người lao động đã và đang góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là địa chỉ tin cậy để nhân dân Hà Nội nói chung và nhân dân quận Long Biên – huyện Gia Lâm nói riêng gửi gắm con em mình, góp thêm những thành tích vẻ vang, làm rạng danh mái trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều.