Có mấy loại mẫu hợp đồng

Hợp đồng là một cam kết thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (pháp nhân) để làm hay không làm một việc nào đó trong khuôn khổ của pháp luật. Hợp đồng có thể được thực hiện ngay khi các bên đạt được sự thoả thuận. Cùng với sự gia tăng nhu cầu trao đổi, nhất là từ khi giới thương gia hình thành, việc thực hiện hợp đồng dần dần tách khỏi thời điểm các bên đạt được sự thoả thuận, và hợp đồng dưới hình thức văn bản xuất hiện. Để chống lại sự gian dối, lật lọng trong giao dịch, hình thức văn bản có chứng thực, chứng nhận dần được hình thành. 

Ở Việt Nam hiện nay có ba loại hợp đồng cơ bản là HĐ Dân sự, HĐ Kinh Tế, HĐ Lao động các quy định về hợp đồng không được thể hiện một cách tập trung thành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, mà mỗi loại hợp đồng được quy định trong một văn bản như: Hợp đồng dân sự trong Bộ Luật Dân sự 2015; Hợp đồng lao động trong Bộ Luật Lao động 2012; Hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại 2005…

1. Hợp đồng Dân sự:

Theo đó Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng tại Điều 385 như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Việc thực hiện hợp đồng dân sự phải tuân theo nguyên tắc sau đây:

  • Thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận trong nội dung của hợp đồng về chất lượng, sổ lượng, chủng loại của đổi tượng; về thời hạn; về phương thức và các thỏa thuận khác.
  • Thực hiện hợp đồng một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau.
  • Khi thực hiện hợp đồng không được làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó.

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Có mấy loại mẫu hợp đồng

2. Hợp đồng thương mại:

Hiện nay pháp luật nước ta không quy định cụ thể hợp đồng thương mại là gì. Tuy nhiên có thể căn cứ vào quy định hoạt động thương mại tại Luật thương mại 2005 để từ đó hiểu được khái niệm hợp đồng thương mại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 thì Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Như vậy có thể hiểu hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân để thực hiện hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Như vậy, chủ thể của hợp đồng thương mại là các thương nhân, mục đích của hợp đồng thương mại là mục đích sinh lời.

Khi một hoặc các bên muốn giao kết hợp đồng, thì bên muốn giao gửi đề nghị giao kết cho bên được giao kết hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Khi hợp đồng thương mại được giao kết hợp pháp và đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết trong hợp đồng. Khi một bên vi phạm hợp đồng mà gây ra thiệt hại cho bên kia thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

3. Hợp đồng Lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;

Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thoả thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, để các HĐ được đảm bảo đúng, đủ,  phòng tránh được những rủi ro trong các giao kết hợp đồng cần phải là người có chuyên môn vững vàng về pháp lý mới đảm bảo được các tiêu chí trên, bởi vậy, trước khi soạn thảo hợp đồng bạn phải nghiên cứu kĩ các quy định của pháp luật có liên quan đến loại hợp đồng đó hoặc nhờ tham vấn của các đơn vị tư vấn luật phòng tránh những rủi ro cho cơ quan và trách nhiệm sau này.

Nếu bạn vướng mắc một trong những vấn đề nêu trên hãy gọi ngay tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ 1900 088 826  để các Luật sư tư vấn hỗ trợ giải quyết.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật Minh Hoàng.